Bi hài chuyện thưởng Tết cho ôsin

Thời sựThứ Sáu, 26/02/2010 06:47:00 +07:00

(VTC News) – Sau một ngày tất bật về thấy nhà cửa bề bộn nên chị lên tiếng trách mắng. Chỉ chờ thế, bà giúp việc ra đường, đập đầu vào cổng khóc lóc...

(VTC News) - Với tiêu chí thưởng Tết sao cho người giúp việc cảm thấy “vừa lòng”, còn mình yên tâm là ra Tết, người giúp việc sẽ quay trở lại, chuyện lương thưởng cho ôsin dịp Tết vừa qua khiến không ít gia đình đau đầu.

“Họp kín” để thưởng Tết ôsin

Đoán trước công việc sẽ “bù đầu” vì thiếu osin những ngày sau tết, trước tết cả tuần, gia đình chị Thanh Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) phải “họp kín” rất nhiều lần nhằm thống nhất mức thưởng cho cô Oanh, giúp việc của gia đình từ 3 năm nay.

Chị Hoa cho biết: “Nhà mình “nuôi” rất nhiều "đời" osin rồi nhưng mãi đến cô Oanh mới ưng ý. Cô ấy không nhanh nhẹn nhưng làm việc gì cũng rất cẩn thận, chu đáo. Con nhà mình một tay cô ấy chăm bẵm từ bé, giờ hơn 3 tuổi mà lúc nào cũng “mẹ ơi, cô Oanh””.

Với tiêu chí thưởng tết sao cho cô giúp việc cảm thấy “vừa lòng”, còn mình yên tâm là ra Tết, người giúp việc sẽ quay trở lại, chị Hoa kể:  “Trước khi cô Oanh về quê, gia đình mình đã cuống quýt “hối lộ” bằng nhiều cách để giữ chân. Mẹ mình phải đi mua quần áo và cả đồ thờ cho cô Oanh vì gia đình họ mới xây nhà. Sau đó, mỗi thành viên trong gia đình “mừng tuổi sớm” cho 2 con nhỏ của cô ấy. Thôi thì, Tết nhất mình chịu tốn kém một tý, nhưng người giúp việc thấy gia đình “tâm lý”, ra Tết chịu khó lên sớm, chứ “lặn mất tăm” thì không biết xoay sở thế nào”.

Trông em bé, nhu cầu cấp thiết của nhiều gia đình sau Tết. Ảnh minh họa  

Chu đáo là thế, nhưng chờ mãi hết mùng 8 vẫn chưa thấy cô giúp việc lên chị Hoa không giấu được vẻ lo lắng: “Cả Tết vừa trông con vừa tiếp khách rồi làm cơm cúng ông bà, mình xoay như chong chóng. Mùng 9 đi làm lại mà thằng bé vẫn chưa có ai trông. Không lẽ xin nghỉ việc cả tuần để ở nhà… trông con?”.

Trên một số diễn dàn lớn dành cho phái đẹp, chuyện thưởng Tết ôsin cũng được đem ra bàn luận rất sôi nổi. Thành viên “Meyeucu” ở diễn đàn Web trẻ thơ bày tỏ: “Gia đình tớ đã bàn với nhau rất kỹ chuyện thưởng Tết cho người giúp việc. Bố tớ bảo cứ thưởng như năm ngoái, tức là mỗi người 1 phần bánh kẹo chừng 200 nghìn, 1 quyển lịch, 1 bộ ly cốc (năm ngoái là ly chân dài, năm nay thì ly uống cafe) cùng 500 nghìn tiền mặt. Tớ đồng ý với bố, nhưng mẹ tớ thì muốn thêm 1 chút tiền là 700 nghìn đồng và muốn họ làm giúp cho đến cuối giờ chiều 30 tết, chứ Mọi năm nghỉ từ sáng 30”.

Mặc dù đã “tính toán” kỹ là thế nhưng một khi người giúp việc về, chuyện họ có lên đúng hẹn hay không thì… vẫn phải chờ.


Osin đề nghị… thưởng Tết


26 tết, vừa xong việc cơ quan, tất bật về đến nhà, chị Thanh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cô giúp việc chào đón bằng câu tuyên bố “gọn hơ”: "Cô ơi, năm nay cháu xin phép về Tết từ ngày mai nhé. Qua rằm cháu lên”.

Chị chưa kịp hiểu thế nào, cô giúp việc giải thích: “Ở quê cháu, không ai đi làm trước rằm hết cô ạ!”. Không những thế, sau một hồi tần ngần, cô bé 18 tuổi dè dặt: “Năm nay cô thưởng Tết cho cháu bao nhiêu ạ”?


Chị Thanh kể lại mà vẫn chưa giấu được sự ngạc nhiên: “Con bé vào nhà tôi gần cả năm rồi. Thấy nó chăm chỉ, sạch sẽ, chăm sóc ông cụ ốm chu đáo nên tôi đã dự tính lương thưởng cả. Tôi tính, 28 nghỉ tết sẽ dẫn nó đi chợ, xem nó thích gì thì mua biếu để nó đem về làm quà. Nhưng khi nghe nó đặt vấn đề thẳng thừng thế, nói thật, tôi hơi bất ngờ và “sốc””.

Nói thì thế nhưng sau một ngày... suy nghĩ chị Thanh vẫn làm theo dự định của mình. Một mặt ngọt nhạt để cô bé ở lại làm giúp chị đến hết ngày 28 Tết, mặc khác vừa làm tư tưởng để rmùng 7 Tết cô bé quay trở lại.

"Nó hỏi chuyện thưởng cũng là quyền lợi chính đáng. Thôi thì cũng nằm trong dự tính của mình. Mắng nó hay cho nó thôi việc chỉ mình khổ thôi. Chỉ riêng việc trong mấy ngày Tết, vừa lo việc nhà vừa phải thay nhau trông ông cụ ốm liệt giường mấy tháng qua là thấy không thể đi đâu được. Chỉ mong nó đừng về luôn...”, chị Thanh nói như phân bua.


“Ăn vạ” vì sợ không có tiền thưởng


Không giống cô bé giúp việc nhà chị Thanh, anh Nam, cán bộ ngân hàng ở quận Hai Bà Trưng kể câu chuyện “nhớ đời” về bà giúp việc nhà mình Tết năm ngoái. Do vợ anh hơi thẳng tính nên bà giúp việc, đáng tuổi mẹ anh, thường tỏ ra rất e dè khi trò chuyện.

Tết năm ngoái, không biết bà nghe thông tin ở đâu cho rằng, vợ anh không thưởng Tết mà chỉ chuẩn bị một ít quà cho bà đem về mà đến những ngày giáp tết, bà “đình công” không làm gì cả. Mặt mày lúc nào cũng “sưng lên”, hết đứng lại ngồi, quan sát thái độ của vợ chồng anh.


Trong khi đó, vợ anh sau một ngày buôn bán tất bật ngoài cửa hàng thời trang, về thấy nhà cửa bề bộn nên lên tiếng trách mắng. Chỉ được dịp thế, bà giúp việc ra đường, đập đầu vào cổng nhà khóc lóc rằng vợ chồng anh keo kiệt, vắt kiệt sức lao động của bà trong khi tết nhất đến nơi mà chẳng cho bà tiền thưởng để bà sắm tết về cho con cháu. Hàng xóm và người đi đường được dịp kéo đến “săm soi”, khiến anh không biết giải thích thế nào.

Đến khi hỏi cặn kẽ thì biết do hằng ngày bà giúp việc hay trò chuyện với cô giúp việc nhà hàng xóm. Mấy hôm trước bà biết cô giúp việc ấy vừa được thưởng 1 tháng lương nên bà sốt ruột. Bà không dám nói với vợ anh bà quay sang… dò hỏi anh. Do không nắm được tình hình nên anh chỉ bảo, vợ anh đã chuẩn bị quà cho bà rồi. Thế là bà cứ tưởng chỉ có quà không có tiền nên đâm ra “ẩn ức”.

Đến bây giờ, bà giúp việc vẫn tiếp tục ở lại nhà anh nhưng đã được vợ anh “quán triệt”: “Việc trong nhà chưa tỏ thì đừng để ngoài ngõ đã tường”.

“Bấm bụng làm thân”

Trong khi đó, cũng chỉ vì muốn giữ chân bác giúp việc ở lại đến tận ngày 30 mà chị Ngọc Linh (Vĩnh Tuy – Hà Nội) phải “bấm bụng” mua quà làm thân với bác giúp việc, một người họ hàng xa của mẹ chồng chị. Trước Tết, bác giúp việc tỏ ý thích chiếc áo len mới chị mua biếu mẹ chồng nên chị “mạnh miệng” hứa sẽ mua cho bác một chiếc tương tự.

Hôm dẫn bác đi mua, không biết vô tình hay cố ý, bác giúp việc “hồn nhiên” chọn cho cô cháu gái chiếc váy xinh xinh, lấy thêm cho cô con dâu một chiếc áo dệt kim khá đắt tiền mà theo bác là “nó mặc hợp lắm”. Chị kể: “Tôi biết chắc bác ấy không mang theo tiền nên đành phải thanh toán luôn. Đã thế mà vẫn phải vui vẻ để bác ấy không “nghĩ ngợi”. 1 năm mới có 1 lần, chỉ mong bác ấy ở lại giúp cho đến khi khi vợ chồng tôi được nghỉ tết”.
Chỉ cần người giúp việc chăm chỉ, hiền lành, nhiều gia đình sẽ không tiếc tiền lương, thưởng. Ảnh minh họa 

Cũng vì muốn “giữ chân osin” mà trước tết, dẫu công việc ngập đầu từ cửa hàng buôn bán tạp hóa, chị Ngọc (khu đô thị mới Văn Quán, Hà Đông) vẫn phải tranh thủ đưa cô bé giúp việc đi mua sắm quần áo mới, mua quà về cho các em cô bé ở quê. Biết bố của cô bé thích món khô bò, chị đã đặt trước hàng ngon để cô bé đem về làm quà biếu. Chị bảo: “Tìm người giúp việc không khó nhưng kiếm được người vừa được việc lại thật thà chăm chỉ thì “gay” đấy. Chính vì thế nên chỉ cần nó (người giúp việc – pv) chăm chỉ, hiền lành thì thế nào mình cũng không tiếc".

Thưởng, phạt phân minh

Mặc dù rất cần người giúp việc nhưng chị Thu Hà (khu Mỗ Lao, Hà Đông- Hà Nội) đưa ra quan điểm: “Mình phải phân minh với ôsin ngay từ đầu. Thưởng Tết thì vẫn thưởng, còn nhiều hay ít còn phụ thuộc vào khả năng, thái độ làm việc của ôsin. Trước khi ôsin về Tết, tôi cũng quán triệt rất rõ thời gian nghỉ, tùy thuộc vào quê quán của ôsin. Xa cho nghỉ nhiều, gần thì nghỉ ít, về sớm thì lên sớm, về trễ thì lên trễ. Chấp nhận được thì làm, còn không đồng tình tôi sẽ tìm người khác. Tôi muốn giữa người giúp việc và gia đình phải có một quy củ ngay từ đầu”.

Đó cũng là một cách để “níu chân” ôsin của chị Hà. Bởi theo chị, nếu cứ lúc nào cũng yêu chiều mà không nghiêm khắc với người giúp việc rất dễ xảy ra tình trạng họ “nhờn”, mình cứ phải chạy theo họ. Không biết có phải vì sự nghiêm khắc hay may mắn tìm được một người giúp việc biết điều, mà ôsin nhà chị Hà đã gắn bó với gia đình từ 3 năm nay.

Osin vẫn là nghề thời vụ

Theo bà Phan Thị Lời, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm 20-10 (72 Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, từ hôm làm việc trở lại, mỗi ngày trung tâm nhận 15 – 20 cuộc điện thoại  nhờ tìm người giúp việc. Phần lớn các khách hàng tìm người trông con nhỏ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc người ốm…

Mặc dù đã lường sự tăng đột biến về nhu cầu cần người giúp việc sau tết nhưng bà Lời cho rằng, nguồn cung thời gian này đang rất khan hiếm do tâm lý nhiều người vẫn muốn nghỉ hết tháng giêng hoặc chỉ muốn làm việc tại địa phương không phải đi xa. Tuy nhiên, bà Lời nhận định: “Gốc gác của vấn đề vẫn là nhận thức của người lao động và cả người chủ lao động. Người lao động vẫn không cho rằng giúp việc là một nghề chân chính. Nhiều người thường mang tâm lý e ngại, che giấu công việc thật sự của mình. Trong khi đó,người chủ lao động vẫn chưa có những chế độ đãi ngộ và coi trọng đúng mức người làm nghề giúp việc. Chính vì thế, giúp việc vẫn là nghề mang tính chất thời vụ”.


Lâm Viên – Trọng Trinh
Bình luận
vtcnews.vn