“Ca trù – Singing house” chung tay gìn giữ vốn cổ

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 19/03/2011 08:14:00 +07:00

(VTC News) - Ca nương Phạm Thị Huệ cùng người thầy, nghệ nhân đàn đáy hàng đầu Việt Nam Nguyễn Phú Đẹ vừa cho ra đời CD “Ca trù - Singing house”.

(VTC News) - Tài sắc vẹn toàn, hát hay đàn giỏi, ca nương Phạm Thị Huệ cùng người thầy, nghệ nhân đàn đáy hàng đầu Việt Nam Nguyễn Phú Đẹ vừa cho ra đời CD “Ca trù - Singing house”, như lời tri ân với thính giả, góp phần gìn giữ và phát huy vốn cổ.
 
- Ý tưởng ra đĩa được chị ấp ủ đã 5 năm, vậy sao đến giờ mới thành hiện thực?
 
- Để ra một sản phẩm hoàn chỉnh như ngày hôm nay, đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian. Trong suốt quá trình ấp ủ 5 năm, tôi và giáo phường Ca trù Thăng Long phải phát triển, hoàn thiện công tác đào tạo ca nương, phục dựng, hồi sinh lối hát thờ cửa đình, đặc biệt chuẩn bị chương trình cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Bên cạnh đó, cần sắp xếp thời gian giữa thầy và trò, chuẩn bị kinh phí, bắt nhịp với kỹ năng phòng thu vốn khác nhiều với trình diễn. Ở mỗi giai đoạn, thời điểm đều có những trở ngại khác nhau. Đến thời điểm này, ra được CD coi như đã thành công.
 

Ca nương Phạm Thị Huệ. 
- Tên của CD rất lạ, lại có cả tiếng Anh “Ca trù – Singing house” là sao?
 
- Đứng trên quan điểm nghệ thuật, âm nhạc không có biên giới, mặt khác ca trù lại là di sản văn hóa của thế giới, nên CD lần này không chỉ dành riêng cho người Việt mà cho tất cả mọi người trên toàn thế giới muốn nghe, tìm hiểu. Đây cũng là thông điệp mà Huệ nói riêng và giáo phường nói chung muốn gửi gắm: Hãy cùng chúng tôi gìn giữ, phát triển vốn cổ nghệ thuật ca trù.
 
- Ngoài là thành quả của tài năng, CD lần này còn có ý nghĩa gì khác?
 
- Đối với những người được truyền dạy lại, khi ra một sản phẩm họ đều muốn đấy là một lời cảm ơn, tri ân thầy cô, một niềm tâm sự, báo cáo kết quả học tập của mình. Riêng Huệ đó còn là sự khẳng định của những thành công của mình đã đạt được trên chặng đường gìn giữ và phát triển vốn cổ, đồng thời vạch ra hướng phát triển mới trong tương lai.
 
- Còn đối với riêng Giáo phường ca trù Thăng Long hiện nay, “Ca trù – Singing house” có ý nghĩa gì?
 
- Đối với giáo phường, đây là CD đầu tiên. Đồng thời nó là động lực thúc đẩy các thành viên khác cố gắng phấn đấu ra đĩa ca trù. Nhân đây cũng xin tiết lộ thêm nghệ nhân đáng kính Nguyễn Thị Chúc đã quyết định sẽ ra đĩa riêng trong năm 2011, một món quà gửi đến thính giả yêu ca trù, những người dân Việt Nam và các bạn quốc tế cùng nhau phát triển vốn cổ.
 
Một buổi biểu diễn tại giáo phường Ca trù Thăng Long - 28 Hàng Buồm. 
- Chị đã bao giờ nghĩ đến việc sáng tác bài mới?

 
- Trong tương lai khi mà ca trù thực sự vững vàng thì chúng tôi sẽ sáng tác các tác phẩm mới. Đó cũng là một trong những ý tưởng mà giáo phường đang ấp ủ. Bản thân tôi nghĩ rằng song song với việc bảo tồn cần có sự phát huy, phát triển để ca trù có sức sống, hòa nhập vào thế giới hiện tại, nhất là để những người đương đại không cảm thấy quá xa lạ với môn nghệ thuật mang tính truyền thống này. Việc trước mắt cần làm là phải bảo tồn giá trị đã có.
 
- Giáo phường và chị có kế hoạch gì cho việc giới thiệu và quảng bá văn hóa cổ truyền với thế giới?
 
- Một trong những cố gắng, lỗ lực của Giáo phường Ca trù Thăng Long là biểu diễn phục vụ khán giả đều đặn mỗi tối thứ 7 hàng tuần tại 28 Hàng Buồm và nằm trong kế hoạch quảng bá văn hóa cổ truyền cho khách nước ngoài. Người ngoại quốc khi đến với quốc gia bản địa bao giờ họ cũng tìm tới những giá trị văn hóa truyền thống. Sẽ vinh dự khi ca trù đại diện cho Việt Nam chào đón các bạn nước ngoài. Ca trù là môn nghệ thuật không bị pha tạp, là tinh hoa được gìn giữ truyền dạy qua nhiều thế hệ.
 
Chúng tôi cũng đang hi vọng tăng được số lượng các buổi diễn, đêm diễn. Khi có thể biểu diễn hàng tối, có khách đến nghe, thì Ca trù Thăng Long sẽ trở thành tụ điểm giới thiệu, giao lưu văn hóa.
 
- Hiện ca nương các chị có khả năng sống và thu nhập bằng nghề?
 
- Mình tôi không thể quyết định được điều đó, nó phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm, tự tin của các thành viên trong giáo phường, cũng như các ca nương. Nếu họ vượt qua được chặng đường khó khăn này, thì chắc chắn trong tương lai không xa người hát ca trù có thể sống được bằng nghề. Còn với bản thân, tôi đang cố gắng quảng bá, giới thiệu nhiều hơn nữa đến khán giả trong và ngoài nước để mọi người ngày càng yêu quý, hiểu nghệ thuật ca trù.
 
- Vậy với ca nương còn những khó khăn gì?

 
- Trải qua 60 năm vắng bóng trên sân khấu, việc đào tạo ca trù hiện nay hết sức khó khăn. Các nghệ nhân để truyền dạy rất hiếm, đôi khi lại vướng mắc bởi tuổi tác và địa lý, ca nương phải học bằng máy móc hỗ trợ. Việc tập luyện với nhau hàng tuần cũng là một cách để các ca nương trình diễn, lắng nghe nhau, môi trường để rút kinh nghiệm và phát triển. Bên cạnh đó, các ca nương phải độc lập rèn luyện bản thân, nghe xem tư liệu và tìm các nghệ nhân học hỏi trau dồi. Ngoài ra giáo phường còn có những buổi trao đổi, đào tạo kỹ năng mềm giúp các ca nương  đứng vững được trong cuộc sống hiện nay. Các ca nương năng động sẽ thu hút được nhiều người đến với ca trù, đó là thành công.
 
- Xin cám ơn chị! Chúc chị và giáo phường ngày càng có nhiều người đến nghe.
 
Hà Thu (thực hiện)
 

CD Ca trù- Singing House bao gồm 6 bài: Thét nhạc (thơ cổ), Gửi thư (thơ cổ), Chữ Nhàn (Nguyễn Công Trứ), Giai nhân nan tái đắc (Cao Bá Quát), Phận hồng nhan (Cao Bá Quát), Tràng An hoài cổ (Cao Bá Quát). 

10h sáng 19-3, tại đền Quan Đế, 28 Hàng Buồm diễn ra lễ ra mắt CD “Ca trù – Singing house” - Đĩa nhạc chung đầu tiên của ca nương Phạm Thị Huệ và danh cầm Nguyễn Phú Đẹ. Mọi người yêu thích, quan tâm đến nghệ thuật ca trù đều có thể tham gia.
 
Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ sinh năm 1923 tại Tứ Kỳ, Hải Dương, trong một gia đình có cả cha và mẹ đều là ca nương, kép đàn nổi tiếng trong vùng. Ông đã được học đàn từ khi 10 tuổi. Hiện đã 88 tuổi, lối đàn hàng huê của ông khiến người trong nghề đánh giá rất cao, được các nhà nghiên cứu gọi là ngón đàn độc chiêu.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ đã được Hội Văn nghệ dân gian phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Ông hiện là một trong những kép đàn hàng đầu Việt Nam.

Ca nương Phạm Thị Huệ theo học đàn tỳ bà từ năm 8 tuổi tại Nhạc viện Hà Nội. Bắt đầu đến với ca trù từ năm 2001, chị đã được nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc nhận làm đệ tử chân truyền và đến năm 2006 được làm lễ Mở xiêm y - lễ tốt nghiệp dành cho ca nương đầu tiên được khôi phục trong ca trù sau hơn nửa thế kỷ. Hiện Phạm Thị Huệ là đào đàn duy nhất của làng ca trù VN.

 
 

Bình luận
vtcnews.vn