Xuân Thăng Long vang tiếng Bài Chòi Bình Định

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 26/01/2012 03:06:00 +07:00

(VTC News) - Khi người dân Thăng Long nô nức đi trảy hội Đống Đa thì những câu hát Bài chòi quê hương vị anh hùng áo sẽ vang lên cho hội xuân rộn rã.

(VTC News) - Đúng ngày mùng 5 Tết Nhâm Thìn (tức 27/1), khi người dân Thăng Long nô nức đi trảy hội Đống Đa thì những câu hát Bài chòi quê hương vị anh hùng áo vải Quang Trung sẽ vang lên cho hội xuân Thăng Long thêm phần rộn rã.

Năm 1789, đúng trong tiết Xuân khi những cánh đào hồng đất Bắc đã lung linh khoe sắc thắm đón chào chiến công lẫy lừng của vị vua áo vải Quang Trung đại phá quân Thanh giải phóng đất nước.

Chiến thắng Đống Đa mở ra một trang sử mới cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam, cũng là dịp ghi dấu ấn sự kiện non sông về một mối. Nô nức với niềm vui của dân tộc, trong tiết Xuân mưa bụi giăng lối, nhân dân Thăng Long đã mở tiệc khao vị anh hùng kiệt suất của dân tộc, một người con đến từ phương Nam xa xôi, và trong bữa tiệc mừng ấy, tương truyền, có sự góp mặt của những chàng trai, cô gái say sưa đắm mình trong những câu hát Trống quân - Cò lả tình tứ, yêu đương như khát vọng của một cuộc sống bình yên, không chiến tranh, quanh năm suốt tháng chỉ xum vầy bên gia đình, chăm lo việc đồng áng…

Không gian hát Bài Chòi Bình Định 

Những câu hát ấy cho đến tận ngày hôm nay, dù trải qua 223 mùa xuân vẫn được lớp lớp cháu con ở kinh thành Thăng Long lưu truyền như một trong những câu chuyện đẹp về tình cảm dành cho đức vua Quang Trung.

Có lẽ cũng vì thế mà giữa Bình Định với Hà Nội luôn có sự gắn kết chặt chẽ. Xuân năm nay, UBND tỉnh Bình Định, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam đã quyết định dành tặng cho nhân dân Thăng Long một món quà ý nghĩa, đó là thể hiện một Lễ hội Bài chòi ngay trên chính đất Thăng Long ghi danh chiến công hiển hách của người con đất võ trời văn Bình Định.

Giáo sư Hoàng Chương - Tổng giám đốc Trung tâm NCBT&PHVHDTVN cho biết: “Đây là mong muốn và nỗ lực lớn của Bình Định. Lễ hội sẽ tái hiện lại những giá trị đặc sắc nhất của một trong những loại hình nghệ thuật dân gian rất phổ biến ở khu vực Nam Trung bộ mà Bình Định là cái nôi”.

Điều đặc biệt thú vị là Lễ hội sẽ được diễn ra đúng 9h sáng ngày khai hội Đống Đa, mùng 5 Tết Nhâm thìn, tại khu vực sân ngoài trời Nhà hát Kim Mã.

Long Nguyễn
Ảnh:Tư liệu của Việt Hương

Bình luận
vtcnews.vn