Đàm Vĩnh Hưng: Nghệ sỹ Việt đang hoang mang

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 20/09/2013 09:43:00 +07:00

(VTC News) - Lên tiếng trên diễn đàn 'Chấn hưng nhạc Việt', ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng cho rằng nghệ sỹ đang hoang mang trong sự hỗn loạn của nền âm nhạc.

(VTC News) - Lên tiếng trên diễn đàn 'Chấn hưng nhạc Việt', ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng cho rằng nghệ sỹ đang hoang mang trong sự hỗn loạn của nền âm nhạc.

Tham gia diễn đàn Chấn hưng nhạc Việt, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đã chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở của anh về nền âm nhạc Việt Nam.

'Thỏa hiệp'


- Anh nghĩ thế nào về những ca sỹ chạy show triền miên, ra sản phẩm liên tục nhưng lại quên mất trau dồi bản thân?

Từ muôn đời nay ai cũng cho mình quyền yêu cầu người này người kia phải trau dồi bản thân. Không lẽ các ca sỹ luôn phải thông báo tôi đang trau dồi, đang luyện thanh, đang học hành nhạc lý rồi quay clip luyện tập tung lên?

Ngay cả công việc đi hát hàng ngày, vào phòng thu cho ra những sản phẩm cũng là việc chúng tôi đang trau dồi bản thân bởi phòng thu là môi trường luyện tập tốt nhất.

Tôi vẫn đưa học sinh vào phòng thu để có được cách xử lý, lấy hơi chuẩn xác. Làm mẫu bên ngoài bao nhiêu cũng không tốt bằng việc nghe bản thu thử, hụt hơi chỗ nào, chưa lên đến cao độ chỗ nào để chỉnh sửa.

 

Bất cứ ngành nghề gì cũng cần đến công chúng, họ chính là người trả lời bạn là ai, bạn đang đứng ở đâu.
 
- Còn việc ca sỹ chạy theo thị hiếu công chúng mà bỏ ngang con đường mình đã chọn từ đầu?

Bất cứ người nào bắt đầu sự nghiệp cũng từ đam mê dòng nhạc họ thích nhất, có khả năng hát hay nhất. Nhưng ai đi hát mà không cần khán giả?

Trong những ngày tháng đối diện với cuộc sống hiện tại, với những dòng nhạc kén người nghe thì họ không có đất sống nên phải quay sang chứng minh mình có thể hát được các dòng nhạc khác. Điều đó khiến khán giả thấy họ đa dạng, lại vừa có trang trải cho cuộc sống.

Chứ cứ giữ vững dòng nhạc rồi không ai mời đi hát thì lấy gì để lo cho sự nghiệp. Bất cứ ngành nghề gì cũng cần đến công chúng, họ chính là người trả lời bạn là ai, bạn đang đứng ở đâu.

- Việc đó cũng đồng nghĩa với việc phải hát những ca khúc mình không thích, đúng không thưa anh?

Là một người ca sỹ, phải hát cho khán giả trước và hát cho mình sau. Cái mình thích đôi khi phải giấu đi, đó không phải sự thoả hiệp mà là công bằng. Khán giả bỏ tiền ra xem ca nhạc vì muốn nghe những gì họ thích, còn ca sỹ là người đang đi tìm công chúng. Đó là sự bắt tay, 'thỏa hiệp', trả công xứng đáng giữa ca sỹ và công chúng.

- Đứng trước một ca khúc anh thấy hay nhưng khản giả lại không thích thì sao?

Đi hát hằng đêm, tôi biết khán giả thích gì. Một người trong nghề lâu năm lại chọn ca khúc ngược với số đông là không được, điều đó rất khó để làm nghề. Ông trời ban cho người ta thính giác để lắng nghe và từ đó có nhận định cho riêng mình.

Cái giỏi của người làm giải trí là biết làm gì cho khán giả thích. Trong trường hợp này tôi sẽ quay clip, hoà âm sáng tạo, biểu diễn liên tục và dùng những lời giới thiệu đặc biệt để khán giả chú ý hơn tại sao tôi lại chọn ca khúc đó.


Ca khúc 'Xin lỗi tình yêu' do Đàm Vĩnh Hưng trình bày. 

- Theo anh, ca sỹ đa dạng trong thể loại nhạc với người phải chuyển dòng nhạc để đi tìm công chúng có khác nhau không?

Người hát được nhiều dòng nhạc là khả năng trời cho, và họ tới với những thể loại nhạc khác nhau bằng sự tự tin, thoải mái. Còn người chuyển dòng nhạc là người đã nhìn ra lựa chọn sai để tìm một bước tiến mới, vị trí mới trong showbiz.

Có những người thay đổi thành công như Như Quỳnh, Thu Minh, Lệ Quyên nhưng cũng có những người miệt mài theo đuổi lý tưởng âm nhạc của mình, và họ vẫn là những người âm thầm không được nhiều người biết đến trong nghệ thuật.

Kết hợp cổ kim

- Anh thấy sao về những ca sỹ biểu diễn những thứ ‘màu mè’ trên sân khấu để che lấp kỹ thuật hạn chế?

Có nhiều thứ khiến người ta phải quyết định như thế. Ngày xưa hát tốt hay dở là khán giả biết ngay bởi ban nhạc đánh live, ca sỹ hát live, không có nhóm múa, không có đủ kiểu trên trời dưới đất như bây giờ.

Hiện tại, thế giới du nhập vào Việt Nam công nghệ trình diễn và khán giả có rất nhiều lựa chọn cho mình.

Công chúng chạy theo công nghệ nước ngoài, ca sỹ chạy theo công chúng mà không cần biết điều gì để khán giả thích hơn, ủng hộ nhiều hơn là điều tất yếu.

- Theo anh, có phải điều này làm cho âm nhạc Việt Nam bị lai tạp nhiều hơn?

Không riêng gì Việt Nam mà một số nước như Nhật, Hàn đều có sự vay mượn rất nhiều, ngay cả Mỹ cũng dùng chất liệu Châu Á để làm mới âm nhạc của họ.

Cái gì hay người xưa dùng hết rồi, những vinh quang chói sáng, những cột mốc, tượng đài đó không thể xô ngã được.

Ở Việt Nam nếu cứ đem đàn ca sáo nhị ra hát quanh năm suốt tháng liệu có mấy ai xem?

Nếu chúng ta biết kết hợp cổ truyền cùng với những kiến thức mới, chất liệu mới trong âm nhạc thì chắc chắn sẽ làm ra được âm nhạc hiện đại nhưng vẫn mang tính dân tộc cao.

- Anh nghĩ sao về ý kiến một số ca sỹ lấy sự nức nở trên sân khấu để bổ trợ cho phần biểu diễn của mình?

Có thể ca sỹ không kiểm soát được cảm xúc nhưng đó là do tràn đầy quá, họ phải ‘đổ’ bớt ra bên ngoài. Cảm xúc vô chừng lắm, nhiều quá lại bảo nức nở, ít quá lại  bảo hát vô cảm, làm gì có chuẩn cho cảm xúc?


 'Mẹ' - nhạc: Phú Quang, thơ: Hồng Thanh Quang được Đàm Vĩnh Hưng thể hiện hết sức thành công, xúc động

Hay hát buồn phải chảy nước mắt, hát sống động phải xé quần xé áo quằn quại, khán giả đứng lên hò reo ầm ầm mới là chuẩn?

Câu hỏi chưa lời đáp


- Có nghĩa là quá khó cho ca sỹ trong thời đại bây giờ?

Những nhạc sỹ sừng sỏ nhất vẫn chưa có câu trả lời cho công chúng nhạc Việt Nam là nhạc như thế nào? Là cải lương, dân ca, hò, vè, chèo, tuồng, là có sáo, kìm, tranh, bầu hay cái gì? Ngay những bản tình ca một thời cũng do những nhạc sỹ du học hoặc tìm hiểu về âm nhạc thế giới để sáng tác.

Các bạn muốn thay đổi, muốn gìn giữ thì cứ bỏ tiền ra hô hào sáng tác dân ca quê hương, nhưng công chúng có đón nhận hay không lại là chuyện khác.

Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện sử dụng điệu lý của Việt Nam để đặt lời mới hoặc remix nhưng vẫn chưa làm được.

Nếu cứ nghĩ âm nhạc Việt Nam phải có sự quen thuộc, cũ kỹ thì cũng xin nói luôn đó là quá khứ hết rồi, các tác giả đã là tiền nhân hết rồi.

- Các ca khúc đi cùng năm tháng có vẻ khó sống trong thời đại này hơn, thưa anh?

Tới giờ đâu còn những bản ballad tất cả mọi người có thể hát theo như I will always love you, Hello…nữa đâu.

Hoàn toàn chỉ là những thứ thời thượng sống được vài tháng rồi lại chìm xuống để một lớp những ca khúc mới lên.

Lâu lâu lọt ra vài bài ballad lại bị chen lấn xô đẩy bởi những thứ sôi động và hiện đại hơn.

- Đó là điều không tốt?

Rõ ràng là không tốt, nhưng nhịp thở bây giờ đang chạy như thế rồi. Nếu làm lại thì bị cho rằng đào bới quá khứ, không sáng tạo, nhai lại vinh quang cũ.

Lỗi thời hay không là báo chí ghi nhận. Phóng viên thời nay trẻ, năng động nên dường như họ không kịp nhớ những gì thuộc về quá khứ, để nhớ và đào ra càng mất thời gian hơn.

Chính vì thế họ tiếp tục trưng trổ cái mới nên vô tình những cái cũ không được nhắc lại nữa.

Hoang mang

- Anh đánh giá vai trò của Hội Nhạc sỹ Việt Nam như thế nào?

Tôi không đủ tư cách đánh giá mà họ đánh giá tôi thì đúng hơn. Theo ý kiến cá nhân tôi, Hội Nhạc sỹ được thành lập ra để dành riêng cho các nhạc sỹ.

Vì sao nền âm nhạc trở nên bát nháo?

  • Nhà trường không chú trọng dạy âm nhạc
  • Hội nhạc sỹ không làm tròn trách nhiệm
  • Thiếu sự chấn chỉnh cần thiết
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Còn chúng tôi cần Hội Ca sỹ, đã xin từ lâu mà chưa được chấp thuận. Đó sẽ là nơi có những hoạt động bồi dưỡng các nhạc sỹ trẻ, nâng đỡ họ để ca sỹ và nhạc sỹ có sự hợp tác tốt nhất và công chúng sẽ là người hưởng thụ thành quả đó.

- Trách nhiệm của việc Hội Nhạc sỹ hoạt động không hiệu quả trong việc định hướng âm nhạc Việt Nam thuộc về ai, thưa anh?

Trách nhiệm thuộc về các cô chú cao hơn, người đặt những vị trí không mang lại hiệu quả. Cứ dựa vào bằng cấp, hoạt động lâu năm mà không có kinh nghiệm sẽ bị sai rất nhiều.

 

Hàng trăm cánh cửa chưa được mở ra. Đôi khi là công chúng, định kiến, tôn ti trật tự, thuần phong mỹ tục, luật pháp hay đạo đức... Điều này làm đau đầu các cơ quan chức năng, còn nghệ sĩ thì hoang mang với sự hỗn loạn này.
 
Những nhạc sỹ xưa trước 1975 hiểu biết rất nhiều, chỉ cần nghe vài câu là biết ngay bài này của ai, sáng tác thời điểm nào, hoàn cảnh nào, lý do sáng tác…thì tại sao không nhờ họ tư vấn?

Họ còn hay hơn những người đào tạo từ nước ngoài về mà chỉ có lý thuyết chứ không có sự từng trải, va chạm với khán giả. Cách dùng người là quan trọng, phải thay đổi cơ cấu, suy nghĩ và định hướng rất nhiều.

- Để chốt lại, những vấn đề tồn tại lớn nhất của âm nhạc Việt Nam theo anh là gì?

Hàng trăm cánh cửa chưa được mở ra. Đôi khi là công chúng, định kiến, tôn ti trật tự, thuần phong mỹ tục, luật pháp hay đạo đức.

Điều này làm đau đầu các cơ quan chức năng, còn nghệ sỹ thì hoang mang với sự hỗn loạn này.

Khả năng sáng tác của các nhạc sỹ trẻ là có, nhưng sau khi thừa nhận họ bắt kịp xu thế thì lại quay ra đánh giá họ không đề cao âm nhạc truyền thống.

Ngay cả 7 nốt nhạc trên 5 dòng kẻ cũng là của nước ngoài mà? Các nhạc sỹ đáng kính, có vị trí quan trọng hãy chỉ ra âm nhạc Việt Nam là gì, và công chúng bớt dễ dãi đi. Chỉ cần như thế thì nghệ sỹ đã dễ dàng hơn rất nhiều trong nền âm nhạc này.

Nếu ca sỹ và nhạc sỹ có trách nhiệm đưa ra những lựa chọn tốt, nếu cơ quan chức năng ban ngành siết mạnh hơn việc cấp phép các bài hát nhảm nhí thì tôi tin không sớm thì muộn bức tranh tổng hoà của âm nhạc Việt Nam sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực.

- Xin cảm ơn anh

Độc giả có suy nghĩ gì về quan điểm của ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng? Hãy cùng tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề bằng cách gửi ý kiến của mình vào ô thảo luận bên dưới.

Hiếu Cao
(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn