Trung úy: Bẫy PR cảnh nóng và nhiều điểm khiên cưỡng

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 21/10/2010 01:06:00 +07:00

(VTC News) – Bộ phim từng gây ầm ĩ với việc đạo diễn tuyên bố mời Yến Vy vào vai chính khi cô này vừa trải qua scandal lộ clip sex.

(VTC News) – Sau thời gian thai nghén và thực hiện khá dài, cùng những ầm ĩ vây quanh, những tuyên bố xanh rờn của đạo diễn, cuối cùng phim Trung úy đã được chiếu ra mắt trong khuôn khổ LHP Quốc tế Việt Nam. Một ý tưởng tốt về kịch bản, diễn xuất của diễn viên khá ổn, song phim vẫn không tránh khỏi nhiều chi tiết khiên cưỡng tới tức cười.

Cảnh nóng chỉ là bẫy PR của đạo diễn?

Trung úy có thể coi là một trong số những bộ phim được làm lâu nhất trong lịch sử điển ảnh Việt Nam với 15 năm thai nghén và một thời gian dài thực hiện (khoảng 3 năm). Đây cũng là bộ phim gây ầm ĩ bởi trong thời gian dư luận đang lên án Yến Vy vì lộ clip sex thì đạo diễn Hà Sơn tuyên bố mời cô vào một vai trong phim. Đồng thời, ông cũng nói rằng, phim sẽ có nhiều cảnh nóng, đánh đúng vào tâm lý tò mò của công chúng. Cuối cùng, vai diễn của Yến Vy dành cho Quách An An nhưng câu hỏi về độ nóng của phim đến đâu cứ treo lơ lửng cho đến khi phim ra rạp. Gây tò mò và những tuyên bố gây sốc có vẻ là một chiêu PR lợi hại của đạo diễn Hà Sơn.

Quách An An trong một cảnh quay. 

Trung úy là một bộ phim về đề tài chiến tranh nhưng cấm trẻ em dưới 16 tuổi. Đạo diễn Hà Sơn nói rằng ông không bất ngờ về thông tin này. Trên thực tế, ai cũng sẽ nghĩ ngay rằng cấm là do sex, do cảnh nóng trong phim không phù hợp với trẻ em. Nhưng vì bị cắt tới 40 % cảnh sex (như đạo diễn nói) nên phim cũng chỉ còn hai cảnh là người ta có thể nhìn thấy Quách An An nude. Cảnh đầu tiên quay trước mặt, có thể nhìn thấy rõ ràng bầu ngực của cô. Cảnh thứ hai là quay toàn thân nhưng từ phía sau. Quách An An nói, trong cảnh đó, những bộ phận cơ thể nhạy cảm đã được dán kỹ càng. Hỏi cô đóng cảnh đó có thấy khó không? Cô nói, căng thẳng nên quay một đúp là xong.

Nói về độ hấp dẫn của yếu tố sex, nếu xem phim xong, nhiều người tò mò sẽ thất vọng vì với góc quay những cảnh nóng này, yếu tố hấp dẫn gần như là zero, thua xa Giao lộ định mệnh hay Cánh đồng bất tận (dù mới xem trailer) . Thế nên, có thể việc cắt cảnh nóng trong phim khiến người xem không thưởng lãm hết thứ mà đạo diễn bày biện. Hoặc cũng có thể, người ta đã mắc bẫy chiêu PR của đạo diễn Hà Sơn khi ông nói về cảnh nóng. Điều thứ hai có thể đúng hơn vì Quách An An nói cảnh nóng cô đóng không phải cắt đoạn nào.

Nhiều điểm khiên cưỡng, hiệu ứng kỹ xảo kém

Nội dung phim Trung úy là chuyện về một người lính trong chiến tranh, xảy ra ở một vùng biên giới không xác định. Đội của trung úy Hà (Thiện Tùng đóng) được giao nhiệm vụ đánh chiếm sân bay địch. Nhiều đồng đội đã phải hy sinh mà đội vẫn không tìm được đường vào. Nhưng một người có thể ra vào khu sân bay này một cách dễ dàng, đó là Si - pha (Quách An An đóng) - cô gái dân tộc này rất thích Hà và giao hẹn với Trung úy rằng nếu muốn cô dẫn đường thì phải đồng ý làm chồng cô (tức là ngủ và làm tình với cô). Trung úy đã phải xin ý kiến cấp trên dùng tới “mỹ nam kế” để nhờ Si – Pha dẫn đường.

Trận đánh kết thúc, nhiệm vụ hoàn thành. Si - pha có thai. Và trung úy Hà bị kiểm điểm về tư cách đạo đức... Rồi anh được minh oan, được ghi công nhưng không được phong anh hùng mà chuyển về địa phương. Ở đó, Trung úy lại sống trong những ngày dằn vặt vì “chẳng có người dân trong làng nào chấp nhận một người đàn ông ra trận mà trở về lành lặn”. Vậy là Trung úy lại lao ra mặt trận để được bị thương hoặc mãi mãi không về. Kết phim, anh bị bỏ rơi giữa rừng bơ vơ. Không biết sống hay chết, có bị thương hay trở về nữa hay không? Chỉ có giọng dẫn của người con trai ông (chưa biết mặt cha): "Quan trọng nhất là tôi được sinh ra đời".

Bộ phim có một đề tài hấp dẫn. Trước nay, ít đạo diễn nào nói về mặt trái chiến tranh một cách trực diện như vậy. Dường như mọi mặt trái của cuộc chiến tranh được đưa ra một cánh mạnh mẽ nhưng ý nhị. Từ chuyện người ta giành giật hạnh phúc, tình yêu, sự đổi tráo những nhu cầu cho sự sống bằng việc cận kề cái chết là đi mua những thùng lương thực trong kho doanh trại sân bay của Mỹ mà đôi khi, thùng đó chính là bom, là đạn. Hay sự khát khao tình dục bản năng của những người đàn bà sống trong làng mà những người đàn ông ra trận hết sạch v.v và v.v.

Một cảnh chiến trường trong phimđang được đạo diễn chỉ đạo.

Thế nhưng, nhiều khi, việc xây dựng hình ảnh nhân vật đến độ lý tưởng hóa như trong Trung úy khiến người ta có cảm giác hơi khiên cưỡng. Trung úy Hà đã khóc rưng rưng khi Si – pha cởi đồ và trao tấm thân ngà ngọc cho chàng. Và cuối cùng, họ đã thất bại trong lần giao ước đánh đổi đầu tiên. Việc xin mệnh lệnh cấp trên về chuyện làm chuyện ân ái với cô gái để có thể hoàn thành nhiệm vụ; hay một anh chàng thương binh khiến những người đàn bà trong làng giành giật nhau vì thèm khát tình dục có lẽ chẳng phải là chuyện thực sự có trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Đạo diễn Hà Sơn nói rằng nội dung phim là câu chuyện do ông bịa ra. Nhưng bịa như vậy thì cũng hơi quá.

Một trong những điểm có thể nói là chưa được của bộ phim này là kỹ xảo phim không được thật. Những hình ảnh về những cuộc chiến, cảnh bom lửa nơi chiến trường, nơi sân bay (bối cảnh sân bay Cam Ranh – Nha Trang) lộ ngay sự giả dối cũng khiến người xem khó tính không thể hài lòng. Đó là chưa kể các diễn viên xuất hiện trong cảnh chiến tranh khá ngờ nghệch, tham gia một cuộc chiến quan trọng, có ý nghĩa sinh tử mà giống như tập trận giả.

Hơn nữa, một số đoạn thoại của phim xem ra cũng khó chấp nhận. Một cô gái, ở hoàn cảnh ngày chiến tranh, dù là đàn bà cũng khó có thể nói ra câu: “Đúng là đồ đàn ông không có d…”. Để nói được câu này, Quách An An đã phải mất 5 lần quay. Cô nói rằng muốn đạo diễn đổi thoại nhưng ông nhất mực không nghe. Bỗng nhiên, những câu thoại như thế lại làm người ta buồn cười. Và nói xem Trung úy như xem phim hài là bởi ngoài những câu thoại tưng tửng kiểu như vậy thì nhiều cảnh phim cũng không thể khiến người ta có vài trận cười nghiêng ngả. Ví như cảnh Trung úy Hà toát mồ hôi hột khi đứng trước người đàn bà trinh trắng đang dâng hiến cho mình, ví như cảnh những người phụ nữ bắt ép người lính bị thương trở về làng phải làm với họ; ví dụ những đoạn đối thoại của những người đàn bà dân tộc…

Mai Mai trong vai Phương. 

Tuy nhiên, diễn xuất của các diễn viên khá tốt. Thiện Tùng đã đẩy được nhân vật từ chỗ là một chàng trai trong trắng vào trận đến lúc trải qua rất nhiều sự cố và tâm lý nhân vật được đẩy lên cao trào ở nhiều đoạn. Quách An An cũng đã rất chịu khó, chịu rét để hoàn thành vai diễn của mình. Cô đã làm nổi bật lên hình ảnh một sơn nữ không hiểu nhiều chuyện, có phần ngây thơ và ngây ngô nhưng khát khao tình yêu. Diễn viên Mai Mai trong vai Phương, người yêu Trung úy Hà dù mới xuất hiện trong  làng điện ảnh một thời gian ngắn nhưng cũng hoàn thành vai diễn một cô y sỹ nơi chiến trường nồng nhiệt trong tình yêu. Phim cũng thể hiện được cái tôi mới mẻ và trẻ trung của đạo diễn trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam. Sự bạo dạn đưa ra vấn đề và tìm cách giải quyết nó một cách khá ổn.

Số phận của Trung úy, một trong 2 phim truyện của VN tranh giải tại LHP lần này, liệu có được vinh danh hay không còn phải chờ quyết định của một BGK quốc tế. Về chuyện phim ra rạp sau đó, hiện tại vẫn chưa có thông tin chính thức nào.

Gia Vũ
Bình luận
vtcnews.vn