Nhà văn hóa: Giảm ăn Tết ta, tăng ăn Tết dương

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 12/01/2013 07:34:00 +07:00

(VTC News) - "Hiện tại hai cái tết đó đều cần tồn tại nhưng theo tôi, nên giảm bớt những chi phí sức người, sức của không thật cần thiết cho tết âm".

(VTC News) - "Theo tôi, hướng tới nên giảm thiểu bớt những chi phí sức người, sức của không thật cần thiết cho Tết Âm lịch" - PGS. TS Nguyễn Văn Huy phát biểu.

Khi đọc những ý kiến quanh vấn đề đón tết cổ truyền theo tết dương lịch mà giáo sư Võ Tòng Xuân đưa ra, PGS – TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhà nghiên cứu nhân học, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy các giá trị di sản văn hóa đã đưa ra quan điểm của mình.

Bất ngờ ở chỗ, ông ủng hộ quan niệm của GS Võ Tòng Xuân. Theo PGS Nguyễn Văn Huy, chúng ta đã có một lần thay đổi phong tục ăn tết trong lịch sử và thay đổi theo như kiến nghị của GS Võ Tòng Xuân là hợp xu thế!

Chúng tôi xin đăng tải toàn bộ ý kiến này dưới đây để bạn đọc theo dõi:


Tết Nguyên đán không phải tết cổ xưa nhất
PGS - TS Nguyễn Văn Huy 
Như chúng ta đã biết, tết cổ truyền của người Việt là cái tết rất có ý nghĩa về mặt văn hóa và tâm linh của dân tộc
Tuy nhiên nếu nhìn lịch sử chúng ta có thể thấy rằng, tết Nguyên đán không phải là cái tết cổ nhất, xưa nhất của người Việt Người Việt đã có một lần thay đổi tết.

Trước đấy, xưa lắm rồi cái tết quan trọng nhất với dân ta  là tết tháng 10, tức tết mùa thu. Vụ lúa mùa là quan trọng nhất.

Cả năm tập trung vào vụ lúa này. Canh tác, cấy cầy, chăm sóc cây lúa… Tất cả hy vọng đều dựa vào vụ mùa.

Khi đó dân ta, tết ăn lúa mới, khi đó người nông dân gặt lúa mới xong họ thường tổ chức ăn tết rất lớn mừng lúa mới và đưa hồn lúa vào kho để nuôi dưỡng, để sang năm gieo trồng vụ mới.

Hiện nay rất nhiều dân tộc thiểu số ở nước ta, nhất là các dân tộc nói ngôn ngữ Nam Á, ngôn ngữ Việt- Mường, vẫn giữ tục ăn tết này là chính.  Họ đều lấy tết ăn lúa mới là tết quan trọng nhất trong năm, và nó ăn sâu bám rễ vào cuộc sống của người dân suốt nhiều thế hệ.

Nhưng sau này, khi chúng ta dùng âm lịch rồi chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa chúng ta đã chuyển từ tết mùa thu sang tết mùa xuân, tức Nguyên đán như hiện nay. Với nhiều dân tộc thiểu số, chẳng hạn, người Hmông, người Kháng, Xinh mun, các dân tộc ở Tây nguyên… mới chỉ làm quen tết Nguyên đán từ vài chục năm trở lại đây thôi.

 

GS Võ Tòng Xuân nói rất chính xác, việc chúng ta tổ chức tết Nguyên đán đơn giản hơn sẽ phù hợp với chu kì làm việc chung trên thế giới, vì khi thời gian lệch nhau nhiều quá có thể mất đi những cơ hội làm ăn.
PGS.TS. Nguyễn Văn Huy
 
Nói thế để thấy câu chuyện về ngày tết của chúng ta là cả một câu chuyện luôn biến động chứ không phải câu chuyện tĩnh, nó có một sự thay đổi to lớn.

Văn hóa là không bất di bất dịch, không bất biến. Văn hóa luôn có sự kế thừa, thay đổi để phù hợp với cuộc sống mới. Và phong tục tập quán ăn tết cũng thay đổi theo sự phát triển của xã hội cũng như thay đổi theo nhu cầu của con người.

Tết Nguyên đán có ý nghĩa tâm linh, thiêng liêng, nó gắn liền với người Việt, với nếp sống dựa vào âm lịch từ hàng ngàn năm nay.

Âm lịch là sự đúc kết kinh nghiệm và khoa học về nhận thức và mối quan hệ sinh tồn của con người với thiên nhiên, từ cách tính toán thời tiết, liên quan đến toàn bộ mùa màng, tập quán canh tác, đến các sinh hoạt và văn hóa thiết yếu của con người.

Tết dương lịch, một cái tết “hành chính” mới du nhập từ văn hóa phương tây, từ thời thuộc Pháp. Lúc đầu là ngày nghỉ của các nhân viên công sở Pháp nhưng ngày càng giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện tại tết Nguyên đán và tết dương lịch đang song trùng, mỗi cái tết có một ý nghĩa riêng, khó có thể thay thế nhau, cái nọ loại trừ cái kia.
 
Giảmtết Âm lịch, tăng cường thêm cho Tết Dương lịch

Trước hết cần khẳng định rằng câu chuyện giữ gìn cái tết truyền thống và những phong tục liên quan đến ngày tết, đến văn hóa tâm linh như cúng ông Công ông Táo, đón giao thừa, thờ cúng tổ tiên, thực hiện chữ hiếu với bố mẹ, ông bà… của người Việt là những điều chúng ta phải giữ gìn, không thể bỏ được. Đó là một phần của bản sắc văn hóa của chúng ta.

Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế-xã hội, tâm lý đang thay đổi nhanh chóng, việc tổ chức tết nguyên đán nên được tiết chế ở một mức độ nhất định cho phù hợp, thời gian thực tế cũng như thời gian lo toan đến nó có thể ít hơn, (thực tế nhiều nơi sau rằm tháng giêng công việc mới trở lại bình thường) tiết kiệm hơn, bỏ công bỏ sức vào đó cũng không nên quá nhiều. Xu thế cho thấy xã hội hiện nay không quá nặng nề, câu nệ với ngày Tết như xưa.

GS Võ Tòng Xuân nói rất chính xác, việc chúng ta tổ chức tết Nguyên đán đơn giản hơn sẽ phù hợp với chu kì làm việc chung trên thế giới, vì khi thời gian lệch nhau nhiều quá có thể mất đi những cơ hội làm ăn.

Nếu để ý sẽ thấy nhiều năm trở lại đây, cái tết đã ngày càng đơn giản so với ngày xưa. Còn nhớ cách đây vài chục năm, khi cuộc sống còn nhiều vất vả, khốn khó, người dân cả năm chẳng có gì ăn, thì việc ngày tết nấu bánh chưng, làm cỗ, rộn ràng nhiều ngày nó không chỉ là nhu cầu tâm linh còn là nhu cầu vật chất của con người, để trả bữa cho cả năm thiếu thốn.
Giờ đây nhu cầu về tết đã thay đổi rất nhiều. Bánh chưng đã có dịch vụ. Chắc rất ít nhà ở thành phố còn tự nấu bánh chưng., Đường phố Hà Nội hay TP.HCM ngày vắng tanh, một phần người dân về quê, nhưng đa phần là đi du lịch. 

 

Hiện tại hai cái tết đó đều cần tồn tại nhưng theo tôi, nên giảm bớt những chi phí sức người, sức của không thật cần thiết cho tết âm.

 
Giờ đời sống kinh tế đã khá lên, nhất là thế hệ trẻ, những khi đi du lịch lại sinh ra ứng xử mới, họ làm lễ với gia tiên trước tết, còn ngày tết họ có thể đi du lịch trong nước hay nước ngoài, nghĩa là chúng ta đang thấy sự chuyển dịch cả về tư tưởng.

Xã hội Việt Nam là xã hội vận động, văn hóa Việt Nam là văn hóa vận động, và cái Tết Việt Nam cũng là cái tết vận động, không phải bất biến và đứng yên một chỗ. Vì thế khi điều kiện kinh tế-xã hội Việt Nam, nhu cầu và tâm lý con người thay đổi nhiều so với mấy chục năm trước, thì hãy để cái tết cũng được thay đổi theo sự chuyển động của thời đại.

Lịch sử văn hóa Việt Nam đã có một lần chuyển đổi rất cơ bản từ tết cơm mới, tết mùa thu sang tết mùa xuân, tết Nguyên đán, rồi lại xuất hiện tết dương lịch.

Giờ là giai đoạn giao thời song song hai cái tết, từ song song hai tết ấy nó sẽ tồn tại mãi mãi hay nó nhập một sang tết dương lịch là câu chuyện cả xã hội tương lai.

Nhưng ở thời điểm hiện tại hai cái tết đó đều cần tồn tại nhưng theo tôi, hướng tới nên giảmbớt những chi phí sức người, sức của không thật cần thiết cho tết âm lịch.

Người Việt Nam sở dĩ tồn tại và đứng vững được như ngày nay chính vì tinh thần hội nhập, tinh thần tiếp thu một cách không bảo thủ những yếu tố tích cực từ những nền văn hóa của bên ngoài, và nhào nặn, biến nó nó tích hợp thành của chúng ta, làm giầu cho văn hóa Việt Nam.

Nếu điều chỉnh ngày nghỉ tết âm lịch và dương lịch, điều chỉnh tâm lý về ngày tết cho hợp lý thì sẽ không sợ mất đi bản sắc dân tộc còn  không sợ mất đi cái căn cốt ngày tết truyền thống của chúng ta.

PGS - TS Nguyễn Văn Huy

Bình luận
vtcnews.vn