"Nếu vô can, Cục trưởng, Cục phó đã không từ chức"

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 14/09/2011 01:04:00 +07:00

(VTC News) - Tôi không biết các anh ấy có “bị lừa" hay không. Tôi nghi ngờ điều này. Các anh ấy không thể phủi tay nói “chúng tôi không biết gì”.

(VTC News) - Tiến sĩ điện ảnh Việt Nga là một trong những người đầu tiên ký vào đơn kiến nghị xem xét vụ thất thoát 42 tỷ đồng của Cục Điện ảnh gửi Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch. Bà cũng là người đầu tiên lên báo yêu cầu ông Lại Văn Sinh, Cục trưởng Cục Điện ảnh, và ông Lê Ngọc Minh, Cục phó phải từ chức.

Ngày 12/9 vừa qua, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã công bố đơn xin từ chức của hai vị lãnh đạo Cục Điện ảnh. Theo bà Nga, việc ông Lại Văn Sinh và ông Lê Ngọc Minh còn tiếp tục ngồi trên ghế lãnh đạo tại Cục Điện ảnh, dù chỉ là trong thời gian chờ kết quả từ phía cơ quan điều tra, là việc khi đã mất hết “cái uy” thì dù có còn ngồi trên "ngai vàng" cũng chỉ là “ vua bù nhìn”.

- Chị là một trong những nghệ đầu tiên lên tiếng mạnh mẽ nhất yêu cầu Cục trưởng Cục Điện ảnh – ông Lại Văn Sinh và Cục phó Cục Điện ảnh – ông Lê Ngọc Minh phải chịu trách nhiệm về vụ thất thoát 42 tỷ xảy ra ở Cục này từ năm 2009 đến nay. Hôm 12/9 vừa qua, phía Bộ văn hoá - Thể thao & Du lịch đã công bố đơn xin từ chức của hai vị trên. Chị thấy đây có phải là việc làm hợp tình hợp lý mà lẽ ra hai ông phải làm trước khi để dư luận và giới làm nghề lên tiếng?

- Như tôi đã từng nói, không chỉ riêng tôi mà rất nhiều thế hệ nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên chức  trong ngành điện ảnh, từ Nam ra Bắc đều bất bình và phẫn nộ vì vụ thất thoát 42 tỷ xảy ra ở Cục Điện ảnh. Đơn của các nghệ sĩ ký, gửi Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch ngày 25/8/2011.

Sau tờ đơn đó, từ ngày 26/8, nhiều tờ báo, kể cả báo viết, báo điện tử,..  đã vào cuộc cùng tiếng nói với giới nghệ sĩ điện ảnh chúng tôi. Kết quả là, sự việc không bị “chìm dần vào quên lãng”, ngay chiều 26/8/2011, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, phụ trách khối điện ảnh, đã trực tiếp xuống Cục Điện ảnh, thông báo quyết định của Bộ trưởng yêu cầu anh Lại Văn Sinh, Cục trưởng, và anh Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng, rút khỏi Ban tổ chức, chỉ đạo Liên hoan phim Quốc gia Việt Nam lần thứ 17 tại Phú Yên tháng 12/2011.

Ngày 12/9 vừa qua, cũng theo thông tin trên các báo, chúng tôi biết được, Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch đã công bố đơn xin từ chức của hai anh Lại Văn Sinh và Lê Ngọc Minh. Tất cả mọi người, trong đó có tôi, đều thấy rằng, trong một xã hội dân chủ, văn minh, đây là việc làm cần thiết và bình thường mà lẽ ra các anh ấy phải thể hiện sớm hơn để dư luận và giới làm nghề khỏi lên tiếng, làm tốn bao công sức, thời gian, giấy bút.

Chúng tôi nghĩ, nếu không có các đơn vị báo chí vào cuộc, đứng bên cạnh các nghệ sĩ và những người làm nghề chân chính, thì kết quả… tôi không dám tin lại nhanh đến thế. Trong cuộc chiến chống lại cái xấu, cái ác, cái vô cảm, vô trách nhiệm, thói đạo đức giả… nếu không có sức mạnh của báo chí, của công luận thì những người chân chính, lương thiện cũng sẽ rất đơn độc với những mong muốn trong sáng, chính trực của mình.


Tiến sĩ điện ảnh Việt Nga, người đầu tiên lên báo yêu cầu ông Lại Văn Sinh và ông Lê Ngọc Minh từ chức. 

- Chị  đánh giá như thế nào về phản ứng từ phía Bộ chủ quản khi ông Tô Văn Động – Người phát ngôn của Bộ có nói về trường hợp của ông Sinh và ông Minh: “Đây là một vụ lừa đảo, vì vậy phải làm việc thận trọng để làm rõ trách nhiệm từng người đến đâu, từ đó mới có quyết định xử lý" . Đã có rất nhiều vụ “từ chức, rút lui êm đẹp” khi có sai phạm cá nhân nhằm thoát trách nhiệm. Phải chăng hành động từ chức của hai ông Sinh và Minh cũng là nước đi cuối cùng khi sự việc không thể nào giải quyết được?

- Anh Tô Văn Động là Chánh Văn phòng Bộ, người phát ngôn của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, giống như người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, đại diện cho Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, anh ấy phát biểu vấn đề gì, câu nào, ý nào… là phát ngôn đại diện cho quan điểm của Lãnh đạo Bộ, anh ấy phải suy nghĩ cân nhắc từng câu, từng chữ khi đứng trước các nhà báo. Nếu anh ấy đã khẳng định “bước đầu xác định đây là một vụ lừa đảo” thì chắc chắn anh ấy phải có được những thông tin cơ bản từ cơ quan cảnh sát điều tra.

Chúng tôi là nghệ sĩ thường, chúng tôi không dám khẳng định hay quy kết bất cứ một điều gì khi chúng tôi chưa đọc được một thông tin nào chính thống từ báo chí, hay từ cơ quan cảnh sát điều tra.

Vì vậy những tuyên bố của Chánh văn phòng Bộ Tô Văn Động đúng hay sai chỉ có cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an thông tin cho báo chí hay cơ quan có thẩm quyền biết mới là chính xác nhất. Còn khi anh Động đã khẳng định, thì anh ấy phải tự chịu trách nhiệm trước những phát ngôn chính thức của anh ấy.

Việc Bộ thành lập đoàn thanh tra bắt đầu làm việc từ ngày 12/9/2011 đến hết ngày 22/9/2011, theo sự hiểu biết của tôi, là một việc làm bình thường theo quy trình bình thường trong các tổ chức Nhà nước hay đoàn thể của Việt Nam. Bởi vì trong bất cứ một bộ nào, ngành nào, địa phương, cơ sở nào… khi đã có một vụ việc thất thoát tài sản công chưa rõ ràng thì thanh tra đương nhiên sẽ phải làm việc.

Xử lý vụ việc như thế nào là việc của Lãnh đạo Bộ, không phải việc của các văn nghệ sĩ. Cho từ chức hay không cho từ chức là việc của các cấp lãnh đạo. Như anh Tô Văn Động nói: “Điện ảnh là ngành có tác động ảnh hưởng xã hội rất lớn, tìm người thay thế, trước hết phải có đủ uy tín, có đủ đạo đức và tài năng…”.

Tôi tin các đồng chí lãnh đạo bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đặc biệt là Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, đủ thông minh, sáng suốt để quyết định những việc trong tầm tay của mình.

- Số tiền thất thoát của Cục Điện ảnh lên tới những 42 tỷ đồng. Dù có là “bị lừa đảo” như phía lãnh đạo Cục nói thì không thể nói chuyện vô can của lãnh đạo Cục trong vụ này phải không thưa chị?

- Đúng như vậy, tôi là người đọc nhiều báo, tôi đọc các báo ra hàng ngày từ sáng sớm, tôi thấy nhiều vụ làm thất thoát vài trăm triệu đã bị truy tố trách nhiệm hình sự. Số tiền thất thoát của Cục Điện ảnh lên tới 42 tỷ tương đương 2,1 triệu đô la. Thử hỏi Tổng cục thuế Bộ Tài chính, số tiền đó bằng bao nhiêu làng, xã, quận huyện đóng thuế trong một năm?

Tôi không biết các anh ấy có “bị lừa hay không?”. Tôi nghi ngờ điều này. Tôi cũng đưa ra quan điểm cá nhân của tôi, với trách nhiệm quản lý ngành, các anh ấy không thể phủi tay, nói “chúng tôi không biết gì”, bởi Nhà nước đã bổ nhiệm cho các anh ấy là người lãnh đạo đứng đầu một ngành nghệ thuật lớn, quản lý một khối lượng tiền, tài sản lớn của Nhà nước và của nhân dân.

Các anh ấy hưởng lương, phụ cấp trách nhiệm cao hơn những người khác thì các anh ấy phải có trách nhiệm bảo toàn tiền bạc, tài sản của Nhà nước, xây dưng ngành ngày càng phát triển… Trong suốt 3 năm trời “bị lừa” các anh ấy làm gì, nghĩ gì để điện ảnh bị đẩy đến chỗ suy tàn thảm hại đến vậy?


Ông Lại Văn Sinh, Cục trưởng Cục Điện ảnh 

- Cá nhân chị có thấy đáng buồn không khi nền điện ảnh nước nhà, cụ thể là các hãng phim như Hãng phim Tài liệu khoa học Trung Ương, mỗi năm được cấp có vài tỷ đồng để làm nghề và nuôi sống cả một đội ngũ lớn cán bộ của ngành, trong khi đó một số tiền phải nói là rất lớn, 42 tỷ, lại nằm ở Cục Điện ảnh?

- Buồn lắm chứ, không phải riêng cá nhân tôi mà rất nhiều người buồn. Ngành điện ảnh Việt Nam được sinh ra trong cách mạng, do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh  thành lập ngành điện ảnh và chiếu bóng ngày 15/3/1953. Từ đó đến nay, biết bao thế hệ nghệ sĩ điện ảnh đã cống hiến trọn đời cho những thước phim, những bộ phim lịch sử cách mạng, giờ đã trở thành tài sản quốc gia vô cùng quí báu.

Giám đốc Hãng phim TL&KH Trung ương của tôi là một nhà kinh tế rất giỏi giang, chị ấy thường tâm sự “Mang tiếng làm giám đốc một Hãng phim lớn nhưng nhiều lúc muốn chi một khoản gì khoảng 50.000 đồng cũng phải cân nhắc đắn đo, hết sức khó khăn…”.

Chúng tôi thấu hiểu và cùng chia sẻ với các anh chị trong Ban giám đốc những khó khăn chung ấy, chúng tôi không dám đòi hỏi nhiều, bởi biết rằng, có đòi hỏi cũng không được đáp ứng. Chúng tôi chỉ bảo ban nhau, cố hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao cho Hãng thế là vui lắm rồi.


Ông Lê Ngọc Minh, Cục phó Cục Điện ảnh (bên phải) 

- Số tiền 42 tỷ là số tiền ngân sách rót xuống cho Cục Điện ảnh để làm các dự án điện ảnh, một khoản ngân sách lớn như thế bị “cất két bạc” để rồi bị lừa. Dưới góc độ người làm nghề, chị có thể đánh giá được những thiệt hại do vụ lừa đảo 42 tỷ này xảy trong suốt quá trình 3 năm qua, cũng như uy tín của Cục Điện ảnh trong thời gian tới sẽ ra sao? Liệu giới làm nghề và những nhà tài trợ, người hâm mộ điện ảnh có còn đủ tin tưởng vào đội ngũ lãnh đạo của Cục Điện ảnh?

- Tôi không biết số tiền 42 tỷ đó nằm ở trong danh mục nào Nhà nước cấp cho Điện ảnh để hoạt động. Việc này phải hỏi cơ quan cảnh sát điều tra và chỗ Thanh tra bộ. Nhưng dù thế nào chăng nữa, dân gian đã có câu “Một con sâu bỏ rầu nồi canh”, vụ thất thoát 42 tỷ xảy ra ở Cục Điện ảnh làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của giới điện ảnh chúng tôi. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, “tội ai người đấy chịu”.

Tội hay lỗi của lãnh đạo Cục Điện ảnh đến đâu các anh ấy sẽ phải chịu đến đó. Nếu vô can, chẳng có lý do gì  anh Sinh, anh Minh phải viết đơn từ chức. Còn với những nghệ sĩ chân chính, những người lương thiện, những đơn vị, hay Hãng phim đứng đắn, chuyên nghiệp  như Hãng phim TL&KHTƯ… chúng tôi hoàn toàn đủ tự tin, bạn bè và đồng nghiệp hiểu và tôn trọng chúng tôi, sẵn sàng chia sẻ những thuận lợi cũng như những khó khăn trên chặng đường lao động sáng tạo nghệ thuật điện ảnh đầy gian khổ và cũng nhiều niềm vui.

- Hiện ông Lại Văn Sinh và ông Lê Ngọc Minh vẫn tiếp tục đảm nhận công tác đến khi có kết quả thanh tra của Bộ. Là người có tiếng nói trong giới làm nghề, chị muốn nói gì với hai vị lãnh đạo trên? Liệu họ có còn xứng đáng ngồi lại ở Cục Điện ảnh tiếp tục công việc sau khi đã gây hậu quả nghiêm trọng như thế không, thưa chị?

- Tất cả những điều cần nói tôi đã nói hết rồi, cá nhân tôi không có gì riêng tư nói với các anh ấy. Việc các anh ấy vẫn tiếp tục đảm nhận công tác đến khi có kết luận của thanh tra Bộ là quyết định của lãnh đạo Bộ. Tập thể lãnh đạo bộ, đặc biệt là Bộ trưởng có đủ sáng suốt và quyết đoán những công việc cụ thể nằm trong quyền hạn của một Bộ trưởng.

Chúng tôi không có quyền bàn và cũng xin phép miễn đưa ra ý kiến cá nhân của mình. Việc các anh ấy có còn xứng đáng ngồi lại ở Cục Điện ảnh tiếp tục công việc hay không sau khi đã gây hậu quả nghiêm trọng như thế, tự các anh ấy biết, cấp trên biết, nghệ sĩ biết, báo chí biết và nhân dân đều biết… Ngay đến cả Vua chúa, Hoàng đế thời xưa, khi đã mất hết “cái uy” thì dù có còn ngồi trên ngai vàng cũng chỉ là “vua bù nhìn”. Vì vậy tôi xin không bình luận nhiều.

- Hiện phía Bộ vẫn chưa có sắp xếp nhân sự mới nào cho Cục Điện ảnh. Nhưng chắc sau vụ thất thoát này hai ông Lại Văn Sinh và Lê Ngọc Minh sẽ phải ra đi, Cục Điện ảnh sẽ có lãnh đạo mới. Là một người làm nghề lâu năm, chị nghĩ lãnh đạo Cục Điện ảnh cần làm gì để lấy lại lòng tin nơi những người làm nghề?

- Tôi nghĩ bất cứ một ai nếu được Đảng, Nhà nước và nhân dân tín nhiệm giao cho trọng trách làm “người đầy tớ của nhân dân” thì chữ Tín, chữ Trung, chữ Hiếu luôn phải đặt lên hàng đầu. Chữ Quyền, chữ Tiền, chữ Lộc để xuống hàng thứ yếu, thì ngôi vị của người  đó mới giữ được lâu bền.

Các cụ ngày xưa trọng nhất chữ Danh, mất danh là mất tất cả. Danh ở đây không phải là danh vọng mà là danh giá, phẩm hạnh của con người. Quyền lực, tiền bạc lớn bao nhiêu cũng không mua được uy tín, phẩm hạnh. Sinh thời, Bác Hồ luôn trăn trở, nhắc nhở cán bộ, đảng viên thực hành 8 chữ: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư.

Nếu tất cả cán bộ, Đảng viên được phân công giao giữ trách nhiệm làm người lãnh đạo dù lớn hay nhỏ, ở ngành Điện ảnh hay bất cứ ngành nào khác, luôn thực hiện được lời dạy của Bác kính yêu, thì ở nơi đó, ngành đó con người, công việc đều phát triển tốt đẹp Công – tư đều thịnh đạt, danh – lợi đến đều đều.

Việt Anh(thực hiện)



Bình luận
vtcnews.vn