Vĩnh biệt NS Hoàng Hiệp, hồn người như khói trên sông

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 10/01/2013 02:21:00 +07:00

(VTC News) – Dẫu biết rằng, cuộc đời như một chuyến đi, ấy vậy mà, sự ra đi của nhạc sỹ Hoàng Hiệp lại khiến người ta nghẹn ngào mãi không thôi.

(VTC News) – Dẫu biết rằng, cuộc đời như một chuyến đi, khua chân bốn bể rồi cũng sẽ phải dừng lại, trở về điểm xuất phát, tan vào cõi hư không mênh mông. Ấy vậy mà, sự ra đi của nhạc sỹ Hoàng Hiệp vẫn khiến người ta nghẹn ngào mãi không thôi.

Có lẽ, ăn sâu vào tiềm thức những người yêu nhạc Việt Nam là những sáng tác sâu nặng nghĩa tình của người nhạc sỹ tài hoa. Có lúc, thế hệ trẻ, trong đời sống xô bồ, không còn nhớ tác giả những ca khúc ấy là ai nhưng họ vẫn say mê hát lên những “Nhớ về Hà Nội” đến “Câu hò bên bến Hiền Lương”, “Trường Sơn đông - Trường Sơn tây”…

Và thật nhiều ca khúc khác nữa, cứ nghe thì thất thật quen thuộc, người nghe và hát những ca khúc của Hoàng Hiệp như được nhạc sỹ thủ thỉ câu chuyện của mình.

Được biết, mấy ngày trước, Hoàng Hiệp phải nhập viện vì ho ra máu. Người thân của ông thì nói, sau lần Hoàng Hiệp bị tai nạn gãy chân, ông bị tai biến 3 lần và vì thế, phải nằm một chỗ suốt 3 năm liền. Và lần vào viện này, đã cướp đi trên cõi thế gian một người nhạc sỹ tài hoa, ở cái tuổi 82.
Nhạc sỹ Hoàng Hiệp 
Nhạc sỹ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn. Ông sinh ngày 1/10/1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới - An Giang. Ông tham gia Cách mạng vào năm 1945, tham gia vào đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về đoàn văn công và phân hội Văn nghệ Long Châu Hà.

Trong những năm kháng chiến, Hoàng Hiệp rời bỏ miền Nam ruột thịt để tập kết ra Bắc. Khoảng 20 năm tập kết, giống như một chất xúc tác, để ông sáng tác ra những khúc ca nồng nàn tình yêu quê hương, xứ sở. Những năm tháng sống trong nỗi nhớ quê hương, Hoàng Hiệp rọi chiếu tâm hồn mình về quê hương.

Năm 1957, Hoàng Hiệp cho ra đời bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, sáng tác chung với nhạc sĩ Đằng Giao, được xem là điểm khởi đầu cho sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp của ông.

"Câu hò bên bến Hiền Lương", những giai điệu thẫm đẫm chất dân ca miền Trung được thai nghén sau nhiều lần qua lại bờ sông lịch sử, nghe câu chuyện của những chứng nhân bình dị trở thành tác phẩm để đời đầu tiên của Hoàng Hiệp.

Đây là một ca khúc có số phận khá đặc biệt, đã có lúc, nó từng bị xếp vào diện “hạn chế” bởi sợ sẽ làm yếu lòng người.

Trong vòng 20 năm gắn bó với Hà Nội, Hoàng Hiệp đã viết hơn 100 ca khúc, nhiều bài trong đó tiêu biểu cho dòng nhạc cách mạng thời kỳ chống Mỹ như “Lá đỏ”, “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây”, “Cô gái vót chông”, “Ngọn đèn đứng gác”...

Đặc biệt, chẳng ai là không biết và yêu mến "Nhớ về Hà Nội". Bài hát in dấu ấn bởi giọng hát Hồng Nhung. Mỗi khi nghe bài hát này là thương nhớ về một vùng trời Hà Nội đầy kỷ niệm, với những phố dọc, phố ngang, với hương hoa sữa nồng nàn, tiếng tàu điện leng keng. Bài hát này, được coi là một trong những ca khúc viết về Hà thành hay nhất. Chắc chắn, mãi sau này, ca khúc vẫn nằm trong top những ca khúc đẳng cấp nhất.

20 năm tập kết ở Hà Nội và mối tình với người con gái Hà Nội. Người con gái đó, diễn viên Diễn Lan, về sau trở thành người vợ chung thủy của ông. “Nhạc sĩ Hoàng Hiệp có đời sống tình cảm ổn định hơn bất cứ nghệ sĩ nào mà tôi biết”, GS.NS Ca Lê Thuần đã chia sẻ với báo giới như vậy.Và vì cái đời sống ấy mà sáng tác của Hoàng Hiệp dịu dàng, nặng tình người. Và vì thế cứ lênh đênh trong lòng người.

Mỗi bản tình ca của ông đều có một tứ nào đó rất thơ, chứ không bao giờ là những chuyện tình anh em đơn thuần. Cá tính âm nhạc của Hoàng Hiệp xóa nhòa ranh giới giữa nhạc đỏ và tình ca. Chính vì thế mà thời những năm 1980, ông từng bị chỉ trích là đã chuyển từ nhạc đỏ sang nhạc vàng.

Một số bài như Mùa chim én bay, Nơi em gặp anh, Con đường có lá me bay… vì thế không được duyệt hoặc bị cắt sửa. Được biết, bài Trở về dòng sông tuổi thơ phải 7-8 năm sau khi ra đời mới được công chúng biết đến, chỉ do tác giả muốn giữ riêng cho mình.

Nhiều tác phẩm quan trọng của Hoàng Hiệp đều xuất phát từ những câu chuyện người thực việc thực và được các vần thơ gợi hứng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha gọi Hoàng Hiệp là "ông hoàng xe duyên thơ nhạc" và nhớ lại:
 
“Giữa không khí chiến tranh bảo vệ biên giới, Hoàng Hiệp vẫn không ngại ngùng đẩy sau những suy tư của mình về chiến tranh bằng việc phổ bài thơ Đợi anh về của Lê Giang. Tôi nhớ khi ấy, ở các sàn diễn, Thanh Hoa rồi Lệ Quyên… đều được bis rất nồng nhiệt khi cất lên: Năm tháng gội mưa rừng - ngày đêm vùi sương núi - em vẫn chờ vẫn đợi - vẫn đợi anh về…

Cứ thế, dòng chảy âm nhạc của Hoàng Hiệp lai láng qua ca khúc, nhạc sân khấu, nhạc phim… Một ấn tượng cao sang và riêng biệt”.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp cùng vợ và gia đình bè bạn trong một chương trình tôn vinh âm nhạc của ông sau khi ông bị tai nạn. 
Vài năm nay, người ta làm nhiều chương trình về nhạc sỹ Hoàng Hiệp như Con đường âm nhạc, Chân dung âm nhạc. Tất cả những chương trình ấy đều được đón nhận một cách nhiệt thành. Người ta đến với âm nhạc của ông, để tìm thấy những khoảng trời thương nhớ, của những năm tháng gian khó nhưng đầy lãng mạn.

Người từng trải tìm đến âm nhạc của ông để nhớ lại tuổi trẻ của mình. Những người trẻ thì vẫn nghe nhạc của Hoàng Hiệp bởi sự gần gũi, thân thương.

Nhớ đến Hoàng Hiệp trong giây phút từ biệt, nhớ đến dòng sông tuổi thơ và ngân nga hát: “Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà. Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi. Bao năm xa quê ấy, trong mơ tôi vẫn thấy. Hôm nay tôi trở về lòng chợt vui thấy sông không già. Sông vẫn in màu mây, Vẫn khi vơi đầy vẫn mang phù sa, làm đẹp thêm làng quê yêu dấu”. Nghe mà nhớ người, nhớ một người con chung thủy với đất nước, dâng hiến đời mình bằng những áng thơ. Nhớ tràn nước mắt!
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (sinh năm 1931) đã từ trần lúc 12h45 ngày 9/1/2013 (nhằm ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Thìn), hưởng thọ 82 tuổi. Lễ nhập quan lúc 16h30 cùng ngày tại nhà riêng và 17h45 linh cữu được đưa đến quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3).

Lễ động quan lúc 7h ngày 11/1/2013 và sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang TP.HCM (Thủ Đức).

Chuyết Nhi
Bình luận
vtcnews.vn