Vai thái giám vận vào cuộc đời "chàng ẻo lả" Long Nhật

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 01/10/2010 10:31:00 +07:00

(VTC News) - Từ bé, tôi rất sợ ai đó gọi tôi là "bóng", "đồng cô", "pê đê". Nên khi bị phân đóng vai thái giám, tôi đã giãy nảy lên...

(VTC News) - Từ bé, tôi rất sợ ai đó gọi tôi là "bóng", "đồng cô", "pê đê". Nên khi bị phân đóng vai thái giám, tôi đã giãy nảy lên. Nhưng để được hát đơn ca trong một chương trình chuyên nghiệp, tôi đã chấp nhận vai diễn…

“Nổi” cùng “thời” với Quang Linh

 

Cuối nămlớp 12, ba bắt tôi thi vào trường ĐH Sư phạm Huế, còn tôi muốn thi vào trường Quốc gia Âm nhạc, ba không cho. Ba tôi nói: Hát văn nghệ chơi vui vui thì được chứ hát chuyên nghiệp thì không được. Tôi thi vào ĐH Sư phạm theo lời ba nhưng không đỗ, sau này lấy điểm đỗ vớt thì tôi đủ điểm. Nhưng đúng lúc đó, tôi gặp lại người ông dượng, em rể bà nội tôi, ông làm Tổng Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Trị Thiên lúc bấy giờ và tôi được ông đưa vào Đoàn Ca nhạc của Công ty Cầu đường 6 tỉnh Bình Trị Thiên do chú Đoàn Công Ngọ làm giám đốc.


Long Nhật sẵn sàng làm kế toán và tài vụ để được... đi hát. 
Thời gian này khiến mãi về sau tôi vẫn còn thuộc rất nhiều bài hát của ngành cầu đường, như: Một nhịp cầu anh bắc qua sông, là nối đôi bờ tình nam với nghĩa bắc. Từ con sông dài anh vang lên tiếng hát thì anh thương em dãi nắng dầm mưa và một dặm đường em vừa mới mở, mùa xuân công trường vào trong giấc mơ/ Nghe trong câu ca nói lên niềm khát vọng/ Ấy là tình yêu dài như con đường/ Cầu anh bắc qua dòng sông dài/ Thì đường em xuyên qua năm rộng tháng dài. Hay những bài Cái cuốc chim, Chiếc búa máy Đi- vi- hai…

Hồi đó Sở chọn những đội văn nghệ của các công ty thuộc Sở, ví dụ như: Công ty Cầu đường 6 của tôi, Công ty Cầu đường 3 ngoài Quảng Bình, Công ty Vận tải Ô tô số 3 tại TP Huế. Tiết mục của tôi được chọn là tiết mục hay nhất trực thuộc Sở đi thi Hội diễn Ca múa nhạc quần chúng toàn ngành tổ chức tại TP Vinh (1986) và tôi đoạt Huy chương Vàng với ca khúc Bác Hồ, một tình yêu bao la.

 

Ngoài những giờ đi hát phục vụ công nhân ít ỏi, tôi phải làm kế toán, tôi rất ghét công việc đó. Như nói ở phần đầu, tôi rất ghét làm những việc nhân chia cộng trừ. Bởi vậy mà tôi cộng bảng lương sai hoài, tôi không nhớ là phải cộng hết bao nhiêu hàng ngang qua rồi lấy tổng của bao nhiêu hàng ngang cộng xuống… Tôi cộng đi cộng lại mà vẫn sai trong khi đáng ra hai lần cộng phải giống nhau mới đúng.

 

Mỗi lần đi tập văn nghệ tôi đều đi rất sớm nhưng cứ tới ngày đi làm thì hầu như bao giờ tôi cũng đi trễ. Bởi thế mà điểm thi đua, điểm thưởng của tôi không bao giờ có. Thỉnh thoảng tôi vẫn được thầy cô mời về trường PT Quốc học hát cho học sinh nghe, cũng đỡ buồn.

 

Khi ngồi làm việc, tôi cứ nghe thấy xe loa loan báo có Cẩm Vân, Chánh Tín, Bảo Yến ra hát là tôi lại rơi vào tình trạng hồn xiêu phách lạc, không thể chú tâm làm việc được. Tôi từng trốn công ty đi theo đoàn ca múa nhạc TP Hồ Chí Minh với anh Nguyễn Chánh Tín ra tận ngoài Quảng Trị và về cơ quan tôi bị kỷ luật.
 
Đội văn nghệ ở ngoài Công ty Cầu đường 6 hoạt động cầm chừng nên tôi xin với ông bà tôi cho tôi lên đội văn nghệ của Công ty Cầu đường số 3, đội đó hoạt động mạnh hơn, nhiều người hay hơn. Từ đó, tôi bắt đầu làm quân của chú Phước.

 

Tôi nhớ là đội văn nghệ được chú Phước mua cho mỗi người một chiếc xe đạp. Thời điểm đó, đất nước bắt đầu mở cửa, các bạn Lào Thái đi bằng đường biên giới Việt Lào, qua Quảng Trị vào Huế nên rất đông vui, tấp nập. Chú Phước cho mở nhà hàng khách sạn Mùa Thu ở đường Nguyễn Tri Phương- Huế nên đội văn nghệ chúng tôi, ngoài thời gian đi hội diễn, đi phục vụ công nhân, đi giao lưu với công ty xe khách ở Đà Nẵng rồi qua Lào biểu diễn với các bạn Lào… thì chúng tôi về biểu diễn ở phòng trà, sàn nhảy tại khách sạn Mùa Thu. Tôi nhớ là vào thời điểm đó, ca sĩ Quang Linh đang là giọng ca nổi bật bên Ngân hàng Huế.

Ngoài giờ hoạt động văn nghệ, thì thời gian còn lại, chúng tôi cũng vẫn phải làm việc như mọi công nhân viên khác. 
 Anh Hoàng Dương là diễn viên múa thì được ngồi quầy, xuất thuốc lá, bia để bán cho khách, tôi thì chẳng biết làm gì: quầy cũng lóng ngóng mà kho cũng không biết làm thế nào, bar thì phải tính toán tôi chịu nên người ta sắp xếp cho tôi nghe điện thoại và tiếp khách trên phòng Giám đốc. Đó là phòng anh Thành, Giám đốc khách sạn Mùa thu, trực thuộc Công ty số 3. Sáng tôi phải đánh ấm chén, đun nước sôi đổ đầy vào phích. Đó là công việc nhẹ nhàng của con gái, tôi làm chẳng vất vả gì.

Nhưng có một lần, bị mất điện, tôi phải đun bằng ấm dưới bếp, người ta đưa cho tôi một cái ấm đen sì, đầy nhọ nồi.
Hôm đó tôi mặc một chiếc quần trắng, đeo giày trắng, áo thun cũng trắng với hoa văn rất đẹp mà tôi “tậu” trong một lần đi giao lưu với các bạn bên Lào; đầu tôi uốn xoăn mà đây là lần đầu tiên ở Huế có một chàng trai uốn tóc khiến ai cũng phải nhìn, tôi còn có những lọ keo tóc rất thơm để bôi tóc (Thời điểm đó, Quang Linh đang là giọng ca nổi bật bên Ngân hàng Huế- Long Nhật). Thật đen là với hình thức như vậy mà chiếc ấm đầy nhọ nồi kia lại quệt một nhát vào quần của tôi, tôi ném cả ấm nước đó vào góc nhà làm nước bắn tung tóe cả lên.

 

Ông Thành ngạc nhiên và bực bội: Cậu làm ăn gì kỳ lạ vậy? Tôi bảo: Tôi không làm nữa, tôi chỉ thích hát thôi, ba cái việc vớ vẩn này tôi không thích làm. Thế là tôi bỏ, tôi viết cho chú Phước một bức thư và bỏ khách sạn, bỏ công ty. Hôm sau chú Phước đánh xe vào nhà tôi, chú bảo: Chú có chuyến công tác, Long Nhật muốn đi cùng không, chú cho đi cùng. Chú biết con đang bị ức chế tâm lý như thế. Thế là tôi được đi chơi theo chú. Khi về, tôi nói tôi không thích làm ở khách sạn Mùa thu nữa. Tôi chỉ đến đó hát vào buổi tối thôi, còn ban ngày chú Phước bố trí cho tôi một việc khác ở trên Công ty.

 

Tôi được đến làm ở phòng cô Hương, cô là Chủ tịch Công đoàn của Công ty ô tô số 3- Bình Trị Thiên (lúc đó vẫn chưa chia tỉnh). Tôi ở công ty đó một thời gian thì tôi chán vì tôi thấy hát ít quá, buồn quá. Ngày nào đi làm về tôi cũng ghé qua nhà Hải Dương, tôi bảo: Sao thèm hát quá mà ở công ty được hát ít lắm. Mỗi mùa hội diễn văn nghệ xong là buồn đến phát ốm, nhớ sân khấu, nhớ ánh đèn, nhớ không khí đó… Làm gì cũng chán, mà sợ đi làm quá, mỗi sáng thức dậy lại phải đối mặt với một ngày dài chán nản. Rồi mỗi lần xét thưởng thi đua sao mà sợ hãi thế. Lại còn phải đối mặt với ông Hoàng - người ngồi ở cổng công ty để chấm điểm người đi sớm đi muộn.

 

Có hôm tôi còn cãi lại ông Hoàng khi ông chạy theo bảo: Long Nhật, trễ 10 phút rồi nhé. Tôi mới nói: Đồng hồ ông sai rồi, đồng hồ tôi là trễ 15 phút cơ. Ông mới cần ba cái thưởng đó chứ tôi thì không cần đâu nhá.

 

Sự thực thì khi đó gia đình tôi rất giàu có, tôi đã không đi học Đại học rồi, ba mạ tôi chỉ cần tôi có một công việc ổn định, còn tôi thì chỉ thích được đi hát. Và tôi chấp nhận yêu cầu của ba mạ tôi là để tôi có thể được tham gia văn hóa văn nghệ mà không nhất thiết phải học chuyên nghiệp khi ba tôi ngăn cấm. Suốt thời gian đi làm đó, cứ tháng văn nghệ tôi mới được loại A, còn tháng không có văn nghệ thì tôi chỉ được loại C, thậm chí còn không được loại B. Trong khi hằng ngày tôi phải leo bao nhiêu cái dốc mới tới được cái dốc Nam Giao, nơi mà cơ quan tôi làm việc đóng đô.

 

Vai thái giám và nỗi sợ khi nghe những từ "bóng", "đồng cô", "pê đê"

 

Đúng lúc đó, tôi nghe Đoàn ca múa nhạc Hương Giang, tỉnh Bình Trị Thiên đang tuyển diễn viên, thế là tôi và Hải Dương mon men đi thi tuyển. May mắn thế nào cả tôi và nó đều trúng tuyển vào đoàn. Đúng lúc đó, tình hình ca nhạc đang xuống cấp, người ta không mê ca nhạc, chỉ xem cải lương, hát tuồng, hát chèo và kịch nói, người ta thích coi tuồng tích từ đầu tới cuối chứ mấy cái trò hát hát múa múa người ta không thích chút nào.


Và nhận vào vai thái giám dù rất sợ nghe từ này để mong được hát đơn ca trong một chương trình ca nhạc chuyên nghiệp. 

Phải thật xuất sắc như Sài Gòn- Bông Sen hay Ca múa nhạc tháng 8, Ca múa nhạc Trung Ương hay Hải Đăng Nha Trang ra biểu diễn mới đông khách. Còn cứ trầm trầm thì chỉ cải lương mới có khán giả. Thế là đoàn Ca múa nhạc Hương Giang, Bình Trị Thiên dàn dựng vở hát ô-pê-rét (một dạng của ô-pê-ra). Với dạng kịch hát này thì chỉ hát những bài gần gũi với khán giả chứ không hát những bài kinh điển như ô-pê-ra. Với kịch bản là Chuyện tình xứ Hô-ra-pan, tôi được mời vào đóng vai quan thái giám Tu-phăng-ti-nô. Tôi giãy lên không chịu và nói: Thôi, ai mà đóng thái giám. Từ hồi bé, tôi rất sợ ai đó gọi tôi là Bóng, Đồng cô, Pê đê, bởi vóc dáng của tôi rất giống con gái: yếu đuối, thích hát thích múa, thích chơi những trò chơi như làm cô dâu chú rể, họp chợ hay văn nghệ, đám rước…

Tôi nhớ, năm cấp 3, khi mà tôi đang nổi tiếng với phong trào văn nghệ mà đi ngang qua lớp 12, các anh chị ấy kêu: Long Nhật pê đê là tôi chạy ù vào lớp tôi, tôi ngồi khóc và kêu các bạn trai lớp tôi lại nói: Chúng mày lấy lại công bằng cho tao, tao vừa đi ngang qua lớp 12 trên tầng lầu, mấy anh trên đó kêu tao là pê đê. Lớp tôi kéo lên và thày cô phải dàn xếp việc đó cho ổn thỏa. Tôi khóc với thầy cô nói: Con không hát nữa đâu, con còn mang giải thưởng về cho trường mà càng cố hát hay múa giỏi lại càng bị nói là pê đê này kia. Chính vì nỗi sợ hãi này mà tôi sợ vai diễn thái giám.

 

Trong vở diễn, Hải Dương đóng vai pháp quan, Giáng Thu, một người bạn xinh đẹp của tôi đóng vai công chúa, còn Hoàng Hồng Nhị (sau này có đóng trong phim Em còn nhớ hay em đã quên cùng với anh Lê Công Tuấn Anh và Trương Ngọc Ánh, cô ấy đóng vai Khánh Ly) thì vào vai A- ren-ma. Những ca khúc đưa cho tôi hát trong vở kịch thì rất hay, nhưng tôi cứ giãy lên, không chịu vào vai thái giám Tu-phăng-ti-nô.

Khi đó, đạo diễn Trần Minh ngoài Hà Nội được mời vào dàn dựng cho đoàn, thiết kế mỹ thuật là họa sĩ Trần Mậu, Âm nhạc là nhạc sĩ Cao Việt Bách. 
Thầy Trần Minh nói: Thì con cứ ra làm thử xem nào.  Tôi cãi: Con làm không được. Thầy bảo: Thầy tin là con làm được, con cứ làm thử đi, nói thử một câu trong kịch bản thôi. Tôi miễn cưỡng cầm lấy kịch bản xem và ra sân khấu diễn thử: Tôi, Tu- phăng-ti-nô xin kính chào đấng A-la quyền quý! Thế là cả đoàn vỗ tay rào rào, các anh chị trong đoàn xúm lại bảo: Đây rồi, Tu-phăng-ti-nô đây rồi, không ai có thể diễn thế được.

Nhưng tôi thực sự không thích vai diễn đó, tôi bị mặc cảm và sợ hãi lắm. Lãnh đạo đoàn động viên tôi: Thôi, ở đây là thế, chúng ta lấy ngắn nuôi dài, vở kịch này thành công, đoàn sẽ xin được kinh phí để dàn dựng một chương trình ca múa nhạc, Long Nhật sẽ được hát đơn ca. Tôi nghe thế và chấp nhận để được hát đơn ca trong một chương trình ca múa nhạc chuyên nghiệp thì tôi chấp nhận vai thái giám.

 

Ngày phúc khảo và công diễn ở Huế, tôi tuyệt nhiên không dám mời một người thân nào của tôi đi xem. Tôi đi hát mà ba tôi còn cấm lên cấm xuống, nếu biết tôi đóng vai thái giám thế này thì sức mấy mà ông chịu nổi.

 

(Còn nữa) 

Thục Nhi(ghi)

Bình luận
vtcnews.vn