Tước vương miện Mai Phương Thuý: Khi dư luận bị xỏ mũi

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 14/02/2012 06:00:00 +07:00

(VTC News) – Tước vương miện của Mai Phương Thuý vì cô làm “dâm hoá” áo dài. Tham gia lời hô hào trên, công chúng vô tình bị truyền thông bị xỏ mũi.

(VTC News) – Tước vương miện của Mai Phương Thuý vì cô làm “dâm hoá” áo dài. Sau lời hô hào đó, lồ lộ một mục đích câu khách. Tham gia lời hô hào trên, công chúng vô tình lại là những kẻ bị truyền thông bị xỏ mũi.

Nói như Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân thì: "Hân cũng rất bất ngờ trước thông tin trên. Đầu năm hai đứa xem sao thấy sao của Thúy năm nay xấu, không ngờ mọi chuyện diễn tiến nhanh đến vậy”.

Đến cả chính người trong cuộc như Mai Phương Thuý hẳn cũng không hiểu tại sao mình lại bị vướng vào một scandal khó lường đến độ có nguy cơ mất vương miện. Thậm chí ầm ĩ khắp hang cũng ngõ hẻm trên mạng cũng như đến tận Bộ VH, TT & DL.

Khi chụp bộ ảnh “Áo dài khoe nét xuân thì” 4 năm trước đây, Mai Phương Thúy có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được nó sẽ di hoạ lại đến ngày hôm nay. Bởi Mai Phương Thúy không phải là người chủ động gửi bộ ảnh tới báo chí nhờ đăng.

 
Sự việc bắt nguồn từ nhiếp ảnh gia Quốc Huy, người thực hiện bộ ảnh đưa lên trang web cá nhân vài tấm và một nhà báo vào xem đã xin để đăng lại trọn bộ ảnh trên báo. Khi bộ ảnh được đăng tải, có nhiều luồng dư luận khen chê từ phía độc giả.

Người khen không thiếu, nhưng cũng bởi để câu khách người ta “đổ thêm dầu vào lửa” khi định hướng dư luận bằng những phản bác nặng nề nhất có thể về bộ ảnh. Thậm chí, người ta dựng lên cả một chuyên đề về vụ “tước vương miện” của Mai Phương Thuý.

Đầu tiên là sự tiếp tay cho những ý kiến phản hồi đầy tính quy chụp của những độc giả nóng mắt với bộ ảnh. Sau đó là ý kiến của các chuyên gia. Không rõ có chủ ý hay không mà hầu hết các ý kiến đều “ném đá” bộ ảnh này của Mai Phương Thuý và nâng tầm trầm trọng của vấn đề lên.

GS.TS Trần Lâm Biền cho rằng: “Nếu HHVN mặc áo dài mỏng tang như thế thì không thích hợp với tâm hồn người Việt, bởi khi tiến lên thì người Việt vẫn phải là người Việt, nếu không xác định được bản chất Việt thì chúng ta không định hướng được cho tương lai. Cái gì cứ đi bắt chước để rồi cải tiến một cách thiếu suy nghĩ thì nó chỉ làm cho tàn phai, mất đi cái truyền thống. Đồng thời, nó làm mầm mống cho đạo đức bị suy đồi”.

Hay kinh ngạc hơn là bài báo trích ý kiến của độc giả ký tên Đinh Huyền Sương, từng nhận tiền từ thiện của Hoa hậu Mai Phương Thúy trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ năm 2007:

“Tôi xin hỏi cơ quan Nhà nước nếu hàng triệu cô gái Việt mới lớn, bắt chước hoa hậu đàn chị dâm tục hóa áo dài, bán đường cong và giải thích để lấy tiền từ thiện thì sẽ ra sao. Khi ấy xã hội có còn là xã hội nữa không? Cái đẹp sẽ đi về đâu? Lòng tự trọng và liêm sỉ của con người sẽ hạ xuống mức nào?

Bằng những lời thỉnh cầu thống thiết, tôi mong các nhà chức trách, nhà quản lý văn hóa có biện pháp cụ thể, ngăn chặn kịp thời những con người đang làm méo mó giá trị truyền thống, cái đẹp  của cả dân tộc. Trước hết tôi thỉnh cầu là để cho con gái tôi sau này được sạch.””

 
Sự việc được đẩy lên cao trào sau khi có ý kiến của ông Tô Văn Động, nêu quan điểm “Bộ VH, TT & DL đồng ý tước vương miện của Mai Phương Thuý”. Dù sau đó, ông Động đã đính chính lại rằng đó chỉ là ý kiến cá nhân của ông, chứ không phải là ý kiến đại diện cho tiếng nói từ phía Bộ VH, TT & DL.

Thêm phần gay cấn khi người ta lấy cả ý kiến của hàng loạt luật sư cho vụ việc. Và giật mình khi Luật sư Nguyễn Văn Quang – Giám đốc công ty Luật hợp danh V.I.P đưa ra gợi ý: “Nếu như Bộ VHTTDL có những quy chế tước đi danh hiệu đó, thì những tiêu chí đó nên lấy  ý kiến của dư luận quần chúng nhân dân bởi quy chế đó không nằm ở quy định luật pháp một cách chặt chẽ, mà nó do quan niệm về vẻ đẹp và đạo đức.

Khi đã lấy ý kiến dân chủ, công khai như vậy thì BTC sẽ phải xem lại, Bộ VHTTDL phê chuẩn; tất cả những cuộc thi, những danh hiệu đều phải tuân theo những quy định đó “.

Có thể thấy, mọi căn nguyên của những lùm xùm trên cũng bởi Mai Phương Thuý là nhân vật hot đương thời. Chỉ cần cái tên của cô xuất hiện gắn với bất cứ cụm từ nhạy cảm nào, đảm bảo có sức ảnh hưởng lớn đến truyền thông và dư luận. Và vì thế cô cũng phải lãnh đủ mọi thứ tội mà người ta gán cho, trong một cuộc chiến truyền thông giữa các trang mạng.

 
Nhìn nhận ở góc độ trung dung thì Mai Phương Thuý tuy đã có những tư thế không đẹp với chiếc áo dài, quốc phục của dân tộc, nhưng hẳn nhiên chuyện không đáng thành một thảm hoạ trên truyền thông khi ầm ĩ trên khắp các diễn đàn cũng như trang mạng.

Những ý kiến “ném đá” bộ ảnh “Áo dài khoe nét xuân thì” thì đã quá rõ. Và không thể phủ nhận, sau những ý kiến mang đầy tính cực đoan và khích động này, có một sự thao túng quan điểm từ phía khởi xướng phong trào “tước vương miện” của Mai Phương Thuý.

Chỉ ái ngại cho dư luận, khi đã bị “xỏ mũi” theo những chiêu trò mà người ta đã dày công sắp đặt. Cốt chỉ là tạo ra hiệu ứng truyền thông nhằm câu views. Nhưng cũng chẳng thể trách được ai, khi đám đông lại là những người thích phán xét, và khi đã say phán xét, vô tình, họ quên mất mình đang phán xét đã công tâm hay chưa?

Bản chất sự việc không thể lớn đến vậy khi người ta không cố tình nhấn mạnh đến những cụm từ đắt giá và dễ làm người đọc “nóng mắt” như: Hoa hậu Việt Nam, người đại diện cho phụ nữ Việt Nam như mặc định của phần đông công chúng vẫn hiểu. Áo dài, quốc phục và cũng là một biểu tượng của đất nước. Khi người đại diện cho phụ nữ Việt Nam lại gắn với cụm từ “dâm hoá” quốc phục Việt Nam.

Tự dưng từ đâu, niềm tự hào dân tộc sôi lên. Và người ta phải nói, phải “ném đá”, phải đòi hạ bệ cho bằng được cô hoa hậu đã làm nhục quốc phục, làm nhục phụ nữ Việt Nam.

 
Và chỉ có mấy tấm ảnh áo dài thôi, nhưng người ta đã vẽ ra đủ thứ bài học đạo đức mà Mai Phương Thuý là mầm mống cho sự suy đồi về đạo đức xã hội. Đến nước này, vấn đề đã được đẩy đi quá xa, vượt tầm của một bộ ảnh và vượt trách nhiệm của một hoa hậu.

Chính bởi nắm chắc được, sự ăn khách trong cách nhấn vấn đề đấy, người ta đã đẩy được một sự việc rất thường thành một sự vụ phi thường. Sở dĩ nói phi thường là bởi nó làm kinh động cả đến Bộ VH, TT & DL.

Sự việc lên đến đỉnh điểm khi chiều qua (13/2) Bộ VH, TT & DL đã phải gửi công văn đến các cơ quan truyền thông để bày tỏ quan điểm của cơ quan này về vụ việc. Và cũng là để đính chính lại những gì, Người phát ngôn của Bộ này đã đưa ra vài ngày trước đó.

Sự “mất phương hướng” của công chúng, sự lúng túng của cơ quan quản lý văn hoá, Bộ VH, TT & DL, trong vụ ảnh “dâm hoá” áo dài của Mai Phương Thuý là một minh chứng nữa cho sự nhiễu loạn thông tin trong đời sống văn hoá hiện nay. Nó chỉ là một điển hình nhỏ cho những scandal từ trên trời rơi xuống được dựng lên bởi các thủ thuật của truyền thông nhằm câu khách.

Với scandal “dâm hoá áo dài”, Mai Phương Thúy chỉ là nạn nhân khi tên tuổi cô bị truyền thông lợi dụng để đẩy vụ việc đi quá xa khỏi bản chất thực vốn có của nó. Thế mới thấy, làm hoa hậu đã khó sống, làm hoa hậu hot lại càng dễ “chết” hơn. Khi tên tuổi của mình lúc nào cũng được đặt sẵn trên "thớt" của truyền thông.

Đàm Mộng Hoài

Bình luận
vtcnews.vn