Ni cô 'nổ' tại Vietnam Idol 2012 dưới góc nhìn nhà Phật

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 17/07/2012 10:39:00 +07:00

"Một phật tử bình thường không thể tự tin quá đáng trên sàn thi bằng những ngôn từ quá sốc như vậy".

Trong đoạn clip phỏng vấn thí sinh tại vòng thi thử giọng của cuộc thi Vietnam Idol 2012 được phát tán trên mạng, một thí sinh tự cho rằng mình là Bồ tát không cần làm Phật.

Nói về thí sinh “ni cô” Trần Thị Thanh Hà, sư thầy Minh Đạt tu học tại Tịnh xá Trung Tâm quận Bình Thạnh - TP.HCM cho rằng: “Cái pháp danh mà cô này đưa ra chắc là tự đặt vì Phật giáo không có pháp danh nào dài như thế. Bên cạnh đó đạo Phật luôn dạy Phật tử chú ý tu học, tránh lợi danh, vật chất của đời…
 
Những người học Phật cũng hiểu rõ các nghiệp xấu hay tốt đều do tư duy, lời nói, hành vi mà tạo thành, vì thế họ luôn chú ý khi làm bất cứ việc gì để tránh tạo nghiệp sau này”.
 

Trần Thị Thanh Hà mặc áo nâu sòng đến cuộc thi thử giọng của Vietnam Idol 2012 và cho rằng: "Em tu tại gia, em là Bồ tát không cần làm Phật" (ảnh internet) 


Cư sĩ Minh Mẫn cũng chia sẻ với Kienthuc.net.vn. Thí sinh này tham dự chương trình tuyển giọng của thế tục lại mặc áo đạo (không phải áo nhà tu), tự xưng là đạo Mẫu thì không thể là một Phật tử hay một ni cô.

Một phật tử bình thường không thể tự tin quá đáng trên sàn thi bằng những ngôn từ quá sốc như vậy. Tự tin khả năng đến độ đổ lỗi thất bại cho ban giám khảo và quần chúng (vì tin rằng quần chúng Phật tử không thể không ủng hộ - nghĩa là không ủng hộ cô ta thì đó là không phải Phật tử).
 
"Chưa đỗ ông Nghè đã đe thằng Tổng" rồi mơ lấn sân showbiz và điện ảnh, phong cách nói chuyện không phải là một ứng viên có tư cách nghiêm túc, càng không xứng là một Phật tử, có lẽ quen cách lắc lư của Tứ phủ nên Trúc Lâm Diệp Hạ Trần (chiếc lá rừng trúc rơi xuống thế) cũng lí la lí lắc không bình thường
 
Sẽ tốt hơn nếu thí sinh lấy tư cách cá nhân để dự thi hơn là mượn danh người tu Phật để tham gia việc đời, càng làm ô uế đạo Phật, nếu đây là thí sinh không bình thường thì cũng là hiện tượng lăng-xê gây chú ý cho quần chúng.
 
Người tu phật chân chính thường khiêm tốn và thầm lặng, không ồn ào phô trương. Tại sao sử dụng chiếc áo nâu và xưng là ni cô (ko cạo tóc) để lên sàn diễn?

Phải chăng muốn mượn đạo tạo đời (muốn có sự ủng hộ của quần chúng Phật giáo?) cho dù chính trị, văn nghệ hay bất cứ lãnh vực nào mượn uy danh tôn giáo để mưu đồ giành chiến thắng mà không có tâm thật sự đều nhận thất bại và bôi bác đạo Phật. Hậu quả bất chính sẽ không tránh khỏi.
 
Nếu mượn Trúc Lâm Diệp Hạ Trần để tạo sự sôi nổi cho buổi tuyển sinh thì khán thính giả xin nhường quyền quyết định đánh giá cho những ai có thẩm quyền. “Tóm lại, gần đây xã hội ta có quá nhiều chuyện không bình thường” - Cư sĩ Minh Mẫn chia sẻ.

Theo Bee

Bình luận
vtcnews.vn