Hồ Trung Dũng: Làng nhạc vẫn có ca sỹ giả tạo cảm xúc

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 25/09/2013 07:24:00 +07:00

(VTC News) - Hồ Trung Dũng chia sẻ về những vấn đề của âm nhạc đương đại, trong đó vẫn tồn tại người ca sỹ có cảm xúc giả tạo.

(VTC News) - Hồ Trung Dũng chia sẻ về những vấn đề của âm nhạc đương đại, trong đó vẫn tồn tại người ca sỹ có cảm xúc giả tạo.

- Trong nền âm nhạc hiện nay, các ca sỹ dường như quen nhận show và ra sản phẩm để công chúng nhớ tên mà quên việc phải trau dồi bản thân, anh nghĩ sao về điều này?

Tôi không hoàn toàn đồng ý với nhận định này. Đúng là có nhiều ca sỹ chỉ chọn con đường nhanh, con đường ngắn để khán giả nhớ đến mình. Nhưng để trụ lại lâu trong lòng khán giả, một người nghệ sỹ vẫn cần phải luôn trau dồi bản thân.

Không nhất thiết cứ phải đến lớp học thanh nhạc, luyện thanh hằng ngày mới gọi là trau dồi. Tìm tòi một cái mới, bổ sung những kỹ thuật cần thiết để hoàn thiện mình, tự nghiên cứu, học hỏi từ những đồng nghiệp của mình và không quên nuôi dưỡng cảm xúc cũng là những điều giúp một người ca sỹ ngày càng phát triển.

Bản thân tôi, trước khi bước vào phòng thu thực hiện album nhạc Jazz và album Trịnh Công Sơn – Phạm Duy đều phải tập luyện rất nhiều, suy nghĩ chọn lựa cách thể hiện.

Vậy mà khi bước vào thu âm vẫn phải thu đi thu lại rất nhiều lần, vì so với các album trước, đây là hai album có độ khó cao hơn rất nhiều. Nhưng cũng qua quá trình đó, tôi đã học hỏi được nhiều điều rất hữu ích cho nghề của mình.

Hồ Trung Dũng
- Mỗi ca sỹ khi bắt đầu sự nghiệp thường có một định hướng riêng, nhưng rất ít người giữ vững được dòng nhạc mình theo đuổi mà thường chuyển sang những dòng nhạc có nhiều người nghe hơn. Theo anh, đây có phải là sự thoả hiệp?

Trước khi bắt đầu ca hát, mỗi người đều có một hình dung riêng về con đường mà mình sẽ đi. Nhưng đó cũng chỉ mới là cảm quan ban đầu mà thôi.

Đến khi đã hoạt động được một thời gian, có cơ hội thực hiện những gì ban đầu mình dự tính, tiếp xúc với khán giả thì chúng ta mới hiểu được những gì là phù hợp với mình và với người nghe.

Do đó, việc điều chỉnh lại đôi khi là cần thiết. Ngay cả việc ‘thỏa hiệp’ – như cách của anh nói – thì tôi cũng không thấy có gì là xấu, chừng nào người nghệ sỹ còn giữ được cá tính âm nhạc riêng của mình. 

Ngoài ra, có nhiều trường hợp không thể gọi là ‘chuyển sang dòng nhạc khác’ mà đơn thuần là thử nghiệm, làm mới mình, hoặc phát triển và mở rộng con đường mình đi.

 

Đúng là có nhiều ca sỹ chỉ chọn con đường nhanh, con đường ngắn để khán giả nhớ đến mình. Nhưng để trụ lại lâu trong lòng khán giả, một người nghệ sỹ vẫn cần phải luôn trau dồi bản thân.
 
- Anh có băn khoăn trước một ca khúc mình yêu thích nhưng lại không phù hợp với số đông công chúng?

Điều này thường xuyên xảy ra đối với các ca sỹ, cũng như những nhà sản xuất.

Một tác phẩm được công chúng đón nhận phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố không do chúng ta kiểm soát, trong đó có cả cái may mắn của ca khúc đó.

Chúng tôi vẫn thường hay nói đùa là: ‘Một bài hát cũng có cái số của nó!’.

Thực tế là nhiều ca khúc tác giả và người hát rất tâm đắc nhưng khán giả lại không quan tâm và ngược lại, rất nhiều ca khúc trở thành hit làm cho mọi người đều bất ngờ.

- Anh làm sản phẩm âm nhạc theo gu của anh hay theo gu của khán giả?

Tôi sẽ bắt đầu bằng mẫu số chung của cả hai yếu tố trên. Tôi mong muốn được cảm thấy ‘sướng’ khi nghe sản phẩm của mình làm ra và được chia sẻ cái ‘sướng’ đó với nhiều người khác.
Hồ Trung Dũng
- Các ca sỹ là người đứng giữa sự sáng tạo của nhạc sỹ và công chúng thưởng thức sáng tạo đó. Liệu ca sỹ có đứng ngoài cuộc khi khán giả không thoả mãn với những sáng tạo đó?

Không thể nào. Khi nghe một ca khúc, thính giả không chỉ đón nhận những tình cảm, tư tưởng của riêng người viết mà còn mang rất nhiều cá tính của người hát trong đó.

Thực tế, nếu bạn hát một ca khúc mà khán giả không thấy bạn ở trong đó thì có thể nói là một sự thất bại. Do đó, việc thành bại của một ca khúc phụ thuộc rất nhiều vào người ca sỹ.

- Có quá nhiều thứ để ca sỹ có thể lấy ra để che lấp giọng hát, đó là sự cầu toàn của họ hay chỉ là sự lấp liếm khả năng thực sự?

Cả hai đều có thể đúng.

- Không thể phủ nhận thực trạng âm nhạc đang bị lai tạp từ nước ngoài, điều này là sự mới lạ, sự thể nghiệm hay sẽ làm mất chất riêng của nhạc Việt, thưa anh?

Âm nhạc không có biên giới, hơn nữa nó cũng là sự kế thừa. Việc chịu ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền âm nhạc, giữa các dòng nhạc là điều tất yếu. Mà đã là tất yếu thì tôi nghĩ không cần đánh giá tốt hay xấu.
Hồ Trung Dũng

 

Nếu mỗi người nghệ sỹ và mỗi khán giả đều làm việc và thưởng thức âm nhạc bằng chính cái tâm của mình thì tôi tin rằng chúng ta sẽ thay đổi được nhiều hơn chúng ta tưởng.
 
- Một số ca sỹ có thể lấy sự nức nở trên sân khấu làm bình phong cho kỹ thuật còn sơ sài. Điều này liệu có đúng khi nhiều người nói ‘quan trọng nhất của người ca sỹ là phải có cảm xúc’?

Cảm xúc cũng có phân biệt ra thành cảm xúc thật và cảm xúc giả tạo mà (cười).

- Đối với anh, vấn đề còn tồn tại trong âm nhạc Việt Nam hiện nay là gì? Điều gì có thể khắc phục những vấn đề tồn tại đó?

Về vấn đề này, tôi cũng đã chia sẻ rất nhiều lần và cũng đã nêu lên nhiều điều trăn trở của mình.

Tôi cũng không muốn mình cũng như mọi người lúc nào cũng chỉ phê phán, tiêu cực.

Rõ ràng có rất nhiều tồn đọng mang tính lâu dài, vĩ mô, nhưng tôi vẫn mong nếu mỗi người nghệ sỹ và mỗi khán giả đều làm việc và thưởng thức âm nhạc bằng chính cái tâm của mình thì tôi tin rằng chúng ta sẽ thay đổi được nhiều hơn chúng ta tưởng.

Vì sao nền âm nhạc trở nên bát nháo?

  • Nhà trường không chú trọng dạy âm nhạc
  • Hội nhạc sỹ không làm tròn trách nhiệm
  • Thiếu sự chấn chỉnh cần thiết
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

- Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!

Độc giả có suy nghĩ gì về quan điểm của ca sỹ Hồ Trung Dũng? Hãy cùng tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề bằng cách gửi ý kiến của mình vào ô thảo luận bên dưới.

Hiếu Cao
(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn