Ước mơ của những người đau khổ nhất Việt Nam

Thời sựThứ Hai, 22/02/2010 10:31:00 +07:00

(VTC News) - Họ đã khóc hết nước mắt, thậm chí đau đến không còn cảm giác đau và cũng đã đi đến tận cùng ranh giới của sức chịu đựng con người...

(VTC News) - Có thể nói, giữa những mảnh đời đau khổ xuất hiện trên báo chí Việt Nam trong suốt 1 năm qua, họ thuộc diện đau khổ nhất. Nhưng hôm nay, họ đang từng bước đi qua khổ đau và giờ đây đang đứng dậy làm lại những gì đã đánh mất. Một năm mới đã tới, mỗi người lại có những ước mơ giản dị cho riêng mình.

Người đầu tiên xuất ngoại tìm con: “Gia đình tôi vẫn còn nợ hơn 10 triệu”

Tháng 5/2008, một người cha quanh năm chỉ gắn bó với ruộng đồng lại có thể  tìm ra được 2 người con sau 12 năm trời lưu lạc bên đất khách quê người
. Đó thực sự là một kì tích.

Người cha là Hà Như Hà ở thôn Hà Xá, xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Thời gian đó, báo chí cũng đã nhiều lần kể về câu chuyện của ông như một cổ tích giữa đời thường. Sau hơn 1 năm, cuộc sống của gia đình ông Hà có nhiều thay đổi nhưng cái nghèo vẫn mãi đeo đẳng.

Ông Hà cùng vợ trong ngày vui đoàn tụ với người con gái Hà Kim Lựu (Ảnh: CA TPHCM)

Nghe giọng nói khỏe khoắn, hào sảng không ai có thể nghĩ người đàn ông này năm nay đã 66 tuổi. Ông Hà cho biết, năm nay cả hai người con gái của ông là Hà Kim Lựu và Hà Thị Liễu đều bận không thể về ăn Tết cùng gia đình. Lựu hiện đang làm việc cho công ty giầy da Việt Lập ở tận Bình Dương. Do công ty nghỉ muộn nên Lựu không thể mua được vé xe.

Lựu cũng thường xuyên gọi điện về nhà thăm hỏi sức khỏe của bố mẹ và hỏi han 2 con đang ở với ông bà ngoại. Ở nhà, hai đứa con chị Lựu là Hà Trung Dũng (lớp 6) và Hà Quốc Thành (lớp 4) đều rất ngoan ngoãn. “Chúng nó chăn trâu, thường giúp ông bà dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm”, ông Hà kể. Nhiều năm liền, Dũng và Thành đều là học sinh khá, giỏi và nhận được nhiều giấy khen của nhà trường.

Tết năm nay, gia đình ông Hà vui hơn mọi năm vì mọi công việc đều thuận lợi. Ông Hà khoe, nhà ông giết con lợn nửa tạ để ăn Tết và gói hơn trăm cái bánh trưng.

Tuy vậy, sau một năm làm lụng vất vả, gia đình ông vẫn còn  hơn 10 triệu chưa trả hết. Tôi hỏi ông về ước muốn những gì cho một năm mới, ông Hùng chỉ dám mong ước nho nhỏ: “Nhờ trời cho gia đình tôi được mạnh khỏe để còn làm trả hết số nợ còn lại”.

Cô gái nô lệ tình dục 12 năm đón tết đơn độc

12 năm bị bán và sống ở Trung Quốc, Hoài chưa năm nào được đón một cái tết trọn vẹn. Hoài nhớ như in năm đầu tiên cô bị đưa sang Trung Quốc. Chỉ chưa đầy 1 năm, Hoài đào thoát bất thành và bị bán lại cho 2 người đàn ông. Cái tết đầu tiên cũng là lúc cô đang ở nhà người chồng thứ 2, lúc này cô chỉ mới 10 tuổi nhưng phải đảm nhiệm vai trò của người vợ đã trưởng thành. Tất cả thực sự quá mới mẻ, từ ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày cho đến công việc dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón một cái tết ở đất  nước Trung Quốc xa lạ.

Đối với Hoài, 12 năm ở xứ người dường như không có tết.

Hoài nhớ, vào đêm giao thừa nhìn thấy pháo hoa nổ trên bầu trời, Hoài tưởng như  lúc ở nhà khi đang ngủ say thì được mẹ lay dậy ra sân đứng xem. Rồi như một phản xạ vô điều kiện, Hoài chạy ra nhìn lên bầu trời  chăm chú. Vừa lúc đó người chồng đáng tuổi ông từ trong nhà bước ra tát cô một cái nổ đom đóm mắt. Sợ hãi, cô chỉ biết bỏ vào nhà trùm chăn lại khóc thút thít, rồi thiếp đi lúc nào không hay.
 
Không chấp nhận được cuộc sống quần quật làm việc suốt ngày, cô quyết định đào thoát và rơi vào tay bọn buôn người. Cô bị bán cho một người đàn ông trung niên. Thời gian ở đó, cô sinh hạ được một con trai và một con gái. Làm việc quần quật hàng ngày nhưng xin tiền mua sắm  chút ít  cho ngày tết cũng không được.


Đêm giao thừa, hàng xóm đốt pháo, Hoài bế 2 con ra xem rồi nhìn lên bầu trời không biết hướng nào là quê hương mà hai hàng nước mắt lăn dài trên má. Hai đứa con nhỏ nhìn thấy mẹ khóc thút thít, chúng sợ hãi chỉ biết cào bấu chặt lấy mẹ.

Sau 12 năm lưu lạc xứ người, năm nay Hoài không còn phải đón tết một mình mà bên cạnh cô là gia đình và bạn bè hàng xóm. Cuộc sống hiện tại của gia đình Hoài vẫn không đủ ăn dù 3 đứa em may mắn được đi học cũng phải bỏ dù chưa hết cấp 1. Những chiếc kẹo tiếp khách phải "nhìn" vào mấy ngày công cấy thuê của cô và mẹ. Đối với gia đình cô thì những cành đào, cây quất là những món hàng quá xa xỉ.
 
Về ước mơ năm 2010, Hoài nói, chỉ mong mấy đứa em có đủ quần áo mặc, nhất là vào những ngày gió lạnh. Riêng bản thân mong có một công việc với mức thu nhập ổn định để phụ giúp gia đình bớt nghèo, bớt đói. 
 
Người cha 11 lần xuất ngoại tìm con: "Mong trả hết nợ..."

Khi tôi đến thăm, ông Nguyễn Văn Hùng, người cha 11 lần xuất ngoại, cứu con từ "động quỷ" trở về, vẫn đang tất bật với gánh hàng nước nho nhỏ của mình. Đây là cái Tết thứ hai cả gia đình ông được quây quần bên nhau đón Tết kể từ sau cái ngày cháu Nguyễn Thị Mai – cô con gái của ông Hùng - bị lừa bán sang Trung Quốc.

Ông Hùng mong năm nay có thể trả hết nợ để gia đình đón cái Tết đầm ấm.


Hiện bé Mai đã trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường. Mới được nhà trường cho nghỉ tết, Mai tranh thủ ra phụ giúp ông Hùng bán nước. Cô bé làm việc gì cũng hết sức nhanh nhẹn được nhiều người khen ngợi. Khi tôi hỏi thăm về em, Mai rụt rè không nói. Ông Hùng biết ý nên đỡ lời: “Chắc em nó ngại vì anh là người lạ”.

Vì cảnh nhà khánh kiệt nên năm nay gia đình ông vẫn chưa có một cành đào đón tết. Số tiền ông Hùng vay mượn để xuất ngoại tìm con đợt trước vẫn chưa trả hết. Số tiền ít ỏi kiếm được từ gánh hàng nước và từ việc chạy chợ của người vợ dù tằn tiệm cũng chỉ đủ nuôi được hai con đang tuổi ăn học.

Vì thế cái tết của gia đình ông cũng hết sức giản đơn. Ông Hùng kể có người quen biếu mấy tấm bánh chưng thế là thành một cái tết.

Một năm mới cũng sắp tới, ông Hùng chỉ mong muốn sang năm sau có thể trả hết nợ để cả gia đình được đón một cái tết đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần.

Cô gái bị 4 năm tù oan: Niềm vui nhân đôi trong ngày tết

Sau nhiều cuộc hỏi thăm, PV VTC News có mặt tại nhà số 100/67 đuờng Cô Bắc, P.Cô Giang, Q.1, nhà của cô gái tên Trương Thị Kim Hoàn, người bị tù oan vì tội “Tàng trữ và buôn bán ma túy”.

Kể từ lúc khởi tố vụ án năm 2004 đến năm 2009 đựợc minh oan và năm 2010 tòa án chính thức công khai xin lỗi, bồi thường cho Hoàn. Bà Nở, mẹ Hoàn cho biết, có một vài người lãnh đạo bên cơ quan nọ sau khi đọc báo, có đến tận nhà và ngỏ lời muốn nhận cháu Hoàn vào làm việc. Ngày 13/01/2010 Hoàn đã đuợc làm việc tại Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình 2 (số 75 Trần Nhân Tôn, P.9, Q.5) với công việc tạp vụ. Tính đến thời điểm này đã gần 1 tháng.

Nụ cười đã nở trên gương mặt của mẹ con Hoàn. 

Hoàn tâm sự: “Khi biết em có việc làm ổn định cả mẹ và ba cùng gia đình, rất vui mừng. Dù gì mọi người và xã hội cũng thông cảm và quan tâm đến em. Em đuợc hòa nhập sống trong cộng đồng, không ai dị nghị hay xa lánh vì biết em bị oan”, Hoàn chia sẻ.

Nhóm PVXH
Bình luận
vtcnews.vn