Admin của Lacai.org: Tôi không định vỗ ngực xưng tên

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 30/08/2011 06:02:00 +07:00

(VTC News) - Ngay từ tác phẩm đầu tiên, Phan An, admin của Lacai.org đã khiến không ít độc giả bất ngờ. Quẩn quanh trong tổ sẽ còn khiến độc giả đau đầu...

(VTC News) - Ngay từ tác phẩm đầu tiên, Phan An - admin của Lacai.org và Thica.net, khiến không ít độc giả bất ngờ. Bất ngờ đầu tiên là về cái tên tác giả vì vốn trước đây cũng có một tác giả Phan An của những tác phẩm như Giường, Những câu chuyện biển, Những câu chuyện Sài Gòn.

Bất ngờ thứ hai nằm ở ngay cuốn sách: Quẩn quanh trong tổ - một tác phẩm sẽ khiến độc giả “đau đầu” để định dạng xem nó thuộc thể loại nào. Cuốn sách cũng mang lại cảm giác bất ngờ về sự thông minh, góc cạnh của tác giả. Trong tác phẩm này, Phan An thể hiện nhiều suy tư và chiêm nghiệm, luôn mỉa mai và giễu cợt với mọi sự quanh mình, làm cho người ta cười mà cũng xót xa về hiện thực tưởng như là “hạnh phúc”. 

Đanh đá hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố

- Từ một tác giả chỉ “quẩn quanh trong tổ”, khi cuốn sách đầu tiên ra mắt, trực tiếp giao lưu rồi kí tặng sách cho độc giả, bạn có nghĩ là mình đã bước ra ánh sáng rồi không? Cảm giác của bạn như thế nào?

- Trước giờ tôi vẫn ở ngoài ánh sáng thôi, đâu có bước ra bước vào gì. Cho nên cảm giác của tôi lúc này thì như là đứng một chỗ ấy.

Tác giả trẻ Phan An 

- Ngoài thông tin ở bìa sách (sinh năm 1984 (đáng nhẽ sinh năm 1985) và đang làm mướn ở Sài Gòn) thì hầu như độc giả vẫn chưa biết Phan An là ai. Vậy, Phan An là ai?

- Là tác giả của cuốn sách. Tôi viết một cuốn sách xong thì chỉ hi vọng sách mình được người ta đọc, không định vỗ ngực xưng tên. Chỉ mới thậm thụt lấy cái tên Phan An đã bị dân tình hỏi tới hỏi lui rồi, khổ lắm.

- Tôi đọc Quẩn quanh trong tổ, nhờ các địa danh trong sách và đoán bạn ở Quảng Nam hoặc Đà Nẵng. Tuy nhiên, qua giọng văn có phần đanh đá kiểu của người Bắc lại nghĩ bạn có gì đó liên quan tới vùng này. Bạn giải thích sao? Ngoài đời, Phan An có... đanh đá không?

- Tôi có gì để giải thích đâu? Tôi chỉ viết thế thôi, thật sự không để ý đến vấn đề vùng miền trong giọng văn. Nhân tiện cho hỏi, có vấn đề đó thật à? Còn ngoài đời có đanh đá hay không thì điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thí dụ thời điểm, lượng mưa, độ ẩm không khí, trời nhiều mây hay ít mây, mùa đông lạnh hay không lạnh, khăn gió ấm hay không ấm...

- “Có những chuyện tôi viết ra cốt để cho người ta khóc thì quý vị lại cười”, Aziz Nesin đã nói vậy. Với Quẩn quanh trong tổ, độc giả lại cười đó rồi chua chát đó. Là “cha đẻ” của cuốn sách này, bạn vui hay buồn vì điều đó?

- Nếu nói tôi vui mừng hí hửng cười hê hê khi người ta buồn bã chua chát thì có phen bị đánh, nên xin được phép không trả lời câu hỏi này.

- Cảm xúc của bạn hiện tại so với lúc viết Quẩn quanh trong tổ có khác nhau nhiều không? Nếu được làm lại, bạn nghĩ mình có nên viết tác phẩm này và xuất bản?

- Không nhiều lắm. Mà thật ra tôi không biết làm thế nào để cân đo, nên rất khó so sánh. Còn cái chữ “nếu” thì không hợp lệ, cái gì làm đã làm rồi, đúng sai đã đúng sai rồi, khen chê cũng đã nghe rồi. 

Phan An ký tặng sách cho độc giả 

- Có câu chuyện nào mà bạn cảm thấy tiếc khi không được đưa vào trong cuốn sách lần này?

- Có chứ, nhưng quá dài không viết đủ vào lề của cuộc phỏng vấn này, ví dụ chuyện tôi giải bài toán Fermat lớn xn + yn = zn như thế nào.

Hoài Linh chưa đọc sách của tôi

- Theo dõi trang lacai.org, có thể nhận ra bạn cũng một phần đang “đả kích” những trang báo “lá cải”. Tuy nhiên, ngoài những comment của mình, bạn còn dẫn link tới các bài báo đó. Có nên hiểu đây là một sự “tiếp tay cho giặc” không?

- Đây là sự minh bạch thôi. Khi bạn đả kích một tin lá cải, bạn phải chứng minh là cái tin đó thật sự tồn tại trên đời chứ không phải là hàng do bạn dựng đứng mà ra. Chỉ nên có tối đa một phe dựng chuyện, nếu hai phe đều dựng chuyện thì độc giả thà đi xem Star Wars còn hơn.

- Mục đích chính của việc ngày ngày đọc các trang báo lá cải, rồi bình luận, rồi... xỉa xói này là gì?

- Để cho các bạn đọc và bảo: xỉa xói này, xỉa xói kìa, xỉa xói đấy...

- Lacai.org nhận được sự quan tâm ngày càng nhiều của độc giả. Bạn có thể thiết lộ một chút về lượt xem, số lượng truy cập một ngày được không? Nếu có cơ hội, bạn có định bán quảng cáo hay không?

- Về lượt xem thì cỡ mười mấy nghìn một ngày. Về quảng cáo, chắc là không. Rau củ ở ta bán có đến mãn đời cũng không giàu đâu.

- Trong tác phẩm, có lời giới thiệu hết sức đặc biệt của nghệ sĩ hài Hoài Linh: “Thật ra tôi chưa đọc”. Tại sao bạn lại “tiếp cận” danh hài nổi tiếng này mà không phải là một người nào khác? Phải chăng đây là một sự “ăn theo” người nổi tiếng?

- “Thật ra tôi chưa đọc” là câu của tôi, tôi chỉ sè sẹ xin phép Hoài Linh để làm như ảnh nói ra thôi. Lí do của việc tiếp cận Hoài Linh là vì câu này phải được nói ra bởi một người “vô cùng nổi tiếng”. Bạn có tìm ra một người khác ở Việt Nam cũng vô cùng nổi tiếng, và cũng hài hước như Hoài Linh không? Nếu có thì vui lòng giới thiệu cho tôi, tôi sẽ cố gắng “tiếp cận” và “ăn theo” trong lần tái bản tới, đồng thời không quên lời cảm ơn Sâu Sắc Nhất.

Bức hình Pradpitt do Phan An vẽ trong cuốn Quẩn quanh trong tổ

- “Mượn tên”của một người “vô cùng nổi tiếng” như vậy, chắc hẳn khi sách ra, bạn đã phải tặng sách cho danh hài Hoài Linh rồi nhỉ? Anh ấy nói gì về tác phẩm của bạn?

- Tiếc là chưa. Từ sau khi ra sách tôi chưa liên lạc được với Hoài Linh.

- Sau“Quẩn quanh trong tổ”, bạn đã có kế hoạch cho cuốn sách thứ hai của mình chưa? Đó sẽ là một cuốn sách như thế nào?

- Cũng chưa luôn bạn ạ. Khi viết thì tôi không làm việc theo kế hoạch.

- Chân thành cảm ơn và chúc bạn sớm có cuốn sách thứ hai ra mắt bạn đọc!


 Trích đoạn trong tác phẩm Quẩn quanh trong tổ của tác giả trẻ Phan An:

“Ý anh là em hãy tự tin lên đi.

Vì anh vừa đọc xong Cọp Trắng, cuốn sách của một người Ấn Độ viết về xã hội Ấn Độ. Phải nói ngay để em còn liệu đường mà thất vọng, nó là một tác phẩm văn học khô như ngói, không tình yêu, không tình dục, không du học, không du hí, không ung thư cổ tử cung, không bay không bướm. Thế mà nó lại giật giải Man Booker uy tín của năm 2008, thật là kì diệu thật là phép mầu. Trong Cọp Trắng, Aravind Adiga[1] so sánh cả xã hội Ấn Độ với một cái chuồng gà lớn, và chín mươi chín phần trăm dân số Ấn Độ bị kẹt trong cái chuồng gà đó. Kiểu như Mắc Xích[2] của Atmosphere ấy, em nhớ không: chuồng gà, chuồng gà, mỗi người là một con gà, chuồng gà, chuồng gà, tại sao tôi lại là gà, chuồng gà, chuồng gà, tôi không muốn là một con gà. Em hãy tự tin, vì Việt Nam ta không thế. Đứng trên gà mà nói thì chúng ta không chịu thua ai - tất nhiên trừ nước Thổ Nhĩ Kỳ, nơi cả đất nước là một con gà to - chúng ta có cả dịch cúm gà cũng như không hề ngần ngại tiêu thụ trứng gà giả. Nhưng, chưa có ai đánh đồng xã hội ta với cái chuồng gà cả. Không, chẳng ai nghĩ đến, mà cũng chẳng ai dám, ngay cả những lão xe ôm say bét nhè anh vẫn thường gặp hai bên bờ kè, ngồi tụng bia hơi hạng bét với món rau muống xào tỏi mà bàn chuyện trên trời dưới đất, hay mấy ông sồn sồn vẫn hay đánh cái quần xà lỏn, ngồi ôm con gà chọi ở góc đường, bình luận xem bên nào sản xuất ra quả bom nguyên tử to hơn, Bắc Hàn hay Mỹ. Không có ai xem xét mối tương quan giữa chúng ta và cái chuồng gà, không ai dại thế. Anh chỉ nghe bảo rằng thay vì chuồng gà, chúng ta đang sống trong một cái giỏ cua (giỏ cua, giỏ cua, mỗi người là một con cua), rằng chúng ta có nhiều chân, nhưng chúng ta lại chỉ bò ngang; rằng chúng ta không ăn sóng nói gió gì cho ra hồn, thế mà chúng ta lại rất hay sùi bọt mép; rằng càng chúng ta to, nhưng chúng ta không dùng chiến đấu, chỉ dùng để huơ qua huơ lại, huých đẩy nhau khụi nhau kiếm chỗ ấm thân; và rằng chỉ cần có một con lò dò mon men bò lên miệng giỏ hăm he tẩu thoát thì lập tức chúng ta bâu vào kéo xuống cho bằng được. Cũng giống như chuyện trăm con thằn lằn bám trên trần nhà mà có lần anh kể em nghe ấy: một con chẳng biết đứng tấn Thái Cực Quyền kiểu quái nào lại trượt chân lộn cổ xuống, sau đó đúng một giây chín mươi chín con kia nhất tề phóng đít rơi theo - chúng nó quá hăng hái vỗ tay mà quên phứt đi rằng cái kiếp thằn lằn sống trên đời này là để đu bám bóng đèn đớp mòng đớp muỗi. Em, em đừng bao giờ quên mục đích tối thượng ấy, cho nên, nào, hãy cùng anh đớp đi”.

[1]Tác giả Cọp Trắng.
[2]Đây là một bài nhạc rock theo phong cách Thrash Metal mà anh thường bị lũ bạn khốn nạn tra tấn vào những giờ lên đồ án ở trường Kiến trúc. Anh không nhớ rõ lời cả bài, nhưng đoạn điệp khúc thì đại để như sau: Mắc xích! Mắc xích! Mỗi người là một mắc xích. Mắc xích! Mắc xích! Mỗi người là một mắc xích. Xúc xích! Xúc xích! Mỗi người một cục xúc xích. Xúc xích! Xúc xích! Tại sao lại là xúc xích? Tôi không muốn ăn xúc xích!




Huy Sơn(thực hiện)
 

Bình luận
vtcnews.vn