'Lẽ ra ngay từ đầu, phải lập một làng Đường Lâm mới'

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 10/05/2013 11:22:00 +07:00

"Ngay từ đầu lẽ ra Nhà nước phải mua lại những nhà cổ để bảo tồn và cấp đất cho dân đi nơi khác, lập ra một làng Đường Lâm mới"- Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng.

"Ngay từ đầu lẽ ra Nhà nước phải mua lại những nhà cổ để bảo tồn và cấp đất cho dân đi nơi khác, lập ra một làng Đường Lâm mới để thỏa thuận với làng cổ" - nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ, họa sỹ Phan Cẩm Thượng nói.





Ông Phan Cẩm Thượng nêu quan điểm trên báo Tuổi trẻ:

"Vấn đề của Đường Lâm cũng từng xảy ra ở những nơi cả một cụm dân cư được coi là di tích quốc gia, cần được bảo tồn và không được phép đụng đến. Nước nào có di tích kiểu như vậy cũng có vấn đề kiểu như vậy.
Phan Cẩm Thượng
Nhà nghiên cứu mỹ thuật, họa sỹ Phan Cẩm Thượng.Ảnh: Tuổi tr
Việc cần giải quyết là cân bằng giữa lợi ích văn hóa và lợi ích dân sinh. Một trong những cái đó là công khai tài chính. Người dân cần biết địa phương họ đã thu nhập như thế nào và số tiền đó được giải quyết như thế nào, nhất là trong hoàn cảnh người ta phải sống trong những căn nhà cổ không thể mở rộng, xoay xở cho hợp với đời sống mới, làm ăn mới.

Theo những kinh nghiệm bảo tồn bảo tàng chung ở thế giới, các khu vực này bao giờ cũng được trích phần trăm của thu nhập từ du lịch cho công tác giữ gìn phục chế di tích và được hưởng một chính sách thuế đặc biệt để khuyến khích bảo tồn văn hóa và phát triển văn hóa”.

Phải lập ra một làng Đường Lâm mới

- Giữ gìn di sản quốc gia là cần thiết, nhưng quyền lợi dân sinh cũng cần thiết không kém. Theo ông, thế giới người ta sẽ làm thế nào trong hoàn cảnh này?

- Hoạt động lâu năm trong ngành văn hóa, chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng thiết chế văn hóa của ta hầu như chưa có, rất sơ khai và nhất là những tương quan văn hóa - môi trường sống, văn hóa - kinh tế hoàn toàn được hiểu và xử lý riêng biệt.

Đường Lâm nằm trong vấn đề tương quan giữa bảo tồn văn hóa và môi trường sống. Đáng lẽ ngay từ đầu nó cần học bài học Hội An (Quảng Nam). Cần có chính sách giãn dân, Nhà nước mua lại những nhà cổ để bảo tồn và cấp đất cho dân đi nơi khác. Ngay từ đầu phải lập ra một làng Đường Lâm mới để thỏa thuận với làng cổ.
Đường Lâm
Nhà cổ ở Đường Lâm. 
Các đô thị cổ, làng cổ nước ngoài khác cũng có quá trình y hệt như Đường Lâm, đặc biệt ở Trung Quốc họ có hàng ngàn ngôi làng như vậy. Minh bạch về tài chính vẫn là cách dễ tạo sự đồng thuận nhất, dù người dân chưa thu nhập được nhiều, đó chính là thái độ văn hóa, thì mới cần đến văn hóa, có văn hóa để bảo tồn di sản văn hóa.

Ở phương Tây không chịu sức ép về tăng dân số trong các khu vực dân sinh cần bảo tồn như ta. Như vậy, con em Đường Lâm cần phải được tính đến trong chính sách đi học, đi làm bên ngoài thế nào, hơn tất cả các làng khác.

Những người già Đường Lâm phải được củng cố lại lòng hoài cổ để chịu khó sống với một di sản quốc gia. Một vấn đề nữa là người Đường Lâm phải học làm kinh doanh du lịch trong ngôi nhà của mình giống như một số bản làng Mường, Thái hiện nay tương đối thành công, ví dụ bản Lác (Mai Châu), bản Giang Mỗ (Cao Phong) của tỉnh Hòa Bình.

- Còn về việc giãn dân, thưa ông, ai sẽ làm việc này? Giãn dân xong thì việc phát huy giá trị, kinh doanh du lịch ở làng cổ Đường Lâm nên phải như thế nào?

Chính quyền TP Hà Nội và thị xã Sơn Tây cần làm việc này trước. Phải có quỹ đất gần đâu đó, bán rẻ và di dời một số gia đình quá đông trong làng cổ, nếu muốn giữ di sản này.

Bản thân sự đông dân cũng tự nó phá hoại di sản, vì đông dân cũng có nghĩa là nhiều rác, khai thác nhiều nguồn nước, phun ra nhiều khí thải. Mật độ dân số phải được giữ như thời cổ mới tốt cho bảo tồn, ấy là trên thực tế khách du lịch cũng là dân số tăng lên hằng ngày dù họ không ở đấy.

Các nhà nghiên cứu kinh tế và văn hóa cần xem ở Đường Lâm những vốn văn hóa văn nghệ nào có thể làm kinh doanh du lịch, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nào có thể bán được và ẩm thực nào, ít nhất là sạch sẽ, trong khi hiện nay sinh hoạt Đường Lâm chưa hẳn vệ sinh và chưa khai thác được kinh doanh gia đình, như Hội An.

Không nên ảo tưởng chuyện trả lại danh hiệu


- Với đặc thù là di tích quốc gia “sống”, tức là có hàng vạn người sống trong đó, thì việc bảo tồn, phát huy giá trị có đặc thù gì? Nguyên tắc hàng đầu cần tuân thủ trong việc quản lý di sản “sống” kiểu này là gì, thưa ông?


Chỉ có những khu quần cư lâu đời, tương đối nguyên vẹn và thuần nhất về kiến trúc và tập tục mới được chú ý bảo tồn, trong đó có Đường Lâm, Hội An.

Ở Malaysia có Malacca y hệt như Hội An, nhưng từ lâu người ta đã nhanh tay xây dựng một thành phố Malacca hiện đại bên cạnh thành phố cổ, một nơi để xem và một nơi để ở. Xung quanh Malacca cổ là một con sông đào bao bọc ngăn cách với thành phố mới.

Đường Lâm và Hội An thiếu hẳn quy hoạch như vậy, ranh giới cũ - mới cần tuyệt đối vạch rõ.

Và nhân đây tôi cũng muốn nói đến Hội An cần trả lại tên đường phố cổ cho những phố cổ mới đúng là bảo tồn. Cần lập ra hội tự nguyện hỗ trợ bảo tồn, thành viên hội này sẽ chăm sóc vệ sinh văn hóa môi trường cho di tích, vì Nhà nước không thể nào lo hết được.

Tôi nghĩ người dân Đường Lâm không nên ảo tưởng trả lại danh hiệu làng cổ, mà nên tích cực tìm cách bảo tồn, cả nước hình như cũng chỉ còn làng cổ này và nền văn hóa Việt Nam cần người Đường Lâm để giữ gìn.
Sở VHTTDL Hà Nội vào cuộc

Ngày 9-5, đoàn công tác của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hà Nội đã có buổi làm việc với UBND thị xã Sơn Tây để tìm hướng tháo gỡ cho làng cổ Đường Lâm.

Theo ông Trương Minh Tiến - phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, qua làm việc với UBND thị xã Sơn Tây, chính quyền địa phương thông tin vẫn chưa nhận được đơn của người dân gửi tới.

Ông Tiến cho biết:“Chắc chắn sau khi nhận được đơn của người dân, UBND thành phố sẽ giao các ngành chức năng, trong đó có Sở VH-TT&DL, vào cuộc để cùng nhau tháo gỡ vướng mắc cho người dân trong vùng di tích”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cho biết các vấn đề mà người dân làng cổ Đường Lâm kiến nghị là việc đã được người dân đưa ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc tháo gỡ vẫn gặp nhiều khó khăn do vướng quy định của Luật di sản và chờ quá trình hoàn thành quy hoạch tổng thể để xây dựng khu giãn dân cho làng cổ.

Hiện nay, UBND thị xã Sơn Tây đã báo cáo lãnh đạo TP Hà Nội và Sở Xây dựng để cho phép thị xã được cấp phép xây dựng, thỏa thuận từng trường hợp cụ thể để việc xây dựng, cải tạo nhà ở trong khu di tích không phá vỡ cảnh quan.


Đến thời điểm này, UBND thị xã Sơn Tây đang làm quy hoạch chung của thị xã để trình TP Hà Nội phê duyệt trong tháng 7/2013, đồng thời phối hợp Sở Quy hoạch - kiến trúc tìm khu giãn dân cho người dân Đường Lâm.

Xung quanh câu chuyện làng cổ Đường Lâm, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) cho biết hoàn toàn chưa nắm được sự việc và từ chối cung cấp thông tin. “Sự việc này để chúng tôi tìm hiểu đã, hiện tại tôi không trả lời gì vì bộ đã có quy chế phát ngôn rồi” - vị này nói.

Theo NGUYỄN THỊ THANH TÂM - Tuổi Trẻ

Bình luận
vtcnews.vn