Khi nhà báo thoát hiểm không phải bằng... vũ khí nóng

Thời sựThứ Hai, 01/02/2010 06:42:00 +07:00

(VTC News) - Đi nhiều viết nhiều trải nghiệm nhiều, nói về nghề nguy hiểm, người trong cuộc thừa nhận: “Cách thoát hiểm tốt nhất là phải biết tự cứu mình".

(VTC News) - Những ngày qua, hàng loạt vụ việc phóng viên bị hành hung khi đang tác nghiệp khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Nghề báo là một nghề nguy hiểm nên mỗi nhà báo đều tự trang bị cho mình những cách tự bảo vệ cần thiết. Nhưng, đường tác nghiệp thì muôn vẻ, nên dù có cảnh giác đến đâu, chính họ cũng không tránh khỏi những lần đứng trước sự cam go, căng thẳng.

Sau câu chuyện được chia sẻ bởi cây phóng sự nổi tiếng Đỗ Doãn Hoàng, VTC News tiếp tục trân trọng đăng tải những câu chuyện của chính các nhà báo kỳ cựu trong làng báo Việt Nam đương đại, kể về những lần thoát hiểm ngoạn mục trong sự nghiệp viết lách của chính họ
.

Nhà báo Xuân Ba: “Nghề có bảo hiểm mong manh”

Mái tóc trùm tai, cặp mắt sáng, cả cuộc đời lặn lội với nghề, vinh quang nhiều nhưng cay đắng cũng không ít, vậy mà khi kể lại cho ông nghe vài vụ phóng viên bị hành hung ông bần thần: “Có lẽ trong các nghề, nghề báo là nghề có thứ bảo hiểm mong manh nhất”.

Nhà báo Xuân Ba trong cuộc gặp với người anh trai của lãnh tụ Phiđen tại Cuba tháng 10-2002

- Trong thời gian qua, nhiều vụ phóng viên bị hành hung, nhưng hầu như họ chỉ biết trông vào mình trong lúc nguy nan, theo ông đó là do đâu?

Bạn đã có lý khi rút ra kinh nghiệm xương máu là có lẽ chỉ trông cậy vào mình lúc nguy nan. Na ná như khi anh cảnh sát lâm trận với tội phạm với tiêu cực. Phải biết võ giỏi, võ để đối phó với tội phạm để khỏi bị thương bị mất mạng. Đánh địch phải biết bảo vệ được mình chứ dính thương tật để đời hoặc bị hy sinh thì vô nghĩa lắm! Còn để được việc thì tùy thuộc vào kinh nghiệm của mỗi người, của mỗi tờ báo.

 - Viết phóng sự điều tra nhà báo hay phải đối mặt với nhiều “tai nạn”. Bằng chứng là ông từng 2 lần bị khởi tố những năm 90. Vậy sau tai nạn người làm báo cần phải làm gì để đứng lên?

Cũng cần nói lại cho rõ không phải cá nhân mình bị khởi tố mà tờ báo mình bị khởi tố bởi bài viết của mình. Có lẽ mình đã gặp may. Cái may thứ nhất, Tổng biên tập và Ban biên tập đã thống nhất với phóng viên, chỉ có động cơ trong sáng cùng những chứng cứ sự thật cấu thành bài báo ấy mới cứu được mình. Cái may thứ hai là những chứng cứ sự thật ấy đã lọt vào mắt xanh của một số cơ quan chức năng...

Tôi đành phải dùng cụm từ may rủi ấy bởi vì rất nhiều đồng nghiệp của mình bị tai nạn nhưng sự thật đã không hoặc kém có sự đồng cảm chia sẻ! Tôi muốn hai cái may ấy phải được một hệ thống, một thiết chế của pháp luật quy ước và bảo vệ. Có như thế, những người bị nạn trong “trường báo, trận bút” mới có cơ mà đứng lên được! Nếu không thế, ai dám chắc lần thứ 3, thứ 4 và nhiều lần khác mình lại gặp được... may?

- Trong đời làm báo của mình có vụ thoát hiểm nào mà đến nay vẫn còn in đậm trong tâm trí ông không?.

 Có một số ghi chép vặt vãnh đang được hoàn tất. Khi có điều kiện để chia sẻ mình sẽ tin cho bạn...

Nhà báo Đào Thanh Tuy: “Hãy tự cứu mình trước khi … trời cứu”

Đi nhiều đối mặt với nhiều hiểm nguy, đã tạo nên một Đào Thanh Tuy gan dạ, kiên cường không sợ lao vào điểm nóng. Vậy mà khi trải lòng cùng VTC News, anh thở dài: “Có một câu mà chúng tôi vẫn nói đùa với nhau rằng, mình hãy tự cứu lấy mình trước khi… giời cứu”.

- Đến nay nhiều người làm điều tra vẫn còn nhắc đến vụ anh phanh phui một số sai trái tại huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Vụ đó đã khiến anh gặp không ít phiền toái?

Đó là một trong những kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp làm báo của tôi. Tôi nhận được thông tin, ở Hải Lộc (Hậu Lộc), chính quyền địa phương đã… nghĩ ra rất nhiều những khoản đóng góp khoán, phạt. Mỗi năm, mỗi hộ gia đình phải è cổ đóng cả tiền triệu dù đó là một vùng quê nghèo khó bậc nhất của huyện ven biển ấy.

Nhà báo Đào Thanh Tuy: "hãy tự cứu mình trước khi... giời cứu" 

Thu xếp công việc, tôi về Hải Lộc, kiên trì đến từng nhà dân hỏi chuyện. Bất cứ đâu tôi cũng được đón tiếp bằng nước mắt. Thậm chí, có ông lão tuổi đã hơn 80, nhưng khi hỏi về nỗi cùng cực của mình vẫn ôm mặt khóc tu tu.

Đương nhiên, khi về nơi ấy đến bất cứ đâu tôi cũng bị chính quyền làm khó dễ. Họ nằng nặc mời về trụ sở để vặn vẹo đủ loại giấy tờ. Thật sự, dưới áp lực ấy, nhiều lúc tôi cũng thấy hoảng. Thế nhưng, nghĩ phận sự của mình, nghĩ về những giọt nước mắt lã chã trên khuôn mặt gầy mòn của những người mà mình đã gặp, tự nhủ, mình không thể chùn bước.

Tôi đã phải điện cho Tổng biên tập, báo cáo lại toàn bộ sự việc trên. Tổng biên tập dặn, cứ cố gắng làm, nhưng việc đầu tiên là phải bảo đảm sự an toàn của mình. Nếu có gì bất trắc, điện ngay để có phương án… giải cứu.

Phòng thân, qua một đồng nghiệp, tôi “thòng” ngay số máy của ông Giám đốc CA tỉnh Thanh Hóa để hễ có viện gì thì điện khẩn. Tình hình căng thẳng đến nỗi cứ khi tôi khoác túi xuống dân thì những người dân dũng cảm đứng ra tố giác tiêu cực đã phải bố trí mấy thanh niên lực lưỡng bí mật theo sau tôi để bảo vệ.

Bởi có sự phòng bị cẩn thận ấy nên mấy ngày ở Hải Lộc, dù mọi chuyện căng như dây đàn nhưng điều tồi tệ mà nhiều người luôn nghĩ tới đã không xảy ra.

- Sự vất vả, nguy hiểm của nghề báo mới chỉ là thử thách đầu tiên. Một thử thách khác mà các nhà báo phải đối mặt, đó là sự cám dỗ. Theo anh cám dỗ nào nguy hiểm nhất với nhà báo?

Bạn nói đúng, nguy hiểm, vất vả mới chỉ là thử thách đầu tiên trên con đường làm báo. Cám dỗ nguy hiểm nhất với nhà báo là tiền bạc, danh lợi. Vướng vào những thứ này thì coi như hỏng. Khi đã bị đồng tiền, danh vọng chi phối thì không chỉ là nhà báo, mà ai cũng vậy, sẽ không còn là chính mình nữa.

Nhà báo Tùng Duy: “Trải nghiệm là vũ khí bảo vệ tốt nhất”

"Nếu nhà báo được trang bị vũ khí nóng thì có thể lại gây nguy hiểm. Cách tác nghiệp và sự trải nghiệm thực tế là vũ khí bảo vệ tốt nhất của nhà báo" - nhà báo Tùng Duy, ban Phóng sự báo Tiền phong chia sẻ.

Nhà báo Tùng Duy, ban Phóng sự, báo Tiền phong trong một lần tác nghiệp điều tra về ổ tệ nạn xã hội dọc sông Cầu (Ảnh: T.D)

- Theo anh thì tại sao nhà báo lại dễ bị tấn công và... chịu trận khi tác nghiệp?

Nhà báo dễ bị hành hung do đặc thù nghề nghiệp khi tiếp cận hiện trường và gặp đối tượng để lấy thông tin - cái thứ ít nhiều gây ảnh hưởng, đụng chạm đến quyền lợi của một số người liên quan vụ việc. Khi tác nghiệp, phóng viên dễ bị lộ, dễ bị phát hiện mà những dụng cụ mang theo (máy ảnh, máy ghi âm…) không phải là vũ khí. Trong khi đó, các lực lượng chức năng khác được trang bị dụng cụ, phương tiện để bảo vệ, trấn áp, tấn công tội phạm.

Sự hỗ trợ, giúp đỡ của người dân đối với nhà báo cũng ít hơn, do nhiều người dân sống gần hơn với lực lượng chức năng mà ít tiếp cận thông tin đại chúng. Ở nhiều vùng quê, có thể người dân không biết nhà báo nhưng chắc chắn họ biết công an, có quản lý vì lực lượng này xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của họ...

- Dễ bị rơi vào tình huống nguy hiểm như vậy, các nhà báo có ngại tác nghiệp?

Nếu chỉ nghĩ đến nguy hiểm mà ngại thì khỏi gọi đó là nhà báo! Khi tiếp cận với những địa bàn phức tạp, vụ việc nguy hiểm thì đó chính là vẻ đẹp của nghề nhà báo. Tôi thấy những vụ hành hung nhà báo hay nhà báo bị gây hại không phải là điều đáng ngại. Nhà báo chỉ ngại khi không được cung cấp thông tin chân thực hay bị né tránh cung cấp thông tin.

- Và anh đã từng gặp nguy hiểm khi tác nghiệp?

Tình huống nguy hiểm thì tôi có gặp nhưng bị côn đồ tấn công thì tôi chưa, tôi cố gắng để mình không bị tấn công. Nhà báo không phải là bị đánh mới phát hiện nghề của mình là nghề nguy hiểm mà phải nhận ra rằng đó là điều đương nhiên, thường trực - không nên bất ngờ vì điều đó.

- Như vậy để hạn chế nguy hiểm, theo anh nhà báo nên làm gì?

Tác nghiệp khôn ngoan, khéo léo! Nhưng cái này không phải nhà báo nào cũng có. Nhà báo cần hiểu biết sự việc, địa bàn, con người, tự hạn chế nguy hiểm cho mình trước và trong khi vào cuộc, vì mục đích đi là lấy thông tin chứ không phải bị đánh mới lấy được thông tin.

Có rất nhiều nhà báo tác nghiệp trong bối cảnh nguy hiểm mà họ vẫn thành công. Nếu khôn ngoan và khéo léo thì nhà báo sẽ hạn chế được nguy hiểm.

- Xin cảm ơn các nhà báo

Nhóm PV

Bình luận
vtcnews.vn