Sao Việt đi Cannes: Chẳng có lỗi gì nếu uống chút rượu!

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 31/05/2012 05:02:00 +07:00

(VTC News) - “Sẽ đến ngày nghệ sĩ Việt Nam xuất hiện tại Cannes vì tiếng nói của phim ảnh. Trong thời gian chờ đợi, chả có lỗi gì nếu chúng ta uống chút rượu".

(VTC News) - “Sẽ nhanh chóng thôi đến ngày nghệ sĩ Việt Nam rất đông đảo xuất hiện tại Cannes vì tiếng nói của phim ảnh. Trong thời gian chờ đợi, chả có lỗi gì nếu chúng ta uống chút rượu phải không?” - Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ.


Trước những điều tiếng về chuyến đến Cannes của đoàn nghệ sĩ Việt dưới sự tài trợ của một hãng rượu, nhiều ý kiến cho rằng việc đi Cannes theo diện khách mời của nhãn hàng là… không có lợi lộc gì cho điện ảnh Việt Nam. Hơn nữa, do một hãng rượu tài trợ, tức là chẳng khác gì làm PG, PB cho họ, và như vậy thật chẳng danh giá gì, càng chẳng nên "tự huyễn hoặc mình làm gì".

 Chuyến đến Cannes của đoàn nghệ sĩ Việt dưới sự tài trợ của một hãng rượu...

VTC News đã có cuộc trao đổi ngắn với đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp, người đã được BTC LHP Cannes 2012 mời chính thức. Việc đến Cannes của nữ đạo diễn trẻ tài năng này ít được báo giới chú ý. Dù cô cũng xuất hiện trên thảm đỏ LHP Cannes, thậm chí còn xuất hiện theo đúng tính chất chính thức: Có phim tham dự LHP. Nhưng hầu như sự góp mặt đánh vinh dự này của cô lại bị truyền thông trong nước bỏ qua.

"Báo chí và công chúng đang quá khắt khe"

- Ở LHP Cannes năm nay, và cả 2 năm trước đây, đều có các đoàn nghệ sĩ Việt được mời đi theo dạng suất của nhà tại trợ rượu C. Họ cũng hy vọng sẽ đem điện ảnh Việt Nam đến gần với điện ảnh thế giới. Nhưng đi LHP mà không có phim tham dự, theo chị có là cách học hành và tiếp cận tốt không?

- Thực ra tôi không biết hãng C mong gì và đoàn nghệ sĩ Việt Nam hy vọng gì khi đến Cannes nhưng tôi chắc chắn rằng việc có mặt của nghệ sĩ Việt Nam ở bất kỳ liên hoan phim quốc tế nào đều là rất quan trọng và rất cần thiết nếu muốn xác lập vị trí cho điện ảnh Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Còn chuyện đi LHP mà không có phim tham dự, tôi cho là báo chí và công chúng đang quá khắt khe. Trung Quốc cũng vậy, họ làm ầm lên chỉ vì các Hoa đán xinh tươi dám pose hình tạo dáng trên thảm đỏ khi lời mời đến từ các hãng trang sức hoặc mỹ phẩm, hay thời trang.

Tại sao lại phải vậy? Thảm đỏ là để vinh danh ai cũng hiểu thế. Nhưng thảm đỏ cũng là nơi để thấy giấc mơ gần mình hơn nữa, các nghệ sĩ họ cũng lao động hết mình đấy chứ và thành quả của họ cũng được ghi nhận rất tích cực đấy chứ?

Nào phải họ chỉ ăn chơi và ngay cả chỉ tiệc tùng như Paris Hilton, cô ấy cũng có quyền đến Cannes cơ mà, tất nhiên không lao lên thảm đỏ nhưng ai cấm nếu cô ấy thích vẫy tay như một minh tinh thực thụ?

Nếu bạn đến như một khách mời của điện ảnh, bạn sẽ có nghi lễ thảm đỏ được sắp xếp riêng, nó khá là trang trọng và... rất rắc rối đấy. Sẽ có xe của ban tổ chức đưa bạn đến, sẽ có người ra tận nơi chỉ dẫn, sẽ có các điểm quan trọng bạn cần dừng lại mỉm cười và tạo dáng, sẽ có một giọng đặc Pháp xướng tên bạn lên và thế là bạn bước lên cao... và hết.
 

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp trên thảm đỏ LHP Cannes 2012 (áo dài trắng), cô thuộc diện được mời chính thức.
Chính vì vậy, nếu một nghệ sĩ cho dù chưa tên tuổi, đến từ một quốc gia xa xôi, không thuộc hạng mục official (chính thức) nào, cũng không có phim tham gia tranh giải, tuy không được xướng tên cụ thể nhưng vẫn sẽ được ghi hình lại trong khoảnh khắc. Đôi khi khoảnh khắc đó rất quan trọng và cần thiết. Nó giống như sự trình làng, giống như lời giới thiệu. Chưa chính thức nhưng có sao đâu nhỉ? Có vẫn tốt hơn mà.

Nếu năm 2010, tôi biết hãng rượu C có chương trình mời nghệ sĩ đến Cannes, chắc chắn tôi đã tìm gặp để xin tài trợ cho đoàn phim Bi. Trước khi đến Cannes, tôi và anh Di khốn khổ gõ cửa hết hãng hàng không này đến nhãn hàng nọ mà đành chịu. Giá mà tôi chịu khó uống rượu nhiều hơn thì biết đâu chú Trần Tiến, cô Mai Châu, chị Hoa Thúy, anh Hà Phong, chị Kiều Chinh, bé Bi... cũng đã có mặt tại Cannes!

Đọc lại bài viết gây sốc về hình ảnh sao Việt tại LHP Cannes

- Ai cũng biết, nếu nghệ sĩ đến LHP Cannes theo diện có phim được mời tranh giải là danh giá. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có đủ các phim đạt chuẩn của Cannes mà đi?

- Cách đây 2 năm là khi phim Bi được dự tranh chính thức trong hạng mục của tuần lễ phê bình. Năm đó, tôi lênh khênh trên đôi giày cao gót và đạo diễn đi bộ một quãng xa kinh khủng đến nỗi khi lên đến thảm rồi, nụ cười với phóng viên là nụ cười mừng rỡ vì cái chân có dịp nghỉ ngơi.

Năm đó, người ta đọc tên phim Bi, đừng sợ, tên đạo diễn, tên Việt Nam tất cả phát âm bằng tiếng Việt lơ lớ nhưng nghe rất rõ. Năm đó, chúng tôi có 3 người, tôi vẫn đùa với quay phim Phạm Quang Minh là đoàn mình dù hẻo vẫn đông hơn đoàn của Apichapong (người có phim đoạt Cành cọ vàng năm cùng trong năm đó) những một người.

Năm nay thì là vì dự án Đập cánh giữa không trung được chọn lựa chính thức tại một hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ Cannes nên cũng đương nhiên có nghi lễ lên thảm. Năm nay tôi chỉ có một mình, tự lo áo dài, tóc tai, giày dép. Tuy có xe đưa rước chứ không phải đi bộ như lần đầu nhưng lại phải đứng chờ rất lâu sau các Hoa đán Trung Quốc và... Jane Fonda. Cũng may, người ta đọc tên tôi, tên Việt Nam, tên dự án vẫn rõ như thường.

Tôi tin là sẽ nhanh chóng thôi đến ngày nghệ sĩ Việt Nam rất đông đảo xuất hiện tại Cannes vì tiếng nói của phim ảnh. Trong thời gian chờ đợi, chả có lỗi gì nếu chúng ta uống chút rượu phải không?

Cái tôi cần là "Đập cánh" có thể được bay

- Trở lại với chuyện của bản thân chị tại Cannes năm nay. Đem phim ngắn Hai, tư sáu trong dự án Đập cánh giữa không trung tới Góc phim ngắn (Short Film Conner) trong Liên hoan phim Cannes, chị nhận được tín hiệu gì từ các nhà làm phim?

- Phim ngắn Hai, Tư, Sáu được gửi kèm hồ sơ của Đập cánh giữa không trung như một yêu cầu bắt buộc từ phía nhà tổ chức Les cinemas du Monde rằng cần phải biết về những tác phẩm trước đây của đạo diễn. Hai, Tư, Sáu là 1 trong 2 phim ngắn gắn mác Việt Nam mà bạn có thể tìm thấy tại Cannes năm nay. Phim còn lại được công chiếu theo hệ thống của cuộc thi phim 48h.

9 ngày làm việc ở Cannes, tôi – vốn tiếng Anh không phải xuất sắc – kinh nghiệm sản xuất phim theo dạng chính thống và chuyên nghiệp chỉ xếp hạng trung nên nói thực, các nhà làm phim đến từ các quốc gia khác vất vả một chắc tôi vất vả gấp rưỡi.

Ngày nào cũng họp hành, thuyết trình, gặp gỡ, vừa phát hiện ra cái mới này đã vội vàng nhảy ngay đến khái niệm hoàn toàn mới khác. Dù được nhà sản xuất người Đức hỗ trợ khá nhiều nhưng tôi không còn thời gian để làm gì, tất cả chỉ xoay quanh Đập Cánh.

Vì vậy khi có một số nhà sản xuất của Pháp, Nauy, Đức viết mail, tìm đến tận Pavillion của Les cinemas du Monde chỉ để chia sẻ rằng đã xem phim ngắn của tôi và rằng họ thực sự thích nó, rằng họ yêu thích câu chuyện rất nữ tính, rằng họ ngạc nhiên vì những hình ảnh giàu mỹ cảm, rằng họ rất thán phục diễn xuất của nhân vật cô vợ... (tôi có ghi chép lại để về khoe với quay phim và các diễn viên) thì thú nhận là tôi rất ngạc nhiên.

Cannes là một hội chợ khổng lồ, nơi những siêu phẩm còn đôi lúc bị... “thờ ơ”, tôi chẳng bao giờ nghĩ, một phim ngắn lại có thể làm ai đó cất công tìm gặp đạo diễn để chia sẻ điều gì đó. Ban đầu, tôi nghĩ đơn giản rằng, kiểu gì các nhà đầu tư, sản xuất và các chuyên gia cũng sẽ hỏi mình về cách làm, style phim, cảm giác... lúc mình được quay Đập Cánh.

Và với vốn tiếng Anh không quá phong phú của mình tôi sẽ rất khó diễn đạt bằng lời điều mình muốn nói. Tôi sẽ dùng Hai, Tư, Sáu như một câu trả lời ngắn gọn dễ hiểu. Đấy, mục đích ban đầu của tôi chỉ có thế.

Thực ra tôi đã làm thế, và kết quả rất tốt. Còn đến khi có người vì thích phim ngắn của mình mà trở nên quan tâm hơn đến dự án phim dài của mình thì... có lẽ đó là phần lợi ích bonus thêm chăng?

Hình ảnh Trang Nhung, Quang Hải tại Cannes 2012 

- Cho đến thời điểm này, chị đã bắt tay khởi động dự án Đập cánh giữa không trung khá lâu, nhưng vẫn chưa thể kiếm đủ nhà tài trợ. Đến Cannes lần này, chị có xin thêm được khoản tiền nào không?

- Câu hỏi này cũng thẳng thắn quá nhỉ. Mọi người hay nghĩ tôi đi đến các liên hoan là để xin tiền. Ừ, nghĩ thế cũng chả sai, nhưng mà chưa chuẩn. Để làm Đập Cánh, tất nhiên tôi cần tiền, nhưng tiền không thôi thì không giải quyết được trọn vẹn vấn đề mà một dự án phim đòi hỏi.

Giờ phút này, tôi và những người làm phim như tôi (trẻ - không giàu – nhiều mơ mộng) cần nhiều hơn thế, chúng tôi đang tìm một đường đi. Nếu chỉ là tiền, bạn tin không? Đập Cánh cũng có thể đã đủ tiền để làm nếu muốn.

Nhưng cái tôi cần là Đập Cánh có thể được bay – bay cao – bay xa. Đừng nói với tôi rằng việc bay cao bao nhiêu, xa đến thế nào lại cũng chỉ phụ thuộc vào tiền có chừng nào thôi nhé. Giờ tôi không tin đâu.

- Nếu không chỉ vì xin tài trợ thì mỗi chuyên đi tới các LHP như vậy, chị nhận được những gì khác?

- Tôi cũng mới chỉ đưa Đập Cánh đến hai liên hoan, Busan và Cannes. Thêm một liên hoan của Ý lúc tôi mang “Cha, con và những câu chuyện khác” của anh Phan Đăng Di đi nữa thôi là ba. Cũng không nhiều lắm.

Tiền từ liên hoan hoặc từ các workshop thực ra chỉ là vé, ăn ở, sinh hoạt phí... đâu có nhiều. Tiền từ các quỹ dành cho điện ảnh mới là thứ các dự án độc lập nhắm tới, nhưng tôi cũng chưa bắt đầu triển khai việc đó. Nên nếu là tiền... có lẽ không có đâu. Còn những lợi ích khác thì nhiều. Dự án của mình, tên tuổi của mình được ghi nhận một cách chính thức trong hệ thống sản xuất chuyên nghiệp, từ đó cơ hội cũng sẽ tới.

Giờ mà đến một liên hoan phim hoặc một hội chợ, tôi rất vui vì có thể nhắc đến Đập Cánh, Cha và con, đến Phan Đăng Di, đến DOP Phạm Quang Minh của Bi, đừng sợ... mà không cần phải chú thích quá nhiều. Cũng hay là mọi người đều biết về chúng tôi giống như một hội ba người vậy.

Thỉnh thoảng tại các cuộc họp, khi tôi hỏi “Mày đã biết gì về dự án của tao rồi và còn cần biết thêm gì nữa” thì câu trả lời sẽ là “Tao biết mày sẽ làm phim với cùng ekip đã làm phim Bi của Việt Nam, tao biết rằng mày chỉ làm việc với một DOP trong tất cả các dự án, tao biết rằng mày và bạn mày sẽ tráo đổi luân phiên thay nhau làm đạo diễn và sản xuất”.


Đàm Mộng Hoài (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn