Đơn Dương từng hai lần định tự tử

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 22/12/2011 03:29:00 +07:00

Sáng 22/12, đến viếng nam diễn viên 'Ba mùa' tại TP HCM, tất cả đồng nghiệp, bạn bè thân thiết đều ngậm ngùi nhớ lại những kỷ niệm vui buồn về anh.

Sáng 22/12, đến viếng nam diễn viên 'Ba mùa' tại TP HCM, tất cả đồng nghiệp, bạn bè thân thiết đều ngậm ngùi nhớ lại những kỷ niệm vui buồn về anh.

Chỉ vài tiếng sau khi đưa tro cốt Đơn Dương được đưa từ Mỹ về Việt Nam, sáng sớm nay, gia đình đã tổ chức lễ viếng cho nam diễn viên tại nhà thờ Tống Viết Bường, quận 10, TP HCM. Một trong những người có mặt đầu tiên trong lễ viếng là bạn thân nhất của anh - đạo diễn Lưu Trọng Ninh.

Nét mặt đượm buồn, đạo diễn của phim Canh bạc - tác phẩm điện ảnh từng mang lại cho Đơn Dương giải Nam diễn viên xuất sắc trong Liên hoan Phim lần thứ 10 ngậm ngùi chia sẻ những thông tin và kỷ niệm cuối cùng về người bạn tài hoa bạc mệnh.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh mắt đỏ hoe khi nhớ lại những kỷ niệm cuối cùng với người bạn thân quá cố. 

Lưu Trọng Ninh cho biết, từ khi sang Mỹ, cuộc sống của Đơn Dương rất khó khăn, căng thẳng. Anh rất nghèo chứ không giàu sang như nhiều người lầm tưởng. Cơ hội kiếm tiền với anh rất dễ vì vừa sang tới nơi là đã có người đề nghị được mua bản quyền câu chuyện về sự ra đi của anh làm phim. Cái giá được đưa ra cao ngất ngưởng là 2 triệu đô la.

"Nếu là tôi thì tôi không chắc mình có thể kiên định mà từ chối số tiền lớn như thế. Thế mà Dương dám gạt bỏ tất cả những lời đề nghị như thế. Anh nói không muốn làm bất cứ điều gì có thể gây hiểu lầm hoặc bất lợi cho nước nhà nữa. Ở thời điểm đó, vô hình anh đứng giữa hai 'làn đạn', về nước thì không được còn ở Mỹ thì bị cho là có thái độ bất hợp tác, thậm chí còn bị coi là cộng sản nằm vùng. Thực sự, Đơn Dương sống ở Mỹ nhưng không được người ta coi là Việt kiều Mỹ", Lưu Trọng Ninh tiết lộ.

Đạo diễn cũng kể lại những lần sang Mỹ thăm Đơn Dương, anh thường phải đeo kính đen che mặt để người ta khỏi gây khó dễ. Suốt khoảng thời gian ở nước ngoài, Đơn Dương sống trong u uất, buồn bã. Anh có đủ điều kiện và thường xuyên được mời đóng phim nhưng vẫn kiên quyết từ chối không tham gia bất cứ phim nào nữa vì sợ bị người ta lợi dụng vào mục đích chính trị.

Trong suốt khoảng thời gian ở nước ngoài, nam diễn viên vẫn canh cánh bên lòng niềm mong mỏi được trở lại quê hương. "Anh nói phim trả cát-xê triệu đô cũng không đóng vì ý nguyện lớn nhất vẫn là được về nước, đóng phim ở Việt Nam.

Anh lường trước được việc tham gia những bộ phim khác ở Mỹ có thể tiếp tục gây hiểu lầm và làm cho con đường về của mình khó khăn hơn. Là bạn thân và rất hiểu anh nên tôi biết bản chất của Đơn Dương là người yêu nước và không bao giờ muốn ra đi. Anh chẳng hiểu gì về chính trị cả, thậm chí anh còn không thích những gì mang yếu tố nước ngoài", Lưu Trọng Ninh kể.

Đạo diễn cũng nhận định, tất cả sai lầm của Đơn Dương đều có nguyên nhân từ việc anh còn non về bản lĩnh. Năm 2002, sau hàng loạt những thành công trong điện ảnh, anh sống với niềm hồ hởi đầy tin tưởng vào tương lai. Nhưng chỉ sau khi đóng hai bộ phim của Mỹ Chúng ta là người lính và Rồng xanh, mọi thứ bất ngờ sụp đổ trước mắt anh và bao sóng gió ập tới. Vì không có kinh nghiệm chống đỡ và quá sợ hãi nên anh buộc lòng phải ra đi.

Con trai lớn của Đơn Dương là Bùi Vũ Long đứng chịu tang cha trong lễ viếng. 

Những ngày sống trên đất khách, Đơn Dương anh chỉ quanh quẩn ở nhà chăm sóc gia đình, hai con chứ không làm gì cả. Anh cũng không nhận bất cứ khoản tiền trợ cấp nào. Họa hoằn lắm anh mới có chút tiền từ việc đi hát trong một vài sự kiện nào đó ở Mỹ, ngoài ra không có thu nhập gì khác.

"Anh sống được là nhờ vào việc đầu tư nhà hàng với anh rể Lê Cung Bắc ở Việt Nam. Nhưng tiền từ trong nước gửi qua Mỹ thì có thấm vào đâu. Tôi cho rằng bệnh tai biến của anh một phần cũng vì anh luôn phải sống trong khủng hoảng, những cơn stress triền miên không lối thoát. Bao nhiêu năm mỏi mòn chờ đợi được trở về khiến anh gần như mất niềm tin và đã có hai lần định tự tử. Tôi nhớ có hôm gọi điện thoại cho tôi, anh nói: 'Tao muốn chết quá!'. Tôi hết lời khuyên anh cứ về đi nhưng anh sợ hãi, không dám về.

Bao lần làm đơn rồi chờ mãi anh mới được cấp visa, có nghĩa là được tha thứ, được trở về, anh rất hào hứng. Từ mấy tháng trước anh đã dự định sẽ mua một mảnh đất, xây căn nhà trên Đà Lạt để bắt đầu lại sự nghiệp từ nơi mình sinh ra. Tôi và Lê Cung Bắc cất công đi lùng sục khắp mọi nơi để "săn" đất cho anh. Thế mà chưa kịp về thì anh đã ra đi...", Lưu Trọng Ninh hai mắt đỏ hoe.

"Gia đình tôi và tất cả người thân, bạn bè đã mong chờ từng ngày để được đón Dương trở về ăn Tết. Thế mà ngày Dương về, mọi người chỉ được đón đống tro tàn...", đạo diễn Lê Cung Bắc nói trong đau xót. Anh rể Đơn Dương cũng cho biết từ khi nghe tin nam diễn viên qua đời, bạn bè, người hâm mộ từ khắp nơi đã gọi điện thoại, nhắn tin hỏi thăm, bày tỏ niềm tiếc thương với gia đình. Với gần 40 phim đã đóng, hình ảnh Đơn Dương đã đi vào lòng nhiều thế hệ công chúng yêu điện ảnh ở Việt Nam.

Hai anh em Lưu Trọng Ninh (ngoài) và Lưu Trọng Văn thắp nén nhang tiễn biệt Đơn Dương. 

Chú Vân - người phụ trách chuẩn bị bối cảnh và phiên dịch trong hai bộ phim Xích lô và Ba mùa có Đơn Dương đóng cũng tới viếng anh. "Đơn Dương là người rất hiền hậu, dễ thương. Nói về đam mê nghề nghiệp thì cậu ấy là số 1.

Tôi chơi thân với Lê Cung Bắc nên thỉnh thoảng có dịp tiếp xúc và nghe kể về Đơn Dương. Hôm trước đọc báo biết tin anh ra đi, tôi rất bàng hoàng. Đã 14 năm trôi qua kể từ ngày tôi còn làm việc với Dương trên phim trường nhưng tôi vẫn nhớ như in gương mặt và nụ cười của anh. Anh có khuôn mặt rất ăn ảnh và vẻ trầm lặng dễ gây ấn tượng với người khác", người cộng sự kể lại.

Còn nhà thơ Lưu Trọng Văn, anh ruột đạo diễn Lưu Trọng Ninh có nhiều kỷ niệm khó quên với Đơn Dương. Anh kể: "Hồi Dương đóng phim Ba mùa tôi có tới trường quay xem. Vào vai một anh đạp xích lô chuyên nghiệp nên mỗi ngày anh đều tập luyện rất chăm chỉ để có tạo hình phù hợp nhất.

Hôm ấy, Dương diễn cảnh đang đứng đợi khách thì bất ngờ có một bà già đi chợ về gọi xích lô và hỏi anh giá bao nhiêu tiền. Anh trả lời thản nhiên như không: 'Cho bao nhiêu lấy bấy nhiêu'. Rồi anh chở người phụ nữ đó về tận nhà và được trả 7.000 đồng tiền công. Anh hào hứng đem số tiền đó đi mua chuối rồi về khoe với mọi người thành quả lao động của mình.

Thời bây giờ người ta đóng phim để mong được nổi tiếng chứ Đơn Dương lúc ấy chỉ đóng vì niềm đam mê. Lên phim trường là anh quên hết mọi thứ. Tính anh đã không nhận vai thì thôi chứ nhận rồi thì làm việc rất nghiêm túc, kỷ luật.

Anh luôn học thoại rất kỹ và khi quay chưa đạt thì vui vẻ đóng đi đóng lại cho kỳ được mới thôi chứ không có chuyện mặt nặng mày nhẹ khó chịu. Có thể nói, anh là diễn viên cuối cùng của thế hệ xưa, thời của Trà Giang, Thế Anh, Đoàn Dũng, Lâm Tới... còn sót lại.

Thế hệ mà diễn viên chỉ đóng phim vì niềm đam mê chứ không vì bất cứ mục đích nào khác. Lớp trẻ bây giờ tôi nghĩ hiếm ai còn giữ được tâm hồn trong sáng và nhiệt tình với nghề như thế nữa".

Có lần vào mùa đông nhóm bạn Lưu Trọng Văn, Lê Cung Bắc, Lưu Trọng Ninh, Đơn Dương và họa sĩ Vi Quốc Hiệp rủ nhau lên Đà Lạt chơi. Năm người kéo nhau ra nhà Thủy Tạ trên hồ Xuân Hương ngồi hàn huyên, tâm sự. Tình cờ có cô bạn rất xinh của họa sĩ Vi Quốc Hiệp cũng tới chơi.

Thấy cô gái, Đơn Dương nảy ra ý tưởng lãng mạn vừa đàn vừa hát bên hồ. Sau khi hát xong, anh nói tất cả cùng ký tên lên cây đàn và đem thả trôi trên hồ để ai có duyên thì sẽ nhặt được. Nhưng lúc sau cảm thấy hơi uổng phí nên mọi người quyết định tặng cây đàn lại cho cô gái dễ thương kia. "Không biết bây giờ cô ấy còn giữ cây đàn ấy không?", Lưu Trọng Văn bồi hồi khi sống lại với kỷ niệm cũ.

Trong ký ức của nhà thơ, Đơn Dương là người có tính cách rất lạ. Anh có thể rất ngẫu hứng, lung tung, phá phách không ai bằng nhưng cũng có khi rất quy củ, nghiêm khắc. Lớn lên trong một gia đình theo đạo Công giáo, gốc Bắc, Đơn Dương rất coi trọng các quy tắc ửng xử trong gia đình, giữa người trên và kẻ dưới.

Năm 2002, có lần Lưu Trọng Văn dẫn theo cả cô cháu gái lên Ba Vì, Hà Tây chơi cùng Đơn Dương và một số bạn bè thân thiết khác. Hôm ấy mọi người ăn món thịt gà. Cô bé cháu gái tính còn hồn nhiên trẻ con nên món vừa dọn ra đã đưa tay nhón lấy một miếng. Ngay lúc đó Đơn Dương khẽ đập vào tay cô bé và nghiêm mặt nói không được như thế.

Di ảnh nam diễn viên với lời tiễn biệt bạn bè 'Xin chào mọi người ở lại'. 

Nghiêm khắc là vậy nhưng anh cũng rất hiền hậu và đặc biệt yêu quý các con vật. Có lần anh nuôi một con chó nhỏ nhưng nó bị bệnh và chết. Nhà chật không có đất chôn, anh không đem vứt đi mà cất công mang tới tận nhà Lưu Trọng Văn xin được chôn nhờ ở một góc vườn. Sau khi chôn, anh còn trồng trên mộ con chó một cây bàng để đánh dấu.

Con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư cũng thường được Đơn Dương tâm sự về các mối tình của anh khi còn trẻ. Như hầu hết các nghệ sĩ đẹp trai, tài hoa, Đơn Dương cũng rất đa tình, giàu cảm xúc. Cứ đóng phim với ai thì anh lại ít nhiều có tình cảm với người đó.

Như thời đóng Lá ngọc cành vàng cùng Thu Hà, anh cũng thích nữ diễn viên này, rồi tới Bài ca đâu chỉ là nốt nhạc diễn cặp với ca sĩ Thanh Lan anh cũng "say nắng"... Vì thế mà chị Xuân Sanh, người vợ đầu của anh từng có thời gian cũng rất khổ tâm vì luôn phải canh chừng chồng.

Ngay cả khi chưa lấy vợ và chưa chuyển sang đóng phim, anh cũng thường "phải nắng phải gió" với các cô gái đẹp. Anh từng có mối tình thời còn làm việc ở một ngân hàng thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương).

Hồi ấy, anh mê một cô đồng nghiệp làm cùng nhưng không biết phải thổ lộ thế nào. Thế là anh nghĩ ra trò dùng tiếng hát để tán tỉnh người đẹp. Ngày nào, anh cũng lên sân thượng của ngân hàng cất tiếng hát cố tình để cô đồng nghiệp nghe thấy. Đơn Dương hát và đàn rất hay.

Đến khi cô gái chịu không nổi phải tò mò lên xem anh chàng đẹp trai, hát hay và bắt đầu có tình cảm thì anh lại đi. Anh về sống tại TP HCM và bắt đầu gắn bó với điện ảnh.

Hương Giang/Ngôi sao

Bình luận
vtcnews.vn