Y Moan: "Hãy chuyển lời của tôi đến với nhân dân!"

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 04/08/2010 01:32:00 +07:00

(VTC News) - Trong cuộc trò chuyện đặc biệt với VTC News trong tình trạng sức khỏe rất yếu, nghệ sĩ Y Moan nghẹn ngào nói về những gửi gắm tâm huyết nhất.

(VTC News) - Trong cuộc trò chuyện đặc biệt với VTC News khi tình trạng sức khỏe rất yếu, nghệ sĩ Y Moan nghẹn ngào gửi gắm: “Ta không sợ nghèo vì ta quen nghèo rồi, ta cũng không sợ chết, nhưng sau ta, ai xứng đáng là sứ giả văn hóa…”

Ông là NSƯT và khán giả yêu nhạc gọi ông là “Giọng ca đại ngàn”. Tới đây, theo nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết thì ông sắp được phong tặng NSND và nhận Huân chương Lao động.

 

Ba tháng nay ông không ăn gì, chỉ truyền nước, ông không có ý định trả lời phỏng vấn vì quá mệt. Song VTC News đã may mắn có được cuộc trò chuyện đặc biệt và thú vị với ông ngay trong phòng tập để chuẩn bị cho liveshow đặc biệt, duy nhất của đời ông vào hai ngày nữa, 6/8 tại Hà Nội.


So với trong tấm hình này, hiện ông đã sút 20kg vì trọng bệnh.

Vẫn chất giọng Tây Nguyên ồm ồm, kiểu trò chuyện mộc mạc, chân thành và đầy “lửa” dù sức khỏe đã yếu: cơ thể sụt 20kg, mắt quầng to, đôi lúc đang nói phải ngừng để lấy hơi, Y Moan đã nói về âm nhạc, về sự gắn kết tâm linh giữa văn hóa các dân tộc và thú vị hơn là tình yêu với nhạc sĩ Nguyễn Cường. 

Tình yêu dành cho Nguyễn Cường là truyền kiếp

 

- Thưa ông, ông có hồi hộp lắm không khi còn hai hôm nữa là tới đêm diễn?

 

- Đây là đêm diễn mà tôi chờ đợi và chuẩn bị cả cuộc đời. Nó không dễ dàng như với các ca sĩ trẻ hiện nay bỏ tiền đầu tư làm một đêm diễn.

 

- Nhất là với tình trạng sức khỏe của ông hiện tại, đúng không ạ?

 

- Sức khỏe không phải là điều mà tôi lo lắng nhất, điều khiến tôi hồi hộp là tôi chờ đợi đêm diễn này từ lâu lắm rồi. Thầy Nguyễn Cường nói: “Còn nước còn tát”, phải làm kẻo hối hận. Chủ trương của tôi và thầy Cường là còn hát được, còn phục vụ được thì vẫn thực hiện đêm diễn.

 

- Có vẻ ông và nhạc sĩ Nguyễn Cường rất “máu lửa” với đêm diễn tới hơn là lo lắng nó sẽ diễn ra thế nào?

 

- Thầy Nguyễn Cường là người sốt ruột với đêm diễn này nhất. Còn tôi thì sẵn sàng cho đêm diễn ở mọi phương diện. Tôi xác định: thà tôi chết trên sân khấu chứ không chết trên giường bệnh. Tôi có đau đớn, bò lăn bò càng trên sân khấu mà hát tôi cũng khoái hơn là nằm rên rỉ đợi ra mồ.


Nhạc sĩ Nguyễn Cường và NSUT Y Moan thời "trai trẻ" 

 
- Nhiều người nói rằng, Y Moan không chỉ yêu những ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Cường mà còn rất... yêu Nguyễn Cường? 

- (Y Moan hồ hởi ra mặt, giọng ông sôi nổi hơn): Tình yêu của tôi và Nguyễn Cường có nhiều chông gai, nhưng nó vượt qua tình cảm của một ca sĩ với một nhạc sĩ, nó là sự hòa hợp của các dân tộc Việt Nam. Nguyễn Cường như một vị vua và sự gặp gỡ giữa tôi và Nguyễn Cường không phải là cái “duyên” đơn thuần, nó là tâm linh, là sự gắn kết từ kiếp trước.

 

- Ông có thể cho biết cụ thể hơn một chút hoặc ông hãy ví tình yêu của mình dành cho Nguyễn Cường như thế nào cho… dễ hiểu hơn được không?

 

- Nếu có con được với Nguyễn Cường thì tôi cũng đã có rồi(!). Tôi không biết kiếp trước tôi là ai, Nguyễn Cường là ai, linh hồn kiếp trước của chúng tôi có gì với nhau không nhưng ở kiếp này chúng tôi hòa hợp về tâm linh. Tình yêu của chúng tôi như một tình cảm truyền kiếp. Và thầy Nguyễn Cường như một "ông vua" của dân tộc thiểu số hóa thân thành Nguyễn Cường của hôm nay. Trên hết nữa, tình yêu của chúng tôi còn là sự hòa hợp linh hồn giữa dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số.

 

Tôi không so sánh tôi và Nguyễn Cường như Trịnh Công Sơn và Khánh Ly nhưng nó như một kiểu tình cảm đó. Tôi đã mang những tác phẩm của Nguyễn Cường về với buôn làng tôi, tôi yêu quý và tôn sùng thầy Nguyễn Cường nên tôi đã làm cho những ca khúc của thầy ấy văn hoa hơn. Người dân tộc chúng tôi yêu Nguyễn Cường nên từ những ca khúc nhạc nhẹ của thầy, chúng tôi coi đó như những bản dân ca của mình. Tôi hạnh phúc khi được kết hợp với anh ấy.

 

Điều gửi gắm sau cùng

 

- Thưa ông, nhìn lại toàn bộ cuộc đời mình, điều làm được mà ông tự hào nhất cho tới thời điểm này là gì?

 

- Có bốn điều mà tôi đã làm được khi sống trong cuộc đời này, đó là: Từ ngày mà người ta chỉ biết đến người Ê-đê chúng tôi nói riêng và dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói riêng với những đặc điểm: Rừng thiêng nước độc, cưa răng căng tai thì tôi đã “phất cờ”, tiên phong trong việc thay đổi quan niệm này.

 

Hai: Tôi là người đầu tiên đưa những ca khúc của Nguyễn Cường đến với dân tộc tôi, dẫn dắt những tác phẩm này trở thành những bài ca sống trong lòng anh em dân tộc thiểu số.

 

Ba: Tôi là người Tây Nguyên đầu tiên thể hiện những ca khúc nhạc nhẹ và đưa tiếng cồng, tiếng chiêng vào âm nhạc.

 

Bốn: Tôi là người dân tộc thiểu số lên tiếng bảo vệ hòa bình, chống đối những phần tử làm hại buôn làng, chia rẽ tình cảm anh em các dân tộc.


Ba cha con NSUT Y Moan 

 
- Nếu không muốn thì ông có thể không trả lời, nhưng vì sao cho tới bây giờ ông mới thực hiện liveshow đầu tiên trong đời, liệu tài chính có phải là một lý do? 

- Tôi là một nghệ sĩ của nhân dân, tôi nhủ lòng như vậy và có nhiều điều khiến tôi không dễ dàng thực hiện một đêm diễn của riêng mình. Tôi chỉ cần khán giả, nhân dân hiểu cho rằng, dù trong tình trạng sức khỏe như hiện tại, tôi vẫn chuẩn bị rất kỹ cho đêm diễn có ý nghĩa đặc biệt nhất trong cuộc đời mình, tại thủ đô Hà Nội, nhân kỷ niệm một ngàn năm sắp tới, cho dù tôi có thể chết bò trên sân khấu!

 

- Thông điệp chính mà ông muốn thể hiện qua đêm diễn này là gì, thưa ông?

 

- Có người thích mùi mít, có người thích mùi hoa hồng, Y Moan cũng thích để lại một mùi hương gì đấy và mong rằng, có nhiều người thích mùi hương của Y Moan.

 

- Ông có thể thật thoải mái, quên đi bệnh tật và cái chết để nói một câu đúng tâm trạng ông bây giờ không?

 

- Y Moan không sợ chết!

 

- Điều ông muốn gửi gắm,  lo lắng và sợ nhất bây giờ là gì?

 

- (Ông im lặng, nghẹn ngào, tháo kính ra lau và mãi mới nói được): Lúc này đây, Y Moan không sợ chết. Cả đời Y Moan cũng không sợ nghèo, bởi Y Moan quen nghèo khổ rồi. Nhưng Y Moan sợ nhất là mất đi tình cảm. Nếu Y Moan sống không ra gì thì hai con của Y Moan không thể trưởng thành ở thủ đô và được nhiều người biết tới như bây giờ. Y Moan luôn dạy các con phải sống có tâm, có Phật trong trái tim.

 

Điều mà Y Moan trăn trở nhất là khi Y Moan mất đi rồi, ai sẽ là cầu nối gắn kết các dân tộc với nhau. Ai xứng đáng là xứ giả văn hóa giữa các vùng dân tộc? Các con trai của Y Moan đều có bằng Đại học cả rồi, nhưng chưa đủ sức gánh vác trọng trách này.

 

Tôi vẫn dạy các cháu: Đời có nhiều bằng đại học lắm, đại học văn hóa, đại học chơi, đại học để làm nghề chuyên nghiệp. Nhưng có một bằng đại học quan trọng hơn tất thảy, đó là bằng đại học ĐỜI, để sống là một con người có tình cảm.

 

Thôi, thế thôi nhé! Tôi phải nghỉ ngơi, hãy chuyển những lời của tôi đến với nhân dân.

 

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

 

Thục Nhi (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn