Những hồi tưởng xúc động tại đám tang Y Moan

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 03/10/2010 09:25:00 +07:00

(VTC News) - Người dân buôn Dhă - Lạc Giao cùng ngồi bên nhau xem lại đĩa Trở về buôn làng để như được sống lần nữa cùng Y Moan.

(VTC News) - Phóng viên đã gặp tại đám tang NSND Y Moan những mảnh tâm sự nghẹn ngào xúc động. Người dân tỉnh Đăk Lăk thương tiếc người nghệ sĩ suốt cả cuộc đời mình gắn bó với nghệ thuật âm nhạc dân tộc Tây Nguyên. Còn người dân buôn Dhă - Lạc Giao thì cùng ngồi bên nhau xem lại đĩa Trở về buôn làng để như được sống lần nữa cùng Y Moan.

Ông Ma Đốp - Y Châu Êban, hàng xóm thân thiết với NSND Y Moan, nhớ lại: “Khi còn sống, còn khỏe, mỗi buổi tối Y Moan hay sang nhà tôi uống nước và kể về cuộc sống nghệ thuật của ông. Đối với ông nghệ thuật là tất cả, thế nhưng ngoài tình yêu nghệ thuật ông vẫn luôn quan tâm đến gia đình của mình”.

Chị Hpi, người bà con cùng buôn với NSND Y Moan thì kể: "Ngoài thời gian chơi nhạc cụ, ông thường xuyên đi chơi, nói chuyện cùng bà con trong buôn, dạy các cháu hát những bài hát mang điệu nhạc truyền thống của dân tộc Ê Đê”.

Người dân buôn Dhă - Lạc Giao cùng ngồi bên nhau xem lại đĩa Trở về buôn làng của Y Moan. 
Niềm thương tiếc khôn nguôi đối với một Y Moan tài hoa không chỉ dừng lại ở bà con lối xóm, mà còn lan rộng ra cả những người yêu âm nhạc toàn quốc. Trong ngày viếng thứ hai của đám tang Y Moan, nhiều bạn bè thân hữu ở khắp mọi miền đất nước đã quy tụ về nhà riêng của ông để được thắp nén hương tưởng nhớ. 

Một nhạc sĩ thân thuộc, tâm giao đối với NSND Y Moan Moan là Kpă Y Lăng. Quen nhau từ năm 1977 tại Tây Nguyên, sau khi kết thúc chiến tranh biên giới, hai tâm hồn đồng điệu lại có dịp gặp nhau tai Nha Trang năm 1979, từ đó đến nay họ luôn gắn bó với nhau. Nhạc sĩ Kpă Y Lăng là nhà một nhà nghiên cứu có tầm vóc về văn hóa Tây Nguyên. Ông bộc bạch: “Tây Nguyên mất đi một Y Moan thì mong sẽ còn nhiều Y Moan khác xuất hiện kế nghiệp. Chẳng hạn như Y Gri, Y Vol - 2 con Y Moan… Và còn nhiều Y Moan khác nữa. Y Moan mãi mãi là ngọn cờ đầu trong việc giữ gìn và phát triển nền văn hóa của Tây Nguyên”.

Nhạc sĩ Kpă Y Lăng: "Y Moan mãi mãi là ngọn cờ đầu trong việc giữ gìn và phát triển nền văn hóa của Tây Nguyên”. 
Một ca sĩ ít tuổi nhưng đầy lòng ngưỡng mộ và đam mê chất giọng của NSND Y Moan là Kra Gan Pliu, tâm sự: “Y Moan  mãi mãi sống trong lòng người dân Tây Nguyên. Giọng ca của ông thật thành thục, điêu luyện, luôn thổi cái hồn đại ngàn vào từng câu hát. Chúng tôi là người yêu âm nhac sẽ cố gắng để kế tục và phát triển sự nghiệp của Y Moan".

Nhiều nghệ sĩ, ca sĩ từ Hà Nội, TP.HCM và khắp mọi miền đất nước có dự tính về để vĩnh biệt Y Moan trong 2 ngày tới, đặc biệt là vào ngày chôn cất ông 5/10.

Ca sĩ Kra Gan Pliu đầy lòng ngưỡng mộ và đam mê chất giọng của NSND Y Moan.
Chị Tuyết Nhung, Giảng viên trường Đại học Tây Nguyên, người đã một vài lần gặp và có những ấn tượng sâu sắc với Y Moan, thông qua VTC News gửi một bức thư dài xúc động để tưởng nhớ tới nghệ sĩ. Chúng tôi xin trích đăng một phần thư:

NSND Y Moan Ênuôl, “một giọng ca độc nhất vô nhị” đã về với ông bà tổ tiên, cội nguồn. Anh  không chỉ thành công trên con đường ca hát, mà anh còn hiểu biết sâu sắc về văn hóa Êđê và Tây Nguyên. Khoảng thời gian vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo anh vẫn trăn trở nhiều điều anh chưa thực hiện được với bà con nơi quê cha đất tổ. Trong đó có một điều khiến anh lo lắng là thực trạng văn hóa nhà dài, văn hóa nhà rông, cồng chiêng Tây Nguyên…

Khi Nhà văn Nguyên Ngọc cùng chúng tôi đến thăm, anh vui mừng khôn tả và tâm sự: “Em lo lắng rất nhiều cho Tây Nguyên. Còn nhiều điều em chưa làm được cho người Êđê và cho bà con Tây Nguyên anh Ngọc à! Em tiếc lắm!”. Những giây phút hiếm hoi anh dành cho thầy trò chúng tôi khiến chung tôi rất cảm động. Anh nói say sưa về văn hóa nhà dài, về nhân vật huyền thoại Yă Wăm – Bà tổ của dòng họ Buôn Yă ở Chư Mgar, về luật tục… đã khiến tôi phần nào hiểu được tình cảm của anh dành cho người đồng tộc và các dân tộc Tây Nguyên. Anh động viên tôi khi tôi khóc: “Anh không chết đâu em! Hãy cố gắng làm những gì cho dân tộc mình! Anh sẽ sống và sẽ tiếp tục ca hát cho bà con mình nghe”.
...

Nhớ về Y Moan, chị Tuyết Nhung nhớ mãi "một cái nắm tay thật chặt, thật nồng hậu anh dành cho tôi khi tôi bước chân ra khỏi căn phòng ấm cúng của gia đình anh"... 
Mặc dù NSND Y Moan là tên gọi chính thức đối với khán giả cả nước, nhưng với người Êđê và các dân tộc Tây Nguyên cái tên Y’Bliêo luôn được nhắc đến thường xuyên và trở nên thân thuộc từ những thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay. Sự ra đi của anh chính là sự trở về, một sự khởi nguyên như người Tây Nguyên quan niệm. Những gì anh trăn trở phần nào sẽ được người thân, đồng nghiệp, bà con người Êđê và Tây Nguyên tiếp bước.

Xin cảm ơn anh đã dành những giây phút cuối đời động viên và khuyên nhủ tôi. Một cái nắm tay thật chặt, thật nồng hậu anh dành cho tôi khi tôi bước chân ra khỏi căn phòng ấm cúng của gia đình anh. Tôi biết đó là những khoảnh khắc quý giá nhất giữa người ra đi và người ở lại. Có lẽ tình cảm của anh dành cho người thân, cho tôi và cho tất cả mọi người đã được anh báo ứng trong giấc mơ của tôi trước một ngày khi anh từ biệt cõi hồng trần. Xin được kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của anh! Tôi sẽ mang bức thông điệp của anh đến với người thân, đến với các dân tộc Tây Nguyên, cho sinh viên tôi và cho tất cả mọi người!

Yến Viễn


Bình luận
vtcnews.vn