"Bảo tàng" đặc biệt của lão "dị nông" tuổi 80

Thời sựThứ Bảy, 20/03/2010 08:06:00 +07:00

Đến thời điểm hiện tại, ông đã có hàng trăm hiện vật, mô hình có giá trị. Đó là thành quả của nhiều năm sưu tầm và tìm kiếm.

Ở cái tuổi 82, cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Trần Hữu Hám ngụ tại thôn La Chữ, xã Hương Chữ (Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) vẫn rất khỏe. Hằng ngày ông vẫn chăm sóc cây cối trong vườn và đặc biệt chăm sóc "bảo tàng" của mình. Đến thời điểm hiện tại, ông đã có hàng trăm hiện vật, mô hình có giá trị. Đó là thành quả của nhiều năm sưu tầm và tìm kiếm. Nhắc đến ông Hám, ai cũng biết: Ông Hám “bảo tàng”.


Được các con "chu cấp" cho ông gần 1 triệu đồng mỗi tháng nhưng ông không tiêu mà luôn dành dụm tất cả để mua lại các hiện vật. Tính đến thời điểm hiện tại, "bảo tàng" của ông Hám đã lên tới hơn ba trăm các nông cụ, hiện vật, mô hình có giá trị như: Cối xay lúa, máy tuốt lúa, đạp nước, ang đong lúa, xe quạt lúa, gánh nước, hầm bí mật… tất cả đều rất gần gũi với làng cảnh nông thôn Việt Nam.

Mười năm đập đá làm đường

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, có lẽ vì vậy mà hình ảnh về nông thôn đã ngấm vào máu của ông tự bao giờ không rõ. Ông luôn giữ cho mình một cái hồn của nông thôn Việt Nam. Nhiều năm qua, ông Hám đã đi rất nhiều nơi để sưu tầm, tìm kiếm những nông cụ, những vật dụng một thuở gắn bó mật thiết với đời sống người nông dân. Công việc đó được đánh dấu từ khi ông rời vị trí Phó Quản trị hành chính Trường THPT Đặng Huy Trứ.

Sau khi nghỉ hưu, công việc đầu tiên ông Hám làm là sửa lại con đường nhỏ vào thôn La Chữ. Ông cho biết: "Lúc đầu thấy tôi làm như vậy các con tôi ngăn cản lắm. Chúng nó bảo tuổi ba cao rồi còn làm mấy cái việc nặng nhọc đó làm gì, nhưng tôi không nghe. Tôi thấy việc đó có ích cho bản thân và mọi người nên tôi vẫn cứ làm".

Ông Hám và “bảo tàng” nông cụ của mình 
Ngày tháng dần trôi, hằng ngày ông xúc đất đá, đập những cục đá to, luân chuyển đá từ các nơi khác tới để làm nền đường. Cũng giống như suy nghĩ ban đầu của các con ông, nhiều người dân trong xóm thấy vậy cũng cho ông là gàn dở, cười chê, xem ông là "vác tù và hàng tổng". Bỏ qua hết những lời nói xung quanh, ông Hám vẫn tiếp tục làm và làm rất hăng say.

Sau nhiều tháng làm đường không biết mệt mỏi, hình dáng của một con đường bắt đầu hình thành. Đến lúc này mọi người mới nhận ra những việc ông Hám là quả thật rất có ích nên cũng tham gia làm cùng ông. Người nào không trực tiếp tham gia được thì góp tiền mua nguyên vật liệu, mua đất đá, ai cũng muốn góp công sức của mình cho một con đường chung.

Trải qua gần 10 năm cùng chung sức đồng lòng, con đường vào thôn La Chữ cuối cùng cũng hiện nguyên hình. Một con đường cấp phối rất đẹp làm cho giao thông đi lại của người dân trong thôn thuận tiện hơn. Đó là con đường được làm từ kinh phí của nhiều người mà người đầu tiên khởi xướng là ông Trần Hữu Hám.

Lưu giữ cho thế hệ mai sau

Tính đến thời điểm hiện tại, "bảo tàng" của ông Hám đã lên tới hơn ba trăm các nông cụ, hiện vật, mô hình có giá trị như: Cối xay lúa, máy tuốt lúa, đạp nước, ang đong lúa, xe quạt lúa, gánh nước, hầm bí mật… tất cả đều rất gần gũi với làng cảnh nông thôn Việt Nam.

Tâm sự với ông Hám, chúng tôi được biết ý tưởng của ông bắt nguồn từ một lần tình cờ nhìn thấy tấm hình của hai cô con gái mình đang vừa học vừa đạp nước được treo tại một phòng tranh trong TP Huế. Ông nhớ lại: "Nhìn thấy tấm hình, kí ức về những ngày khó khăn gian khổ tự nhiên bùng lên trong tôi, lúc đó một khát vọng muốn tìm kiếm những cái gì có liên quan đến những ngày "thắt lưng buộc bụng" để nuôi con trưởng thành cứ dâng trào và như thế nó đã lôi cuốn tôi cho đến giờ mãi không thôi".

Được các con "chu cấp" cho ông gần 1 triệu đồng mỗi tháng nhưng ông không tiêu mà luôn dành dụm tất cả để mua lại các hiện vật. Suốt 15 năm ròng rã, rong ruổi khắp miền quê, không chỉ ở Huế mà còn ra tới Quảng Trị, Quảng Bình, vào Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… để sưu tầm các mô hình về cái cày, cái bừa, con trâu, lư đồng, chuông đồng, máy đạp nước, cối giã gạo... làm phong phú thêm cho bảo tàng của mình.

Tiếng lành đồn xa, nhiều năm qua ngôi nhà nhỏ của ông luôn là địa chỉ để tham quan, du lịch thu hút nhiều du khách trong nước cũng như nước ngoài. Ông tâm sự: "Tôi còn muốn kiếm được thật nhiều hơn nữa để lưu lại những hình ảnh quý giá, những gian khổ khó khăn về nông thôn Việt Nam cho thế hệ mai sau, nhưng do tuổi cao rồi nên dù có muốn cũng khó".

Ông cho biết, nếu có thể ông sẽ hiến tặng các hiện vật mà ông đang có cho Bảo tàng Thừa Thiên - Huế. Đó sẽ là nơi tốt nhất để lưu giữ, đồng thời trưng bày những gì mà ông đã có và đang có.




Theo CAND

Bình luận
vtcnews.vn