Gặp người xâm nhập góc riêng tư các cặp yêu đồng tính

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 09/11/2012 07:06:00 +07:00

(VTC News) - Mọi người có thể thích, có thể không thích, nhưng hãy tôn trọng những người đồng tính - Nhiếp ảnh gia Maika Elan.

(VTC News) - "Mọi người có thể thích, có thể không thích, nhưng hãy tôn trọng những người đồng tính" - Nhiếp ảnh gia Maika Elan (tên thật là Nguyễn Thanh Hải), tác giả của triển lãm "The Pink Choice – Yêu là yêu" về những người đồng tính.

Cuộc đời người đồng tính nhiều bi kịch quá

Nhiếp ảnh gia Maika Elan 
- Lý do nào đưa chị đến với ý tưởng chụp những bức ảnh về các cặp đôi đồng tính và mở cuộc triển lãm The Pink Choice - Yêu là yêu còn nhiều mới mẻ này ở Việt Nam?

Trong một lần đi hội thảo khóa học về ảnh ở Campuchia vào năm 2010, khi tìm hiểu thông tin về đất nước này tình cờ mình tìm được một trang web tên là Pink Choice.

Đó gần như một trang web chuyên về du lịch nhưng dành riêng cho các bạn đồng tính. Qua đó, chẳng hạn, bạn có thể biết được rằng ở Campuchia, ở Hà Nội hay nơi nào mà bạn đến du lịch, ở đâu họ thân thiện với những người đồng tính, còn ở đâu thì họ không thân thiện.


Khi đó tôi khá bất ngờ khi tìm được một loạt khách sạn dành riêng cho các bạn đồng tính, nam hoặc nữ. Lúc đầu tôi định chụp không gian sinh hoạt, tức là trong những khách sạn đó nhưng khi đến nơi thì chủ khách sạn họ bảo phải hỏi từng cặp đôi chứ không tự ý chụp được, vì mục đích của người ta khi đến đây là du lịch, cần có sự riêng tư.

Tôi đã đến xin từng đôi và họ đồng ý, thậm chí họ rủ cả phòng cùng chụp, mình vừa ngạc nhiên lại vừa thích thú vị họ rất cởi mở, khác với những gì mình từng nghĩ trước đây.

Lúc chụp xong bộ ảnh ở Campuchia mình cũng chẳng nghĩ nhiều vì nó chỉ là một đề tài, mình làm xong rồi thôi. Nhưng sau đó về Việt Nam, có nhiều dịp tình cờ được xem một số triển lãm của các bạn đồng tính ở các tổ chức họ tự làm, mình thấy các bạn thường có xu hướng che mặt, hoặc chỉ chụp quay lưng, thậm chí là ảnh mở theo kiểu hai đôi bàn tay nắm lấy nhau.

 

Với học sinh sinh viên thì thích mình chụp những cảnh học bài, ăn cơm, những người lớn trong phút ngẫu hứng có thể thích tắm cho nhau, hay âu yếm nhau.


 
Những bức ảnh ấy làm mình thấy có điều gì đó không ổn, họ không việc gì phải chụp ảnh giống như tội phạm như thế.


Rồi khi xem phim, ở một số phim những nhân vật đồng tính xuất hiện chỉ để mua vui, gây hài, chủ yếu là những người chuyển giới với cách trang điểm, ăn mặc để gây cười hoặc có một số phim đề tài đồng tính hay nhưng họ khai thác những câu chuyện rất buồn.

Ví dụ khi công khai là người đồng tính, người đó sẽ bị ruồng bỏ, bạn bè xa lánh, hoặc nhiều tình huống khác, nhưng hầu hết đều là bi kịch, mình xem thấy rất thương.

- Và chị muốn người đời có cách nhìn khác về hình ảnh, cuộc sống thực sự của những người đồng tính?


Hình như cuộc đời của những người đồng tính nhiều bi kịch quá, bản thân những người đồng tính xem những phim tôi nói ở trên chắc cũng sẽ nghĩ nếu cứ khổ đau như thế này thì chẳng dám công khai.

Mình có rất nhiều bạn đồng tính làm nghề trang điểm, tạo mẫu, họ tài năng và khiến mình nể phục, có nhiều người sống rất vui vẻ, lạc quan. Rồi thêm việc đi chụp ảnh ở Campuchia thấy mọi người cởi mở, mình thấy những gì mình chứng kiến mang lại nhiều thiện cảm.

Trong khi đó, một số thông tin trên các phương tiện truyền thông khi đưa tin về người đồng tính thường gắn với HIV, với gái mại dâm hay những vấn đề xã hội. Chính vì thế những cái nhìn về người đồng tính thường một chiều, không sai nhưng rất thiếu thông tin, đôi khi thiếu tích cực.

Nên tôi nghĩ mình làm bộ ảnh này là cách để đưa thêm thông tin cho mọi người, vì mình đã được chứng kiến rất nhiều điều thiện cảm, nên muốn đưa ngược lại những thông tin ấy cho mọi người hơn, để  họ có cái nhìn đồng cảm hơn. Sự xuất phát đơn giản vậy thôi.
Một bức trong bộ ảnh của Maika
- Trong bộ ảnh Yêu là yêu có khá nhiều bức nhạy cảm, thể hiện sự thân mật giữa hai người yêu nhau, chị làm sao để chụp những bức ảnh này?

Vì những người yêu nhau luôn có xu hướng thích khoe và mỗi người khoe một kiểu nên hầu hết những bức ảnh mình chụp đều là những khoảnh khắc đời thường và tự nhiên nhất.

Ví dụ học sinh sinh viên thì thích mình chụp những cảnh học bài, ăn cơm, những người lớn trong phút ngẫu hứng có thể thích tắm cho nhau, hay âu yếm nhau. Nhiều người thấy không ngại ngần vì đó chỉ là cách thể hiện tình yêu của họ.

 

Có những người chưa công khai nhưng họ nghĩ tham gia dự án sẽ là một cách để họ công khai, còn sau công khai, những hệ lụy xảy ra họ sẵn sàng chấp nhận.


 
- Được biết để có được bộ ảnh này chị đã nhờ đến sự giúp đỡ của anh Dũng, tác giả của cuốn “Bóng” -  tự truyện đầu tiên về người đồng tính ở Việt Nam. Có cặp đôi nào từ chối lời đề nghị?


Có sự giới thiệu của anh Dũng nên bộ ảnh được thực hiện khá suôn sẻ, họ không từ chối. Giữa người chụp ảnh và các cặp đôi đồng tính có những sự bảo đảm nhất định với nhau, mọi người cũng yên tâm ở mình và mình cũng yên tâm ở họ.

Bản thân họ cũng từng xem ảnh của mình, họ biết kiểu chụp, tìm hiểu với mục đích gì cái gì nên họ cũng hợp tác, không có gì là quá khó khăn.

- Có những cặp đôi còn bí mật về giới tính và tình cảm của mình, nhưng qua những bức ảnh này và triển lãm sắp tới, sẽ bị công khai hoàn toàn và gia đình, người thân của họ có thể sẽ sốc. Có nhân vật nào của chị băn khoăn về điều này?

Có chứ, nhưng họ chấp nhận. Có những người chưa công khai nhưng họ nghĩ tham gia dự án sẽ là một cách để họ công khai, còn sau công khai, những hệ lụy xảy ra họ sẵn sàng chấp nhận, vì bản thân họ cũng mong muốn sẽ được công khai và nhận được những cái nhìn thiện cảm về giới tính thật của họ.

Hơn nữa việc họ công khai trong khuôn khổ của dự án này là điều tích cực, vì những người trong gia đình, bạn bè khi đi xem sẽ nhận ra rằng có cả một cộng đồng cùng với họ, chứ không đơn độc.

- Và đồng tính vẫn chưa là câu chuyện bình thường khi nhiều người coi đồng tính như một căn bệnh, nhiều khi họ đưa con em mình vào trại thần kinh …?

Đó là điều hiển nhiên, và chính những người đồng tính họ cũng chấp nhận thực tế đó. Bản thân những người đồng tính cũng không có đầy đủ thông tin, đôi khi họ tự kì thị bản thân mình chứ chẳng đợi những người dị tính kì thị họ. Họ hoang mang, không tự tin vì tiếp cận thông tin sai, nên họ coi mình đồng tính như một sai lầm, tội lỗi hoặc gì đấy.
Hãy tôn trọng những người đồng tính 
Có thể thích, có thể không, nhưng hãy tôn trọng người đồng tính


- Chị mất bao nhiêu lâu để thực hiện bộ ảnh?

Khoảng một năm rưỡi.

Kinh phí thì do đại sứ quán Đan Mạch tài trợ, cả tiền mở triển lãm và sách ảnh.

- Trở về sau bộ ảnh, chị cảm nhận điều gì về tình yêu của những người đồng tính?

Mình chụp bộ ảnh này là để tìm sự đồng điệu và sự yêu thương. Mình thấy những người đồng tính họ yêu thương nhau, họ sống cho hiện tại nhiều hơn những người dị tính.

Nếu như những người dị tính khi yêu, lúc nào cũng mong muốn có một tương lai phía trước với nhiều sự ràng buộc, nhiều gắn bó, trên cơ sở bền vững thì đa phần những người đồng tính đều nghĩ họ không có tương lai và sự ràng buộc gì cả. Nên họ chăm lo cho nhau, có bao nhiêu tâm huyết đều dồn hết cho việc yêu thương người kia.

 
Ở Hà Nội, triển lãm The Pink Choice - Yêu là yêu sẽ diễn ra tại Viện Goethe từ 15/11 đến 2/12. Triển lãm tại TP.HCM vẫn đang chờ cấp phép.

 
- Sau một thời gian dài sống trong thế giới của những người đồng tính, có ai thắc mắc về giới tính của chị?


Có chứ, nhưng mình mặc kệ thôi.

- Mở cuộc triển lãm này, chị có nhận phải những cái nhìn thiếu thiện cảm?


Có chứ, nhưng từ chính những người đồng tính nhiều hơn, vì họ dè chừng lắm, từ trước đến giờ báo chí và truyền thông tiếp cận họ theo hướng lợi dụng, khai thác đời tư nhiều hơn, nên có thể mục đích của mình tốt, mình đưa thông tin nhưng không kiểm soát được hết thông tin khiến họ lo lắng.

Thứ hai nữa là họ tự kì thị bản thân nhiều, nên khi mình đưa ra những hình ảnh riêng tư hay nhạy cảm một chút khiến nhiều người nghĩ đời sống của những người đồng tính chỉ có tình dục thôi.

- Chị có kì vọng nhiều sau triển lãm này mọi người sẽ có cái nhìn bớt kì thị hơn với những người đồng tính?

Tôi không kì vọng nhiều vì thực ra những người đã không thích họ sẽ luôn không thích, họ có nhiều lý do để không thích, dù có thể nói ra hoặc không nói ra. Nhưng có một lượng người thiếu thông tin, họ cũng chẳng biết có thích hay không. Triển lãm này là một dịp để họ có thêm thông tin, có thể thích hoặc không thích.

Việc san bằng kì thị là không thể, khó để một người dị tính yêu thương một cách hoàn toàn bình thường, không có gì lăn tăn về những người đồng tính, cái đó là cả một bước rất dài.

Điều mình muốn sau triển làm là dù mọi người có thể thích, có thể không thích, nhưng hãy tôn trọng những người đồng tính.

- Xin cảm ơn chị!

An Yên(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn