15 thành công đáng nể nhất của thế giới công nghệ 2010

Khoa học - Công nghệThứ Ba, 21/12/2010 01:00:00 +07:00

(VTC News) - Cùng "điểm danh" 15 cái tên đại diện cho sự thành công trong năm qua do trang web Business Insider bình chọn.

(VTC News) - Năm 2010 đang đi đến những ngày cuối cùng, khép lại một năm sôi động của thị trường công nghệ. Cùng điểm danh 15 cái tên đại diện cho sự thành công trong năm qua do trang web Business Insider bình chọn.

Kết quả này chỉ tập trung vào những sản phẩm và ý tưởng mới thực sự giành được chỗ đứng trong năm vừa rồi.

15. Flipboard

Chắc chắn các nhà phát triển ứng dụng đều mơ về một màn ra mắt sản phẩm ấn tượng như Flipboard đã làm được trong năm vừa qua, ngay cả với "tai nạn" sập server ngay trong ngày đầu ra mắt do số lượng người truy cập sử dụng quá lớn.

 

Được giới thiệu như một tạp chí số cá nhân, hiện tại Flipboard đang được coi là một ứng dụng miễn phí hàng đầu trên iPad. Nhiệm vụ của nó là biên tập web - tải về khối thông tin hỗn độn trên Internet, và biên tập, cắt dán, dàn trang, biến nó thành một cuốn tạp chí đẹp mắt thay vì trả về khối kết quả đồ sộ như cách Google vẫn làm.

Nếu ví Google giống như việc được ăn no tại nhà, thì việc tìm kiếm trên Flipboard giống như được ăn ở nhà hàng sang trọng với những món ăn bày biện tinh tế và đẹp mắt.

Nhiều người thậm chí cho rằng Flipboard mở đầu cho làn sóng ứng dụng mới làm thay đổi thế giới web, khi mà con người bắt đầu nhận ra họ muốn hưởng thụ thông tin hơn là tìm kiếm thông tin đơn thuần.

14. Tên lửa SpaceX

Hôm 8/12, từ sân bay vũ trụ ở mũi Kanaveral, tên lửa đẩy Falcon 9 mang theo tàu vũ trụ tư nhân Dragon đã được phóng vào quỹ đạo Trái Đất. Như vậy, SpaceX sẽ là công ty tư nhân đầu tiên thực hiện thành công việc đưa vào quỹ đạo và hạ cánh an toàn một con tàu vũ trụ.

Trong lần phóng thử nghiệm đầu tiên này, Dragon không mang theo hành khách. Dự kiến, trong những lần phóng tiếp theo vào năm 2011, Dragon sẽ chở các nhà du hành vũ trụ lên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS cùng hàng hóa.

 

Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, Công ty SpaceX đã phóng thử thành công tên lửa đẩy Falcon 9. Theo kế hoạch ban đầu, chương trình “tư nhân hóa” này tiêu tốn khoảng 3,5 tỷ USD. Các tàu vũ trụ tư nhân được Mỹ coi là phương án thay thế chương trình tàu con thoi hiện nay.

13. Netflix streaming

Đối với các ông chủ của Netflix, đây là một năm thành công rực rỡ về mặt doanh số. Vẫn giữ vị trí là một trong các dịch vụ cung cấp nội dung giải trí đa phương tiện nổi tiếng hàng đầu hiện nay, Netflix cũng đã hé lộ về việc theo đuổi cuộc chạy đua điện toán đám mây và lưu trữ trực tuyến trong năm 2011.

 

Nhờ công sức không nhỏ của việc liên kết đến các máy chơi game, TV kết nối internet và tất cả các thiết bị chạy web video, Netflix giờ đây được xem như đối thủ nặng kí của các công ty cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. 

12. Motorola Droid 

Chiếc Droid phone của Motorola thực chất được ra mắt từ năm 2009, nhưng nó lại được nhắc đến như "ông trùm" của các điện thoại Android trong năm 2010, với mức độ phổ biến nhiều hơn bất cứ điện thoại Android nào khác.

 

11. HTML5

Mẫu số chung nào trong những phát ngôn của Apple, Microsoft, và Google trong năm vừa qua? Tất cả họ đều nhắc đến HTML5. Và đó hẳn nhiên phải là một hiện tượng, nếu chúng ta nhớ rằng thật khó để 3 đại gia này thống nhất được với nhau về bất cứ vấn đề gì.

 

Ưu thế của HTML5 là một chuẩn web với khả năng hỗ trợ video và audio tự động, tức người dùng có thể xem video trên trang web tương tự khi đọc nội dung dạng văn bản mà không cần đến Flash hay bất cứ chương trình plug-in nào khác. Chính tính độc lập này sẽ khiến HTML5 trở thành lựa chọn hàng đầu dành cho các sản phẩm Apple, vốn đang cự tuyệt Adobe Flash vì sự cũ kĩ và chậm chạp trong cải tiến của nó.

HTML5 được phát triển từ năm 2004, nhưng gần đây các nhà cung cấp Apple, Opera, Mozilla và Google mới xây dựng các thành tố tương thích ngôn ngữ này trong trình duyệt. Ngay cả Microsoft, song song với việc quảng bá công nghệ Silverlight (cạnh tranh với Flash), cũng bắt đầu quan tâm tới chuẩn web và hứa hẹn đưa HTML5 vào Internet Explorer.

10. iPhone 4

Việc cho ra mắt iPhone 4 dường như là một lộ trình gập ghềnh nhất đối với Apple từ trước đến nay, bắt đầu bằng việc lộ mẫu thiết kế dẫn đến phải cho ra mắt sản phẩm trước thời gian dự kiến, kết thúc quá sớm thời huy hoàng của iPhone 3, đồng nghĩa với những tổn hại có thể tính được về doanh số.

Tiếp đó là những phàn nàn của khách hàng về việc iPhone 4 mất sóng, và cách "chữa cháy" đổ thêm dầu vào lửa không thể tệ hơn của Apple khi lôi hàng loạt "đại gia" di động khác vào cuộc, bằng cách chỉ ra điểm chết trên antenna thu sóng trên các mẫu điện thoại đình đám khác của họ.

Cũng phải kể đến việc chúng ta vẫn chưa được nhìn thấy mẫu iPhone trắng mà Steve Jobs tự hào nhắc tên trong buổi lễ ra mắt.

 

Nhưng, bất chấp tất cả những điều ấy, không thể phủ nhận rằng iPhone 4 đã thực sự thành công. Giữa một thị trường smart phone cạnh tranh gay gắt, doanh số iPhone vẫn tăng nhiều hơn bao giờ hết. Một chiếc điện thoại tuyệt đẹp, kết cấu đơn giản hợp lý, và mẫu thiết kế đặc thù hơn bất cứ chiếc điện thoại thông minh nào hiện có, cộng với những cải tiến về màn hình, chiếc điện thoại này chứng minh rằng cho đến thời điểm hiện tại, một mẫu iPhone-killer (kẻ tiêu diệt iPhone) vẫn chỉ nằm trong... tham vọng và tuyên bố của các công ty đối thủ.

9. Amazon Kindle


Chúng ta còn nhớ, khi iBooks và iPad ra đời, người ta đã gọi chúng là mối đe dọa, thậm chí là "kẻ kết liễu" Kindle.

 

Thế nhưng, đối với Amazon, đến thời điểm này họ đã có thể tuyên bố: Cơn bão đã qua. Mẫu Kindle mới nhất đã bán được hàng triệu chiếc, song song với số lượng sách bán ra tăng chưa từng thấy trên Amazon.

8. Kleiner Perkins với iFund

Năm 2008, Kleiner Perkins đã đặt cược một canh bạc lớn khi chọn iPhone làm nền tảng và tập trung phát triển các ứng dụng trên mẫu điện thoại này.

 

Nhưng đến năm 2010, có vẻ như Kleiner đã lấy lại được đầy đủ những gì đã đặt cược, khi Ngmoco, một trong những công ty đầu tiên của iFund được bán lại cho DeNA, một công ty chuyên về game của Nhật. Toàn bộ số tiền này được Kleiner đầu tư trở lại vào iFund.

7. Foursquare

Foursquare là một ứng dụng web và điện thoại di động cho phép người dùng đăng ký để kết nối với bạn bè và cập nhật vị trí của họ dựa trên tài khoản Twitter và Facebook. Ứng dụng của họ được phát triển để tích hợp trên iPhone, Android, webOS, Windows Phone 7 và BlackBerry. Tính đến tháng 12 năm nay, số người dùng đăng ký quốc tế của Foursquare đã lên đến con số 5 triệu người.

 

Mối đe dọa từ Gowalla, nỗ lực mua lại của Yahoo hay những bành trướng của ông lớn Facebook không đủ để ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của họ. Foursquare vẫn đang độc lập khẳng định vị trí của mình.

6. The Social Network (Mạng xã hội)

The Social Network (Mạng xã hội) được coi là một hiện tượng của năm. Một bộ phim không có ngôi sao nhưng đã thu về tiền vé gấp đôi chi phí sản xuất và hứa hẹn còn bán được nhiều vé hơn nữa khi đến các quốc gia ngoài Mỹ. Quan trọng hơn cả, The Social Network đang hứa hẹn là một ứng viên nặng ký của giải Oscar sắp tới.

Chuyện phim kể về tỉ phú trẻ Mark Zuckerberg, người sáng lập mạng xã hội Facebook, một gã lập dị, vụng về trong giao tiếp, chỉ có một bạn thân duy nhất là Eduardo Saverin. Vào một đêm mùa thu năm 2003, Mark suýt bị đuổi học vì tạo ra Face Mash - một cơ sở dữ liệu có thể dùng để xếp hạng toàn bộ sinh viên nữ trong trường, gây sập hệ thống máy chủ của Harvard. Thế rồi Facebook ra đời và thành công rực rỡ sau 6 năm, với 500 triệu người dùng trên toàn thế giới. Mark lại đối diện với vụ kiện ăn cắp ý tưởng của anh em Winklevoss.

 

"Hài hước một cách lạ lùng, chơi vơi và có phần thi vị hóa” là đánh giá của tờ New York Times về bộ phim này. Còn câu slogan của phim: "Bạn không thể có được 500 triệu bạn bè mà không có một số kẻ thù” đã nhanh chóng sắp hàng trong danh sách những câu nói kinh điển được các fan điện ảnh thuộc nằm lòng.

5. Kinect


Nổi lên từ cuối năm nay, Kinect là từ được nhắc đến như một hiện tượng có thể làm thay đổi ngành công nghiệp trò chơi giải trí, đặc biệt là trong lĩnh vực trò chơi điện tử, với 2,5 triệu chiếc được bán ra chỉ trong vòng chưa đầy một tháng.

 

Kinect là thành quả của sự hợp tác giữa các nhà phát triển trò chơi, chuyên gia về giao diện và trí thông minh nhân tạo của Microsoft. Với công nghệ nhận biết cử chỉ và giọng nói, phụ kiện cho máy chơi trò chơi Xbox 360 này được kỳ vọng sẽ giúp Microsoft qua mặt những đối thủ đáng gờm như Sony và Nintendo.

Việc tung Kinect ra thị trường trong tháng 11 năm nay được xem là động thái tham vọng, mạo hiểm và sáng tạo nhất của Microsoft trong nhiều năm trở lại đây. Trong lúc Apple giúp phổ biến công nghệ màn hình cảm ứng, thì Microsoft dự định “dội bom” thị trường tiêu dùng với những sản phẩm ứng dụng công nghệ nhận biết cử chỉ và giọng nói, khởi đầu là Kinect. Ông Steve A. Ballmer, Giám đốc điều hành Microsoft tuyên bố: "Đây là bước đi tuyệt vời đầu tiên tiến đến việc đưa sự tương tác trong phòng khách đến với mọi người”.

4. Groupon 

Một trong những thông tin gây xôn xao giới đầu tư vào dịp cuối năm nay là việc Google hé lộ sắp đạt được thoả thuận mua lại Groupon, công ty chuyên cung cấp các dịch vụ quảng cáo, mua bán, khuyến mãi trực tuyến có trụ sở chính ở Chicago (Mỹ), với giá 6 tỉ USD.

Cái tên Groupon là từ ghép giữa 2 từ tiếng Anh là "group" (nhóm) và "coupon" (phiếu mua hàng). Groupon đem lại cho các khách hàng trực tuyến những cơ hội giảm giá lớn khi mua các sản phẩm hay dịch vụ bằng cách gửi thư mời kèm phiếu giảm giá đến những người có điều kiện thích hợp như địa điểm, sở thích, tuổi tác... trong số khoảng 17 triệu người đăng ký nhận thông tin về dịch vụ tại 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung nhiều nhất là ở Mỹ và Canada.

 

Andrew Mason, 29 tuổi, người sáng lập và hiện là giám đốc điều hành. Theo Forbes, đây là công ty dotcom có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới hiện nay, với 10% một tuần, một con số khó tin vượt xa cả Facebook và Twitter. Người ta nói rằng, Groupon đã tìm ra một mô hình kinh doanh mới hoàn hảo. Tháng 4/2010, Groupon được định giá là 1,35 tỷ USD. Tính từ khi thành lập vào tháng 11/2008 đến tháng 4/2010, Groupon chỉ mất 1 năm rưỡi để đạt giá trị 1,35 tỷ USD, cao gấp 10 lần giá trị khoản đầu tư ban đầu. Trong khi đó, Twitter phải mất 3 năm, còn Facebook cũng mất đến 2 năm để đạt giá trị 1 tỷ USD.

Theo ước tính của giới chuyên môn, doanh thu hàng năm của Groupon ước dao động trong khoảng từ 400 đến 600 triệu USD.

3. Angry Birds

Angry Birds được ví với là một quả cầu tuyết khổng lồ tuyệt đẹp lao xuống thị trường công nghệ vào đầu năm nay. Game về con chim nổi giận chống lại 3 con lợn đang lăm le trộm trứng đã bất ngờ trở thành ứng dụng bán chạy nhất dành cho iPhone trong năm 2010, với 8 triệu USD doanh số thu về.

 

Game này có giá 0,99 USD trên kho phần mềm App Store, với hơn 60 triệu lượt tải về. Phiên bản miễn phí dành cho điện thoại Android cũng đem về doanh thu 1 triệu USD/tháng nhờ quảng cáo.

2. Android

Đầu năm 2010, Android là một đốm sáng lập lòe so với iPhone, RIM và Nokia. Thế nhưng, đến cuối năm, nó đã vượt trên cả 3 "ông lớn" để dẫn đầu trong cuộc đua điện thoại thông minh. Một cuộc chạy đua thần tốc đáng kinh ngạc.

 


1. iPad

Steve Jobs đã đánh tiếng về iPad vào tháng 1, và suốt cả 1 năm sau đó, tất cả các đối thủ của ông đều đang phải lao vào cuộc chạy đua. Không còn nghi ngờ gì nữa, sau điện thoại, Apple đã mở ra một trào lưu hoàn toàn mới cho máy tính.

 

iPad là một trong những sản phẩm công nghệ được tiếp nhận nhanh nhất - nếu không muốn nói rằng nó thực sự đã không có đối thủ ở phương diện này. 10 triệu chiếc iPad đã được bán ra chỉ trong vòng 8 tháng, đưa chiếc máy tính bảng này trở thành một trong 3 mặt hàng chủ lực đem lại doanh thu cho Apple.

Chip93 (Theo Business Insider)

Bình luận
vtcnews.vn