'Vua nhạc sến': Ăn cơm nguội, chống chọi ung thư

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 03/06/2012 04:00:00 +07:00

Nhạc sĩ của những ca khúc Mưa bụi, Nhành cây trứng cá, Người phu kéo mo cau, Nhẫn cỏ cho em,... phải chiến đấu với bệnh ung thư trực tràng từ hơn 1 năm nay.

5h chiều, gọi điện hỏi thăm sức khoẻ của nhạc sĩ Vinh Sử (sinh năm 1944), hỏi ông đang làm gì, ông bảo: “Thì ăn cơm nguội”. Tưởng tượng đến cảnh ông ngồi đơn chiếc trong căn nhà chỉ gần 10m2 ở xóm lao động nghèo tại quận 4, TP.HCM trệu trạo nhai cơm nguội, chợt thấy cám cảnh cho ông quá.

>> Vua nhạc sến” làm đêm nhạc tại Hà Nội

Nói thương ông vì cảnh buồn ấy, ông cười mà rằng: quen rồi, chẳng sao cả đâu, tôi cũng thích ăn cơm nguội mà. Chiều đến lại lấy cơm nguội ra, cho mấy thứ đồ ăn sẵn lên chiên thế là xong bữa…

Ít ai biết, hơn một năm nay ông còn phải chiến đấu với căn bệnh ung thư trực tràng.

Nhạc sĩ Vinh Sử thời trẻ. 
.

Từ gã trai đi bụi và đói triền miên nơi vỉa hè

Nhắc đến Vinh Sử, có lẽ ít người biết tên ông, nhưng sẽ thuộc đôi ba câu nào đó trong các ca khúc của ông. Nói như thời bây giờ thì bài hát của ông “hot” lắm, phần lớn tạo được “hit”. Ông được mệnh danh là “Vua nhạc sến” bởi ca khúc của ông bài nào cũng ảo não, buồn buồn, phù hợp với lúc lang thang trong đêm mưa, hay lúc cô quạnh, lúc thất tình...

Ông thì không quan tâm đến việc người ta gọi bài của ông là sến hay không, ông chỉ nghĩ mình viết nhạc cho giới bình dân, cho tầng lớp người lao động mà ông đã sinh ra và lớn lên. Và đặc biệt, ông đã viết nhạc như viết nhật ký cho đời mình.

Thế nhưng, những bài như Mưa bụi, Nhành cây trứng cá, Người phu kéo mo cau, Nhẫn cỏ cho em, Đêm lang thang, Làm dâu xứ lạ... qua giọng hát của những tên tuổi ca sĩ hàng đầu như: Như Quỳnh, Chế Linh, Quang Lê, Thanh Tuyền... không chỉ làm mê mẩn giới bình dân mà được rất nhiều các giai tầng trong xã hội, không phân biệt giàu nghèo, nông thôn, thành thị yêu quý; nói không quá khi cho rằng một số bài của ông đã trở thành câu hát tỉ tê cửa miệng của nhiều lớp người.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, ba mẹ ông quê ở vùng Hà Tây (cũ) vì điều kiện khó khăn mà phải theo dòng người làm phu đồn điền cao su để mong đổi đời. Sau đó, ông bà bỏ nghề cao su, chuyển về một xóm lao động nghèo ở quận 4, Sài Gòn mở lò bún. Vinh Sử sinh ra và lớn lên trong cái xóm lao động nghèo ấy.

Ba mẹ ông làm lò bún bán hàng nên cũng khá, có thể nói nhà ông giàu nhất xóm, nhưng do ám ảnh của cái nghèo, ba mẹ ông vẫn không cho các con đi học chữ.

Vinh Sử lớn lên, mấy lần dòm thấy bạn bè đi học, thấy học chữ hay hay nên ông đã trốn ba mẹ đi bán báo dạo lấy tiền đi học. Ba mẹ ông không biết điều đó. Nhà có 4 anh em, cuối cùng chỉ có ông là tự tìm cách đi học chữ được. Cậu bé Vinh Sử bán báo dạo cũng sống cuộc sống bụi bặm với vỉa hè, phố phường từ đó. Những năm tháng ấy đã thành nguyên liệu trong nhiều ca khúc của ông sau này.

Không chỉ đi học, Vinh Sử còn mê cái nghiệp mà ba mẹ ông chẳng bao giờ nghĩ đến, đó là âm nhạc. Khi ông học đến lớp 6 thì niềm đam mê âm nhạc cháy bỏng đến mức ông đi thi học trường nhạc quốc gia ở Sài Gòn thời bấy giờ. Đậu vào trường ông sung sướng đi học luôn. Nhưng, chỉ học đúng một năm rưỡi là ông bị đuổi khỏi trường vì tội... ăn chơi.

Khát vọng đổi đời

Vinh Sử nói, dù gì thì một năm rưỡi được đào tạo ấy cũng đủ để ông sáng tác được ca khúc rồi. Trường nhạc học những 7 năm, có nhiều người bạn cùng lớp với ông theo học hết 7 năm nhưng cuộc đời lận đận, vất vả hơn ông nhiều, không có được tên tuổi, nhiều người bỏ nghề. Còn ông, số phận may mắn cho ông có được những bản nhạc mà được đông đảo công chúng yêu thích.

Tuy nhiên, cuộc đời không phải lúc nào cũng may mắn.

Vinh Sử cũng như bao chàng trai trẻ khác ngày đó, viết nhạc với mong muốn được nổi tiếng. Ông “khôn” hơn khi sớm nghĩ cách làm thân với các nghệ sĩ lớn, những người quản lý các đài phát thanh, để nhờ họ lăng xê ca khúc của mình. Để thực hiện mưu đồ đó, Vinh Sử về nhà lấy một khoản tiền lớn của ba mẹ mang đi.

Ông bảo, suốt đời ông rất thương ba mẹ vì ông bà cứ mải miết làm ăn và tích cóp chứ chẳng biết hưởng thụ bao giờ. Ba má Vinh Sử làm việc vất vả, ba đi chở hàng, làm hàng ngoài đường trời nắng chói chang, khát cháy cả cổ, có tiền nhưng ông không dám mua chai nước ngọt uống mà cứ cố về đến nhà để uống bát chè xanh cho... đỡ tốn kém. Chính vì thế nên khi Vinh Sử trộm tiền nhà mang đi, ba mẹ ông rất tức giận, báo nhà chức trách đi kiếm ông.

Có tiền trong tay, Vinh Sử lân la làm thân với giới nghệ sĩ qua những bàn nhậu tưng bừng mà có những bữa ăn tính bằng cả cây vàng ròng. Ông chi tiền vung vít... Thế nhưng, quãng thời gian đó nhanh chóng qua đi mà cũng chưa thấy có tác dụng gì, Vinh Sử hết tiền lang thang vạ vật, đói liên miên, không có tiền ăn cơm, tối đến ngủ nhờ nhà trọ của mấy người bạn xích lô.

Đúng lúc đang suy sụp, thất vọng vì hết phương cách, nhà thì không thể quay về vì trót lấy tiền của ba mẹ thì Vinh Sử lại gặp may.

Đến những bữa tiệc chỉ dành cho vua chúa

Một hôm đang lang thang trên đường phố, chẳng biết đi đâu, về đâu, Vinh Sử dừng lại ở cạnh cái toilet một nhà hàng, vô tình có một người từ trong nhà hàng bước đến... “toilet” gần ông. Hoá ra đó là một người bạn lớn tuổi hơn, từng ngồi nhậu với ông nhiều lần trước đây.

Ông ta hỏi: “Vinh Sử, đi đâu sao lại tới đây?”. Vinh Sử nói đang đi lang thang. Người bạn bèn kéo ông vào quán và nói: Vào đây, có mấy người bạn làm văn nghệ, làm đài phát thanh sẽ giúp đỡ cho. Vinh Sử ngại ngần nói: giờ em hết tiền rồi, ngại lắm không vào đâu. Người bạn xua tay, ngày xưa em bao anh lia lịa như thế giờ anh sẽ bao lại.

 


Vinh Sử bối rối xin người bạn ít tiền để mua bao thuốc vào mời khách cho lịch sự. Thế là người bạn đưa tiền cho ông mua thuốc, không nhớ là đưa bao nhiêu, nhưng đủ để ông mua được gói thuốc “ba số năm”.

Có gói thuốc sang, Vinh Sử tự tin bước vào bàn nhậu tay bắt mặt mừng. Người bạn lên tiếng nhờ các bạn bè ở bàn nhậu giúp đỡ nhạc sĩ trẻ Vinh Sử, họ đồng ý liền và kêu ông đưa bài nhạc. Và thế là, chỉ 2 - 3 tuần lễ sau bữa nhậu đó, bài hát của Vinh Sử được phát trên đài phát thanh, rồi hàng loạt các hãng đĩa tìm đến Vinh Sử để mua bản nhạc phát hành.

Từ kẻ bụi đời không tiền, Vinh Sử tậu được hẳn chiếc xe hơi và chạy thẳng về nhà ba mẹ để trả lại ba mẹ số tiền đã ăn cắp trước đó. Thật khó nói hết sự ngạc nhiên của ba Vinh Sử khi thấy đứa con trai “nghịch tử” lại đường hoàng và giàu có như vậy. Vinh Sử nói “Con về trả tiền lại cho ba”. Ba Vinh Sử cũng không giận nữa.

Sau này, Vinh Sử thường đưa ba đi ăn nhà hàng chung với nhiều ca sĩ tên tuổi, mời ông uống rượu, ăn ngon, có lần uống rượu vào, ba Vinh Sử khóc đỏ mắt nói rằng: “Nếu ba biết cho con đi học có thể khá thế này thì ba đã cho các con đi học, con sẽ tốt hơn nữa”...

Như thế là chỉ sau đúng 2 năm bị đuổi khỏi trường nhạc do tội ăn chơi vung vít, Vinh Sử đã nổi tiếng như cồn, đặc biệt là với ca khúc như Nhẫn cỏ cho em (Anh nghèo nên chẳng nhẫn kim cương/Tặng em theo sính lễ tơ hồng/Thì thôi, anh đan nhẫn cỏ...). Ngày đó, một bài nhạc của ông có thể đủ tiền tậu xe hơi. Vinh Sử đúng là một bước lên tiên, con gái đẹp theo đầy.

Nhưng nếu như ba mẹ ông sống cuộc đời cần kiệm, vun vén bao nhiêu thì Vinh Sử lại tiêu pha bấy nhiêu, không hề lo nghĩ đến ngày mai. Bản thân ông cũng hiểu một điều, người ăn chơi thì nào có sự nghiệp gì.

Nhạc càng nổi tiếng thì tiền càng nhiều, tiền nhiều thì lại càng tiêu vung vít, đó là cái “thói” của Vinh Sử. Ông bảo, từ ngày đó đến giờ ông cũng không thể nào bỏ được cái “tật” đó, cứ có tiền là ăn nhậu thâu đêm, bao đủ các bạn bè. Mà đã ăn nhậu thì phải linh đình, tiền tiêu như rác mới thấy... oai.

Ăn nhậu là một chuyện, Vinh Sử còn có những cuộc chơi mà chắc đến công tử Bạc Liêu cũng phải lắc đầu thán phục. Ông thường xuyên có những cuộc chơi mà nếu tính bằng vàng là khoảng 13 -14 cây một đêm. Ông khoái trò “Nhất dạ đế vương” (một đêm làm hoàng đế) mà các nhà hàng lớn thời đó hay tổ chức. Trong bữa tiệc đó, người ta dàn dựng một cung điện nguy nga, có long bào, ngai vàng, có mấy chục mỹ nữ hầu quạt, nhảy múa trước mắt, có sơn hào hải vị... Hết làm “bạo chúa” Tần Thủy Hoàng, Vinh Sử lại làm bạo chúa Kiệt, Trụ...

Cũng vì ăn chơi hoang tàn như thế nên ông lại sớm rơi vào cảnh khánh kiệt.

Trở lại kiếp nghèo

Ăn chơi thì hết tiền, Vinh Sử chấp nhận sống cuộc đời nghèo với công việc làm giày da trong căn nhà nhỏ bé của mình ở quận 4.

Ông trở về với công việc lao động nghèo, vất vả khi mà thời thế của âm nhạc thay đổi, một bài hát không thể mua được chiếc xe hơi như ngày nào nữa. Thế nhưng, Vinh Sử không buồn, không hối tiếc, ông cho rằng mình đã tận hưởng những vinh hoa rồi thì giờ phải chấp nhận cuộc sống nghèo khổ.

Thời gian gần đây khi nhạc vàng có xu hướng trỗi dậy, nhưng ông “Vua nhạc sến” thì đã đến hồi vận hạn. Hơn một năm nay ông chiến đấu với căn bệnh ung thư trực tràng, qua những đợt hoá trị giờ sức khoẻ cũng tạm ổn. Mừng ông khoẻ mạnh, những người bạn của Vinh Sử chuẩn bị làm đêm nhạc tri ân dành riêng cho ông tại Hà Nội vào ngày 16/6 tới đây. Những người hát thành công nhạc của ông cũng sẽ có mặt như Quang Lê, Thanh Tuyền, Giao Linh, Quang Linh...

Bài hát của ông nhiều người biết, nhiều người thuộc, nhưng đêm nhạc riêng cho ông thì không nhiều. Ông bảo, bạn hữu, đồ đệ là những gì ông còn lại quý giá trong đời, đợt ông điều trị bệnh hết tới 200 triệu đồng, nhưng “đồ đệ” đã tài trợ cho ông hơn trăm triệu để ông chưa bệnh... Ông mong đêm nhạc sẽ là lời tri ân của ông tới khán giả đã ủng hộ ông bao năm qua.

Ông bảo, cuộc đời ông làm vua nhiều rồi, giờ còn được gọi là “Vua nhạc sến” là đủ ấm lòng rồi, cho dù chức vua ấy ở trong cái nghèo và cô đơn.

Vinh Sử đã có tới 4 đời vợ chính thức nhưng giờ ông đang sống một mình...

>> Vua nhạc sến” làm đêm nhạc tại Hà Nội

Miên Thảo (TTVH)

Bình luận
vtcnews.vn