Uyên Linh khoe giọng với nhạc Trịnh tại Hà Nội

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 22/03/2011 09:01:00 +07:00

(VTC News) – Uyên Linh tha thiết muốn được khẳng định và cống hiến hết mình trong đêm nhạc Trịnh mang tên “Bóng Núi” vào ngày 25/3.

(VTC News) – Cùng với nhiều tên tuổi như Hồng Nhung, Cẩm Vân, Quang Dũng, Mỹ Linh, góp mặt trong đêm nhạc tưởng nhớ 10 năm ngày mất của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn mang tên “Bóng Núi” vào ngày 25/3 tại Nhà hát Lớn HN còn có Trịnh Vĩnh Trinh và Uyên Linh.

Người em gái nhỏ của Trịnh, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh sẽ gửi tới công chúng yêu nhạc thủ đô một sáng tác của anh trai về Hà Nội. Đây là lần đầu tiên, Trịnh Vĩnh Trinh hát trên sân khấu Nhà hát Lớn để thay lời cảm ơn với những người đã dành tình yêu đặc biệt với Trịnh Công Sơn. Trong chương trình “Bóng núi” nhớ Trịnh Công Sơn mới diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, Trịnh Vĩnh Trinh cũng đã thay mặt gia đình nhạc sĩ cất lên tiếng hát “Tôi sẽ nhớ…”, mang đến sự xúc động mạnh tới khán giả.
Uyên Linh mong muốn tạo ấn tượng tại đêm nhạc Trịnh tại Hà Nội 

Cũng trong đêm nhạc, Uyên Linh tha thiết muốn được khẳng định và cống hiến hết mình với nhạc Trịnh. Bên cạnh đó là sự góp mặt của Trọng Tấn, Đức Tuấn, Nguyên Thảo và nhiều nghệ sĩ khác. Chương trình gồm gần 20 ca khúc trong đó có rất nhiều ca khúc quen thuộc của Trịnh Công Sơn như: Cũng sẽ chìm trôi, Thuở bống là người, Này em có nhớ, Hành hương trên đồi cao, Rừng xưa đã khép…
Trịnh Công Sơn và em gái Trịnh Vĩnh Trinh 

Mang một làn giớ mới đến với nhạc Trịnh là chương trình Ca khúc Jazz Vàng diễn ra ngày 2/4 tại MF cafe 25 Ngô Văn Sở (Hà Nội). Chương trình gồm những bản tình ca nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Hạ trắng, Tình xa, Một cõi đi về, Nắng thủy tinh, Tuổi đá buồn, Ngẫu nhiên, Lặng lẽ nơi này, Phúc âm buồn, Biển nhớ, Tình xót xa vừa, Rồi như đá ngây ngô, Vết lăn trầm, Đoản khúc thu Hà Nội, Mưa hồng, Tưởng rằng đã quên, Ru em… được thể nghiệm với phong cách jazz qua giọng hát Khôi Minh, Nguyệt Ca và tiếng đàn piano của Khang Nhi.

Khá nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn thiên về hoặc tiềm ẩn tinh thần thâm trầm và phóng khoáng của jazz. Vì thế một số nghệ sĩ đã dùng jazz để trình bày nhạc Trịnh, nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên các giọng ca không chuyên tổ chức cả một chương trình hy vọng jazz hóa nhạc Trịnh, dù mới mang tính chất thể nghiệm trong quy mô nhỏ. Với Ca khúc Jazz Vàng, người nghe và người hát nhạc Trịnh có thêm một cách để cùng nâng niu và khám phá các khía cạnh biểu cảm của âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Cuốn Trịnh Công Sơn: Tôi là ai, là ai... và chương trình Ca khúc Jazz vàng. 

Bên cạnh hai đêm nhạc này, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Trịnh Công Sơn ngày mất Trịnh Công Sơn, công chúng cũng có cơ hội đón đọc 4 ấn phẩm về người nhạc sĩ này như: “Thế giới hình tượng trong ca từ Trịnh Công Sơn” của tác giả Bích Hạnh với những nghiên cứu, phân tích của cô về ca từ, cách sử dụng ngôn ngữ trong những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cuốn “Trịnh Công Sơn. Tôi là ai? Là ai?” tổng hợp về các bài viết của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và của những tác giả nổi tiếng viết về ông và âm nhạc của ông. Tiếp đó là "Trịnh Công Sơn - Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật" của Bùi Vĩnh Phúc. Đây được xem là một quyển sách xuất sắc nói về ca từ trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Và cuốn sách cuối cùng “Thư tình gửi một người”. Cuốn sách tổng hợp hàng trăm bức thư tình mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho một người con gái tên là Ngô Vũ Dao Ánh.

Trần Lê
Bình luận
vtcnews.vn