Bắt Phó TGĐ BIDV: Tại sao DN phải hối lộ tiền tỷ?

Thời sựThứ Năm, 04/02/2010 10:58:00 +07:00

(VTC News) - Các ngân hàng đều muốn cho vay được nhiều để có lợi nhuận cao. Vậy thì tại sao các "thượng đế" lại phải móc tiền chi ngược cho cán bộ NH?

(VTC News) - Các ngân hàng đều muốn cho vay được nhiều để có lợi nhuận cao. Vậy thì tại sao các "thượng đế" lại phải móc tiền chi ngược cho cán bộ ngân hàng? TS Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Quang A và một giám đốc DN đã cùng thử lý giải nguyên nhân khiến cán bộ ngân hàng có thể vòi vĩnh tiền doanh nghiệp.

Vay vốn ngân hàng ưu tiên số 1 cho... quen biết

TS kinh tế Cao Sỹ Kiêm. Ảnh: tuanvietnam  
Trao đổi với VTC News, TS Kinh tế Cao Sỹ Kiêm cho rằng, hiện nay doanh nghiệp vừa và nhỏ (DN) đang gặp khó khăn trong hoạt động vay vốn để đầu tư.

Theo ông, có 3 cái khó khi DN đi vay vốn: “Thứ nhất là do tình hình thanh khoản ở ngân hàng, hiện huy động vốn ở ngân hàng hạn chế mà nhu cầu vay nhiều nên khả năng đáp ứng không đủ. Hai là do một số quy định của ngân hàng không có chuyện chiếu cố, không hạ sàn hạ chuẩn nên các DN khó khăn vì thiếu tài sản thế chấp. Ba là bản thân ngân hàng thắt chặt lại để kiểm soát lạm phát nhằm khống chế tiền tung ra nên khiến DN đặc biệt DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn khó khăn”.

Với quy định hiện nay của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cơ bản là 8%/năm. Trong khi đó, theo luật thì lãi suất cho vay không quá 150% lãi suất cơ bản. Như vậy, về hình thức các ngân hàng thương mại chỉ có thể cho vay với mức lãi suất 12%/năm. Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy. Ông Hoàng Thanh Phong, chủ tịch HĐQT một công ty về xuất khẩu thức ăn gia súc bày tỏ: “Trên giấy tờ, chúng tôi được vay với lãi suất 12%/năm. Nhưng vì phải trả các khoản phí khác nên thực tế lãi suất lên đến 16%/năm khi đi vay vốn ở NHTM”.

Như nhận định của Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một trong những người gây dựng ngân hàng ngoài quốc doanh (VP Bank):  “Ngân hàng huy động vốn từ dân với mức lãi là 11%/năm, sau đó NHTM tính thêm chi phí cùng chút lời và cho DN vay lại nên phải tính mức cho vay như vậy. Luật bảo chỉ được cho vay cao nhất ở mức 12% thì ngân hàng ...“chết”.”

Lãi suất cao khiến nhiều DN gặp không ít khó khăn trong quá trình vay vốn. Ông Nguyễn Hữu Đ. - Giám đốc một doanh nghiệp nhà nước vừa ký được hợp đồng kinh tế nhưng vì DN ông không có vốn, để được vay tiền triển khai dự án ông phải dùng chính ngôi nhà của mình để thế chấp.

Ông Vi Đức Hậu, giám đốc công ty chuyên về dịch vụ vận tải cho biết: “Tôi có nhu cầu vay vốn nhưng phải đi 3 ngân hàng mới vay được. Họ cũng có chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ, tôi đã làm thủ tục tuy nhiên sau khi hoàn tất lại bị từ chối với lý do là phương án kinh doanh khó khả thi”.

Ông Hậu bày tỏ: “Dù không nói ra, nhưng tôi cũng biết là họ cũng e ngại vì mình là khách hàng mới dù điều kiện trên giấy tờ là báo cáo tài chính về hoạt động kinh doanh 2 năm gần nhất cùng phương án kinh doanh của doanh nghiệp. Thủ tục là thế cũng ngầm hiểu là còn là quan hệ nữa”.

Vác đơn đi nhiều nơi không vay được, ông Hậu cho biết: “DN tư nhân vừa và nhỏ như mình thì vay cũng khó, chỉ hỏi thôi đã thấy khó nên chưa đi đến khâu làm thủ tục chính thức". Nói đến đây, ông Hậu buông một câu: “Tôi dám chắc là muốn vay thì phải có mối quan hệ và phải có “lót tay””.

Vụ Phó TGĐ BIDV bị bắt: “Biểu hiện đạo đức xuống cấp”


Cả ngân hàng và DN đều có cái khó trong việc cho vay và vay. Chính việc này cũng tạo cơ sở cho việc đưa và nhận hối lộ để được vay vốn.

TS Nguyễn Quang A (Ảnh: Vietnamnet) 
Cũng theo TS Nguyễn Quang A: “Ban hành trần lãi suất khiến người vay tiền, gửi tiền thành nói dối, phải lách và biến báo nên mới có chuyện vị Phó Tổng giám đốc BIDV “ăn tiền” và bị công an bắt. Tôi miễn bình luận về trường hợp này bởi đó là trò cá nhân lợi dụng để kiếm ăn. NH quốc doanh có thể kiếm được tiền khi gửi với lãi suất thấp. Muốn cho DN vay với lãi suất thấp theo chính sách của nhà nước thì DN phải chi tiền “lót tay” cho ngân hàng”.

Theo TS Nguyễn Quang A, để tránh hiện tượng “lót tay” thì bản thân luật cần thay đổi.

Còn theo TS Cao Sỹ Kiêm thì việc Phó TGĐ BIDV Đoàn Tiến Dũng bị bắt quả tang nhận hối lộ gần 1 tỷ của DN là: "Biểu hiện không hay, đạo đức xuống cấp mạnh, là biểu hiện không lành mạnh của nền kinh tế ta”.

Lý giải về việc này, ông Kiêm nói: “Vì họ (tức doanh nghiệp – PV) bí quá nên tìm mọi cách để thâm nhập để vay vốn. Điều này (việc đưa và nhận hối lộ - PV) do phẩm chất đạo đức của từng cán bộ vì dù ở thời nào có chặt đến mấy thì nếu có ý đồ tham ô, tham nhũng thì nó sẽ làm, càng căng thẳng thì nó càng có thời cơ làm nhiều”.

Cũng theo TS Kiêm, vụ việc nhận hối lộ lần này “ảnh hưởng tới lòng tin của DN và dân. Và đây cũng là lời cảnh báo cho tất cả cán bộ ngân hàng và DN làm gì không xong, không trong sáng, đúng luật pháp sẽ bị xử lý. Không chỉ cán bộ NH mà còn xử cả bên DN”.

Để hạn chế tình hình đưa và nhận hối lộ khi vay vốn ngân hàng, ông Kiêm gợi ý: “Khi đưa ra chính sách cần công khai minh bạch. Cái gì không đuợc, cái gì nguy hiểm, rủi ro cần nói rõ để phải tránh. Chính sách cần chặt chẽ, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ để những vấn đề trên bớt đi thôi. Ngoài ra, việc giáo dục chính trị tư tưởng đạo đức cho cán bộ ngân hàng tuy là đề tài muôn thuở nhưng rất cần thiết”.

Chiều 2/2, ông Đoàn Tiến Dũng (54 tuổi, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV) bị Công an TP.Hà Nội và Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an tạm giữ vì có hành vi nhận hối lộ.

Trước đó, chiều 1/2, ông Dũng bị lực lượng trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an Hà Nội bắt quả tang khi đang nhận gần 1 tỉ đồng của một doanh nghiệp. Việc nhận tiền ban đầu được xác định có liên quan đến những khoản vay ưu đãi giữa BIDV và doanh nghiệp.

Ngày 3/2, VTC News đã liên hệ với 1 số lãnh đạo BIDV. Tuy nhiên, ông Hoàng Huy Hà, Phó TGĐ cho biết đang họp ban lãnh đạo nên chưa thể trả lời báo chí về vụ việc trên. Thư ký của ông Trần Anh Tuấn, TGĐ BIDV cũng nói ông Tuấn đang bận họp nên không thể tiếp.

Nguyễn Tâm
Bình luận
vtcnews.vn