Ánh Tuyết tiếc không hát nhạc Trịnh sớm hơn

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 29/03/2012 07:38:00 +07:00

(VTC News) - Càng hát nhạc Trịnh, ca sỹ Ánh Tuyết càng tiếc không hát sớm hơn, để muộn màng quá nhưng giờ chị lao vào nhạc Trịnh chắc cũng không quá trễ.

(VTC News)- Càng hát nhạc Trịnh, ca sỹ Ánh Tuyết càng tiếc không hát sớm hơn, để muộn màng quá nhưng giờ chị lao vào nhạc Trịnh chắc cũng không quá trễ.

Nhân dịp kỷ niệm 11 năm ngày mất nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, ca sỹ Ánh Tuyết sẽ mang hai chàng trai, một người Anh và một người Mỹ ra Hà Nội hát nhạc Trịnh cùng chị tại rạp Công nhân tối 30 và 31/3. VTC News có cuộc trò chuyện cùng ca sỹ Ánh Tuyết.

"Bà Liều" chơi nhạc Trịnh

- Lần này, chị làm 2 đêm nhạc Trịnh tại Hà Nội với ý nghĩa gì?

- Tôi muốn đem đến khán giả Hà Nội, những người yêu nhạc Trịnh những đêm nhạc hài lòng, tâm đắc tưởng nhớ đến nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Những nghệ sỹ là những người bạn tâm giao với nhạc Trịnh sẽ được hát, được trải lòng cùng khán giả và tôi tin chắc khán giả sẽ cảm nhận được điều đó.

 


- Ý tưởng dự án này được chị chuẩn bị trong bao lâu?

- Cách đây khoảng 3 tuần, tôi ra Hà Nội hát nhạc Trịnh với Tuấn Ngọc, Mỹ Tâm, Quang Dũng và thấy khán giả yêu nhạc Trịnh bằng tấm lòng trân quý thật. Tôi quan sát những đêm nhạc Trịnh ở Hà Nội, họ đến mua vé với thái độ rất trân trọng Trịnh Công Sơn và cả những nghệ sỹ hát nhạc Trịnh. Và những ai hát nhạc Trịnh mà khán giả cảm nhận được nhiều hơn họ càng yêu quý.

Thực ra, cũng không có dự án gì đâu, tôi cứ tưng tửng, hứng lên là làm chứ không dự tính trước. Vì vậy, không có một cái băng-rôn nào treo ở Hà Nội hết, chỉ có mỗi cái phướn treo ở trước rạp Công Nhân.

- Sao chị không làm ở nơi nào hoành tráng hơn?

- Nhà hát Lớn thì giá thuê mắc quá, 40 triệu/đêm chịu gì thấu! Mà âm thanh ánh sáng còn chưa có nữa. Cung thì bị kẹt chứ tôi hay làm ở đây quen rồi. Anh chị em hậu đài, nhân viên cũng quý mến mình, giúp đỡ tận tình vì biết mình làm vì nghệ thuật, không chú ý kinh doanh.

- Không tính toán kinh doanh, chị có sợ lỗ không?

- Sợ chứ! Nhưng nếu lỗ cũng là tại mình. Trong cuộc chơi mình đã chấp nhận thì phải làm tới chứ không thể nào lên lưng ngựa rồi mới “thôi chết, lỗ rồi, làm sơ sơ thôi”.

Tôi cũng được mệnh danh là “Bà liều”, đã nhảy lên lưng ngựa là cắm đầu phi không cần suy nghĩ. Trước khi nhảy lên thì tôi thích lắm, muốn làm cho bằng được nhưng đã làm rồi là không cần biết. Lo thì cũng có lo nhưng cứ phải phi vì đã lên lưng ngựa rồi đi chậm hoặc nhanh cũng vậy mà đi chậm thiệt thòi.

Chỉ duy nhất có trường hợp tôi thất bại là năm 2009, vào mùng 4 Tết dám dẫn quân ra Hà Nội. Lỗ te tua vì ít khán giả nhưng một số xem lại rất khen. Tuy nhiên, chuyến xuyên Việt đi dần vào trong Nam thì cũng  gỡ vốn được.

- Nhưng chị vẫn là người đi sau cùng đấy thôi?

- Có lẽ sự tưng tửng bất thường và quá cẩn trọng nên tôi đến chậm và thiệt thòi, cái gì cũng đi sau. Ăn cỗ đến chậm thì lúc nào cũng đi rửa chén, quét dọn chứ làm gì.

Năm ngoái, tôi đưa âm nhạc Trịnh ra Hà Nội cũng là người sau cùng. Năm nay, người ta cũng tổ chức, tận thu hết tiền khán giả rồi mình mới đi sau. Vì vậy, tôi có làm nghệ thuật, tâm huyết đến mấy chắc cũng vậy.  Khán giả hết túi tiền rồi và những người quá yêu nhạc Trịnh mới đến đó.

Mà tính tôi đã vậy thì thôi kệ, ai thích nghe thì tới, mình đam mê thì cứ làm, được thì được mà không thì thôi!

 


- Chị có tiếc nuối gì về sự chậm chạp của mình không?

- Càng hát nhạc Trịnh tôi càng tiếc rằng sao không hát sớm hơn, để muộn màng quá! Muộn vì tìm đến nhạc Trịnh quá chậm so với tuổi nghề và tuổi đời. Nhưng giờ lao vào nhạc Trịnh chắc cũng không quá trễ.

Nhưng nghĩ lại, tôi thấy cũng có cái hay và cái dở. Nhờ đi vào muộn mà tôi cảm nhận được được nhạc Trịnh một cách thấm thía, sâu sắc, trưởng thành, chín chắn hơn. Còn nếu hát sớm, biết đâu khi đó mình lăn xả quá sẽ bị chết sớm vì mình chưa đủ độ thẩm thấu trong âm nhạc, ca từ, ý nghĩa ca khúc của Trịnh. Nhưng như vậy, sự thiệt thòi lớn là không được nghe nhận xét, góp ý từ chính tác giả trong quá trình hát.

- Vậy bây giờ, chị thấy mình đã đủ độ thẩm thấu để hát và hiểu nhạc Trịnh?

- Tôi không thể tự nói điều đó! Điều đó hãy để cho khán giả nghe và đánh giá. Mình hát mà để khán giả hiểu được thì hãy nói chứ hát mà người ta không hiểu được thì không dám.

Nhạc Trịnh rất đời: tất cả những gì đời thường ông mang vào, ông nói hộ những người khác. Tất cả chúng ta đang đi dạo trong âm nhạc Trịnh Công Sơn và bắt gặp mình mình trong đó ở một khoảnh khắc, góc cạnh nào đó. Mỗi người đều có tất cả nhưng mình không biết đường nói, chỉ Trịnh Công Sơn biết nói.


Ca sỹ Việt hát nhạc Trịnh sai lời nhưng 2 “anh Tây” thì không

- Chị có hài lòng với 3 đêm nhạc nhân kỷ niệm sinh nhật nhạc sỹ Trịnh Công Sơn tháng 2 vừa qua cùng những “anh Tây” không?

- 3 đêm nhạc ở TP HCM đều rất thành công. Tôi bất ngờ là tình cảm khán giả dành cho đêm nhạc. Họ nán lại hỏi thăm, chúc mừng và cảm thấy vui, hài lòng. Nó đọng lại những điều tốt đẹp trong mình và tôi tiếp tục cùng 2 anh chàng người Pháp và Anh đem tặng khán giả Hà Nội.

Ánh Tuyết cùng Lee Kirby (trái) và Kyo York (ảnh: internet) 


- Theo chị, 2 “anh Tây” Kyo York và Lee Kirby đã chạm được vào triết lý thâm trầm, sâu sắc của nhạc Trịnh chưa?

- Có! 2 anh chàng mỗi người 1 cách và họ chạm tới bằng tâm tư, suy nghĩ, tâm hồn rất thật của họ.

Thật ra, cái gọi là triết lý nhạc Trịnh Công Sơn là rất đời, rất thật. Đời của ông nghe đau mà lại rất hồn nhiên trong nỗi đau. Chúng ta sắp đặt ra cái gì cao xa hơn, ngôn ngữ khó hiểu hơn thì nó không đúng với triết lý Trịnh Công Sơn.

Ca từ nhạc Trịnh nghe triết lý nhưng rất đơn giản bởi vì nó quá đời và mọi người hãy hát bằng cái gì rất thật của mình nó mới đạt tới.Và 2 anh chàng này hát bằng tâm hồn, tình cảm của họ. Chính những yếu tố này đã chạm đến nhạc Trịnh.

- Điểm gì nổi bật ở 2 ca sỹ nghiệp dư này?

- Qua những lần tổ chức tại phòng trà và sô riêng mới đây của họ, tôi thấy rằng họ là người nước ngoài hát ca khúc Việt bằng tiếng Việt rất nghiêm túc. Không phải chỉ đọc lời Việt, hát nghêu ngao không mà họ hiểu nội dung rất kỹ và qua đó mình cảm được tấm lòng của họ.

Mình là người Việt Nam, hát ca khúc nước ngoài đôi khi chả hiểu gì và hát không tới nữa là họ. Đem họ gần khán giả Việt Nam để khán giả Việt vui và hãnh diện vì âm nhạc Việt Nam được người nước ngoài hát, hát 1 cách nghiêm túc và thậm chí họ còn muốn đưa âm nhạc Việt ra thế giới. Họ hát hay thật sự, hay không phải ở giọng hát mà ở cái cảm nhận và tâm hồn của họ.

 

- Nhiều ca sỹ Việt tên tuổi cũng hát sai lời nhạc Trịnh, vậy liệu 2 chàng Tây này có hát đúng lời?

- Khi họ hát 1 bài hát, họ chuẩn bị kỹ về nội dung, về từng câu hát, thậm chí có thể nói họ làm điều này tốt hơn các ca sỹ Việt Nam. Có những ca sỹ Việt cắm đầu hát chứ chẳng hiểu nội dung gì, cứ học thuộc bài hát vô hồn, vô cảm, chỉ có chút giọng. Nhiều ca sỹ không phải không thuộc lời mà thậm chí thuộc sai lời. Nhạc Trịnh không chấp nhận hát sai lời được bởi vì mỗi từ của ông đều có nội dung rất ý nghĩa, xâu xa. Với nhạc Trịnh thì hát sai một ly đi một dặm.

Ngược lại, 2 anh chàng nước ngoài này hát bằng hiểu biết và tình cảm của họ, bằng sự yêu quý nhạc Việt nói chung và nhạc Trịnh nói riêng. Chỉ có đôi từ họ hát còn chưa chuẩn chứ không có sai từ hay sai nội dung.

- Ê-kíp của chị còn có những nhân vật nào đặc biệt?

- Nguyễn Ánh 9 là một người cùng thời với Trịnh Công Sơn, một nhạc sỹ trải đời rất nhiều và tiếng đàn của ông mỗi khi đệm cho ca sỹ hát đều đưa họ đến nơi gọi là chiều sâu của âm nhạc. 

Nghệ sĩ guitar Hoàng Minh là người chủ trì nhiều đêm nhạc Trịnh. Tiếng đàn của anh sắc nét và anh còn cảm nhận nhạc Trịnh rất tốt chứ không phải theo cái vòng hòa âm chung. Saxophone Quang Khải cũng tham gia nhiều đêm nhạc và cộng tác với phòng trà ATB lâu rồi.

Nghệ sĩ Thế Vinh cộng tác với phòng trà ATB ngay từ đầu và làm cho khán giả khâm phục. Anh chỉ có 1 tay nhưng nhưng tiếng đàn như những lưởi dao bén ngọt chạm vào trái tim người nghe, làm cho người ta chạm vào nỗi đau tận cùng của con người.

- Xin cảm ơn chị!

Phượng Hoàng(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn