'Bẫy cấp 3': Hồn nhiên mà hơi nhảm nhí!

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 10/05/2012 07:46:00 +07:00

"Phim cũng không có cảnh nóng mà gọi là quá nóng, nói chung là cũng nghệ thuật, hồn nhiên mà lại là hơi nhảm nhí tí xíu nữa. Vấn đề bạo lực thì có...".

Trần Trọng Dần, nhà sản xuất người Mỹ gốc Việt làm phim “Bẫy cấp 3” lên tiếng về việc bộ phim không được phép phát hành tại VN.



- Anh có nhận được thông báo chính thức của Hội đồng duyệt phim quốc gia về việc không cho phép phát hành “Bẫy cấp 3”?

- Tôi đã nhận được một lá thư từ Cục Điện ảnh gửi tới cho công ty phát hành Megastar. Megastar đã chuyển qua cho tôi. Thư có cho biết rằng Cục Điện ảnh không cho phép phổ biến phim Bẫy cấp 3.

Nam Thành và Hoàng Oanh trong phim “Bẫy cấp 3”. 


- Theo anh, phán quyết này có công bằng với bộ phim do anh sản xuất?

- Theo tôi nghĩ, chuyện công bằng thì mình có thể phân tích từ nhiều khía cạnh. Tôi nghĩ đây không phải là một quyết định nhỏ. Tôi nghĩ rằng Cục Điện ảnh đã suy nghĩ và bàn luận rất kỹ trước khi quyết định và họ thấy quyết định này là công bằng.

Tôi có thể hiểu tại sao Cục Điện ảnh lại quyết định như vậy. Tuy nhiên, thực ra tôi thấy quyết định này không công bằng với bộ phim. Có lẽ vì tôi sản xuất phim này nên tôi thiên vị nó.

Nhưng căn cứ trên những câu viết trong lá thư này, tôi có thể xác nhận rằng tôi yên lòng với ý nghĩ của tôi về vấn đề này.
 
Thứ nhất, vấn đề khát khao “giường chiếu” của teen thì tôi nghĩ nó cũng thực tế thôi. Và phim cũng không có cảnh nóng mà gọi là quá nóng, nói chung là cũng nghệ thuật, hồn nhiên mà lại là hơi nhảm nhí tí xíu nữa. Vấn đề bạo lực thì có, nhưng cũng ít hơn những phim khác được công chiếu trên thị trường VN nhiều. Còn vấn đề phù hợp với đạo đức, lối sống của VN thì cái đó tôi nghĩ hơi khó bàn cãi, vì ai cũng có ý kiến riêng. Và nếu ai đã được trao bổn phận quyết định phim nào phù hợp với đạo đức, lối sống của VN thì tôi nghĩ đó là vấn đề của họ.

Nhà sản xuất Trần Trọng Dần. 


- Dù giấy phép sản xuất phim đã bị bãi bỏ nhưng các nhà sản xuất phim Việt có thói quen trước khi triển khai bấm máy thường gửi kịch bản cho Cục Điện ảnh xem trước để cho ý kiến, tạo thuận lợi cho việc cấp phép phát hành. Anh có đi theo cách làm này trong trường hợp “Bẫy cấp 3”?

- Trước khi bắt đầu phim thì tôi đã làm việc với công ty sản xuất phim, hỏi ý kiến về nội dung phim và văn hóa, thị trường VN. Tôi cũng thăm dò nhiều với những người đi trước tại VN. Sau đó đã thay đổi kịch bản để có nhiều phần logic và gãy gọn hơn. Kịch bản đã thay đổi cho lứa tuổi người sát thủ cao hơn những học sinh khác. Sự đàn áp của các học sinh khác với một nhân vật rõ ràng hơn. Sự lơ là của bố mẹ rõ ràng hơn. Và vấn đề nguy hiểm của những thể hiện trên mạng được nêu lên. Tất cả thay đổi dã hoàn tất cũng vì muốn làm phim không những giải trí mà còn có ít bài học cho những người trẻ tuổi.

Thật ra, luật lệ của điện ảnh VN theo tôi biết thì cũng vắn tắt. Tuy nhiên, tôi hiểu ý của luật lệ bảo vệ văn hóa, và tôi rất tôn trọng và đã cố gắng hết sức làm phim một cách thận trọng. Dẫu sao, tôi cũng là người VN, và dòng máu trong người cũng vậy. Từ khi bắt đầu khởi hành, tới bây giờ thì cũng khá lâu, nhiều chuyện thay đổi với điện ảnh VN tôi không biết được hết.

- Anh dự kiến thế nào về thiệt hại khi bộ phim không được phép phát hành tại VN?

- Tôi đang chờ đợi thêm chi tiết về quyết định này. Tuy nhiên, có thể sẽ không có thông tin gì mới hơn trong thời gian gần đây đâu. Vấn đề thiệt hại thì có nhiều thiệt hại khác nhau. Những người đầu tư thiệt hại về sự tin tưởng của họ trên thị trường này. Những diễn viên và ekip thì đã bỏ bao nhiêu công sức hoàn tất phim này. Và khán giả không có cơ hội xem một thể loại phim mới. Có thể họ sẽ thích, có thể họ sẽ không thích. Thêm một điều thiệt hại nữa là về vấn đề đầu tư cho các dự án điện ảnh mới sau này.

- Có thông tin nói anh muốn chỉnh sửa lại bộ phim theo như yêu cầu của Hội đồng duyệt phim quốc gia. Chuyện này thực hư ra sao?

- Vâng, tôi nghĩ nếu biết rõ ràng chi tiết về những phân đoạn nào có vấn đề thì tôi sẽ cố gắng tìm cách chỉnh sửa để hợp với ý kiến nêu ra, nếu được và nếu không thay đổi nội dung hoàn toàn trở thành một phim khác. Nhiều khi ý kiến cũng hay và tôi cũng nên nghe. Nói chung là tất cả đều là sự cố gắng để mang lại một sản phẩm mới cho khán giả VN lựa chọn.

Trong thư gửi Megastar đề ngày 7/5, Cục Điện ảnh có ý kiến về bộ phim “Bẫy cấp 3” như sau:

“Bộ phim xoay quanh chuyện một học sinh vì hận cha mẹ lạnh nhạt, bạn bè coi thường, trong chuyến đi chơi với bốn bạn cùng lớp đã sắp đặt một chuỗi các sự kiện như những cái “bẫy” để lần lượt giết chết những người bạn cùng đi và hai người vô tội khác.

Phim một mặt mô tả khát khao chuyện “giường chiếu” của một số cô cậu tuổi “teen”, mặt khác phản ánh sự thù hận của nam sinh đã ra tay giết người dã man, mất nhân tính, từ đó mang tính kích động bạo lực. Nội dung phim không phù hợp với đạo đức, lối sống VN, đặc biệt là đối với lứa tuổi của học sinh trung học”.

Trên cơ sở nhận định này, Cục Điện ảnh “không đồng ý cho phép phổ biến bộ phim Bẫy cấp 3 dưới bất kỳ hình thức nào”, và thông báo để Megastar “biết và không để lọt bộ phim ra thị trường”.

 

Theo VNN

Bình luận
vtcnews.vn