Bức thư pháp khổng lồ mạ vàng trên nền gỗ quý tự nhiên

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 20/09/2010 04:53:00 +07:00

(VTC News)- Tác phẩm Chiếu dời đô được xem là bức thư pháp mạ vàng trên nền gỗ quý tự nhiên duy nhất, có trọng lượng và kích thước lớn nhất VN hiện nay.

(VTC News) - Bức thư pháp mạ vàng thể hiện bản Chiếu dời đô trên nền gỗ quý tự nhiên với trọng lượng và kích thước lớn nhất VN vừa được ra mắt sáng nay tại Hà Nội. Tác phẩm dài 458cm và rộng 385cm, do CLB Thư pháp - Hiệp hội Làng nghề VN thực hiện.

 

Thiên đô chiếu - Chiếu dời đô do Hoàng đế Lý Thái Tổ viết năm 1010, nguyên bản bằng chữ Hán, không chỉ là tác phẩm chính trị nổi tiếng trong lịch sử nước ta mà còn là một áng văn bất hủ, hết sức cô đọng, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của vị vua sáng lập triều Lý - triều đại mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự chủ vững chắc, dần tiến đến thái bình thịnh trị của nước Việt Nam.


Bức thư pháp khổng lồ mạ vàng nặng 5 tấn. 

Với Thiên đô chiếu, lần đầu tiên vị thế thủ đô của Thăng Long - Hà Nội đã được xác lập: “Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa; Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội, vi vạn thế đế vương chi thượng đô” (Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa; Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời).

 

Công trình nghệ thuật thư pháp mạ vàng gắn trên khung gỗ quý tự nhiên Chiếu dời đô đạt kích thước và trọng lượng khổng lồ với chiều dài - rộng: 458cm x 385cm, tổng trọng lượng gần 5 tấn, được chế tác từ 7 tấn gỗ nguyên khối.

 

Tác phẩm gồm 2 mặt: Mặt trước trình bày nguyên bản chữ Hán Chiếu dời đô, mặt sau là bản dịch phiên âm và bản dịch ra tiếng Việt và tiếng Anh của tác phẩm này.

 

Phần khung của tác phẩm được làm bằng gỗ tự nhiên, phần chữ được các nghệ nhân gò tay với chất liệu là đồng, mạ vàng 9999. Chiều cao mỗi chữ là 10cm, được gắn bằng bulông nghệ thuật bắt chắc chắn trên 12 tấm gỗ hương tự nhiên quý hiếm của Việt Nam. Đặc biệt, phần nền này được tạo thành bằng 12 tấm gỗ hương, tượng trưng cho 12 tháng của bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông; với mong muốn tác phẩm sẽ “thuận” theo sự tuần hoàn của thời gian, để có thể tồn tại vĩnh hằng với vũ trụ.


Hình ảnh phải đúng với họa tiết, hoa văn đời Lý. Và nó được làm trên 12 tấm gỗ hương quý giá, loại gỗ loại một quý hiếm tại VN  


Điều đặc biệt là bức thư pháp độc đáo này lại được thực hiện bởi họa sĩ, nhà điêu khắc Trần Tuy khi ông đang lúc bệnh trọng do tuổi cao, tai biến mạch máu não, tay phải bị liệt và ông quyết tâm vẽ bằng tay trái. Cùng với ông là nghệ nhân chạm khắc Vũ Quý (làng Đồng Kỵ) đã hoàn thành xong bản vẽ mẫu để kịp tiến độ thi công.

 

Phần viết chữ Hán do Lương y, Nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách thực hiện. Cụ Bách năm nay đã 87 tuổi, là một trong hai nhà thư pháp hàng đầu Việt Nam, được quốc tế công nhận. Chiếu dời đô là tác phẩm thư pháp được cụ nghiền ngẫm và thử bút trong nhiều thập niên.

 

Phần gò đồng chữ Hán do Nhà giáo đã nghỉ hưu, nghệ nhân Thế Long, người làng gò đồng Đại Bái huyện Gia Bình - Bắc Ninh thực hiện.

 

Nội dung của Chiếu dời đô được thể hiện bởi 214 chữ đồng mạ vàng 9999 với kích thước và kiểu dáng như đã nói ở trên. 214 chữ vàng biểu trưng cho 214 năm trị vì huy hoàng gia tộc họ Lý. Vì vậy phần thư pháp này đặc biệt quan trọng, là linh hồn của toàn bộ bức Chiếu. Cụ Bách đã thể hiện trên giấy, phần việc không kém khó khăn còn lại là thể hiện chữ trên chất liệu đồng, gò bằng tay mà vẫn thể hiện được đường nét ẩn ý sâu sắc vốn có của chữ Nho. Chỉ bằng những vật dụng thô sơ như chiếc dũa, cái kìm, búa nhỏ, những mảnh đồng thô đã được thổi hồn và trở lên trang trọng linh thiêng. Đó là sự kết tinh của tinh hoa thủ công mỹ nghệ chạm đồng nói riêng trên tổng thể văn hoá làng nghề thủ công mỹ nghệ Kinh Bắc.

 

Riêng phần định vị chữ trên nền 12 tấm gỗ hương cũng mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi việc định vị phải chính xác tuyệt đối, mỗi chữ nho được bắt chặt vào nền gỗ bởi từ 3 đến 5 bulông nghệ thuật. Nghệ nhân Thế Long đã ở tuổi 74 vẫn miệt mài làm việc, bằng tất cả kinh nghiệm và nhiệt huyết, sau 180 ngày công làm việc vất vả, nghệ nhân Long và đồng nghiệp đã hoàn thành phần chữ gò đồng với kết quả thật mỹ mãn, chữ vàng đúng lối, đúng cách, đạt trình độ nghệ thuật thư pháp rất cao.

 

Khi chữ được hoàn thành, việc bắt chữ lên mặt gỗ hương sẽ mất từ 4 đến 5 ngày. Vì vậy tất cả các khâu tổ chức cần phải tính toán kỹ lưỡng để kịp tiến độ cho Đại lễ.

 

Để tác phẩm nghệ thuật thư pháp Chiếu dời đô tồn tại mãi mãi với thời gian, Phần chữ đồng được mạ vàng 9999 trên dây truyền công nghệ hiện đại của Z117 Bộ quốc phòng.

 

Phần khung và bệ gỗ được các nghệ nhân, thợ bậc cao của Đồng Kỵ - Từ Sơn - Bắc Ninh thiết kế và thể hiện. Đây là một phần công việc có khối lượng lớn nhất trong tổng thể công việc thực hiện tác phẩm chiếu dời đô. Quy trình thực hiện diễn ra rất ngặt nghèo và phức tạp.
 

Thục Nhi

Bình luận
vtcnews.vn