Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày đầu ra trận Điện Biên Phủ

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 09/10/2013 02:28:00 +07:00

(VTC News) - Chuyện kể những ngày đầu Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ, đầu tháng 1/1954.

(VTC News) - Chuyện kể những ngày đầu Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ, đầu tháng 1/1954.

Lên đường ra mặt trận

Những ngày đầu tháng 1/1954, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận. Chiếc xe jeep duy nhất, được ngụy trang khá kỹ, xuất hiện trên đường hành quân, đã thu hút mọi cặp mắt.

Hình ảnh Đại tướng đã quen thuộc với mọi người. Trong khi các chiến sỹ, tuy ngạc nhiên vẫn kín đáo nhìn đồng chí Tổng tư lệnh thì những người dân công hồn nhiên vỗ tay hò reo.

Tin Đại tướng cũng có mặt trên đường ra tiền tuyến mang đến một luồng gió mới.  Mọi người đã thấy hết tầm quan trọng của chiến dịch này.

Tổng tư lệnh tươi cười ngắm nhìn bộ đội, dân công. Qua tám năm kháng chiến không một ngày nghỉ ngơi, quân và dân ta vẫn như ngày đầu vào trận. Một dân tộc đang độ thanh xuân, tràn trề sức sống. Cán bộ đi xuống đơn vị về báo cáo: Bộ đội hành quân rất tốt.

Các đội ‘thu dung’, tổ chức thu thập những người yếu mệt bị tụt lại dọc đường, không đón được ai. Ở đại đoàn 308 có phong trào: ‘Ăn tốt, ngủ tốt, đi tốt’. Dọc đường hành quân bộ đội vẫn được ăn rau tươi, do anh em mang theo đỗ xanh làm giá.

Tới chỗ nghỉ, tổ ba người tổ chức ngâm chân bằng nước nóng. Có thể thấy một khi tư tưởng được phát động, cá chiến sỹ sẽ làm được tất cả những gì họ muốn.

võ nguyên giáp
Dọc đường, anh có hai mối lo.

Mối lo thứ nhất, không biết quân địch có ở lại Điện Biên Phủ hay không? Hầu như toàn bộ những đại đoàn chủ lực của ta đã dồn lên Tây Bắc. Nếu bây giờ, địch rút, bao nhiêu cố gắng suốt thời gian qua sẽ thành công dã tràng.

Navarre luôn có những trò ma quái. Anh vẫn chưa nghĩ ra nếu địch rút thì ra sẽ tiếp tục làm gì với hầu hết những đại đoàn chủ lực đã chuyển lên Tây Bắc? Bất cứ một dấu hiệu gì lạ xuất hiện ở mặt trận cũng làm anh nghĩ đến một cuộc rút quân của địch.

Trinh sát báo cáo hôm nay trong tập đoàn cứ điểm xuất hiện nhiều đám lửa. Phải chăng chúng đang tiêu hủy một số tài liệu, đồ vật trước khi rút lui? Nếu trong chiến tranh, ta biết tất cả những việc địch đang làm, thì khó khăn giảm đi một nửa. Nhưng đó là điều cực kỳ khó.

Mối lo thứ hai, lớn hơn, là ta làm thế nào tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm.

Cho đến nay ta chưa một lần chiến thắng trước tập đoàn cứ điểm của địch. Lần này vẫn là một thử nghiệm. Một thử nghiệm mà anh không được phép không thành công.

Ta đã hết sức chuẩn bị. Nhưng anh vẫn nhận thấy có quá nhiều khó khăn. Điện Biên Phủ nằm xa hậu phương ta. Tuyến tiếp tế gần nhất trên 400km. Tuyến xa nhất lên tới 600km. Liệu có thể huy động được đủ lương thực cho mặt trận một thời gian dài?

Năm trước tại chiến dịch Tây Bắc, so với Điện Biên Phủ mới nửa chặng đường, một dân công gánh gạo từ hậu phương lên chỉ nhập được vào kho 2kg, số gạo mang theo đã dùng hết để ăn trên đường vận chuyển!

Và bộ đội ta sau một thời gian luyện tập, đã đủ năng lực để tiêu diệt từng trung tâm đề kháng nằm trong tập đoàn cứ điểm chưa?

Lần này, ta có lựu pháo. Nhưng cách sử dụng pháo lớn của ta trong tập đoàn cứ điểm như thế nào? Và điều anh rất lo lắng là ta chỉ có trên 3.000 viên đạn. Số lượng đạn này chỉ đủ dùng cho một trận công kiên.

Chọn cách đánh


Sở chỉ huy tiền phương báo cáo về công tác chuẩn bị đã xong, chỉ còn đợi anh lên.

Máy bay địch đánh phá liên tục trên dọc đường, nhưng chuyến đi vẫn khá thông suốt. Chỉ một đêm, phải dừng chân khá lâu trước đèo Pha Đin. Buổi chiều, máy bay địch đã làm sạt một đoạn đường trên đèo.

Địch còn thả thêm nhiều bom chờ nổ và bom bươm bướm. Công binh quyết định cho chiếc xe jeep cùng đi với bộ đội và xe vận tải trên đoạn đường vừa san tạm, bên dưới còn bom chờ nổ, riêng Tổng tư lệnh phải đi theo con đường tránh mới mở dưới chân đèo.

Những chiến sỹ công binh ngoài việc chặt cây, phát quang còn phải nhặt bom bi rơi rải rác khắp nơi để dọn một con đường sạch. Tổng tư lệnh và đoàn tùy tùng phải mất cả đêm mới vượt qua được đoạn đường tránh, trong khi chiếc xe jeep đã đứng đợi từ nửa đêm bên kia chân đèo.


Sáng ngày 12/1/1954, đến Tuần Giáo. Đây là ngã ba đường đi Sơn La, Lai Châu và Điện Biên Phủ. Những dãy nhà không người ở. Đồng vào sợ máy bay đã lánh sâu vào rừng. Sở chỉ huy chiến dịch đã cử người đón.

Từ đây tới sở chỉ huy còn 14km, nhưng trời đã sáng, Chỉ huy trưởng được đưa vào một bản nhỏ cách xa đường cái, đề phòng máy bay địch. Anh nằm trên sàn nhà rồi ngủ thiếp đi.

võ nguyên giáp
Ngày 14/01/1954, tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án 'đánh nhanh, thắng nhanh' và ngày nổ súng dự định là 25/01/1954 
Khi tỉnh dậy đã thấy Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái ngồi chờ, miệng ngậm điếu thuốc lá. Anh hỏi ngay:

-    Địch ở Điện Biên Phủ có gì thay đổi không?
-    Chúng gấp rút củn cổ công sự và sửa chữa sân bay.
-    Có triệu chứng gì chúng muốn rút không?
-    Chắc là không. Chúng đang xây dựng một tập đoàn cứ điểm với quy mô lớn hơn Nà Sản nhiều.

Tham mưu trưởng trải ra mặt sàn những bản sơ đồ về Điện Biên Phủ. Lần đầu tiên, anh nhìn thấy những vị trí địch nằm san sát trên một vùng đất khá rộng, có đồi núi, cánh đồng và một con sông nhỏ.

Hoàng Văn Thái nói:
-    Đây là sơ đồ được lập dựa trên những cảnh đồ do các tổ trinh sát vẽ trên các hướng rồi ghép lại, đã đối chiếu với những sơ đồ do tù binh địch vẽ, và cả một số ảnh do quân báo chụp các vị trí địch.

Anh Thái tường trình lại quá trình xây dựng tập đoàn cứ điểm. Theo lời khai của tù binh thì quân địch ở Điện Biên Phủ đã lên tới 10 tiểu đoàn. Có hai trận địa pháo ở Mường Thanh và Hồng Cúm. Cả hai nơi này đều có sân bay.

Chỉ huy trưởng xem kỹ các bản sơ đồ và hỏi những điểm cụ thể về cách bố trí của địch, nhất là ở châu lỵ Mường Thanh và các điểm cao phía đông, rồi hỏi:
-    Phương án tác chiến chuẩn bị tới đâu rồi?

Tham mưu trưởng vẫn vui vẻ nói:
-    Bộ phận đi chuẩn bị chiến trường đã xây dựng xong phương án, chờ anh lên để quyết định. Chúng tôi cùng các cô vấn đã chọn phương án ‘đánh nhanh thắng nhanh’, tranh thủ khi địch mới tới chưa kịp chuẩn bị công sự và chưa tăng thêm quân.

Chỉ huy trưởng cố giấu vẻ ngỡ ngàng. Phương án tác chiến này hoàn toàn khác phương án anh đã báo cáo Bộ Chính trị trước khi lên đường. Anh nói:
-    Tối nay, ta họp Đảng ủy Mặt trận.

Anh chỉ mong sớm đến sở chỉ huy để nắm thêm tình hình.
Buổi chiều, đi tiếp vào cây số 15 đường Tuần Giáo – Điện Biên Phủ, một vùng nhiều núi đá. Bộ phận đi trước đã chọn được một hang to làm sở chỉ huy.

Chỉ huy trưởng hỏi Chánh văn phòng Quân ủy Nguyễn Văn Hiếu:
-    Tình hình tư tưởng cán bộ, chiến sỹ như thế nào?
-    Mọi người đều phấn khởi, tin là mùa khô này ta sẽ thắng lớn.
-    Có ai có ý kiến gì về chọn cách ‘đánh nhanh thắng nhanh’ không?
-    Chỉ mới có một vài người trong cơ quan biết. Chúng tôi nghĩ đây là cách tranh thủ giành chiến thắng khi địch còn chưa chuẩn bị.

Buổi tối, các Đảng ủy viên đến họp, người nào cũng tỏ vẻ hồ hởi. Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái trình bày phương án tác chiến đã được chuẩn bị.

-    Tập đoàn cứ điểm hiện nay quân số đã lên tới 10 tiểu đoàn, nhưng mới có công sự dã chiến, đang còn ở thế lâm thời phòng ngự. Lần trước khi ta tiến công Nà Sản vào cuối chiến dịch, lực lượng đã bị tiêu hao, bộ đội mỏi mệt, ta lại chỉ đánh một, hai cứ điểm, địch dùng toàn bộ sức mạnh hỏa lực của tập đoàn cứ điểm đối phó nên các trận đánh đều không thành công.

Lần này quân ta đang sung sức và quyết tâm chiến đấu rất cao. Rút kinh nghiệm cách đánh ở Nà Sản năm trước, đồng chí Cố vấn Mai Gia Sinh đã bàn với chúng tôi nên chọn cách đánh nhanh thắng nhanh. Ta sẽ đột phá vào tập đoàn cứ điểm bằng nhiều mũi, buộc địch phải phân tán hỏa lực đối phó ngay cả khi đánh ban ngày.

Đặc biệt, ta sẽ có một mũi thọc sâu vào sở chỉ huy của tập đoàn cứ điểm, chia cắt địch, buộc chúng phải đối phó cả ở bên trong và bên ngoài.

Quân báo điều tra thấy hướng tây của địch bố trí còn nhiều sơ hở, nên mũi thọc sâu sẽ đột phá từ hướng này. Nhiệm vụ thọc sâu sẽ trao cho 308. Nếu mũi thọc sâu nhanh chóng thọc vào sở chỉ huy sẽ tạo nên sự rối loạn, sự xuất hiện của trọng pháo 105 và pháo cao xạ sẽ gây cho địch bất ngờ rất lớn, trận đánh sẽ có nhiều khả năng thành công.

Chủ nhiệm chính trị Lê Liêm nói:
-    Chưa có chiến dịch nào không khí xuất quân đầy khí thế, hào hùng như chiến dịch này. Sau chỉnh quân chính trị, tinh thần chiến đấu của bộ đội rất cao, mọi người đều nô nức lập công.

Trước đây anh em mong đánh đồng bằng, nay đã bước đầu thông suốt, chỉ cần động viên, giải thích thêm, chắc các đơn vị sẽ thi đua lập công cao nhất. Chúng tôi và các đồng chí Cố vấn đều thống nhất nên đánh nhanh thắng nhanh.

Chủ nhiệm hậu cần Đặng Kim Giang nói:
-    Đánh theo phương án này đỡ lo vấn đề cung cấp. Chúng tôi đã tính tại khu vực Điện Biên phủ cần tới 50 tấn gạo cho một ngày chiến đấu. Nếu tính từ Sơn La trở lên mỗi ngày cần tới 90 tấn gạo cho cả bộ đội và dân công.

Đó mới là nói gạo, chưa kể đạn dược và thuốc men. Hiện nay, địch đã bắt đầu đánh phá mạnh tuyến đường tiếp tế độc đạo từ Cò Nòi lên Điện Biên Phủ. Nếu đánh kéo dài vấn đề cung cấp rất khó giải quyết.

Mọi người đều thống nhất một ý kiến với những lý lẽ đã được cân nhắc. Đây là những người đã có mặt ở chiến trường từ trước đó một tháng. Chỉ huy trưởng vừa tới mặt trận, chưa nắm được tình hình thực tế, dù không đồng tình, nhưng chỉ im lặng lắng nghe. Rồi anh hỏi:
-    Bao giờ sửa xong đường?

Anh Thái nói:
-    Ngay sau khi tới đây, tôi đã cho lệnh tập trung toàn bộ lực lượng sửa đường cho xe kéo pháo vào. Quy định cho công binh và bộ đội một tháng phải xong đường. Nhưng chỉ làm từ Tuần Giáo đến km62, vì làm sâu thêm sợ bị lộ.

-    Còn từ km62, làm cách nào đưa pháo vào tiếp…?
-    Đồng chí Mai nói sẽ dùng sức người kéo pháo vào tận trận địa. Bạn đã thường làm việc này.

Chủ nhiệm hậu cần nói tiếp:
-    Đánh nhanh còn tránh được bộ đội ở rừng núi dài ngày, ăn uống kham khổ, bệnh tật dễ phát sinh.

Tham mưu trưởng nói:
-    Nếu Đảng ủy nhất trí phương án đánh nhanh thắng nhanh thì cần tranh thủ thời gian, vì để chậm tình hình địch có thể biến chuyển. Đề nghị anh Văn xác định cho thời gian triệu tập hội nghị phổ biến nhiệm vụ.
-    Anh dự kiến ngày nào?
-    Ngày 14, vì ngày mai thì không kịp.

     Vấn đề này không thể báo cáo qua điện đài để xin ý kiến Bác và Bộ chính trị. Chỉ huy trưởng cân nhắc giây lát rồi nói:
-    Đồng ý ngày 14.
võ nguyên giáp
Sau hội nghị, anh bảo chánh văn phòng Quân ủy Nguyễn Văn Hiếu ở lại. Hiếu là chính ủy trung đoàn ở đơn vị chiến đấu được điều về Bộ từ năm 1949, cái gì biết thì nói, không biết thì nói không biết, nên anh rất tin. Anh suy nghĩ rồi nói:

-    Đánh theo cách này là mạo hiểm…Nhưng các anh đi trước cùng với Cố vấn đã nhất trí như vậy. Cậu nghiên cứu, suy nghĩ thêm, khi theo dõi tình hình chuẩn bị của các đơn vị, nếu thấy cán bộ, chiến sỹ đơn vị có thắc mắc thì báo cáo ngay. 

Riêng vấn đề này chỉ trao đổi với mình, không được nói với bất cứ ai! Cho người mời cục phó Quân báo cáo Cao Pha đến gặp mình.


Hiếu có vẻ ngạc nhiên trước ý kiến của Chỉ huy trưởng. Lát sau, Cục phó Cục 2 tới. Anh Văn nói:
-    Vừa qua báo cáo là trên cánh đồng hướng tây, cách bố trí của địch có sơ hở. Đã trao nhiệm vụ cho 308 thọc sâu từ hướng này?

-    Thưa anh, phía đó toàn cánh đồng trống trải, chắc địch cho là ta sẽ không đột nhập từ hướng này.
-    Tình hình những ngày tới sẽ còn thay đổi. Trao nhiệm vụ cho cậu  tiếp tục điều tra thật cẩn thận, theo dõi chặt những vị trí địch ở hướng này, báo cáo tình hình ngày hai lần…Nếu có hiện tượng đột xuất thì báo cáo không kể ngày đêm.

Sáng hôm sau, Tổng tư lệnh gặp Trưởng đoàn Cố vẫn Vi Quốc Thanh. Anh tin đồng chí Vi có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình vì hai người đã trao đổi nhiều lần trên dọc đường về cách đánh tập đoàn cứ điểm thích hợp với bộ đội Việt Nam là ‘đánh chắc tiến chắc’.

Anh chủ động đi thẳng vào vấn đề:
-    Tôi hơi ngạc nhiên thấy các đồng chí đi trước đã chọn cách ‘đánh nhanh thắng nhanh’. Như tôi đã trao đổi với đồng chí Trưởng đoàn nhiều lần, với trình độ của bộ đội Việt Nam hiện nay, chọn cách đánh tiêu diệt từng trung tâm đề kháng của địch là thích hợp.

Đồng chí Vi nói:
-    Tôi đã gặp đồng chí Mai Gia Sinh và các cố vấn đi cùng chuẩn bị chiến trường với cán bộ Việt Nam, trong đó có một ngày dừng lại ở Nà Sản để nghiên cứu kỹ tập đoàn cứ điểm.

Tất cả các đồng chí Việt Nam và cố vấn đều nhất trí là lần này ở Điện Biên Phủ ta nên tranh thủ đánh sớm, đánh nhanh và có nhiều khả năng giành thắng lợi.

-    Căn cứ vào trình độ tác chiến của bộ đội Việt Nam hiện nay và so sánh binh hỏa lực hai bên trên chiến trường, tôi cho rằng bộ đội chúng tôi có khả năng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong thời gian ngắn.

Suy nghĩ một lúc, đồng chí Vi nói:
-    Tôi biết làm được việc này, bộ đội Việt Nam sẽ phải có nhiều cố gắng vượt bậc. Nhưng nếu không tranh thủ đánh sớm khi địch còn đứng chân chưa vững, để nay mai chúng tăng quân và củng cố công sự thì không đánh được, ta sẽ bỏ mất thời cơ.

Anh nhớ lại trường hợp tương tự đã gặp tại chiến dịch Biên Giới năm 1950. Khi anh tới sở chỉ huy thì các đồng chí trong Đảng ủy Mặt trận đi trước đã xây dựng xong phương án đánh thị xã Cao Bằng để mở đầu chiến dịch.

Nhưng hồi đó, còn một số cán bộ trung đoàn sau khi trinh sát trận địa, cũng có ý kiến là đánh Cao Bằng khó thắng. Hơn thế, Bác có mặt ở chiến dịch, đã phê chuẩn đề nghị mới của anh. Nhưng lần này, anh ở phía thiểu số tuyệt đối. Anh biết không thể đưa vấn đề ra bàn lại lúc này, vì mọi người đều có niềm tin vào thắng lợi.

Chỉ huy trưởng cảm thấy mình đứng trước một ‘việc đã rồi’.

Còn nữa...

Trích đăng từ 'Không phải huyền thoại' – Hữu Mai – Nhà xuất bản Trẻ ấn hành

Bình luận
vtcnews.vn