Một nhà báo bị hành hung dã man: Chỉ xử phạt hành chính

Thời sựThứ Sáu, 26/03/2010 06:15:00 +07:00

(VTC News)- Theo kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT CA huyện Cao Lộc, Lạng Sơn: Không khởi tối vụ hành hung nhà báo Trần Thế Dũng và chỉ có 1/10 người nhận tội.

(VTC News) - Theo kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT CA huyện Cao Lộc, Lạng Sơn vừa thông báo, có 2 điều phi lý: Không khởi tối vụ hành hung nhà báo Trần Thế Dũng và chỉ có 1 người nhận tội trong tổng số gần 10 người hành hung nhà báo.

Sau hơn 2 tháng nhà báo bị hành hung mới có kết quả điều tra

Kết luận của Công an Cao Lộc vừa gửi tới nhà báo Trần Thế Dũng ngày 25/3.

Hôm nay (5/3), nhà báo Trần Thế Dũng (Báo Người lao động) đã nhận được Thông báo kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT CA huyện Cao Lộc, Lạng Sơn về vụ nhà báo này bị một nhóm người hành hung vào tối 6/1/2010, khi đang điều tra khám phá tình hình buôn lậu gia cầm nơi biên giới.

Theo thông báo này, Cơ quan CSĐT CA huyện Cao Lộc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ cố ý gây thương tích cho nhà báo Trần Thế Dũng.

Kết quả này có được sau hơn 2 tháng rưỡi kể từ ngày nhà báo Trần Thế Dũng bị hành hung dã man. Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích (số 53/2010/TTPY ngày 8/2/2010) của Trung tâm Pháp y tỉnh Lạng Sơn kết luận mức độ tổ hại cho sức khỏe của Trần Thế Dũng với tổng tỉ lệ là 02%.

Trong khi đó, trích sao bệnh án của Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) với bệnh nhân Trần Thế Dũng là: chẩn đoán chấn thương sọ não kín, tụ máu quanh hốc mắt 2 bên, tụ máu xung huyết 2 mắt. Bệnh viện Việt - Đức đã chỉ định điều trị truyền dịch bổ trợ não, kháng sinh… Cùng với đó, trên thân thể nhà báo Trần Thế Dũng vẫn còn nhiều vết bầm tím, xây xước, răng bị tổn thương phải nẹp… Trước khi nhập viện Việt Đức, nhà báo Trần Thế Dũng cũng đã được điều trị 2 ngay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.

Bệnh án của Bệnh viên Việt Đức về tình trạng sức khỏe của nạn nhân nhà báo Trần Thế Dũng sau khi bị hành hung.

Nhà báo Trần Thế Dũng cho biết, kể từ khi bị hành hung (ngày 6/1/2010) thì đến hơn 1 tháng sau (ngày 8/2), CA huyện Cao Lộc mới đưa người bị hại đi giám định chấn thương.

Theo ông Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, việc kéo dài thời gian giám định sau hơn 1 tháng của cơ quan CSĐT CA huyện Cao Lộc là quá bất thường và có dấu hiệu bao che cho những người hành hung. Ông Triển khẳng định: “Với mức độ chấn thương của nhà báo Trần Thế Dũng không thể là 02%. Đáng nói là với việc hành hung có tổ chức nhà báo đang tác nghiệp đã đủ yếu tố để khởi tố vụ án mà không cần phải xét đến tỷ lệ thương tật”.

Những điều khó hiểu

Cũng theo kết quả điều tra của Công an huyện Cao Lộc thì: đã làm rõ đối tượng Phan Bình An, sinh năm 1975, trú tại số 12, ngõ 13, đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn là người thực hiện hành vi dùng chân, tay đánh nhà báo Trần Thế Dũng vào tối 6/1/2010 (ngoài ra không làm rõ được tối tượng nào khác). Phan Bình An bị xử lý vi phạm hành chính.

"Nạn nhân" vụ hành hung, nhà báo Trần Thế Dũng cho biết, ngay sau khi bị hành hung khoảng 40 phút, anh đã được đưa đến hiện trường, với hàng chục nhân chứng có mặt tại đây. Anh Dũng đã trình báo toàn bộ sự việc (có biên bản) và nhận mặt một số người (qua ảnh) trong số những người tham gia vụ tổ chức hành hung. Thậm chí, người bị hành hung còn cung cấp tên, số điện thoại, vị trí ngôi nhà của một người tham gia vụ đánh.

Mới đây, trong buổi đối chất giữa nhà báo Trần Thế Dũng và đối tượng hành hung Phan Bình An (ngày 4/3/2010) tại CA huyện Cao Lộc thì chính Phan Bình An cũng thừa nhận có nhiều người tham gia vụ tấn công. Tuy nhiên, một thanh niên khác là người đã tìm kiếm nhà báo Trần Thế Dũng tại làng Kéo Kham và cùng với Phan Bình An tấn công anh đầu tiên lại không hề được nhắc trong kết quả điều tra của Công an huyện Cao Lộc.

Nhà báo Trần Thế Dũng được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn đêm 6/1/2010.

Tường trình của nhà báo Trần Thế Dũng ngay sau khi xảy ra vụ hành hung cũng nêu rõ: trong khi bị hành hung và khống chế đưa lên ô tô chở về CA thị trấn Đồng Đăng (thuộc địa bàn huyện Cao Lộc), Phan Bình An đã liên tục dùng lời lẽ đe dọa, thách thức pháp luật như: “Tao đưa mày vào công an xem mày làm gì được tao”. Đối tượng này cũng nói chuyện qua điện thoại với một nhân vật khác về vụ việc và ngang nhiên tuyên bố: “Em đã dạy cho nó một bài học rồi, anh yên tâm”.

Và chính Phan Bình An cùng gã thanh niên trẻ chủ mưu tấn công đã đưa nhà báo Trần Thế Dũng vào trụ sở Công an Thị trấn Đồng Đăng.

Ngay sau ngày nhà báo Trần Thế Dũng bị hành hung, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ (7/1), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết: "Tôi vừa đọc báo và có chỉ đạo phải xử lý nghiêm và đúng pháp luật". Cũng trong chiều 7/1, Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn Phùng Thanh Kiểm đã chỉ đạo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ việc và sẽ nghiêm trị những kẻ côn đồ. Và theo thượng tá Nguyễn Trung Thực, trưởng công an huyện Cao Lộc, Lạng Sơn thì Công an huyện Cao Lộc đã xác minh và nhận định sự việc khớp với trình báo của phóng viên Trần Thế Dũng và sẽ tích cực truy xét ra các đối tượng tham gia vụ hành hung này...

Chiều ngày 25/3, nhà báo Trần Thế Dũng thở dài khi tâm sự với VTC News: Theo các anh, việc 10 người đánh chỉ "tìm ra" được 1 người; việc "chậm trễ đến khó hiểu" trong việc đưa tôi đi giám định thương tật...  có thể được coi là đã "xử lý nghiêm và đúng pháp luật", được coi là "nghiêm trị những kẻ côn đồ", hay được coi là "tích cực truy xét ra các đối tượng tham gia vụ hành hung" hay không?

PV

Bình luận
vtcnews.vn