Giao thừa, nhà văn Ma Văn Kháng kể kí ức tết xưa

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 23/01/2012 12:09:00 +07:00

(VTC News) - Nhà văn Ma Văn Kháng và hoài niệm về những cái tết thời còn gian khó.

(VTC News) - Nửa thế kỉ cầm bút với gần 15 tiểu thuyết và hơn 200 truyện ngắn, nhà văn Ma Văn Kháng đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam như một biểu tượng của cuộc đời lao động viết văn không mệt mỏi.

Một cây bút viết văn không mệt mỏi 

Ở tuổi 75, nhà văn vẫn miệt mài khai mở một hướng đi mới cho văn học về đề tài an ninh. Từ Mùa lá rụng trong vườn, Đồng bạc trắng hoa x̣e, Một mình một ngựa…đến Bóng đêm và sắp tới là Bến bờ, người đọc chưa bao giờ thấy dấu hiệu tuổi tác hằn trên mỗi trang văn của người con Hà Nội.

 Xuân Nhâm Thìn này nhà văn Ma Văn Kháng bước sang tuổi 76, cái tuổi “xưa nay hiếm” mà vẫn ấp ủ về những trang tiểu thuyết nhiều công sức, PV VTC News đă có buổi trò chuyện với nhà văn trước thềm năm mới:


Xin chào nhà văn Ma Văn Kháng, chúc ông thêm một xuân mới nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui và đón một cái tết sum vầy bên con cháu.
Thưa ông, mỗi khi đón một mùa xuân mới về như thế này, ông có hay hoài niệm và so sánh về những cái tết Hà Nội xưa và nay? Điều gì ở những cái tết ngày xưa làm ông nhớ nhất?

- Tết đến! Lạ sao, lại nhớ nhiều thế những cái tết ở cái thời còn gian khó, thiếu thốn. Hai mươi tháng chạp ta. Chưa đến tết ông Công ông Táo, mậu dịch đã dựng rạp bán lá dong, và các cửa hàng đã căng băng đỏ dán chữ vàng Quầy hàng bán tết, là Tết đã về.

Tết ! Đó là những ngày thật đặc biệt. Tết là một khoảng thời gian tách ra khỏi chuỗi ngày bình thường đều đều. Tết đến trong tâm tư rộn ràng của mỗi người. Trong niềm vui sum họp. Trong những cảm xúc thiêng liêng. Trong phấp phỏng hy vọng. Trong khắc khoải chờ mong một cái gì đó thật mơ hồ và vô cùng đẹp đẽ!

Tôi công tác ở Lao Cai 24 năm. Cả một năm trời xa cách gia đình, trừ những năm tháng chiến tranh ác liệt, còn thì những ngày Tết đều cố gắng tranh thủ về sum họp cùng  vợ con gia đình. Từ Lao Cai về Hà Nội hơn 300 cây số.Chỉ có mỗi con đường sắt được khôi phục sau hòa bình lập lại 1954 là độc đạo.

Kỷ niệm nhớ nhất là những ngày đêm chen chúc và hăm hở trên các toa tầu đông ken, đầy than bụi, đường tầu luôn bị ngắt quãng vì máy bay Mỹ đánh phá, để trở về ăn Tết với họ hàng gia tộc quê hương. Và sau đó là những đêm bịn rịn chia tay vợ con, lên con tầu trở về nơi công tác. Lên đường. Lên đường, nhớ thương hòa trộn với khát vọng mãnh liệt giục giã ở nơi chân trời xa. Cái Tết, một khoảng lặng, một dấu mốc, một cuộc lên đường mới!


Nhà văn Ma Văn Kháng nhờ nhiều những cái tết thời gian khó 

- Xuân này là ông bước sang tuổi 76, mà vẫn cầm bút, vẫn cho đời những tác phẩm văn học để lại nhiều dấu ấn, dường như không có dấu hiệu tuổi tác hằn trên mỗi trang văn, điều gì khiến ngòi bút của ông nhiều sức lực như vậy ạ?


- Chưa thấy dấu hiệu tuổi tác hằn trên trang văn...   lời động viên khích lệ ấy của nhiều bạn trẻ ( chắc là thế(?)) khiến tôi rất vui! Tuy vậy tôi cũng phải nói ngay rằng, sau đây tôi sẽ không thể viết được gì hơn nữa đâu. Và điều này lần này là chắc chắn!  Nói là chắc chắn, là bởi vì đã có lần, sau khi in cuốn tiểu thuyết Ngược dòng nước lũ năm 1999, tôi cũng đã từng nói rằng: đây là cuốn sách viết dài cuối cùng của tôi. Vậy  mà lại không phải.

 Chẳng phải là do tôi chơi trò ú tim, mà là vì văn chương xưa nay vốn là câu chuyện đầy yếu tố ngẫu nhiên, không định trước được. Số là, sau 8,9 năm không viết dài nữa, bỗng nhiên một tình cờ sực đến, khiến tôi nhớ ra rằng, tôi còn một đoạn đời nữa bị bỏ quên, chưa ghi lại. Ông Nguyễn Tuân, văn sĩ bậc nhất nước ta có nói một ý rất hay: Sống tích cực có nghĩa là phải viết nó lên trang giấy. Thế là tôi nổi cơn hứng bất tử. Và kết quả là năm 2009, tiểu thuyết Một mình một ngựa của tôi ra đời.

Sau cuốn sách này, tôi bị ốm một trận dài và phải vào nằm Viện điều trị. Tuổi đã cao, lại mang bệnh trọng nên ra viện thì đành tặc lưỡi: Thôi, đã đến lúc kết thúc mọi dự định viết lách được rồi. Nhưng rồi, rốt cuộc hóa ra cũng không phải. Văn chương là cái quái gì mà nó quyến rũ mê mẩn, nó như ma ám quỷ giục người ta thế! Thành ra, động mạch vành bị tắc, đã đặt vào đó 3 cái stent ( giá đỡ) rồi, vậy mà, ngồi dậy được, nhúc nhắc chân tay được, là lập tức lại tìm đến trang giấy, cái bút.  Và lần này là một cuộc sinh nở kép. Gần như cùng lúc, tôi hoàn thành 2 cuốn tiểu thuyết về đề tài hình sự: Bóng đêm và Bến bờ. 


Người khai mở dòng văn học về đề tài an ninh 

- Đã có giai đoạn nào trong cuộc đời mình mà ông từng nghĩ đến chuyện ngừng viết, không đi tiếp con đường văn chương chưa? Và trong gia tài văn học của ḿnh, tác phẩm nào để lại trong ông nhiều kỉ niệm và khiến ông nhớ nhất ạ?


- Truyện ngắn đầu tay có tênPhố ct đăng trên tờ Văn nghệ tháng 3 năm 1961 được coi như một cái dấu mốc nhập môn vào nghiệp cầm bút của tôi. Ngoảnh đi ngoảnh lại, tính ra lẽo đẽo theo con đường văn chương thế là đã hơn nửa thế kỷ rồi.

Nửa thế kỷ, năm mươi năm, vẫn là đóng vai anh cán bộ ăn lương nhà nước, hoàn thành chức trách của mình, mà chia bình quân, khoảng ba bốn năm, lại in được một cuốn tiểu thuyết; một năm viết được chừng 4, 5 cái truyện ngắn, thì kể ra, riêng về số lượng, chưa thể so được với các bậc tiền nhân và các vị cao thủ trong làng văn hiện thời, nhưng cũng có thể tạm bằng lòng. Tạm bằng lòng vì trong công việc cũng không đến nỗi cẩu thả tắc trách, viết cái gì, từ cuốn sách 600 trang tới một cái truyện ngắn mi ni cũng đổ hết sức để hoàn thành.


Đọc lại những gì đã viết thì thấy, hai vùng đề tài tôi thường viết là miền núi với con người các dân tộc thiểu số và cuộc sống nơi đô thị trong những ngày đương thời. Điều đó phù hợp với tiểu sử, lịch trình sống của tôi. Từ năm 1954 đến  năm 1975, tôi chủ yếu sống, làm việc ở tỉnh miền núi Lao Cai. Từ năm 1975 tới nay, tôi sống và làm việc ở thủ đô Hà Nội.

Chỉ viết được những gì mình đã trải nghiệm, đó là một tiêu chí nghề nghiệp quan trọng; đặc biệt là tiểu thuyết, mỗi cuốn văn xuôi tự sự dài này đều có một phần đời của tôi. Trung thành từ đầu đến cuối với bút pháp hiện thực - lãng mạn. Nhân vật mang dấu ấn lý tưởng cao cả và đẹp trong bi kịch của đau thương, mất mát, thiệt thòi... đó cũng là những đặc điểm đáng chú ý nữa trong các tác phẩm của tôi. 

Những đứa con tinh thần, khó  có thể nói  đến sự chi li trong yêu ghét chúng. Mỗi đứa một dáng vóc, một tính nết, một gương mặt. Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải chọn 1 thì tôi sẽ chọn cuốn Côi cút giữa cảnh đời. Đơn giản chỉ là vì, nhân vật bà mẹ ở trong đó có nguyên mẫu là bà mẹ thân sinh ra tôi.


Nghề văn cũng như mọi nghề thôi. Nhiều lúc cũng bí bức lắm. Để có được sức viết bền bỉ như cây đại bút Tô Hoài là khó lắm. Cứ như trong sự trải nghiệm ra của tôi thì bí kíp của nó không gì khác là tình yêu đời, tình yêu nghề, yêu tiếng nói của dân tộc và chịu khó học tập. Văn chương, theo thiển nghĩ của tôi, chẳng qua chỉ là đời sống được nhuần thấm và miêu tả trong sự uyên bác hàn lâm thôi mà!        

- Nhiều người nói Ma Văn Kháng là người khai mở dòng văn học về đề tài an ninh, tại sao ông lại chọn hướng đi này và ông có tiếp tục viết những tác phẩm về đề tài này trong thời gian tới không ạ?

- Thực ra công việc viết 2 tiểu thuyết hình sự đối với tôi không dễ dàng gì. Mặc dầu là rất may, trong hơn hai mươi năm qua, được sự giúp đỡ của các cán bộ chiến sĩ ngành công an, đặc biệt là các nhà văn là chiến sĩ công an, tôi đã có điều kiện để thâm nhập vào một lĩnh vực cuộc sống vừa gian nan, quyết liệt, vừà đẹp đẽ oai hùng đến mê hoặc này- một lát cắt thật đặc biệt của đời sống hiện thực.

Tìm hiểu, cảm phục, cuối cùng là với kết tinh toàn bộ tích lũy và cảm xúc, một hình tượng thẩm mỹ đã ra đời. Tuy vậy, rốt cuộc thì tất cả đã phải dừng lại, dự định vẫn chỉ là dự định, vì gặp phải một cái rào cản chưa thể vượt qua. Vấn đề không phải là viết cái gì nữa. Mà là viết thế nào về người anh hùng thầm lặng này đây?  Cả chục năm trôi qua.

Thời điểm tìm được chìa khóa giải mã để có được một cách viết khác khả dĩ nói được đúng nhất, sâu sắc nhất, rung động nhất về công cuộc vĩ đại chống lại cái ác, và để hình tượng người anh hùng trên mặt trận sinh tử này có được sức truyền cảm lớn nhất , đến đúng lúc sức khỏe có dấu hiệu tích cực. Và thế là như trở lại thời thanh xuân, tôi hối hả hoàn thành hai cái bản thảo còn đang dang dở nọ. Hoàn thành trong đinh ninh chắc chắn rằng: Chỉ có thể viết  được đến thế thôi. Và sau đây, sẽ không thể viết thêm được gì nữa; vì vốn liếng đã cạn kiệt, cảm hứng đã  tiêu dùng hết.  


Ma Văn Kháng đã đi qua năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương 

- Cái tên Ma Văn Kháng đă để lại dấu ấn sâu đậm trong ḷng nhiều thế hệ đọc, đến nỗi nhiều người thuộc nằm lòng các tác phẩm của ông mà vẫn không hay biết ông là người con Hà Nội gốc, vẫn đinh ninh ông là một người con của núi rừng Tây Bắc, ông có thể kỉ niệm sâu sắc về cái tên này và ông thích ḿnh được nhớ tới với cái tên Ma Văn Kháng hay tên thật Đinh Trọng Đoàn hơn?

- Có bạn văn nói vui : Khi xung phong lên miền núi dậy học là thầy giáo Đinh Trọng Đoàn, khi trở về quê hương bản quán Hà Nội là nhà văn Ma Văn Kháng. Thật ra thì có nhẽ là chẳng có cuộc hóa thân nào cả! Tôi vẫn chỉ là một.          

Một tiểu sử, một tính cách. Một tình yêu cuộc đời và văn chương. Tên Ma Văn Kháng là kỷ niệm của một thời trai trẻ lãng mạn, say mê lý tưởng, ra đi như cờ bay trong gió, như lửa thốc trong lò. Cũng là kỷ niệm với một ân nhân đã giúp đỡ mình trong khó khăn hoạn nạn.( Điều này tôi có kể lại tỉ mỉ trong cuốn Hồi ký Năm tháng nhọc nhằn, năm thành nhớ thương của tôi).

Tên Ma Văn Kháng đặt ra trước hết được dùng trong sinh hoạt đời thường. Sau đó, viết văn thì dùng luôn nó cho tiện, chứ không phải là bút danh. Có người bạn ưa triết tự nói vui: Tên Ma Văn Kháng có 3 chữ A trong mỗi âm tiêt. 3 chữ A đứng như 3 khối tam giac, 3 cái kim tự tháp, thể hiện sự vững chắc(?). Tôi thích cả hai tên. Riêng tên Ma Văn Kháng thì hình như hạo sỹ trình bày trên bìa sách thấy “ bắt mắt “ hơn (?).Và hình như  là nó có lợi thế : nghe lạ tai, dễ gây ấn tượng(?)./.


Xin cảm ơn ông rất nhiều.


Thùy Linh(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn