Cặp vợ chồng vua chúa dị hợm nhất Trung Quốc

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 05/02/2012 04:26:00 +07:00

Một đấng quân vương trí tuệ “ngắn ngủn” cặp với một bà hoàng hậu đệ nhất xấu xí lại dâm loạn, độc ác vào hàng bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa

Một đấng quân vương trí tuệ “ngắn ngủn” cặp với một bà hoàng hậu đệ nhất xấu xí lại dâm loạn, độc ác vào hàng bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa. Cặp vợ chồng Tư Mã Trung hoàng đế và Giả Nam Phong hoàng hậu được ví là cặp đôi trời sinh, đã làm nghiêng ngả triều đình Tây Tấn trong suốt 16 năm trị vì.

“Trai tài, gái sắc” – đôi lứa xứng đôi

Trong lịch sử Trung Hoa, các đời vua chúa nếu không ghi dấu bởi đấng quân vương văn võ song toàn, oai phong lẫm liệt thì cũng là những bậc thê tử có nhan sắc thuộc hàng chim sa cá lặn, có thể khiến cho giang sơn nghiêng ngả, đất nước tiêu vong. Thế nhưng, nhà Tây Tấn do dòng họ Tư Mã thành lập và cai trị vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên lại xuất hiện một trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử: một cặp “trai tài, gái sắc” thuộc hàng của hiếm.

 Một hoàng đế vừa ngu đần, ngớ ngẩn, một hoàng hậu vừa xấu xí ma chê quỷ hờn lại vừa dâm loạn, độc ác. “Cặp đôi trời sinh” ấy chính là Tấn Huệ Đế, hay còn gọi là Tư Mã Trung hoàng đế và Giả Nam Phong hoàng hậu.

Nói về Tư Mã Trung hoàng đế và cái sự ngờ nghệch, ngu đần của vị quân vương đời thứ hai của nhà Tây Tấn này thì phải gọi là thiên hạ vô đối. Tấn Huệ Đế là con trai của Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm và bà vợ cả là hoàng hậu Dương Diễm.

Hoàng hậu Dương Diễm sinh được 3 người con trai, tuy nhiên do người con cả mất sớm khi còn nhỏ nên Tư Mã Trung trở thành con lớn nhất của Tấn Vũ Đế. Tư Mã Trung ra đời trong thời Tam Quốc, khi ông nội là Tư Mã Chiêu đang nắm thực quyền điều hành nước Tào Ngụy. Khi Tư Mã Viêm lấy ngôi của Tào Ngụy, lập ra nhà Tấn (năm 265), Tư Mã Trung lúc này lên 7 tuổi.

Năm 267, Tư Mã Trung được vua cha lập làm thái tử, khi mới vừa lên 9 tuổi. Tư Mã Trung được kì vọng là người kế tục sự nghiệp xây dựng nhà Tấn của hoàng đế Tư Mã Viêm. Những kẻ nịnh thần khi cận kề bên cạnh hoàng đế đã không ngớt lời ton hót, khen ngợi tướng mạo của vị thái tử con này. Thậm chí, có kẻ còn phóng đại lên rằng, ngày thái tử Tư Mã Trung chào đời, trên bầu trời xuất hiện một vì tinh tú to và sáng lấp lánh, như báo hiệu sự xuất hiện của một đấng minh quân trong tương lai.

Tư Mã Trung hoàng đế và Giả Nam Phong hoàng hậu 

Trớ trêu thay, tất cả những lời đó giống như một trò hề khi mà trái ngược hoàn toàn với mong đợi của vua và hoàng hậu, thái tử yêu quý ngay từ bé đã có những biểu hiện bất thường. Ngay từ lúc còn nằm trong nôi, thái tử đã không phải là một đứa trẻ nhanh nhạy. Đến khi lớn lên, biết chạy nhảy và biết nói thì thái tử tỏ ra vô cùng chậm tiếp thu và thường cười nói ngây ngô trước tất cả mọi sự việc diễn ra trước mắt.

Hoàng đế Tư Mã Viêm và hoàng hậu đành lòng chấp nhận một sự thật rằng Tư Mã Trung có trí tuệ kém phát triển, không có năng lực như người bình thường. Thái tử ngây ngốc thường khiến cho đám thị thần xung quanh phải há hốc mồm, bụm miệng vì không nhịn nổi cười. Trong “Tư trị thông giám” còn kể rõ câu chuyện chứng minh trí tuệ “ngắn ngủn” của Tư Mã Trung. Một hôm, trong lúc đang tháp tùng thái tử dạo chơi trong Hoa Lâm viên của hoàng cung, đám thị thần bỗng giật mình khi thấy thái tử đang chạy nhảy tung tăng đuổi hoa bắt bướm bỗng dừng lại, ra vẻ nghiêm trọng.

Tư Mã Trung nghe ngóng tiếng ếch kêu một hồi lâu, rồi quay sang hỏi thị thần một cách ngây ngô: “Này, thế ếch nó kêu là vì việc công hay việc tư đấy?”. Đám thị thần nghe vậy há hốc miệng, cười sặc sụa nhưng nhanh chóng che miệng kẻo phạm tội bất kính với thái tử. Từ hôm đó trở đi, mỗi lần đi dạo trong Hoa Lâm viên là thái tử lại băn khoăn, lẩm nhẩm trong miệng câu hỏi “Không biết ếch nó kêu vì việc công hay việc tư”.

Thái tử Tư Mã Trung vốn từ nhỏ đã ham ăn và món ăn khoái khẩu nhất của Tư Mã Trung là cháo thịt được nấu từ gạo tinh và thịt nạc. Cũng từ chuyện ăn này đã có một giai thoại chứng minh sự thiểu năng của Tư Mã Trung.

 Lần đó, khắp nơi trên đất nước xôn xao vì nạn đói, dân tình chết như rạ, gạo không có nửa hạt để ăn. Sự việc cũng khiến trong cung nhốn nháo. Biết được việc này, Tư Mã Trung quay sang hỏi các thị thần: “Dân chúng không có cơm ăn, sao không ăn cháo thịt?”. Sau lần này thì đám thị thần chỉ biết lắc đầu cười trước mỗi câu hỏi ngây ngô của vị hoàng đế tương lai.

Trong khi đó, Giả Nam Phong - con gái của Giả Sung, vốn là công thần khai quốc nhà Tây Tấn, có công giúp cha con Tư Mã Chiêu và Tư Mã Viêm lật đổ nhà Tào Ngụy - lại là một trường hợp có nhan sắc thuộc hàng “xuất chúng”. Nhan sắc “ma chê quỷ hờn” của Giả Nam Phong hoàng hậu được sách “Tấn thư Huệ Giả hoàng hậu truyền” mô tả rằng: “Giả Nam Phong có dáng người thấp lùn, da đen, răng vẩu, lưng gù, chân to, ngũ quan không cân đối, tính tình thô lỗ, lông mày còn có vết sẹo dài xấu xí”.

Tưởng như toàn bộ cái xấu mà trời đất có thể gom góp được đều tụ lại hết ở Giả Nam Phong. Bà  lùn tịt, chỉ cao chừng 1m40, người cục mịch, chân vừa ngắn vừa to, lưng gù, da đen, răng vẩu, các nét trên mặt bất cân đối, mũi tẹt và hếch, đôi môi dày thâm sì, ở bên dưới khóe mắt có một vết chàm bẩm sinh màu đen, vẻ mặt trông dữ tợn và nanh ác.

Năm 271, Vũ Đế tính chuyện kén con dâu. Ban đầu, Vũ Đế định chọn con gái đại thần Vệ Quán, nhưng sau đó lại nghe hoàng hậu Dương Diễm khuyên nên lấy con gái Giả Sung. Khi thái tử Trung lên 13 tuổi, Vũ Đế sai người đến hỏi con gái nhỏ của Giả Sung là Giả Ngọ lên 12. Nhưng lúc đó, Giả Ngọ quá bé, không mặc vừa áo cưới, vì vậy Vũ Đế thấy Giả Sung có con gái lớn là Giả Nam Phong đã lên 15 tuổi, bèn cho lấy thái tử. Một cuộc hoán đổi, mận thế chỗ cho đào đã diễn ra.

Giả Nam Phong một bước đổi đời, từ chỗ nghĩ rằng xấu như mình khó có thể lấy chồng mà thế cục xoay 180 độ, bỗng lại trở thành thái tử phi. Ngày Tư Mã Trung và Giả Nam Phong kết duyên vợ chồng, dân chúng thập phương đều nhốn nháo và chế nhạo, phong cho cặp đôi này là một cặp “trai tài, gái sắc” đệ nhất thiên hạ.

Giả Nam Phong người ngắn ngủn bơi trong bộ áo cưới hoàng cung. Khuôn mặt đã xấu nay lại thêm sự đắc ý càng khiến nó trở nên thảm hại. Trong khi đó, thái tử Tư Mã Trung nghe nói được cưới vợ thì thích thú, chạy khắp nơi sờ cái này, nghịch cái kia rồi cười hềnh hệch. Giả Nam Phong được đưa đến trước mặt Tư Mã Trung. Thái tử vén mạng che mặt lên rồi nhìn Giả Nam Phong cười ngây ngô một hồi lâu, ra chiều thích chí. Giả Nam Phong lúc đó nhận ra thái tử là một kẻ ngốc, trong lòng dấy lên một nỗi tủi hờn vô cớ, và từ đó trở đi, thường tỏ ý khinh nhờn.

Tấn trò hề: Vua ngu ngốc bị hoàng hậu hoang dâm dắt mũi

Khi hôn sự diễn ra, Giả Nam Phong đã 15 tuổi, lớn hơn 2 tuổi so với thái tử Tư Mã Trung. Giả Nam Phong thấy Tư Mã Trung ngốc nghếch thì thường bắt nạt. Trong khi đó, thái tử cũng tỏ ra sợ hãi người vợ lớn tuổi hơn mình. Vũ Đế cũng có lo ngại về người kế vị, bèn làm phép thử. Vũ Đế giao cho Tư Mã Trung phê thử một tập tấu sớ của các quan. Giả Nam Phong bèn sai người làm hộ cho Tư Mã Trung.

Vốn là kẻ khôn ngoan, Giả Nam Phong biết rằng muốn qua mặt được đức vua thì phải dùng một lối văn chân phương, nông cạn đúng như bản chất của Tư Mã Trung để diễn đạt. Tư Mã Trung cứ thế theo bài mẫu chép lại và mang nộp cho vua cha. Tấn Vũ Đế cho rằng Trung cũng ít nhiều có hiểu biết nên tạm gác việc thay thái tử.

Sau vụ này, Tư Mã Trung càng tỏ ra nể phục vợ mình. Khi quyền hành có ở trong tay, Giả Nam Phong bắt đầu thao túng mọi sự và dã tâm độc ác đến đây đã được bộc lộ. Vốn xấu xí lại chỉ sinh được con gái, chính vì thế mà Giả Nam Phong luôn sẵn thái độ đố kỵ, ghen ghét các phi tần trong triều. Người phụ nữ “xú bát quái” này sẵn sàng lồng lộn khi trông thấy Tấn Huệ đế gần gũi với những mỹ nhân khác. Lo sợ các phi tần sẽ sinh được thái tử, ngôi hậu sẽ tuột khỏi tay, Giả Nam Phong luôn tìm cách hãm hại và ngăn cản chồng chung đụng giường chiếu với các phi tần.

Sự ghen tuông lên đến đỉnh điểm, lại sẵn quyền hành trong tay nên Giả Nam Phong sẵn sàng làm những việc tàn độc nhất. Chỉ cần thấy ai không thuận với mình, Giả Nam Phong bèn tự cầm dao giết chết người ấy. Nhất là những cung tần, ngự nữ nào vô tình được thái tử lâm hạnh, đều bị Giả Nam Phong giết tàn nhẫn, không thương xót.

Một lần nghe tin có một cung phi có thai với thái tử, Giả Nam Phong bèn tiện tay cầm chiếc kích nhỏ, dùng sức mạnh lao thẳng vào bụng của người cung phi ấy, khiến cho thai nhi bị rơi xuống đất, máu huyết lênh láng. Xong việc, Giả Nam Phong phủi tay, quay ngoắt người bỏ đi, mặc cho đám thị thần xử lý.

Là một người đàn bà quá xấu xí nên mặc dù đã leo được đến ngôi vị cao nhất trong hậu cung nhưng hoàng hậu Giả Nam Phong luôn bị người khác dè bỉu. Điều đó khiến cho trong lòng Giả Nam Phong ôm một cục hận ngút trời. Hận cho nhan sắc của mình, lại phải chung chăn gối với một vị hoàng đế đần độn, bảo gì làm nấy, Giả hoàng hậu đã gian dâm để thỏa mọi “nỗi niềm riêng tư” của mình.

Một trong những người có tư thông với Giả Nam Phong là quan thái y Trình Cứ. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, Giả Nam Phong còn chứng minh mình là một người đàn bà tuy nhan sắc có hạn nhưng lại thuộc hàng hoang dâm vô độ. Lúc bấy giờ, ở Lạc Dương thường xảy ra việc các thanh niên đẹp trai bị bắt cóc bí ẩn.

Tư Mã Trung hoàng đế và Giả Nam Phong hoàng hậu 

Nguyên do là Giả hoàng hậu thường bí mật ra lệnh bắt con trai ngoài kinh thành vào cung để hành lạc. Mặc dù đã gian dâm với hàng tá trai tráng nhưng để tránh bị bại lộ, hại đến danh tiếng nên sau mỗi lần mây mưa, Giả hoàng hậu lần lượt giết chết từng bạn tình nhằm diệt khẩu. Sự việc được che đậy trong một thời gian khá dài. Bản thân Tư Mã Trung không hề hay biết mà vẫn ngây ngô, ngờ nghệch tin vào những điều Giả Nam Phong nói.

Tuy nhiên, cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra. Tương truyền rằng, bấy giờ, ở ngoài thành Lạc Dương có một viên tiểu lại nhà nghèo, diện mạo khôi ngô, tuấn tú. Bình thường, viên tiểu lại không có quần áo đẹp để mặc nên toàn mặc đồ cũ, rách nát từ lâu. Bỗng một hôm, người ta thấy viên tiểu lại ăn mặc đẹp khác thường. Điều đó khiến thượng cấp của anh nghi ngờ, cho rằng viên tiểu lại ăn cắp bộ y phục đó, vì thế nên viên trưởng quan này mới giữ y lại để tra hỏi cho rõ minh bạch.

 Viên tiểu lại cuống cuồng van xin rồi kể lại câu chuyện kì lạ của mình. Viên tiểu lại thuật lại câu chuyện của mình như sau: “Một hôm, tôi ra ngoài đường, gặp một bà lão già bảo tôi là trong nhà bà ta có người bệnh, phải ra ngoài thành phía Nam tìm một người thiếu niên để khu tà, nên muốn nhờ tôi đi tạm một chút, việc xong sẽ cho nhiều tiền thưởng. Tôi bằng lòng giúp bà ấy.

Sau khi tôi đã lên xe, thì bà lão buông màn che kín xe lại, giấu tôi trong một cái hòm bằng tre thật lớn. Đi chừng khoảng hơn mười dặm, qua sáu, bảy lần cửa, tôi được thả ra khỏi cái hòm tre. Tôi mở mắt ngẩng đầu lên nhìn. Trời ơi! Chỉ thấy điện vàng gác tía trông sang trọng, giàu có, thật diễm lệ, nguy nga. Tôi mới hỏi bà lão xem đây là nơi nào. Một người thay bà lão nói với tôi đây là thiên đàng. Sau đó, tôi dược tắm rửa bằng nước nóng có hương thơm sực mũi mà từ trước tôi chưa từng được hưởng bao giờ.

 Tắm xong, người ta trao cho tôi một bộ quần áo thật đẹp, và bưng đến toàn những thức ăn thuộc loại trân châu hải vi, mỹ vị hiếm có. Cơm rượu no say, một lát, tôi thấy xuất hiện một người đàn bà, tuổi trông chừng 35 - 36, người lùn nhỏ, nước da nâu đen, cuối đuôi mắt có một cái bớt đen. Người đàn bà đó giữ tôi ở lại mấy ngày để cùng chăn chiếu, thật vô cùng hoan lạc. Lúc ra về, tôi được người đàn bà đó cho bộ y phục này”.

Viên tiểu lại say sưa kể câu chuyện hoang đường của mình, trong khi tất cả những người nghe chuyện đều biết người đàn bà đó chính là Giả hậu. Thì ra, viên tiểu lại nọ chính là trường hợp may mắn nhất đã thoát khỏi bàn tay tàn độc của Giả hậu. Nhờ có vẻ đẹp trai hút hồn với thuật phòng the siêu đẳng, viên tiểu lại đã làm Giả hậu hài lòng.

 Huống hồ, trong lúc hoan lạc, viên tiểu lại lại không ngớt miệng khen Giả hậu là người tuyệt sắc nhất trên trần gian - điều mà từ khi sinh ra, Giả Nam Phong chưa bao giờ được nghe. Chính vì thế mà sau khi hành sự xong, Giả hoàng hậu đã cho tên này rất nhiều vàng bạc châu báu mà không đem y ra giết như những người đàn ông đáng thương khác. Cũng từ lời khai của kẻ may mắn đã không bị giết sau lần mây mưa nên bản chất dâm loạn và ác độc của Giả hoàng hậu mới bị phanh phui một cách trần trụi.

Tấn Huệ Đế sợ Giả Nam Phong như sợ cọp. Tuy luôn mồm nói mình tôn sùng "lễ pháp", nhưng trước sự hoành hành bạo ngược của Giả Nam Phong, ông vua này cũng chỉ biết than thầm. Tấn Vũ Đế khi đó thấy Giả phi vừa xấu xí mà tính tình lại hung hãn, thường có ý phế bỏ. Tuy nhiên, mỗi lần Vũ Đế nổi giận, Dương hoàng hậu lại can rằng nên nể Giả Sung có công lớn với triều đình mà để cho Giả phi tại vị. Vì vậy, Giả phi mới không bị phế. Tấn Vũ Đế không ngờ rằng, sự nhân nhượng không đúng lúc của mình đã gây họa lớn cho nhà Tây Tấn.

Hậu họa diệt vong và kết cục bi thảm

Một người đàn bà đẹp có thể làm cho giang sơn nghiêng ngửa, đất nước tiêu vong. Tuy thế, một người đàn bà không thuộc giới hồng nhan khuynh quốc, mà ngược lại, nổi tiếng là “xú nữ”, đen đúa, lùn nhỏ, lại có thể làm cho vương triều nhà Tây Tấn tan nát, suy đồi, và hậu quả là gây ra một cuộc chiến tranh nội loạn kéo dài hàng chục năm. Người đàn bà có “năng lực siêu phàm” đó không ai khác chính là Giả Nam Phong.

Năm 290, Tấn Vũ Đế mất, Tư Mã Trung lên nối ngôi, tức là Tấn Huệ Đế. Giả phi được làm hoàng hậu. Cha Dương thái hậu là Dương Tuấn - tức là ông ngoại của Huệ Đế - làm chức Thái phó phụ chính. Huệ Đế lúc đó đã 32 tuổi nhưng vẫn ngờ nghệch. Giả hậu thấy Huệ Đế ngây ngô, nhân lúc tình hình rối ren muốn đoạt quyền hành.

Nhân các vương họ Tư Mã bất bình vì ngoại thích Dương Tuấn nắm quyền, Giả hậu bèn cùng Đông An công Tư Mã Do và Nhữ Nam vương Tư Mã Lượng bàn mưu kết tội Dương Tuấn chuyên quyền.

Năm 292, Do và Lượng theo lệnh Giả hoàng hậu làm binh biến, vây bắt Dương Tuấn. Dương thái hậu trong lúc nguy cấp bèn viết thư vào vải gấm, sai buộc vào tên bắn ra ngoài để kêu gọi người đến cứu cha. Nhưng bức thư bị quân của Tư Mã Do bắt được. Do và Lượng bắt giết cả nhà Dương Tuấn. Giả hậu lấy chứng cứ bức thư gấm để kết tội Dương thái hậu cùng mưu phản nghịch với Dương Tuấn, vì vậy Dương thái hậu cũng bị kết tội và bị phế.

 Vợ Dương Tuấn - mẹ của Dương thái hậu, bà ngoại của Huệ Đế - cũng bị hành hình. Trong lúc nguy khốn, Dương thái hậu đã phải nhẫn nhục viết thư xưng làm thần dân để mẹ được tha nhưng Giả Nam Phong cũng không hề nhân nhượng. Không lâu sau đó, chính Dương thái hậu cũng bị kết tội và bị bỏ đói ở thành Kim Dung. Trong lúc ông ngoại, bà ngoại và mẹ bị vợ hành hình vô cùng thảm khốc, Huệ Đế vẫn ngồi cười một cách ngây ngô trên ngai vàng mà không hề làm được điều gì.

Trước khi cưới Giả Nam Phong, Tư Mã Trung đã được vua cha ban cho cung nhân Tạ Cửu. Tạ Cửu được phong làm Tài Nhân. Giả Nam Phong chỉ sinh được 4 công chúa, còn Tài nhân Tạ Cửu lại sinh được người con trai là Tư Mã Duật. Tư Mã Duật vì thế nghiễm nhiên trở thành thái tử.

 Đối với Giả Nam Phong, đây đích thị là mối hậu họa, là cái gai trong mắt của hoàng hậu xấu xí này. Bằng việc giả nét bút của thái tử Tư Mã Duật viết thư phản tặc, Giả Nam Phong đã thuyết phục được Tấn Huệ Đế phế truất thái tử.

 Tháng 3 năm Vĩnh Khang nguyên niên, tức năm 300, Giả Hậu ra lệnh cho người tình là thái y Trình Cứ phối chế độc dược, sai hoạn quan là Tôn Lự đến cung ở Hứa Xương tìm cơ hội đánh thuốc độc sát hại thái tử Tư Mã Duật. Nhưng từ khi bị truất phế, thái tử luôn luôn lo lắng, đề phòng, chỉ sợ bị mưu sát, thường tự mình nấu nướng lấy, nên nhất thời Tôn Lự khó xuống tay được.

Sau, Tôn Lự không kiên nhẫn nổi, cố bức thái tử phải uống. Thái tử kiên quyết không chịu. Tôn Lự bất đắc dĩ rình lúc thái tử vào cầu tiêu, dùng chầy đập chết. Sau khi giết xong thái tử Tư Mã Duật, để xóa bỏ vết máu dơ trên tay mình, Giả hậu liền giả bộ tử tế và xin với Tấn Huệ Đế dùng vương lễ chôn cất cho thái tử trọng hậu. Thực ra, trong bụng Giả Nam Phong vô cùng hoan hỉ, sung sướng vì đã trừ khử được một nguy cơ cướp ngôi trước mắt. Chỉ có Tấn Huệ Đế là ngây ngô, không biết sự tàn độc, nham hiểm của vợ mình.

Triệu vương Tư Mã Luân là ông chú của Huệ Đế, thấy Giả hậu giết thái tử, đã có cớ để khởi binh, lúc đó mới ra mặt. Tháng 4 năm 300, Luân hợp sức với Tề vương Tư Mã Quýnh là cháu gọi Vũ Đế bằng bác. Hai người mang quân vào cung bắt sống Giả hậu và giết các phe cánh là Đổng Mãnh, Tôn Lự và tình nhân Trình Cứ. Giả hậu bị phế làm thứ nhân và bị giam ở thành Kim Dung.

Ngày 9 tháng 4 năm đó, bà bị Tư Mã Luân sai người mang rượu độc đến ép tự vẫn. Năm đó, bà 44 tuổi. Cuối cùng, vị hoàng hậu độc ác cũng phải đền tội bằng cái chết. Tuy nhiên, việc chuyên quyền của Giả hậu đã kích động các vương thất tranh quyền, giết hại lẫn nhau, khởi đầu cho loạn bát vương. Đây là loạn do 8 vị vương họ Tư Mã Hoàng tộc nhà Tây Tấn gây ra từ năm 291 tới năm 306. Loạn bát vương kéo dài 16 năm khiến nhà Tấn suy yếu trầm trọng và đi đến diệt vong.

"Sự nghiệp trị quốc" của Tấn Huệ Đế ngây ngô cũng kết thúc. Tháng 11 năm 306, Tấn Huệ Đế qua đời trong một ngày mùa đông rét mướt sau khi ăn nửa miếng bánh. Sử sách hoài nghi chính Đông Hải vương Tư Mã Việt đã ra tay hạ độc. Số phận của cặp vợ chồng vua chúa dị hợm nhất trong lịch sử Trung Hoa đã chấm dứt cùng với sự kết thúc thê thảm của nhà Tây Tấn và để lại “danh thơm” đến nghìn năm sau.

Theo Phunutoday

Bình luận
vtcnews.vn