Muốn có giải thưởng, danh hiệu thì "phải đi đúng đường"

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 11/08/2011 09:34:00 +07:00

(VTC News) – Những vấn đề được báo giới đặt ra trong cuộc họp báo xung quanh công tác xét tặng giải thưởng và danh hiệu năm 2011 chưa thể giải quyết triệt để.

(VTC News) – Căng thẳng, nhiều ý kiến băn khoăn, những vấn đề được báo giới đặt ra trong cuộc họp báo của Bộ VHTT &DL chiều 11/8 xung quanh công tác xét tặng giải thưởng và danh hiệu năm 2011 chưa thể giải quyết triệt để. Có lẽ, cần thêm nhiều thời gian và tâm sức.

Công khai để công bằng

Cuộc họp báo quan trọng này có sự tham gia của thứ trưởng Lê Khánh Hải, Vụ Trưởng Vụ Thi đua và Khen thưởng Nguyễn Hải Anh, Cục trưởng Cục NTBD, đại diện Ban Tuyên giáo, đại diện Cục Điện ảnh…

Đứng trước những lùm xùm ở hạng mục điện ảnh và âm nhạc, BTC cuộc họp báo cũng mời đại diện hai lĩnh vực trên tham gia để trả lời chất vất của báo giới. Theo đó, đại diện hạng mục điện ảnh là bà Nguyễn Thị Hồng Ngát – Phó chủ tịch Hội Điện ảnh và ông Phạm Ngọc Khôi – Phó chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, đại diện Hội đồng cơ sở âm nhạc. Trước thềm buổi họp báo, nhiều người e ngại rằng hai vị này sẽ không tham gia cuộc họp. Một vị đại diện Bộ VHTT &DL cho biết, nếu họ không đến, Bộ sẽ trả lời những chất vấn liên quan đến hai lĩnh vực nóng này.

Toàn cảnh cuộc họp báo về công tác xét tặng giải thưởng và danh hiệu năm 2011 do Bộ VHTT & DL tổ chức 

Tuy nhiên, cuối cùng thì cả bà Ngát và ông Khôi đều có mặt. Và cũng đúng như dự đoán, tâm điểm của buổi họp báo xoay quanh những kiện tụng ầm ĩ trên mặt báo thời gian qua. Bên cạnh đó là một số ý kiến về việc đổi mới cách thức xét tặng giải thưởng và trao danh hiệu để những kỳ sau bớt căng thẳng và kiện tụng.

Theo lãnh đạo Bộ, trong lần xét giải thưởng và danh hiệu lần này có nhiều đổi mới. Công tác thẩm định phải qua 6 bước, đảm bảo tính chính xác, không đưa ra xét nghệ sĩ không đủ thời gian công tác, không đủ tiến trình, thủ tục, không xét hồ sơ không được thông qua cơ sở, hồ sơ không làm đúng mẫu…

Cách thức tổ chức là tiếp nhận hồ sơ, gửi hồ sơ để Hội đồng đọc kỹ để có cái nhìn thống nhất. Đây cũng là lần đầu tiên, Bộ VHTT & DL thể hiện tính công khai của giải thưởng bằng cách công khai quá trình xét duyệt trên website của bộ.

Hiện đã nhận được tổng cộng 728 hồ sơ. Bộ đã thành lập 14 hội đồng xét duyệt. Trong đó có 9 hội đồng xét giải thưởng, 5 tặng danh hiệu. Hiện, các hội đồng này đang thẩm định hồ sơ. Sau đó, sẽ gửi đến hội đồng nhà nước. Sau khi có kết quả sẽ trình chủ tịch nước và ra thông báo cuối cùng trước công luận.

Dỡ cụm tác phẩm ra để xét giải

Hạng mục âm nhạc của giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh lần này đặc biệt được quan tâm. Câu hỏi được đặt ra như mưa trút về phía đại diện Hội Nhạc sĩ. Đến nỗi, sau khi cuộc họp báo kết thúc, ông Phạm Ngọc Khôi vẫn bị báo giới bủa vây. Ông Phạm Ngọc Khôi khẳng định, các thành viên trong hội đồng thẩm định cơ sở đều làm việc công tâm và theo đúng luật và chỉ dẫn của Bộ.

 Vụ trưởng Nguyễn Hải Anh khẳng định Bộ chưa bao giờ gửi công văn cho nhạc sĩ Triều Dâng và nói tác phẩm của ông có vấn đề về tác quyền.

Về những lùm xùm kiện tụng nói chung, Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho biết, năm nay, việc kiện tụng còn ít hơn nhiều so với kỳ trước. Ông Hải cho biết, ở kỳ trước có đến hơn 140 lá đơn khiếu nại.

Giải thích về trường hợp của 5 nhạc sỹ đi kiện gồm Đinh Quang Hợp, Thế Song, Ngọc Khuê, Lê Việt Hoà, Đoàn Bổng, vị đại diện của Hội đồng cơ sở của lĩnh vực âm nhạc này cho biết, lần đầu tiên xét duyệt, cả 5 nhạc sỹ này đều bị đánh trượt là do phía hồ sơ xin xét giải thưởng có vấn đề. Các nhạc sĩ này đăng ký xét giải thưởng với cụm tác phẩm nên khi hội đồng bỏ phiếu thì không đạt. Tuy nhiên, sau khi nhận được sự khiếu kiện của các nhạc sĩ, Hội đồng đã “dỡ” cụm tác phẩm đó ra, bỏ phiếu lại thì có 3 tác phẩm đạt yêu cầu. Hội đồng cơ sở đã chuyển những tác phẩm này lên Hội đồng cấp Bộ để đảm bảo quyền lợi cho các nhạc sĩ. Được biết, đây cũng là chỉ thị từ Bộ gửi xuống Hội đồng cơ sở hạng mục âm nhạc.

Ông Khôi cho biết thêm, khi Hội đồng Bộ chấm, chỉ nhạc sĩ Ngọc Khuê và nhạc sĩ Đinh Quang Hợp đủ 3/5 tác phẩm để gom lại thành một “cụm” mới, do đó, chỉ 2 trong số 5 “nhạc sĩ đi kiện” vượt qua vòng của Bộ.

Về trường hợp của nhạc sĩ Phú Quang bị loại ra khỏi Giải thưởng Nhà nước. Ông Khôi giải thích: Nhạc sĩ Phú Quang được 100% số phiếu ủng hộ ở Hội đồng cơ sở với 7 thành viên. Thế nhưng, lên đến Hội đồng cấp Bộ, nhạc sĩ này đã không đạt được 75% ý kiến đồng thuận theo yêu cầu. Nghĩa là, hồ sơ của nhạc sĩ Phú Quang không được đủ 9 trong 12 lá phiếu ở cấp Bộ. Vì vậy mà bị đánh trượt.

Muốn được xét giải phải đi đúng đường

Ở lĩnh vực điện ảnh, Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho rằng hai nữ biên kịch Phan Huyền Thư và Phan Thanh Tú đã không hiểu biết về thông tư nên mới dẫn đến chuyện viết đơn kiến nghị đạo diễn Nguyễn Thước. Sau khi giải thích rằng, các nhà biên kịch có quyền gửi kịch bản để xét giải thưởng ở hạng mục Văn học thì chủ nhân của vụ kiện tụng này đã xuôi lòng. Tuy nhiên, do cụm tác phẩm Sự nhọc nhằn của cátNhững công dân @ không nhận được sự đồng thuận của các tác giả nên cũng không được xét duyệt ở cấp cao hơn.

Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng Nguyễn Hải Anh nói về trường hợp của nhạc sĩ Lê Lan: “Hội đồng biết ông từng bị kỉ luật, nhưng trên cơ sở đánh giá những cống hiến, lao động nghệ thuật của nhạc sĩ, chúng tôi thấy: dù vấp ngã, nhưng ông vẫn cho ra đời những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao đóng góp cho đất nước, cho công chúng”.

Ông Phạm Ngọc Khôi - tâm điểm của cuộc họp báo với nhiều thắc mắc. Bên tay phải ông là bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch Hội Điện Ảnh 

Dư luận cũng như giới chuyên môn tiếc cho nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông đạt giải thưởng Nhà nước năm 2001, nhưng ông vẫn chưa được giải thưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, NS Hồ Quang Bình đã gửi công văn lên Bộ và Hội Nhạc sĩ nhưng chưa có kết quả.

Vụ trưởng Nguyễn Hải Anh nói, Hội Âm nhạc mới chỉ gửi công văn, chứ chưa gửi hồ sơ, lại không đi “đúng đường”, cụ thể là phải theo đúng trình tự qua hội đồng cấp cơ sở của Hội nhạc sĩ VN, rồi lên đến Hội đồng Bộ. Không có chuyện hồ sơ không qua hai hội đồng này lại được Hội đồng cấp Nhà nước xét duyệt. Bộ cũng đã có công văn để trả lời về việc này. Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Khôi khẳng định: chưa từng nhận được văn bản đề nghị nào từ Hội Âm nhạc Hà Nội về trường hợp của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Một số ý kiến cho rằng, việc xét đặc cách cho một số trường hợp có cống hiến thực sự như Bùi Công Duy là rất đáng lưu tâm. Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho biết, với những trường hợp được xét đặc cách như Bùi Công Duy phải đạt được 100% sự đồng thuận của Hội đồng. Đáng tiếc, Bùi Công Duy không đạt được điều này.

Cũng từ trường hợp của Bùi Công Duy, có thể thấy vấn đề xét đặc cách trao danh hiệu cho nghệ sĩ ở nước ta vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Nhiều nghệ sĩ đã cống hiến nhiều và được công chúng yêu mến đã không đủ tiêu chuẩn theo thông tư để xét trao danh hiệu. Điều này hẳn cần thay đổi.

Về việc quy đổi các giải thưởng thành Huy chương, nhiều ý kiến cho rằng, để tránh tình trạng vàng thau lẫn lộn, cũng cần xác định giải thưởng đó thuộc Liên hoan nào, tầm cỡ ra sao. Thêm vào đó, có ý kiến bày tỏ, nên chăng thuê hẳn hội đồng kiểm phiếu công khai và độc lập để giám sát kết quả giống như một số giải thưởng trên thế giới.

Thứ trưởng Lê Hải Anh kết luận, sẽ còn phải thay đổi nhiều trong việc xét trao giải thưởng và danh hiệu. Bộ đã tính đến việc triển lãm để lấy ý kiến nhân dân xung quanh xét tặng Giải thưởng Nhà nước và trao tặng danh hiệu cho nghệ sĩ. Hy vọng, với nhiều đóng góp từ phía báo giới và công chúng, mùa giải sau sẽ không có thêm những chuyện đau đầu và đáng tiếc!

Gia Vũ

Bình luận
vtcnews.vn