Quyết định khó nhất trong đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 10/10/2013 02:02:00 +07:00

(VTC News) - Chuyện ít biết về ‘một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy' của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

(VTC News) - Chuyện ít biết về ‘một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy' của Đại tướng Võ Nguyên Giáp .

Kéo pháo vào

Chỉ huy trưởng không tìm được bất cứ ai chia sẻ với mình những băn khoăn về cách đánh tập đoàn cứ điểm. Hàng ngày, anh chờ cán bộ đơn vị lên báo cáo, nhất là những phái viên đi các đơn vị nắm tình hình chuẩn bị.


Công tác đưa pháo vào trận địa khó khăn hơn rất nhiều so với ta tưởng. Bắt đầu gặp dốc, tốc độ kéo pháo chậm hơn rất nhiều. Trời lại đổ mưa. Đất cứng bên sườn núi cao biến thành bùn nhão, mỗi nhịp kéo, khẩu pháo chỉ nhích không đầy gang tay.

Nhiều đoạn đường kéo pháo nằm chênh vênh bên vực sâu. Có lần đứt dây tời, một chiến sỹ cầm chèn lao vào bánh xe để cứu pháo khỏi lăn xuống vực sâu.

Khẩu pháo dừng lại. Nhưng người chiến sỹ đã hy sinh. Thời gian kéo pháo mỗi đêm là từ chập tối tới 4, 5 giờ sáng. Nhưng những buổi làm việc kéo dài, sức khỏe bộ đội đã giảm, năng suất không được bao nhiêu.

Qua sáu đêm, pháo mới đi được 12km, bộ đội đã rất mỏi mệt.

đại tướng võ nguyên giáp
Cục 2 vẫn báo cáo tin tức ngày 2 lần. Hàng ngày máy bay địch, kể cả máy bay C119 do phi công Mỹ lái, tiếp tục vận chuyển và thả dù hàng trăm tấn lương thực, vũ khí, đạn dược, dây kẽm gai và cọc sắt xuống sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm.

Đồi Độc Lập (tên ta đặt cho một quả đồi đứng lẻ loi ở phía bắc Điện Biên Phủ) lúc đầu chỉ là một cứ điểm tiền tiêu, nay đã trở thành một trung tâm đề kháng vững chắc. Cụm cứ điểm Him Lam được tăng cường. Ở nhiều cứ điểm, địch đã xây dựng công sự kiên cố, hàng rào dây thép gai và bãi mìn không ngừng mở rộng, có nơi đã lên tới hơn 100m, thậm chí 200m.

Trinh sát phát hiện địch đã có thêm nhiều xe tăng và trên bốn chục khẩu pháo 105 và 155 ly. Những cứ điểm phía tây, nơi mũi chính đại đoàn 308 sẽ đột phá, không mạnh như một số cao điểm, nhưng nằm trên cánh đồng trống, địch dễ phát huy hỏa lực xe tăng, pháo binh, máy bay và lực lượng phản kích.

Cán bộ tuy phản ánh không ít khó khăn về tình hình kéo pháo, tình hình địch ra sức tăng cường công trình phòng ngự, nhưng cái trùm lên tất cả vẫn là tinh thần không ngại hy sinh, gian khổ của cán bộ, chiến sỹ, là quyết tâm khó khăn nào cũng sẽ vượt qua, là chiến thắng đang tới gần.
....
Sau hội nghị Thẩm Púa, Chỉ huy trưởng có nhiều đêm thức trắng. Từ ngày khởi đầu Toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, anh đã qua nhiều chiến dịch rất khó khăn, nhưng chưa bao giờ lại thấy là nó không hề có mảy may hy vọng giành thắng lợi, cũng như không có cách nào làm giảm nhẹ tổn thất nếu trận đánh không thành công!

Lúc đầu, anh hy vọng chỉ một thời gian ngắn, nhiều người sẽ nhận ra: cách đánh này, chuẩn bị kiểu này sẽ khó thắng.
....

Đánh mà không thắng thì sao?
...
Ngày đầu, khi nghe chủ trương này anh đã không thể phản đối vì mới chân ướt chân ráo tới mặt trận! Nhưng bây giờ anh đã có điều kiện để cân nhắc mọi mặt, đã biết rằng nếu không chuyển ngay cách đánh sẽ phải đón nhận một thảm họa chắc chắn.

Nhưng một câu hỏi khác lại xuất hiện: Nếu chuyển sang cách đánh mới, mà đánh không thắng thì sao? Rõ ràng là lúc đó mọi trách nhiệm sẽ đổ vào đầu anh!

Ngày 24, cục phó Cục Bảo vệ Phạm Kiệt, theo dõi việc kéo pháo báo cáo về qua điện thoại: ‘Trận địa pháo hiện nay của ta đều là dã chiến, địa hình rất trống trải, nếu bị phản pháo, hoặc máy bay đánh phá sẽ khó tránh tổn thất. Một số pháo vẫn chưa kéo được tới trận địa’.

Đây là người đầu tiên phát hiện khó khăn. Chánh văn phòng Nguyễn Văn Hiếu có nhận xét là công tác chính trị chỉ mới làm việc động viên tinh thần chiến đấu mà chưa đề cập tới cách khắc phục những khó khăn có thể xảy ra.

Còn 20 giờ nữa là nổ súng. Tính lại từ khi trao nhiệm vụ chiến đấu ở Thẩm Púa tới nay là mười một ngày. Nhưng anh tưởng như cả tháng đã trôi qua. Chung quanh anh vẫn chỉ nói tới chiến thắng.

Qua những năm chiến tranh, anh đã rút được một kinh nghiệm: Trước một trận đánh, người chỉ huy không được phép chỉ nghĩ đến thắng lợi, mà phải đặt cho mình câu hỏi: ‘Nếu không thắng thì sao?’ Ta đã tung tất cả lực lượng ưu tú nhất của kháng chiến vào đây.

Khi đó anh còn chưa biết bộ tham mưu của Navarre, bộ tham mưu của Cogny, và bản thân De Castries đã có chủ định sử dụng con nhím Điện Biên Phủ làm một cái máy nghiền để nghiền nát quân đoàn tác chiến Việt Minh, đây chính là cơ hội bằng vàng mà đội quân viễn chinh Pháp đã tìm kiếm từ ngày đầu cuộc chiến tranh xâm lược.

Anh lại nhớ đến lời Bác nói trong cuộc họp Thường vụ: ‘Chiến trường ta hẹp, người, của ta không nhiều, cho nên chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn!’

Lần đầu, anh nhận thấy đội quân chủ lực bách chiến bách thắng của ta chỉ là một lực lượng nhỏ so với quân địch.

Đảng ta đã hết sức nâng niu, gìn giữ nó như một chiếc bình pha lê. Nó có thể lâm nguy nếu tung vài một trận đánh bất lợi. Và sự mất còn của nó gắn với thành bại của cả chiến tranh.

Clausewitz ví chiến tranh như một canh bạc, vì có quá nhiều yếu tố ngẫu nhiên, nhưng anh không bao giờ được nghĩ chiến tranh là một canh bạc để trông chờ vào sự may rủi.

Đêm 25/1/1954, anh không sao chợp mắt. Đầu đau nhức. Anh gọi y sỹ Thùy. Thùy đăm đăm nhìn anh rồi nói:
-    Mười đêm rồi, anh không ngủ. Anh phải ngủ một vài đêm thì mới hết nhức đầu!
-    Mình muốn ngủ lắm, nhưng không ngủ được. Đêm nay lại càng không ngủ được!

Thùy chạy đi một lát, rồi đem về một nắm lá ngải cứu đã được hơ lửa nóng, buộc lên trán anh.

Nắm ngải cứu nóng và hương thơm của nó làm đầu anh đỡ đau, dịu đi. Một lần nữa, anh lại tự hỏi: Vì sao mọi người đều chỉ nói đến chiến thắng?

đại tướng võ nguyên giáp
Có thể là nhiều người tin vào sự sung mãn của những đoàn quân đầy sinh lực sau một thời gian dài luyện tập, và đặc biệt là tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ sau chỉnh quân chính trị.

Anh đã biết sức mạnh tinh thần có tính quyết định như thế nào đối với trận đánh. Nhưng không phải chỉ với sức mạnh tinh thần mà ta lúc nào cũng chiến thắng quân địch! Nhiều cán bộ của anh đã qua hàng trăm trận lớn, nhỏ, không phải không biết điều này!

Anh chợt nhận ra…Đây chính là lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bộ Tổng tư lệnh, kinh nghiệm của các cố vấn, vào chính những người đang chỉ huy họ. Lòng tin này không phải ngẫu nhiên mà có.

Nó đã được xây dựng từ những ngày Bác về hang rừng Pác Bó dựng cờ khởi nghĩa, cuộc kháng chiến 3000 ngày cực kỳ gian khổ, những chiến thắng nối tiếp chiến thắng, qua từng chiến dịch bao người ngã xuống, nhưng cứ mỗi mùa khô lên đường đều tin rằng chiến công lần này còn lớn hơn lần trước.

Cũng chính niềm tin này đã mang lại cho họ khi nhận nhiệm vụ ý nghĩ là mình có thể hy sinh, đơn vị mình có thể bị tổn thất nặng nề, đó là cái giá phải trả, nhưng trận đánh nhất định sẽ thành công.

Không ai muốn bị mang tiếng là thiếu tin tưởng, là dao động trước một trận đánh lịch sử. Điều này đã buộc mọi người không thể lên tiếng nói về khó khăn của đơn vị mình. Sự im lặng sai lầm và vô cùng nguy hiểm hiện nay chính là toàn thể cán bộ, chiến sỹ đều đặt lòng tin tuyệt đối vào sự sáng suốt, chủ trương của trên!

Gánh nặng như đang dồn trên vai anh, người được Đảng trao trách nhiệm chính đối với trận đánh.

Anh hình dung những cơn mưa đại bác điên cuồng, máy bay địch chiếc dội bom, chiếc lao xuống bắn phá, những cán bộ, chiến sỹ ngã trước hàng rào dây thép gai, những đơn vị bộ binh nằm trong đồn địch giữa ban ngày, những thương binh không được cứu chữa…

Nhiều con người cụ thể hiện lên trước mắt anh, họ là những đồng chí, đồng đội đã chiến đấu với anh từ ngày thành lập giải phóng quân, ngày Toàn quốc kháng chiến, những người mới ra đi từ một ruộng đồng, từ mái trường, từ vùng tạm chiếm…mà anh mới gặp trên đường hành quân.

Giờ này pháo binh đã vào vị trí, các đại đoàn đều có mặt ở tuyến xuất phát xung phong. Quyết định hoãn trận đánh sẽ tác động tới tinh thần bộ đội như thế nào…?

Nhưng đây là trách nhiệm mà anh không thể thoái thác. Dù có thế nào vẫn không thể tiến hành trận đánh ngày mai. Anh tin là không giống như ngày đầu tới mặt trận, lúc này anh đã có đủ yếu tố để đặt lại vấn đề.

Phải họp ngay Đảng ủy Mặt trận…Suốt đêm anh chỉ mong trời chóng sáng.

Quyết định khó khăn


Sáng 26, sương mù dày đặc trong rừng Nà Tấu, trưởng đoàn phiên dịch Hoàng Minh Phương đang rửa mặt ở bờ suối thì đồng chí liên lạc chạy tới mời ngay lên gặp Chỉ huy trưởng.

Anh bước vào căn lán nhỏ, thấy Chỉ huy trưởng đã ngồi làm việc với tấm bản đồ bên chiếc bàn tre, đầu quấn đầy lá ngải cứu.

Chỉ huy trưởng nói:
-    Cậu sang báo cáo với đồng chí Vi là tôi có việc cần bàn gấp sáng nay, rồi về đây cùng đi với mình.
đại tướng võ nguyên giáp
Cuộc họp Đảng ủy Mặt trận đã được triệu tập vào sáng nay. Chỉ huy trưởng nhớ lại trước ngày lên đường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao cho mình được quyền quyết định trong trường hợp khẩn trương bằng cách bàn bạc thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với Cố vấn, rồi báo cáo sau với Trung ương.

Anh nghĩ nếu có sự thống nhất trước với cố vấn thì cuộc họp Đảng ủy sẽ thuận lợi hơn.

Trưởng đoàn Cố vấn Vi Quốc Thanh ngạc nhiên nhìn sắc diện và nắm lá ngải cứu trên đầu Chỉ huy trưởng, hỏi:
-    Sức khỏe của Võ Tổng thế nào?
-    Tôi vẫn bình thường, đêm qua hơi bị nhức đầu, đồng chí y sỹ điều trị theo kiểu đông y, giờ đã dễ chịu.

Khi Chỉ huy trưởng đã ngồi vào bàn, đồng chí Vi hỏi:
-    Trận đánh sắp bắt đầu. Đề nghị Võ Tổng cho biết tình hình tới lúc này ra sao?

-    Đó cũng là vấn đề tôi muốn trao đổi với đồng chí Trưởng đoàn. Qua theo dõi tình hình, tôi cho rằng quân địch ở Điện Biên Phủ không còn trong trạng thái lâm thời phòng ngự, mà chúng đã có một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố. Vì vậy không thể đánh theo kế hoạch đã định.

Đồng chí Vi chăm chú nhìn Chỉ huy trưởng. Anh nói tiếp:
-    Có ba khó khăn lớn mà bộ đội Việt Nam chưa thể vượt qua: Một là: Các đơn vị chủ lực của chúng tôi cho đến nay mới có khả năng cao nhất là tiêu diệt một tiểu đoàn địch tăng cường trong công sự vững chắc như ở Nghĩa Lộ.

Ở Nà Sản cuối năm 1952, một trung đoàn đánh một tiểu đoàn địch trong công sự dã chiến mà chưa thành công. Nay địch có 11 tiểu đoàn với hơn bốn chục cứ điểm, binh lực, hỏa lực mạnh hơn rất nhiều, lại có công sự vững chắc và hệ thống vật cản dày đặc, thì rất khó thắng, mặc dù một năm qua bộ đội có nhiều tiến bộ.

Hai là: Trong trận này ta có thêm lựu pháo và cao xạ, đã được các đồng chí giúp đỡ huấn luyện, có kết quả tốt, nhưng bộ pháo hiệp đồng quy mô lớn mới là lần đầu, lại chưa qua diễn tập. Vừa qua, có trung đoàn trưởng đã đề nghị trả bớt hỏa lực trợ chiến về cho Bộ!

Ba là: Như đồng chí đã biết, không quân Pháp rất mạnh, nay lại có thêm không quân Mỹ tăng cường. Bộ đội chúng tôi lâu nay mới quen tác chiến ban đêm ở những địa hình dễ ẩn náu để hạn chế chỗ mạnh của địch về không quân và pháo binh.

Nay phải chiến đấu liên tục cả ngày và đêm với kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo và xe tăng trên địa hình trống trải, thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ.

Tất cả những khó khăn này ta đều chưa bàn kỹ cách giải quyết. Tình hình địch hiện nay đã khác trước nhiều. Nếu trong đêm đầu ta không tiêu diệt được pháo địch, ban ngày địch dùng pháo binh bắn phá, không quân oanh tạc, và bộ binh cùng với xe tăng phản kích thì bộ đội ta khó có đường rút và pháo cũng không thể kéo ra!

Chỉ huy trưởng kết luận:
-    Nếu đánh theo cách hiện nay là thất bại.

Đồng chí Vi suy nghĩ một lúc rồi hỏi:
-    Vậy theo ý Võ Tổng thì nên xử trí như thế nào?

-    Ra lệnh hoãn cuộc tiến công chiều hôm nay, kéo pháo ra, thu quân về vị trí tập kết. Chuẩn bị lại theo phương châm ‘đánh chắc, tiến chắc’.

Sau giây lát suy nghĩ, đồng chí Vi nói:
-    Tôi đồng ý với Võ Tổng. Tôi sẽ làm công tác tư tưởng với các đồng chí trong Đoàn cố vấn.

-    Thời gian gấp. Tôi sẽ họp ngay Đảng ủy để quyết định. Tôi đã có dự kiến cho đại đoàn 308 tiến hề hướng Luông Phabang, cố ý bộc lộ lực lượng chừng nào kéo không quân địch về hướng đó, không để chúng gây khó khăn khi ta kéo pháo ra và lui quân.

Cuộc trao đổi diễn ra khoảng hơn nửa giờ. Chỉ huy trưởng không nghĩ nó sẽ nhanh chóng như vậy. Anh cho rằng đồng chí Vi đã nhận thấy khó khăn trong quá trình chuẩn bị, và không thể tiến hành trận đánh trong khi tư lệnh Mặt trận không tin vào sự thành công.

Anh nghĩ Trưởng đoàn cố vấn sẽ không dễ dàng thuyết phục các chuyên gia đã cho rằng chỉ có đánh nhanh thắng nhanh mới giành thắng lợi.

50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta mới biết thêm. Trong thời gian ở mặt trận, Trưởng đoàn Cố vấn Vi Quốc Thanh luôn luôn giữ báo cáo về Bắc Kinh.

Ngày 24/1/1954, đồng chí Vi một lần nữa gửi điện phản ánh cả trung đoàn 312 kéo pháo vào trận địa, nhưng qua sáu ngày sáu đêm, chỉ tiến được 12 cây số, bộ đội mỏi mệt lắm rồi mà pháo vẫn chưa đi tới trận địa.

Bản thân Vi Quốc Thanh đã nhận thấy những khó khăn của ta, nên khi Chỉ huy trưởng đưa ra ý kiến thay đổi cách đánh, đồng chí nhất trí ngay, mặc dù chưa nhận được câu trả lời của Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Đối với Trưởng đoàn cố vấn, đây là một quyết định đầy trách nhiệm và dũng cảm. Ba ngày sau, ngày 27/1/1954, Quân ủy bạn trả lời đồng chí Vi:

 ‘Đánh Điện Biên, nên áp dụng cách đánh chia cắt, bao vây diệt từng toán một. Chỉ cần tiêu diệt gọn bốn, năm tiểu đoàn, thì quân địch trong Điện Biên Phủ sẽ hoang mang dao động, hoặc sẽ tháo chạy về phía nam, hoặc sẽ phải tiếp tục tăng viện. Cả hai tình luống này đều có lợi cho ta’.

Khi Chỉ huy trưởng về sở chỉ huy, các đồng chí trong Đảng ủy đã có mặt đông đủ.

Chỉ huy trưởng trình bày những suy nghĩ đã có từ lâu chung quanh cách đánh tập đoàn cứ điểm, những thay đổi quan trọng về phía địch từ sau hội nghị Thẩm Púa tới nay, những khó khăn mà ta chưa thể vượt qua, ta vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, nhưng phải thay đổi cách đánh.

Ta sẽ cho 308 mở một mũi vu hồi sang Thượng Lào làm lạc hướng quân địch, trong khi rút pháo và bộ đội ra khỏi trận địa để chuẩn bị lại theo cách đánh mới.

Mọi người im lặng một lúc.
Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm lên tiếng trước:
-    Ta đã động viên sâu rộng bộ đội về nhiệm vụ rồi, anh em đều rất tin tưởng, quyết tâm chiến đấu rất cao.

Các đơn vị, các binh chủng đều trong tư thế sẵn sàng nổ súng. Nay phải lui quân và kéo pháo ra, khác nào như gáo nước lạnh dội vào đầu, thì giải thích làm sao? Sau này động viên lại để có quyết tâm và tin tưởng như bây giờ không phải dễ!

Chủ nhiệm Cung cấp Đặng Kim Giang nói:
-    Tôi thấy cứ nên giữ vững quyết tâm. Hậu cần chuẩn bị tới bây giờ đã khó khăn. Nếu không đánh ngay, sau này lại càng không đánh được! Gạo không đưa lên được, bộ đội đói thì lấy sức đâu mà đánh? Đánh cách nào thì cũng tính đến khả năng đảm bảo tiếp tế. Nhiều khi gạo là tư lệnh, là yếu tố quyết định!

Chỉ huy trưởng nói:
-    Tinh thần bộ đội là rất quan trọng, nhưng quyết tâm phải có cơ sở…Hậu cần là điều kiện tiên quyết, nhưng cuối cùng, quyết định là phải có cách đánh đúng.

Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái nói:
-    Anh Văn cân nhắc cũng phải…Nhưng lần này ta có ưu thế về binh lực, hỏa lực, lần đầu có lựu pháo 105 kiềm chế pháo binh địch, pháo cao xạ kiềm chế không quân địch, sẽ tạo bất ngờ lớn, lại có kinh nghiệm của bạn.

Riêng về tinh thần cán bộ, chiến sỹ thì tất cả chúng ta đều thấy chưa bao giờ cao như lần này, tôi tin rằng nếu đánh vẫn có thể thắng.
đại tướng võ nguyên giáp
Trao đổi một hồi vẫn chưa đi tới kết luận. Đa số vẫn giữ nguyên những lập luận trong cuộc họp tại Thẩm Púa. Chỉ huy trưởng không ngờ tình hình khó khăn hơn mình đã dự kiến. Anh đề nghị cuộc họp tạm dừng một lát. Mọi người im lặng dạo bên bờ suối dưới thác nước. Ánh sáng mặt trời đã le lói, sương mù đang tan dần..

Khi cuộc họp kết thúc, Chỉ huy trưởng biết cuộc tranh luận không thể kéo dài, anh nói:

-    Tình hình khẩn trương. Cần sớm có quyết định. Vô luận tình hình như thế nào, chúng ta vẫn phải nắm nguyên tắc cao nhất là: ‘Đánh chắc thắng’. Trước khi tôi ra đi, Bác trao nhiệm vụ: ‘Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh’.

Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi: ‘Nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không?’

Chủ nhiệm Chính trị nói:
-    Anh Văn nêu câu hỏi thật khó trả lời. Ai dám bảo là sẽ chắc thắng trăm phần trăm!

Chủ nhiệm Cung cấp nói tiếp:
-    Làm sao dám đảm bảo như vậy?

Chỉ huy trưởng nhấn mạnh:
-    Tôi nghĩ với trận này, ta phải đảm bảo chắc thắng trăm phần trăm.

Bấy giờ Tham mưu trưởng mới nói:
-    Nếu yêu cầu chắc thắng trăm phần trăm thì khó….

Lát sau, Đảng ủy đi tới nhất trí là trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn mà ta chưa có biện pháp cụ thể để khắc phục.

Chỉ huy trưởng kết luận:
-    Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là ‘đánh chắc thắng’, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ ‘đánh nhanh thắng nhanh’ sang ‘đánh chắc tiến chắc’. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công.

Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đâu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới.

Chỉ huy trưởng chỉ thị cơ quan tham mưu cho một bộ phận nhỏ, mang theo một đài vô tuyến điện đi về phía Mộc Châu, mỗi ngày lên máy mấy lần, giống cung cách làm việc của điện đài 308, điện mật xen kẽ một vài tiếng lóng, đại ý nói: ‘Sang…đơn vị đã về tới…bộ đội an toàn…’.

Do những bức điện này mà ngày đầu, địch đã tưởng 308 bỏ cuộc đang quay về đồng bằng. Địch đặc biệt chú ý theo dõi động tĩnh của đại đoàn 308, vì 308 đi đâu thì nơi đó thường là hướng tiến công chính của chủ lực ta.

Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: Trong ngày hôm đó, ông đã thực hiện ‘một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình’.

Còn nữa...

Trích đăng từ 'Không phải huyền thoại' – Hữu Mai – Nhà xuất bản Trẻ ấn hành

Bình luận
vtcnews.vn