Mặc hở hang: Tăng gấp ba mức phạt, vẫn còn quá nhẹ!

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 01/06/2012 09:58:00 +07:00

(VTC News) - “ Đã là phạt là nhơ nhuốc, nhục nhã. Nhưng nhiều người mặc hở nhưng mặt cứ nhâng nhâng" - Phó chánh thanh tra Bộ VHTT&DL Phan Xuân Phúc bức xúc.

(VTC News) - “Không thể phạt cao hơn. Đã là phạt là nhơ nhuốc, nhục nhã. Nhưng nhiều người mặc hở nhưng mặt cứ nhâng nhâng. Đây là vấn đề liêm sỉ của con người". Đó là trả lời của ông Phan Xuân Phúc - Phó chánh thanh tra Bộ VHTT&DL trước ý kiến cho rằng mức phạt mới 15 - 25 triệu đồng, dù đã gấp khoảng ba lần mức phạt cũ, song vẫn còn quá nhẹ tay.

Phạt 15 - 25 triệu đồng, tái phạm bị cấm diễn (có thời hạn)

Sáng nay (1/6), Bộ VHTT&DL tiếp tục tổ chức Hội nghị để gặp gỡ, trao đổi với các nhà quản lý, đặc biệt là các đơn vị tổ chức biểu diễn và các nghệ sĩ để cùng thực hiện các giải pháp, sao cho hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trong thời gian tới ngày càng đi vào nề nếp và không để xảy ra sai phạm.

Một trong những vấn đề quan trọng tại Hội nghị là việc đại diện Bộ VHTT&DL thông báo sẽ gấp rút trình Chính phủ cho phép bổ sung Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang với những quy định nghiêm khắc hơn.

Mai Khôi "quên mặc nội ý" và khoe hình xăm thoải mái ngay cả khi đi hát cho các chiến sĩ trên đảo Trường Sa. 

Bộ VHTT&DL sẽ gấp rút trình Chính phủ cho phép bổ sung Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang với những quy định nghiêm khắc hơn.

Theo đó, Bộ sẽ đề xuất tăng mức tiền trong xử phạt các vi phạm về nghệ thuật biểu diễn. Một số mức phạt mới được đề xuất như sau:

Phạt tiền từ 15 - 25 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Mặc trang phục, hoá trang gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam; Dùng băng, đĩa hoặc các phương tiện kỹ thuật âm thanh khác đã thu sẵn để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn.

Sau khi bị xử lý phạt hành chính làn đầu, nếu các nghệ sĩ tiếp tục vi phạm, Bộ VHTT&DL đề nghị các hình thức phạt bổ sung cao hơn như sau: Cấm biểu diễn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với người biểu diễn vi phạm lần thứ hai. Cấm biểu diễn từ 06 tháng đến 01 năm đối với người biểu diễn tái phạm lần thứ ba.

Trong lần sửa đổi và bổ sung Nghị định quản lý nghệ thuật biểu diễn mới này, Bộ VHTT&DL cũng mạnh tay hơn trong việc truy tận gốc mọi vi phạm. Mà một trong những biện pháp được Bộ sẽ áp dụng là tăng mức xử phạt với cả những đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang để xảy ra vi phạm.

Theo khung phạt mới thì, các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sẽ bị phạt từ 15 - 25 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Để người biểu diễn mặc trang phục, hoá trang gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam lên sân khấu biểu diễn; Sử sụng hoặc cho người biểu diễn dùng băng, đĩa hoặc các phương tiện kỹ thuật âm thanh khác đã thu sẵn để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn;...

Ngọc Quyên nude vì môi trường gây bức xúc trong giới nghệ sĩ. 

Đồng thời trong Nghị định mới sắp trình Chính phủ, Bộ VHTT&DL cũng cũng đề xuất hình thức phạt sổ sung các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang như sau: Tạm dừng cấp phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có thời hạn 06 tháng đối với đơn vị tổ chức vi phạm quy định.

Để giải quyết tận gốc vấn nạn nghệ sĩ hát nhép, đàn nhái và diện trang phục hở hang, Bộ VHTT&DL cũng sẽ có Công văn gửi Giám đốc cơ quan phát thanh, truyền hình trên toàn quốc, đề nghị không mời tham gia chương trình; không phát sóng các chương trình, tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ vi phạm.

Ngoài ra Bộ VHTT&DL cũng sẽ gửi công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chấn chỉnh các trang báo, các trang mạng internet trong việc đưa tin, bài, ảnh về các nghệ sĩ có hành vi vi phạm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang.

Tại sao không phạt tới 1-2 tỷ đồng?

Góp ý cho những đề xuất mới của Cục NTBD, ông Phạm Quang Long- Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết: “Mức phạt từ 15 - 25 triệu không thấm vào đâu so với lợi nhuận mà công ty tổ chức biểu diễn thu được. Một vị đại biểu quốc hội từng nói với tôi rằng, tại sao không phạt tới 1-2 tỷ đồng. Làm thế chắc chắn không ai dám vi phạm“.

Ông Long cũng chia sẻ, về quan điểm siết chặt công tác quản lý cấp phép nghệ thuật biểu diễn: “Thực tế, rất nhiều công ty trong số đó đăng ký kinh doanh ở địa phương rất xa HN nhưng không bao giờ biểu diễn ở đó mà chỉ tổ chức ở HN. Nói thẳng rằng, những đơn vị như thế khó xin phép biểu diễn ở HN. Tuy nhiên, không nên “chặn” hết đường của các công ty đó để dễ dàng cho nhà quản lý.

Điều quan trọng là phải buộc người ta cam kết không vi phạm. Dù thực tế, có công ty cam kết bằng miệng, hoặc bằng văn bản rằng không vi phạm, nhưng 100% đều vi phạm không kiểu này thì kiểu khác. Suy cho cùng, vì lợi ích kinh tế, họ sẵn sàng bất chấp tất cả.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Hồ Anh Tuấn chủ trì hội nghị. Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn Vương Duy Biên (đứng) phát biểu. 

Việc chỉ phạt đơn vị biểu diễn mà nghệ sĩ lại vô can cũng là vấn đề. Vì nghệ sĩ thành danh, có tiếng phải không chấp nhận những công ty biểu diễn bôi nhọ danh dự của họ vì những hành vi vi phạm pháp luật.

Quan điểm cho rằng không cấp phép biểu diễn nếu đã vi phạm theo tôi lại không sát thực tế. Vì việc thành lập một công ty mới không hề khó khăn. Sở chúng tôi vẫn nhận những hồ sơ xin phép từ những công ty mới toanh vừa thành lập không bao lâu xin tổ chức những chương trình lớn“.

Trả lời ý kiến cho rằng mức phạt 15 - 25 triệu đồng được Bộ VHTT&DL đề nghị nêu trên là chưa có tính răn đe, ông Phan Xuân Phúc – Phó Chánh thanh tra Bộ cho rằng: “Không thể phạt cao. Đã là phạt là nhơ nhuốc, nhục nhã. Số người catse 50-80 triệu ở nước ta rất ít, còn nghệ sĩ bình thường thì thu nhập không nhiều. Nên mức phạt này phải căn cứ trên tình hình chung. Đây là vấn đề liêm sỉ của con người, nhiều người mặc hở nhưng mặt cứ nhâng nhâng".

Chưa thống nhất trong xử lý hát nhép, mặc phản cảm

Mổ xẻ vấn đề hát nhép, các đại biểu đã chỉ ra những bất cập, và những lỗi không phải của nghệ sĩ. NSND Thanh Hoa chia sẻ: “Tôi đã là nạn nhân của hát nhép. Tôi vốn không thể hát nhép được. Do đó trong một chương trình, khi các nghệ sĩ nổi tiếng khác hát nhép, tôi lại hát thật và tôi đã lãnh đủ. Khán giả trong hội trường phản ứng rất tốt, vỗ tay sau khi tôi hát xong.

Vậy nhưng, kĩ thuật truyền hình trực tiếp đã làm hỏng tiếng của tôi hoàn toàn, chính tôi cũng không nhận ra là tôi hát nữa, bởi thứ tiếng đó cách giọng của tôi mấy tông. Chính truyền hình là nơi đầu tiên yêu cầu chúng tôi hát nhép“.

Ông Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho rằng: “Vấn đề các nghệ sĩ có danh hiệu, nổi tiếng: NSND, NSƯT không hát thật mà hát nhép là đáng quan tâm. Nên đặt vấn đề các nghệ sĩ thành danh khi đã lớn tuổi có nên hạn chế xuất hiện trên sân khấu hay không?“.

Cũng giống chuyện hát nhép, lỗi được đổ cho truyền hình, với chuyện xử lý ăn mặc phản cảm, phía các đơn vị quản lý người mẫu cũng đã đăng đàn để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Bà Thúy Hằng, GĐ Công ty Người mẫu Elite cho rằng: “Thực tế, các người mẫu chỉ là ma-nơ-canh sống. Họ không thể tự đi lên sân khấu, mà còn có nhà thiết kế, đạo diễn, stylist“.

Chiếc váy Bebe Phạm mặc đang bị tuột xuống... Đâu là nguyên nhân của sự cố này? Từ người mẫu hay từ nhà thiết kế, đó là câu hỏi mà các đơn vị quản lý người mẫu muốn cơ quan quản lý nên làm rõ khi xử phạt. 

Do đó, theo bà Thúy Hằng, để xử phạt người mẫu ăn mặc phản cảm, hở hang, phải tìm rõ ngọn nguồn của sự việc. Nếu lỗi thuộc về người mẫu thì đương nhiên người mẫu đó phải nhận án phạt. Nhưng nhiều khi lỗi thuộc về các nhà thiết kế. Họ chính là người đưa ra các trang phục và yêu cầu người mẫu phải mặc.

Bà Hằng chia sẻ hướng để giải quyết vấn nạn người mẫu ăn mặc phản cảm như sau: “Các nhà đào tạo thiết kế nước ngoài đưa vào giảng dạy trong các khóa đào tạo thời trang ở Việt Nam thường đưa các xu hướng thời trang rất thoáng, hiện đại. Chúng ta phải lưu ý họ làm sao để giữ truyền thống và hiện đại.

Thời trang có nhiều loại: thời trang bà bầu, thời trang dạo phố, công sở, thời trang cho các bé, thời trang đi biển, phụ kiện, trang phục lót... Với những chương trình đặc thù, theo tôi, liệu có nên hạn chế khán giả và truyền thông? Có nên kiểm duyệt các hình ảnh của báo mạng trước khi đưa tin?“.

Đại diện cho một đơn vị nghệ thuật nhà nước, NSND Trần Bình cho rằng: “Chỉ thị 65 của Bộ VHTT&DL là kịp thời nhưng theo tôi cần phải nói rõ. Tôi nghĩ rằng số lượng vi phạm không quá nhiều, chỉ khoảng mười người, trong khi cả nước có hơn 10 nghìn nghệ sĩ của 130 đơn vị nghệ thuật không hề được nhắc đến, mà chỉ loanh quanh vài người. Vì vậy, sự vi phạm đó không nói lên được bức tranh lớn của cả nền văn hóa văn nghệ cả đất nước.

Ca sĩ ăn mặc hở hang hoặc hát nhép mà bị phạt là không công bằng. BTC có chỉ đạo chương trình, đạo diễn nghệ thuật cũng phải chịu trách nhiệm chứ, theo tôi phải phạt cả hai. Tôi cũng thấy là duyệt chương trình buổi sáng hoặc chiều mà buổi tối không ai của cơ quan quản lí tới xem. Bởi vậy, cần phải tăng cường kiểm tra giám sát“.

NSND Trần Bình cũng cho rằng hát nhép là chuyện kông thể cấm tất cả chương trình. Bởi theo ông: “Có những chương trình truyền bá, phổ biến ở sân vận động, hệ thống âm thanh không thể đáp ứng được. Nếu truyền hình trực tiếp thì không thể đảm bảo được tiếng“.

Đàm Mộng Hoài

Bình luận
vtcnews.vn