Một mình nuôi 2 con sau khi chia tay Thanh Thanh Hiền

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 17/05/2010 06:11:00 +07:00

(VTC News) - Rất nhiều người bất ngờ khi biết tin cặp nghệ sĩ Hoàng Anh Tú và Thanh Thanh Hiền "giữa đường đứt gánh".

(VTC News) - Rất nhiều người bất ngờ khi biết tin cặp nghệ sĩ Hoàng Anh Tú và Thanh Thanh Hiền giữa đường đứt gánh. Có lẽ bởi lâu lắm rồi Thanh Thanh Hiền không lên báo còn nghệ sĩ đàn bầu Hoàng Anh Tú lại không ở cái lĩnh vực được báo chí săn đón hàng ngày.

Tôi hỏi anh, vậy khi đưa chuyện riêng của anh lên báo, anh có phiền lòng không? Anh cười rất buồn, nói nho nhỏ như lạc vào chốn xa xăm nào đó: “Không, chẳng sao cả vì chuyện như các gia đình khác thôi mà, chỉ có điều nó rơi vào gia đình nghệ sĩ thì nhiều người biết thôi”.

Nghệ sỹ đàn bầu Hoàng Anh Tú. 

Phải sống bằng 3-4 lần trước đây

- Anh nuôi cả hai cô con gái nhỏ sau khi chia tay với chị Thanh Thanh Hiền, vậy thời gian qua anh đã làm thế nào để cân bằng cuộc sống?

- Nhìn chung tôi nặng gánh lắm, nặng gánh cả với con, nặng gánh cả với âm nhạc. Hàng ngày, tôi làm gì thì làm chiều đến lúc 4h30 tôi vẫn phải ngồi ở nhà để bọn trẻ đi học về nhìn thấy bố là thấy an tâm, chơi một lúc xong rồi cho chúng lên gác tắm rửa, bác giúp việc lại cho chúng vào học. Con học xong tôi lại lên chơi đùa với con, kiểm tra bài vở trong 15-20 phút xem sao rồi đi xuống, kiểu gì cũng phải có động tác đó.

Thời gian đầu bọn trẻ cũng sốc, nhưng trẻ con nó có một điều kỳ lạ là nhanh nhớ, nhanh phát hiện và nhanh khóc nhưng lại nhanh cười và nhanh thích nghi, nhanh quên, sau này chúng cũng quen. Tôi sợ nhất là nếu chúng đau khổ, chúng buồn thì tôi chết mất. Nhưng ngược lại nhiều khi tôi ngồi tư duy bài vở, mặt mũi có vẻ nỗi niềm, chúng cứ tưởng tôi buồn lại động viên lại bố.

- Thế bây giờ anh có còn buồn?

- Buồn thì không buồn nữa, tôi buồn là giai đoạn phải đưa ra quyết định thôi, lúc ấy nghĩ không biết sau đây mình sẽ sống ra làm sao khi mình mất một người bạn đời, buồn là chuyện đương nhiên. Nhưng khi tôi bắt tay vào làm những việc phải làm, chọn con đường mình đi thì thích nghi được ngay.

- Chia tay, nhất là khi đã có với nhau hai mặt con, ai cũng lo cho con thiệt thòi, còn anh?

- Tất nhiên là có những thiệt thòi nhưng đây là một cái mức đổ vỡ tối thiểu nhất. Để tránh những mất mát thì tôi phải gồng lên để sống, tức là phải sống bằng 3-4 lần trước. Với các con tôi vừa là bố, vừa là mẹ, nó ngã một tí cũng bố, trêu nhau cũng bố, cãi nhau cũng bố, dây nhảy dây của chị tụt 1 bên ống cũng bố… Vừa là bố, vừa là mẹ, là bạn là thầy nữa.

Phần thưởng của chúng là thứ 6 là chúng được ngủ ở phòng tầng dưới với bố, đấy là niềm ao ước với chúng. Ngủ ở đây là được thức khuya này, đứa nào nghịch máy vi tính thì nghịch, đứa nào đánh đàn thì đánh, thích hát thì bố dạy, 1-2h đêm bố gọi đồ ăn đêm về bố con ăn xì xụp, chơi đến sáng mới thôi. Ai buồn ngủ trước là mất tiền, bỏ 1000 đồng ra đây, 3 bố con có lọ tiết kiệm mà.

Nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền trong tiểu phẩm Người ngựa ngựa người diễn cùng danh hài Xuân Hinh. 
- Lâu nay chị Thanh Thanh Hiền là người kín tiếng, ít lên báo, cho nên cũng rất ít người biết sự đổ vỡ của gia đình anh, nói ra chuyện gia đình anh có ngại không?


- Không, chẳng sao cả vì gia đình tôi cũng như các gia đình khác thôi mà, chỉ có điều nó rơi vào gia đình nghệ sĩ thì nhiều người biết thôi, chứ nhiều gia đình ở xung quanh làng xóm ngành nghề khác người ta cũng bỏ nhau, khi sống với nhau không còn hợp nữa thì đành vậy. Chỉ có điều mình mang tội nhất, không thể sửa sai được đó là các con mình thiệt thòi.

Tôi cố gắng sống tránh làm sao để các con không bị mất mát nhất, cố gắng sống thổi hồn vào từng góc nhà, mọi thứ để các con nó hưởng, để nó không cảm thấy bị mất đi một gia đình. Các con đi học về, gia đình tôi vẫn có bữa cơm đầm ấm, bố ngồi đó ăn, vui đùa với các con, chăm lo cho nó, nó cũng cảm thấy có một chỗ để nương nhờ, có một mái ấm gia đình, có bố, có bác giúp việc, chỉ có mẹ nó là đi vắng thôi. Thỉnh thoảng mẹ nó vẫn về, tôi vẫn tạo điều kiện để mẹ con gặp nhau, vui đùa với nhau. Nói chung là tôi tránh sự đau thương nhất, nếu vợ chồng đánh nhau bẽ bét, cãi nhau không ra gì mà đằng nào cũng chia tay thì dở nên chúng tôi cố gắng làm sao chia tay văn hóa nhất, làm sao vẫn còn sự tôn trọng nhau giữa hai bên và cả gia đình, khi ấy các con nhìn vào còn thấy nhiều thứ tốt đẹp. Chặng đường phía trước mặt tôi còn dài lắm.

Không muốn biến con mình thành "thần đồng"

- Dự án biểu diễn đàn bầu ở nhà Bát Giác khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ vào tối thứ 3, thứ 5 hàng tuần để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long ban đầu còn có sự tham gia của cô con gái nhỏ của anh, nhưng sau đó lại không thấy bé nữa, vì sao thế?

- Cô bé đang 7 tuổi, tên là Tấm, Thanh Thanh Tấm, tôi gọi Tấm cho dễ nuôi chứ tên thật của cháu là Phương, con gái đầu đang học lớp 5 là Nhím, tên thật là Linh. Tấm đang diễn ở đó rất xôm thì ốm, ông bà xót, lại rơi vào thứ 3 và 5, ngày hôm sau nó lại đi học, tối diễn về "chị" chả học gì cả nên học kém đi, ông bà mượn cớ đó cho nghỉ luôn, nghỉ hát thì học lại lên thật. Tấm là cô bé cảm thụ âm nhạc rất tốt.

Nghệ sỹ Hoàng Anh Tú biểu diễn cùng con gái tại Nhà Bát giác - vườn hoa Lý Thái Tổ - HN. 
- Nghe nói Tấm có khá nhiều đĩa nhạc riêng, hát các ca khúc dân ca, có thể nói nếu anh muốn thì có thể đẩy hình ảnh của em lên thành ngôi sao nhạc nhí, tại sao anh không quảng bá hình ảnh của con?


- Không, tôi không cho quảng bá, nếu tôi quảng bá sớm thì ảnh hưởng cuộc sống của nó.

Với lại trong giai đoạn vừa rồi, cuộc sống của tôi có biến cố, vợ chồng tôi chia tay, tôi sửa sang nhà cửa, thành lập công ty, làm được chương trình ở nhà Bát Giác, tập luyện ngày đêm để có ổn định kinh tế nuôi các con nên cũng không có điều kiện quảng bá. Tôi cũng sợ con mình nếu PR cho nó, không đúng thực chất, rất nguy hiểm, như Xuân Mai không phát triển được nữa thì cũng dở. Tôi muốn con mình hát dân gian và ngấm cái mạch dân gian đó chứ không phải hát những bài trẻ con, dựa vào trẻ con để nổi tiếng.

Cũng nhiều người bảo tôi tại sao không cho nó thi Đồ Rê Mí, tôi bảo ối giời ơi, đi thi thì tôi cũng phải đi, thời gian đâu, trong cái hoàn cảnh này mấy bố con chăm lo cho nhau đã hết ngày rồi; vả lại đi thi thì còn đâu thời gian đi đánh đàn kiếm ăn nữa. Tôi đang xây dựng phòng thu, tôi muốn con vừa đi học vừa có thể học nhạc ngay tại nhà. Con mình thấy bố rồi các cô chú thu thanh thì sẽ nắm bắt rất nhanh. Phòng thu thanh chính là phòng học cao cấp cho một ca sĩ rồi.

- Thế còn cô con gái cả?

- Cô bé cũng thích nhưng không có khả năng âm nhạc như cô em, nhưng tôi cũng hướng nó theo âm nhạc. Nhà tôi giờ có phòng thu, nay mai con bấm nháy, mix băng cũng là một nghề.

Mơ một liveshow đàn bầu

- Một chút về dự án đàn bầu ở nhà Bát Giác của anh?

- Tôi bắt đầu biểu diễn đàn bầu ở nhà Bát Giác từ cuối năm ngoái, dự án kéo dài đến hết tháng 10/2010. Ước mong của tôi là muốn đưa việc chơi đàn ở đây thành một nét văn hóa đẹp của người Hà Nội.

- Được biết đó là dự án do công ty của anh thực hiện, hỏi thật anh, anh xin được dự án này có khó không?

- Không khó vì tôi xin vào đúng chỗ trống, lại là điều mà Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch đang cần. Ban đầu tôi định xin biểu diễn ở chỗ tượng đài Cảm Tử cơ, nhưng may mắn có một chị tài vụ của Sở góp ý kiến bảo diễn ở đó hơi ồn, nếu tắc đường dễ bị đuổi lắm, có khi ra chỗ nhà Bát Giác lại đẹp. Bỗng dưng nhà Bát Giác lại trở thành chỗ lý tưởng. Đàn bầu trong cuộc sống bây giờ cũng bị lãng quên nhiều, ra ngoài trời biểu diễn mình khoe được tiếng đàn với giới trẻ, giới trẻ bây giờ ít biết về đàn bầu, khi tôi làm ở nhà Bát Giác họ tò mò lắm. Người trẻ của mình đi nước ngoài đây đó mà không biết cội nguồn cái đàn như thế nào trong khi Tây thì họ lại biết.

- Anh có thấy buồn vì điều đó?

- Giới trẻ cũng chẳng có tội lỗi gì với cuộc sống thế này, con mình cũng học suốt như thế, khi giải trí thì chơi game chứ ai biết đến đàn bầu. Lỗi do mình, mình chưa cập nhật, quảng bá được, mình hay mình tốt thì họ sẽ biết thôi. Tôi đang cố gắng tìm trên mạng, học hỏi hàng ngày để làm sao tìm được ngôn ngữ của thời đại bây giờ. Tôi phải nghiên cứu làm sao để họ thích dạng nhạc đó, đàn bầu thể hiện được tất cả những ngôn ngữ nhạc của thế giới nên. Bây giờ, đêm nào tôi cũng tập luyện, cứ 2-3h sáng lại tỉnh dậy tập, cốt để làm sao giữ chân khách. Làm sao để một bà đi tập thể dục qua đứng lại xem mà đứng mãi không về thì là thành công mà xem một lát về ngay coi như thất bại. Người Tây nói một câu rất giản dị là cái hay từ trong nhà đi ra, mình đánh đàn làm sao thu hút được ngay từ hàng xóm của mình, còn cứ đi Pháp, Mỹ về làm báo ầm lên nhưng ở nhà cất đàn đầy mạng nhện thì dở, phải làm sao thuyết phục được dân Hà Nội mình là quan trọng.

- Sau dự án chơi đàn bầu ở nhà bát giác này, anh có dự án nào tiếp theo không?

- Giờ tôi phải đi làm kiếm tiền nuôi con, tôi làm nhiều việc lắm, nào phối khí, sáng tác, làm nhạc cho sân khấu, vừa rồi sáng tác nhạc mở màn cho festival Huế, phối nhạc cho các ca sĩ cần phần đệm. Giờ tôi mơ ước được làm liveshow, nơi mà cây độc huyền cầm có thể làm được đủ cung bậc, đủ giai điệu khiến khán giả không thể chán được, liveshow ấy sẽ là cầu nối để khán giả trẻ biết đến độc huyền cầm thật rộng rãi và tự hào về nó.

Nam Phong
(thực hiện) 

Bình luận
vtcnews.vn