Đường Lâm đòi trả danh hiệu: Không phải thích là được!

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 08/05/2013 02:27:00 +07:00

Người phát ngôn của Bộ VHTTDL cho biết, không thể thích thì xin trở thành di tích quốc gia, không thích thì xin trả lại danh hiệu.

Hàng chục người dân ở làng cổ Đường Lâm vừa viết lá đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng về việc xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia cho Nhà nước vì quá khổ và bức xúc.

Không thể chịu nổi nữa!

Đây không phải là lần đầu tiên người dân ở làng cổ Đường Lâm kêu cứu. Cách đây 2 năm câu chuyện người dân sống trong làng xin trả lại danh hiệu làng cổ cũng đã hâm nóng dư luận. Câu chuyện xây dựng, cưỡng chế các công trình xây dựng ở đây chỉ vì đây là làng cổ đã được công nhận di tích quốc gia đã được phản ánh nhiều trên các phương tiện truyền thông.

Nhà cao tầng mọc trong làng cổ. 
Tuy nhiên mới đây câu chuyện về làng cổ Đường Lâm lại tiếp tục được hâm nóng khi gần trăm người dân của hàng chục hộ gia đình cùng ký vào lá đơn xin trả lại danh hiệu gửi đến UBND thị xã Sơn Tây, UBND TP.Hà Nội và Cục Di sản Văn hóa ngày 30/4.

Lá đơn có đoạn: "Chúng tôi không có quyền được tự do xây dựng sửa sang cơi nới nhà cửa trên chính mảnh đất của gia đình mình. Đã gần 10 năm nay chính quyền xã Đường Lâm và một số người trong Ban quản lý di tích làng cổ suốt ngày đêm đi lùng sục xen có phát hiện thấy nhà ai chở gạch, xi măng là lập tức thông báo cắt điện, nước, cuối cùng là cưỡng chế, đập phá các công trình xây dựng vì không theo thiết kế của ban quản lý.

Dân số của làng chúng tôi mỗi năm tăng, diện tích thì vẫn thế, chúng tôi phải khắc phục bằng cách xây nhà cao tầng nhưng không được vì mắc phải quy chế (tạm thời) của ban quản lý làng cổ. Chúng tôi không hiểu thực chất quy chế đó là gì?...

Khi nghe đài phát thanh của xã công bố làng được công nhận là di tích quốc gia làng cổ, chúng tôi đã vui mừng lắm vì nghĩ cả đất nước quan tâm đến xã mình. Cán bộ xã nói sẽ thu hút khách du lịch, nhân dân được hưởng lợi từ đó, đời sống sẽ nâng lên nhưng thực tế từ đó đến nay chỉ có khoảng 8 gia đình được đầu tư xây dựng, còn lại gần 400 hộ gia đình chẳng được hỗ trợ gì cả.

Sự bức xúc này đã nung nấu từ gần 10 năm nay rồi và đến giờ không thể chịu nổi nữa. Vì vậy chúng tôi làm đơn này xin trả lại danh hiệu "Di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm"".

Một người dân làng cổ Đường Lâm cho biết thực tế thì những người dân có nhà cổ thực sự ở đây được hưởng lợi rất nhiều, ngoài khoản kinh phí hỗ trợ hàng tháng, họ còn có thể thu được khoản tiền không nhỏ từ dịch vụ homestay.

Tuy nhiên số hộ dân thực sự có nhà cổ rất ít. Đa phần người dân ở làng không có nhà cổ trong diện bảo tồn nhưng không được xây dựng, sửa chữa, cũng không có khoản thu hay tiền hỗ trợ nào nên rất bức xúc.

Không phải thích xin là được

Chúng tôi đã liên hệ với ông Trần Đình Thành, Phó Phòng Quản lý di tích, Cục Di sản Văn hóa để hỏi về lá đơn của người dân làng cổ Đường Lâm. Ông Thành cho biết cho đến sáng 8/5, văn phòng của Cục Di sản vẫn chưa nhận được lá đơn trên nên chưa thể phát ngôn. Chúng tôi cũng đã liên lạc với ông Cục trưởng Cục Di sản nhưng không có tín hiệu trả lời.

Trả lời về vụ việc trên, ông Phan Đình Tân, người phát ngôn của Bộ VHTTDL cho biết đây là vấn đề cần có nghiên cứu, xử lý tổng thể và hiện tại Bộ VHTTDL cũng như các cơ quan đang nghiên cứu, đề xuất giải pháp. Ông Tân cũng cho hay không thể thích thì xin trở thành di tích quốc gia, không thích thì xin trả lại danh hiệu.

GS - TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho hay việc một di sản được công nhận là di sản quốc gia là sự công nhận, suy tôn của thế hệ ngày nay với tiền nhân có công đóng góp cho sự nghiệp đất nước và phải lấy đó là mục tiêu quan trọng và cân nhắc thái độ ứng xử với di sản đó thế nào cho phù hợp.

GS Lưu Trần Tiêu nói ông hoàn toàn thông cảm với sự bức xúc của nhiều người dân đang sống trong di tích đó. Tuy nhiên, theo quy định của Luật pháp, với di tích phải tôn trọng yếu tố gốc.

"Người dân có quyền phát biểu nguyện vọng của họ nhưng đã là quy phạm pháp luật, đã là Luật thì phải tuân theo, có tôn tạo nhưng phải đảm bảo yếu tố gốc, giá trị gốc của di tích", ông nói. Tuy nhiên, GS Lưu Trần Tiêu cũng dẫn ra ví dụ về phố cổ Hội An, về chính sách bảo vệ di tích song hành với việc chăm lo cho đời sống của dân cư tại đây.

"Vấn đề này phải giải quyết một cách tổng thể, phải có cơ chế chính sách riêng với các di tích đặc biệt. Ngoài  việc giữ gìn di tích, địa phương phải có chính sách giãn dân, tạo công ăn việc làm, tạo điều kiện để người dân có không gian để ở, hướng dẫn cho bà con cải tạo không gian đó để giữ yếu tố nguyên gốc của di tích.

Theo tôi vấn đề này cần phải có kế hoạch tổng thể. Làm thế nào việc bảo tồn di sản đảm bảo giá trị của nó và làm sao để người dân sống được với di sản".

Việc xây dựng phải tuân thủ Luật Di sản

Khi được hỏi về lá đơn kiến nghị của người dân, ông Phạm Hùng Sơn, trưởng Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết: "Chúng tôi chưa nhận được đơn chính thức từ Ủy ban xã giao xuống và không biết họ gửi đến đâu. Tuy nhiên Di tích đường Lâm đã được công nhận là Di tích Quốc gia 2005 và giờ đã trở thành tài sản của quốc gia".

Ông Sơn cho rằng lá đơn kia cũng chỉ là đại diện cho một số người, chưa phải đại diện toàn bộ cộng đồng bởi hiện có 1500 hộ dân đang sinh sống trong di tích.

Ông trưởng ban quản lý di tích nói nếu trước đây việc xây dựng trong làng cổ chỉ cần tuân theo Luật xây dựng thì nay, khi Đường Lâm đã là di tích quốc gia, thì việc xây dựng còn phải thực hiện theo Luật Di sản.

Ông Sơn cũng cho hay: "Khó khăn của người dân chúng tôi cũng biết nhưng theo Luật Di sản thì phải bảo tồn nguyên trạng di tích ở khu vực 1 và việc xây dựng phải có ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội hoặc Bộ VHTTDL".

Về hướng giải quyết tạm thời những bức xúc hiện nay, ông Sơn cho biết UBND  xã đang làm khu vực giãn dân, đầu tư kinh phí để tu bổ một số nhà cổ cho người dân, giúp Đường Lâm chuyển đổi cơ chế làm du lịch có lợi cho người dân.

Ông này cũng cho hay BQL di tích cũng đang đề nghị Hà Nội cho tăng phí thăm quan từ 20.000 lên 40.000 đồng để trích một phần hỗ trợ cho người dân cũng như giảm bớt khách du lịch đến Đường Lâm bởi với lượng khách lên tới 12 vạn như năm 2012 thì khả năng của Đường Lâm hiện nay chưa thể đáp ứng được.




Theo Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn