Tai nạn phim trường kinh hoàng qua lời kể nhân chứng

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 03/03/2013 11:17:00 +07:00

(VTC News) – "Máu chảy khắp phim trường, tiếng kêu khóc vang khắp nơi, một cảnh tượng thật kinh hoàng", cựu cascadeur - nhà báo Lữ Đắc Long kể.

(VTC News) – "Máu chảy khắp phim trường, tiếng kêu khóc vang khắp nơi, một cảnh tượng thật kinh hoàng", cựu cascadeur - nhà báo Lữ Đắc Long kể.






Trên phim trường, nhất là với phim có những cảnhcháy nổ, đều luôn tiềm ẩn những tai nạn kinh hoàng. Vốn là cascadeur thuộc lớp đầu tiên ở Việt Nam, có thâm niên hơn chục năm với hơn 100 phim tham gia, nhà báo Lữ Đắc Long được biết và chứng kiến nhiều tai nạn của diễn viên, cascadeur trên phim trường.

Anh kể về những pha tai nạn nhớ đời của anh và các diễn viên, đồng nghiệp:

“Có 2 tai nạn khiến tôi nhớ đời là làm cascadeur trong phim ca nhạc Anh Hùng Xạ Điêu và trong một clip quảng cáo.

Trong phim ca nhạc Anh Hùng Xạ Điêu, tôi đóng thế cảnh Mai Siêu Phong trúng chưởng ngay ngực rồi bốc cháy. Dù được trang bị kỹ lưỡng, nhưng khi lửa nổi lên cũng là lúc ngọn gió từ dưới đồi Đà Lạt thổi ngược lên. Bao nhiêu lửa đều táp ngược vào mặt, vào cổ tôi.

Tôi la ầm lên và được đồng đội nhanh tay dập tắt ngọn lửa. Tích tắc chưa đầy 10 giây, vậy mà toàn bộ vùng cổ của tôi bị cháy đã đổi sang màu đỏ ửng. Cảm giác ư? Tôi thấy nóng và ngộp chịu không nổi. Cũng may là nhờ đồng đội chữa cháy kịp thời, chứ nếu không, tôi thành heo quay hay con tôm luộc rồi (cười).

Cựu cascadeur - nhà báo Lữ Đắc Long  
Trong cảnh quay quảng cáo, tôi bị tai nạn nặng hơn. Tôi lo nhiệm vụ cô gái bị cháy và làm người chữa cháy. Sau khi nghe tiếng nổ là cảnh châm lửa đốt cô gái. Cảnh nữa là tôi phải chạy lên phía trước đón đầu, chờ cô gái ấy cháy xong là “xịt” tắt lửa ngay.

Năm lần quay trước đó đều đạt, nhưng lần thứ sáu thì quả nổ bị lệch sang một bên, thay vì nổ bắn lên trời thì quả nổ bị “lệch hướng” nhằm ngay anh chữa cháy là tôi bắn một phát kêu ầm.

Bị trúng lửa, tôi vừa chạy vừa la hét. Tiếng la làm cả phim trường náo động, cũng may anh em nhảy vào dập tắt lửa kịp thời, nhưng tôi vẫn bị phỏng nguyên cái lưng, phải nằm ở nhà nửa tháng trời.

Lữ Đắc Long gặp nạn trong cảnh cháy - phim ca nhạc Anh hùng xạ điêu 
Với những diễn viên và các đồng nghiệp, tôi cũng được biết và chứng kiến nhiều tai nạn kinh hoàng trên phim trường.

Theo lời Quyền Linh, trong bộ phim Một thời ngang dọc quay ở Vĩnh Long, anh diễn cảnh một anh nông dân đang chèo xuồng giữa đám đông, bị Tây bắn ngay bả vai, khi trúng đạn, anh sẽ ôm vai mà đau đớn. Không ngờ, khi viên đạn nổ thì anh lại ôm bụng “oằn oại” thảm thương, khiến đạo diễn ngạc nhiên, vì đạn bắn ngay vai mà sao anh này ôm bụng?

Đạo diễn la một trận tơi bời, anh chàng này trả lời: “Đạn nổ ngay bụng mà”, vừa nói anh vừa kéo áo cho đạo diễn xem, một lổ lủng còn dính máu đàng hoàng. Thì ra, trong lúc chèo xuồng, “viên đạn” đã tuột xuống bụng mà anh đâu hề hay biết! 

Cũng trong phim này, cascadeur Văn Tài lãnh nhiệm vụ cháy trong ngôi nhà ngập lửa. Lần một, tới lần hai đều “ngon cơm”, nhưng sang lần thứ ba, đạo diễn muốn anh đạp tung cánh cửa đang cháy rồi chạy ra thì sẽ hiệu quả hơn. OK. Máy! Diễn! Người Tài được châm lửa cháy bùng lên, cả căn nhà cũng bốc cháy.

Tài từ trong nhà tông cửa chạy ra, “ầm” cánh cửa bung ra, làm quay phim hoảng sợ ôm máy máy chạy sang một bên. Còn Văn Tài, bị chính cái cửa ấy văng ngược lại, trúng vào đầu và cái trán bị phỏng đến lột da. Ba tháng sau, chủ nhiệm đoàn phim mới “thưởng” được 200 ngàn tiền thuốc.

Một cảnh cháy nổ trong phim Người Mỹ trầm lặng 
Không chỉ Lữ Đắc Long, nhiều cascadeur đóng những pha nguy hiểm trong cảnh cháy nổ, nhào lộn, bắn nhau… cũng gặp phải những tai nạn trên phim trường.

Cascadeur Quang Đạt nhận lời cháy trong cuộc biểu diễn ở Đầm Sen. Tới giờ “cháy” mà áo chống cháy vẫn chưa đem tới. Cả đoàn nhốn nháo, một tay đàn em đã “tình nguyện” xin “đại ca” Quang Đạt cho cháy cảnh này.

Dù cảm kích nghĩa khí của anh này cỡ nào, nhưng khi “bà hoả” đã nổi lửa lên, thì người ta thấy anh la làng vì nóng. Cũng may, ở điểm diễn là ngay hồ nước, nên anh cũng kịp nhảy xuống nước và phải nằm nhà chữa trị “phỏng” một tháng trời!.

Cascadeur Lê Minh trong một cảnh quay bị trúng đạn, anh đã hết hồn khi thấy anh chuyên gia gài vào người mình một mảnh thiếc đã gỉ sét. Hỏi thì chuyên viên nói đó là “miếng bảo hộ”. Nhưng bảo hộ đâu không thấy, chỉ thấy khi tiếng nổ vang lên, là anh đã kêu la thất thanh vì chính miếng thiếc ấy đã ghim thẳng vào người anh thành một lổ to đùng trên phần bụng, máu dính đầy người, về nhà phải uống thuốc cả tháng trời mà vẫn còn sợ… phong đòn gánh.

Trong phim Không chỉ là chiếc bóng của đạo diễn Xuân Cường có cảnh quay vừa đu dây vừa bắn xuống từ trên núi xuống lòng hồ nước. Lúc quay thử thì ổn, nhưng khi quay thật thì sợi dây cáp bổng dưng bị đứt, nó được lao đi như một mũi tên bắn thẳng vào 4 chàng cascadeur đang đứng trên 4 tầng sắt xây dựng té xuống theo thế tự do. Kết quả, ba người bị xây xát, một anh bị dây cáp quắn vào cổ nằm bất tỉnh, phải đi bệnh viện cấp cứu. Sau đó đạo diễn đã phải hủy bỏ cảnh quay vì thấy quá nguy hiểm.

Diễn viên Quang Thi giờ đang là phó đạo diễn của hàng loạt phim, chua chát kể lại chuyện của mình: “Lần đó đạo diễn bảo tôi diễn cảnh trúng ba viên đạn để chết. Gài kíp đạn lên người anh, là một anh công binh thứ thiệt, cũng vì người “thiệt” quá, cho nên sau cảnh nổ này, anh bị ngất xỉu ngay tại chổ, anh được đưa vào bệnh viện cấp cứu ngay. Về nhà phải lo tiền thuốc cả tháng trời mà không có một đồng bảo hiểm .

Anh nói trong uất nghẹn: “Tôi thấy, người ta xem mạng người như cỏ rác, bom đạn mà, đâu phải giỡn chơi, bây giờ nhớ lại mới thấy, không ai dại như mình”.

2 cascadeur tung vào cửa kiếng cùng với một kíp nổ 
Đau hơn là cảnh đánh nhau của cascadeur ở núi Bửu Long, hai cascadeur phi thân đánh nhau trên không trong một phim ca nhạc của ca sĩ Đan Trường. Kế bên là nhà quay phim Nguyễn Hoàng cũng được “bay” theo để thu hình. Bên dưới thuốc nổ được đặt vào chiếc bè. Cảnh quay đang hồi hấp dẫn, quả nổ minh hoạ cho sự “hấp dẫn” đã không diễn ra như ý ban đầu mà thay vào đó là một cảnh tượng hãi hùng.

Khi nổ xong, hai cascadeur ngoắc nghẽo trên không, còn quay phim thì cũng treo tòng teng, hai tay lỏng lẻo. Cả 3 đều bị thương và ngất xỉu, toàn bộ phải đưa về thành phố cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Thì ra chiếc bè là “hung thủ” đã bay thẳng lên, đâm xỉa vào các vị “anh hùng” đang trổ tài khinh công.

Bộ phim rùng rợn nhất với tôi và các học trò chính là trong quá trình thực hiện bộ phim Người hai mặt, quay tại Ấn Độ năm 2005. Kỳ đó, tôi dẫn đoàn cascadeur đi gồm 10 người.

4 cascadeur Việt Nam thực hiện cảnh cháy tại phim trường của Ấn Độ 
Trong cảnh quay 25 người rượt đuổi anh vai chính bay lên khán đài để đánh nhau, do phối hợp không chính xác, bên ngoài chiếc xe tải lôi cả 25 người này bay thẳng vào vào thành tường. Có người va đập vào 7 tấm kính treo tường bể tan nát. Máu chảy khắp phim trường, tiếng kêu khóc vang khắp nơi, một cảnh tượng thật kinh hoàng.

Cả đoàn phim nhốn nháo, tất cả được bốc lên xe tải chở đi cấp cứu gấp. Tổng cộng 17 người bị thương, có người bị các mảnh kiếng ghim vào người, bác sĩ phải mổ sống lấy kiếng ra. Có người bị chảy máu não, không mổ được, khiến bác sĩ kêu người nhà lên gặp mặt lần cuối.

Hình ảnh người vợ và ba đứa con kêu khóc bằng tiếng Ấn Độ suốt một đêm dài, khiến cả bệnh viện càng thêm não lòng. Trong số này, cascadeur của Việt Nam có Bùi Văn Hải nằm bất tỉnh từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng, Bác sĩ chở anh đi chụp citi đến 4 lần.

Tôi ngồi túc trực mà lòng như lửa đốt, chỉ cầu mong nó tỉnh dậy. Vậy mà khi mở mắt ra, câu đầu tiên Hải nói: “Về, về nhà thầy ơi, về mình đi ăn cơm…”. Sau đó lại nằm ngủ mê man tiếp tục… khiến cả đoàn phim hoảng sợ!

Sau vụ tai nạn kinh hoàng này, tôi từ giã nghề cascadeur bởi những tai nạn kinh hoàng của nó ám ảnh.

Hiện nay, dụng cụ bảo hộ cho cascadeur đã có nhiều nên tôi chỉ mong công nghệ làm phim, nhất là công nghệ làm những cảnh nguy hiểm như cháy nổ, bay lượn tiến bộ để không có những tai nạn đáng tiếc trên phim trường nữa”.

Phượng Hoàng(thực hiện)
Ảnh: Lữ Đắc Long

Bình luận
vtcnews.vn