100 ngày học việc của một Phó Chủ tịch-Facebooker

Bạn đọcThứ Tư, 10/09/2014 01:56:00 +07:00

'Facebooker' Bạch Ngọc Chiến từ VTV4 về Nam Định, sau 100 ngày học việc, lời ông tâm sự được đưa lên facebook chứa đầy hình ảnh từ quá khứ đến hiện tại.

'Facebooker' Bạch Ngọc Chiến từ VTV4 về Nam Định, sau 100 ngày học việc, lời ông tâm sự được đưa lên facebook chứa đầy hình ảnh từ quá khứ đến hiện tại.

Đến hôm nay, tôi về Nam Định tròn 100 ngày. Xin báo cáo với anh em bạn bè một số việc đã làm và chia sẻ một số quan điểm về công việc với các bạn, nhất là các bạn trẻ hơn.

Từ ngày mới về đến nay, nhiều lần nhận được tin nhắn và điện thoại của một bác hỏi “anh có dám chống tham nhũng không?” Tôi trả lời “Tôi về đây với mục đích xây hơn là chống”. Tôi cũng muốn bác ấy và các bà con khác hiểu rằng tôi chẳng ưa gì cái thứ hắc lào ấy, nhưng với chức phận và mong muốn cá nhân, tôi muốn cái hay, cái mới, cái tươi đẹp sẽ đến lúc cuốn phăng đi cái dở, cái cũ và cái xấu.

Để giúp cái hay phát triển, tôi đang tiến hành thực hiện e-gov và cải cách hành chính. Với những gì đang và sẽ có trong chính phủ điện tử, nhiều quá trình, quy trình sẽ được minh bạch hoá, hạn chế và tiến tới xoá bỏ những thói nhũng nhiễu hay hạch sách (dù là vô tình hay hữu ý).
Trụ sở UBND tỉnh Nam Định

Cũng xin nói thêm là, lương của tôi và cán bộ của tôi khá nhỏ bé so với nhu cầu của cuộc sống hiện tại. Tôi đã có lương khô và ý chí kiên định cho tương lai nên có thể giữ mình và công tâm. Nhưng tôi cũng rất thương cảm với các đồng nghiệp và cán bộ cấp dưới về vấn đề lương thấp.

 Người liêm chính thì giữ mình, người khác thì thí mình. Biết làm sao được. Nhưng tôi cũng muốn chia sẻ chuyện riêng tư. Đó là khi vào Bộ Ngoại giao, thu nhập của tôi đang từ gần 1000 đô la Mỹ tức khoảng 11 triệu đồng VN vào thời điểm 1996 đã rơi xuống còn 25 đô la, tức là mức 85% của lương bậc 1, của 400.000 đồng. Tôi được hai người em trai cho thêm tiền tiêu nhưng từ khi lập gia đình, tôi đi dạy thêm sau giờ làm việc và dịch viết vào đêm khuya. Nhờ thế, vợ chồng tôi cũng đủ sống.

Nhiều người nói với tôi cả ngoài đời và trên FB rằng Nam Định không có chính sách tốt nên người tài đi hết. Điều đó ít nhiều làm tổn thương những người ở lại, trong đó có tôi. Chí ít, nếu không có người có tâm và có tầm thì làm sao hàng năm Nam Định có thể cống hiến cho đất nước 15.000 thanh niên ưu tú vào các trường đại học.

Nếu nói đó là công lao của đội ngũ giáo viên và các nhà làm giáo dục thì không sai nhưng nếu lãnh đạo và các gia đình Nam Định không tâm huyết và đầu tư thì không thể có kết quả đó được. Từ nhiều năm nay, Nam Định không có doanh nghiệp FDI đình đám nào nhưng vẫn duy trì được một sự phát triển bền vững và khá ổn định.

Chính sách nào cũng có độ trễ. Do đó, cấp trên, đồng nghiệp và cán bộ của tôi đang làm rất nhiều việc như kiểu “ông trồng, cháu ăn”. Vòng đời của rau là 1 tháng, của lợn là 1 năm và các sản phẩm khác còn lâu hơn. Chúng tôi đang trồng 5 cây (lúa, lạc, đậu, ngô, khoai tây) và 4 con (gà, lợn, ngao, tôm) và một số thứ không được tính là cây hay con. Bà con muốn thứ nào thì đợi theo chu kỳ đấy nhé.

Khi mới về, tôi nhớ công việc cũ vô cùng và bây giờ cũng thế. Nhưng đến nay, tôi hiểu cuộc sống rất đa dạng, đất nước ta rất rộng lớn và có rất nhiều việc (thú vị) để làm.

100 ngày qua, tôi đã trải qua nhiều việc: thăm hỏi đối tượng chính sách nhân ngày 27/7, chống bão với nhân dân Nghĩa Hưng, khai giảng năm học mới, đón Trung Thu với thiếu nhi, họp hàng trăm cuộc với các cơ quan khác nhau, phải kết luận hoặc cho ý kiến về những việc mà chỉ vài tháng trước không hề có khái niệm. Chỉ còn một việc chưa làm là tiếp công dân (chủ yếu là khiếu kiện) và sẽ làm trong thời gian tới.

Qua những việc đã làm mới thấy thông cảm với những người làm cán bộ. Trước đây, với tư cách nhà báo và phụ trách một cơ quan báo chí, tôi có thái độ khác. Có thể các bạn thấy lãnh đạo đi xe ô-tô biển xanh, ăn mặc bảnh bao, phát biểu ào ào. Đằng sau những thứ đó là thiên hình vạn trạng của cuộc sống dội lên đầu.

Chúng tôi cũng chỉ ăn ngày 3 bữa. Cá nhân tôi chỉ mong không được mời đi ăn để đỡ phải uống vì ép rượu là điều tôi ghét nhất và vì tôi coi đó là một thứ lạc hậu. Nhưng không đi tiếp khách thì ăn một mình với cà-mèn 3 ngăn (cơm, rau/canh, thịt/cá).

Các anh khác thì về muộn và vợ đợi cơm đến 8-9h tối là thường xuyên. Nếu không tiếp khách, đi họp và với việc tin học hoá giải quyết công việc, có ngày tôi ở một mình trong phòng làm việc gần đủ 24h. Dù NAM ĐỊNH không náo nhiệt như các tỉnh thành khác, nhưng các đầu việc thì không ít hơn, có việc phức tạp hơn.

Cá nhân tôi xác định tôi đi làm việc và học việc. Học việc vì những gì tôi trải qua chưa đủ. Làm việc vì tôi phải trả ơn cho tất cả những ai làm cho tôi nên người như bây giờ, đặc biệt là những người đóng thuế trả tiền cho các “đặc ân” tôi đang được hưởng và những người phải tôn trọng những quyết định do chức danh của tôi quy định.

Khi còn làm hướng dẫn du lịch cách đây gần 20 năm, giờ phút nhiều cảm xúc nhất là tiễn khách tại sân bay. Khách du lịch trước khi vào phòng lên máy bay thường bắt tay tôi và nói “thank you” và trong cái bắt tay đó hoặc là mấy chục đô la vê tròn hoặc là cái bắt tay chiếu lệ. Người hài lòng thường cho tiển tip vào cái phong bì, lần nhiều nhất là 500 đô la.

Những người không hài lòng không những không cho tiền tip mà còn viết nhận xét nặng nề, thậm chí yêu cầu công ty đuổi việc. Giờ đây, tôi nói với cán bộ trẻ của tôi là chúng ta là người phục vụ. Nếu người thụ hưởng dịch vụ (nhân dân và doanh nghiệp) hài lòng, họ sẽ tip. Tip của dân là lời khen. Tip của doanh nghiệp là quà. Nếu họ không hài lòng, họ có thể làm chúng ta mất việc. Điều đó chắc sẽ đúng mãi.

Những việc đã làm


Tôi được phân công làm du lịch, văn hoá, thể thao, thông tin, truyền thông, truyền hình, khoa học công nghệ, chính phủ điện tử, xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, nâng cao PCI.

Tất cả những việc này, tôi đều đã bắt tay vào làm ráo riết nhưng chắc chắn chỉ có mảng phát thanh truyền hình là nhìn thấy được kết quả vào đầu năm 2015 vì Tổng Giám đốc THVN Trần Bình Minh đã tặng cho tỉnh cột phát sóng cao 160 mét để phát thanh và truyền hình đến được 5 tỉnh xung quanh vào đầu 2015 như món “hồi môn” cho tôi khi về tỉnh.

VTV và hàng loạt cơ quan truyền hình, phát thanh trong cả nước sẽ tặng hoặc “bán rẻ” cho Đài PTTH Nam Định các chương trình hay mà họ đầu tư nhiều công sức và tiền của để Đài PTTH tỉnh có thể phát sóng 24/24 từ năm sau.

Về cải cách hành chính, bước đột phá đầu tiên là giao việc qua email thay cho bút phê vào công văn, giấy tờ. Tiếp theo sẽ là văn phòng điện tử, tiếp theo nữa là một cửa liên thông điện tử.

Về du lịch, chắc là đến giữa sang năm sẽ có khách nước ngoài, chủ yếu là Nhật đến thăm NAM ĐỊNH theo các tour do một công ty lữ hành inbound nổi tiếng tổ chức sau một số buổi làm việc và khảo sát thực tế.

Về xúc tiến đầu tư, nhờ sự bão hoà của các tỉnh xung quanh Hà Nội, sự chuyển trục của các “ông lớn” trong khu vực và thế giới, đang rục rịch có làn sóng đầu tư nước ngoài vào Nam Định. Nhưng đáng mừng và mong chờ nhất là một số công ty công nghệ thông tin nội địa. Cám ơn các anh đã nghe phần nào “lời rao hàng” của tôi và các đồng nghiệp.

Còn khá nhiều điều muốn báo cáo, nhưng sợ bạn bè buồn ngủ nên chỉ xin chốt lại mấy điều:

Một là nếu ai thấy có cơ hội giúp Nam Định của tôi về bất cứ lĩnh vực gì thì cho tôi biết.

Hai là mong các bạn hãy nhìn Nam Định một cách tích cực vì khi không thể chữa được ngay hắc lào vì thiếu thuốc đặc trị thì hãy không mặc quần áo ẩm và bẩn.

Dần dần, tôi sẽ khai tiếp.

Theo PLO
Bình luận
vtcnews.vn