Cụ Rùa liên tục nổi: Sức khỏe cụ đang yếu đi?

Thời sựThứ Tư, 24/02/2010 12:50:00 +07:00

Rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh việc cụ Rùa liên tục nổi trong những tháng đầu năm 2010. Nhiều nhà KH nghi vấn rằng chất lượng nước Hồ Gươm là nguyên nhân.

Rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh việc “cụ Rùa” liên tục nổi trong những tháng đầu năm 2010 (mới đây nhất là mùng 9 Tết Canh Dần). Nhiều nhà khoa học nghi vấn rằng chất lượng nước Hồ Gươm kém là nguyên nhân của hiện tượng trên.

Nước hồ ô nhiễm, “cụ” khó ở

GS.TS Phạm Bình Quyền, Trung tâm tài nguyên và môi trường, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết hiện là thời điểm giao mùa, thời tiết bất thường nên có thể đây là một trong những nguyên nhân khiến “cụ rùa” thấy khó ở. Với nền nhiệt độ chênh nhau trong ngày lên đến gần 20 độ C, khiến môi trường nước mất cân bằng nhiệt độ, áp suất…

Bên cạnh đó, thời điểm này, thời tiết đang ấm dần là điều kiện thích hợp để các loại tảo phát triển (nước ô nhiễm cũng là môi trường lý tưởng để tảo phát triển). Tảo nở nhiều đã lấy đi lượng oxy lớn trong nước cũng là nguyên nhân khiến “cụ Rùa” phải ngoi lên mặt nước để lấy dưỡng khí.
 

Theo GS.TS Phạm Bình Quyềnthời điểm này tảo nở nhiều đã lấy đi lượng oxy lớn trong nước là nguyên nhân khiến “cụ Rùa” phải ngoi lên mặt nước để lấy dưỡng khí.

Những lần “cụ” nổi gần đây đều ghi nhận nhiều váng tảo nổi dày đặc và đen quánh bám xung quanh “cụ”. Điều này cho thấy, chất lượng môi trường sống của “cụ Rùa” đang có vấn đề. Theo TS Nguyễn Văn Sáng, Phòng Động vật có xương sống, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật - một chuyên gia về rùa, cho biết: Quan sát bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy, chất lượng nước hồ Gươm đang có vấn đề. Các nghiên cứu về sinh thái học trong điều kiện nuôi nhốt cho thấy các loài bò sát nói chung và loài rùa nói riêng có phản ứng rất nhạy cảm đối với sự thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm (do chúng là sinh vật biến nhiệt).

Có liên quan đến yếu tố tâm linh?

Nhiều người cho rằng, những lần “cụ Rùa” nổi lên thường gắn với một sự kiện văn hóa, lịch sử nào đó. Tuy nhiên, theo PGS.TS Hà Đình Đức, nhà khoa học được mệnh danh là nhà “Rùa hồ Gươm học”, đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng cũng rất khó lý giải. Năm 2007, “cụ” nổi 71 lần; tháng 1/2006 và tháng 1/2007 “cụ” nổi tới 13 lần. Vì thế, những ngày này “cụ” nổi nhiều cũng là điều bình thường.

Vì rùa hồ Gươm được gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu, nên được tôn là linh vật. Cũng vì lẽ đó, từ trước đến nay chưa có một lần khám sức khỏe cho “cụ”, bởi để bắt rùa không dễ dàng về mặt quản lý và cả tâm linh. Ngay cả việc xác định ADN của “cụ” cũng chưa thể thực hiện được (vì muốn xét nghiệm cần phải lấy một phần nào đó của cơ thể “cụ”. Các nhà khoa học cho rằng, để bảo vệ sức khoẻ “cụ Rùa”, chỉ còn cách là cải tạo môi trường nước.

Những lần “cụ Rùa” nổi lên từ đầu năm 2010
- Ngày 1/1, ngày đầu tiên của năm 2010, người dân dạo phố hoa chứng kiến “cụ” nổi lên khỏi mặt nước
-  Ngày 17/1, khi “cụ” nổi thì có nhiều váng tảo kèm theo.
- Ngày 26/1, “cụ” nổi lên gần như toàn bộ thân mình trong thời gian lâu, nhiều lần trong ngày.
- Ngày 22/2 (mùng 9 Tết), “cụ” lại nổi lên trước sự chứng kiến của nhiều du khách du xuân.

Theo Đất Việt

Theo bạn, điều gì khiến cụ Rùa Hồ Gươm liên tục nổi thời gian qua? Hãy gõ ý kiến vào ô "Phản hồi của độc giả về bài viết" dưới cuối bài. Gõ tiếng Việt có dấu để được đăng tải. Trân trọng!

Tội cụ rùa quá
[email protected]

Theo tôi nghĩ phải tìm cách làm sạch Hồ Gươm. ko phải vô lý mà cụ hay nổi lên như vậy. Chắc mối trường sống của cụ có vấn đề. Chúng ta phải tìm cách bảo vệ cụ trước khi quá trễ...


Bình luận
vtcnews.vn