10 vụ sập cao ốc kinh hoàng mọi thời đại

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 12/11/2012 06:25:00 +07:00

(VTC News) - 10 giây trước, có thể chúng vẫn là niềm tự hào lớn sừng sững giữa đô thị. 10 giây sau, chúng chỉ còn là đống đổ nát chỉ vì những lý do trời ơi.

(VTC News) - Thời bom đạn chiến tranh, đã có biết bao nhiêu công trình kiến trúc bị hủy diệt chỉ trong chớp mắt. Thế giới hiện đại ít mùi thuốc súng, nhưng vẫn có những tòa nhà cao tầng đổ sập đến chóng vánh. 10 giây trước, có thể chúng vẫn là niềm tự hào lớn sừng sững giữa đô thị. 10 giây sau, chúng chỉ còn là đống đổ nát chỉ vì những lý do trời ơi đất hỡi!

Tòa tháp Ronan Point, thành phố London, Anh

Đông Luân Đôn, ngày 16/5/1968, tòa nhà Ronan Point to lớn với 22 tầng đã bị đốn gục bởi một... que diêm.

Ivy Hodge, người phụ nữ sống ở tầng 28, dậy khá sớm để pha trà. Khi cô bật lò, lửa từ que diêm bùng lên thành một vụ nổ ga. Hơi ga bùng mạnh qua các khe nứt trên tường khiến Ivy Hodge bị ấn mạnh xuống sàn. Tường bắt đầu vỡ thành từng mảnh vì nó không có bất cứ trụ đỡ nào. Tiếp đó, từng cái một hàng ngang, thi nhau đổ nhào xuống, giống như hàng dài quân cờ Đô mi nô rơi không điểm dừng, cho đến khi cả một góc của tòa nhà gãy vụn.

 
Thực tế, tòa nhà Ronan Point này vừa mới được chính thức hoàn thành ngày 11/5/1968, tức 5 ngày trước vụ sập kinh hoàng. Khi Ronan Point đổ nhào, đã có 260 người đăng kí sống ở đây. Nhưng chỉ có 4 người chết và 17 người bị thương.

Dù mới được xây lại và hàn gắn lại các mối nối, niềm tin của công chúng dành cho các tòa nhà cao tầng đã bị đả kích nặng nề. Giống như Ronan Point, có rất nhiều tòa nhà được xây lên rất cao, rất đẹp. Nhưng cuối cùng lại bị dỡ bỏ để dành chỗ cho các hạng mục thấp khác với lý do nguy hiểm.

Tháp Highland ở Selangor, Malaysia

1:35 chiều ngày 11/12/1993, theo lời các nhân chứng kể lại, tòa tháp Highland đổ chậm dần xuống trong nín lặng.

Tòa tháp Highland được xây rất kì công, với 12 tòa nhà dựng trên ngọn đồi dốc ngay phía ngoài rìa thủ phủ của Malaysia, Kuala Lumpur. Tuy nhiên, tòa tháp này lại không chú trọng đầu tư và bảo vệ hệ thống thoát nước cũng như số gạch đá còn thừa.

Tình hình trở nên nguy hiểm hơn khi có một công ty khác cũng đặt móng dựng nhà trên đỉnh đồi. Mảnh đất này bắt đầu bị xói mòn, một số ống thoát nước còn bị tắc.
 
Trận mưa dài 10 ngày đã khiến đường ống nước chịu áp lực rất lớn. Nhiều nhánh ở trên đồi, các ống đã bị vỡ, lượng nước ngấm trong đất chạm mốc nguy hiểm. Cuối cùng, trận lở đất đổ xuống chỗ những công trình còn bỏ dở. Kéo theo đó là 100.000 mét khối bùn. Ngần ấy lao xuống Tầng 1 của tòa nhà, làm nơi này dịch chuyển, rồi sau đó đổ nhào xuống.

Ngày đầu tiên của vụ lở, cơ quan chức năng cứu được 3 người khỏi đống đổ nát. Cuộc tìm kiếm người còn sống suốt 12 ngày sau đó không đem lại kết quả gì. Đã có 48 người, cả người bản địa và người nước ngoài, bị xác nhận là thiệt mạng.

Một tháng trước khi xảy ra sự cố, một vài người dân đã để ý đến những vết rạn nứt xung quanh tháp Highland, nhưng đáng tiếc, không có cơ quan chức năng nào ra mặt.

Tòa nhà Delhi, ở New Delhi, Ấn Độ

15/12/2010, cơn mưa lớn đầu mùa và áp lực từ sông đã khiến công trình xây dựng qua loa trên đất New Delhi bị sụp đổ. Có tới 67 người đã chết và 150 người bị thương từ vụ sập đáng sợ.

Tòa cao ốc là nơi cư trú của 400 công nhân nhập cư từ những vùng nông thôn hẻo lánh của phía đông Ấn Độ. Phần lớn những con người tội nghiệp này không có tiền chi trả cho chi phí sống trung bình. Vậy nên, họ đã phải chấp nhận ở những khu nhà đông đúc và xuống cấp.
 
65 người sống ở tòa nhà này đã phải trả cái giá quá đắt, cái giá bằng mạng sống của chính họ. Không một lời cảnh báo, 8 giờ tối, tòa nhà đã đổ sập. Nhân viên cứu hộ đã phải dùng nhiều chó nghiệp vụ, thậm chí cả mũi khoan, để cố thấy người sống sốt trong đống đổ nát.

Plaza Skyline, Virginia, Mỹ

2/3/1973, bi kịch đã đến với plaza Skyline xa xỉ trên giao lộ giữa Bailey và Virginia. Một trong số những căn hộ của tòa tháp đổ xuống, để lại đống đổ nát và bụi khói mịt mờ. Trên thực tế, tòa nhà này đến tháng 8 tới mới được hoàn thành.
 
Việc thiết kế không có vấn đề gì. Tuy nhên, trụ đỡ cho các cột bê tông bảo vệ tầng 22 lại bị gỡ ra quá sớm, trong khi bê tông vẫn chưa khô hoàn toàn và nó hoàn toàn không thể đỡ được sức nặng của 24 tầng.
Chính bởi vậy, các cột còn lại ở tầng 23 phải chịu áp lực quá lớn, đến nỗi cả tầng đã bị ép xuống, rồi sập xuống tầng dưới. Công trình Plaza Skyline thì chưa được tính toán để chống đỡ lại khối lượng lớn như vậy. Thật là một thảm họa. Khi từng tầng một kéo nhau rơi xuống.

Con số thương vong trong tai nạn là 14, bị thương là 34 công nhân xây dựng.

Khách sạn Hoàng gia plaza, Nakhon Ratchasima, Thái Lan

13/8/1993, khoảng 10 giờ sáng, khách sạn Hoàng gia Plaza huy hoàng một thời đã đổ sập xuống chỉ trong chưa đến 10 giây! Trung bình 1,6 tích tắc rơi 1 tầng! Thật kinh hoàng, 137 nạn nhân đã tử vong và hơn 227 người bị thương.

Theo lời đội cứu hộ, họ đã gần như tìm kiếm suốt một thời gian dài trong vô vọng! May mắn là có những người sống sót đã cố gọi điện ra ngoài cầu cứu.
 

Lúc khách sạn đổ sập cũng là lúc đang diễn ra một vài buổi hội thảo, với những giảng viên lớn. Buổi mít tinh của 1 công ty dầu hỏa còn có đến hơn 100 người tham dự.

Cảnh sát đã bắt giữ chủ khách sạn, kiến trúc sư và kĩ sư của khách sạn Hoàng gia plaza. Có nhiều cáo buộc cho rằng, ngay từ khi xây dựng năm 1990, công trình này đã không được tính toán đầy đủ và chính xác. Lượng nước khổng lồ ứ đọng trên mái khách sạn cũng là một trong những nguyên cớ của sự sụp đổ lần này.

Khu tập thể Lotus, Thượng Hải, Trung Quốc

27/6/2009, gần như nguyên vẹn cả tầng 7 của khu tập thể 13 tầng Lotus bổ nhào xuống đất. Công trình kiến trúc này thực ra chưa được khánh thành, và phần lớn các công nhân nhanh chóng rút khỏi tòa nhà khi nhận thấy nguy hiểm. Chỉ có duy nhất một người đàn ông thiệt mạng. Vì khi đó, ông đang cố gắng thu lượm dụng cụ của mình.
 
Tầng 7 vừa được cho thuê chỉ một ngày sau khi khu vực ven sông bị sập. Vùng đất này lúc đó đã rất yếu, đất sạt lở khá nhiều. Các công nhân làm việc ngày đêm nhưng bất lực. Cư dân trong vùng kể lại rằng, họ thấy có gì đó giống như là động đất. Khi chạy ra ngoài, họ đã thấy công trình to lớn ngã nhoài với la liệt trụ đỡ.

Thực tế, công ty này đã hoạt động bất hợp pháp trong suốt 5 năm trời. Điều này dấy lên những lo ngại đáng sợ cho ngành xây dựng ở Trung Quốc.

Khách sạn Tân thế giới, Singapore

15/3/1986, chỉ trong chưa đến 1 phút, khách sạn Tân thế giới đã bị đổ sập. Một khách sạn, một ngân hàng và 1 hộp đêm ở tòa nhà đều trở thành một đống gạch đá đổ nát, chôn sống 50 người dân vô tội. Từ sau Thế chiến 2, đây là thảm họa tồi tệ nhất mà Đảo quốc sư tử phải đối mặt. Điều này làm chấn động cả quốc gia.
 
Ngay lập tức, công cuộc tìm kiếm và giải cứu người sống sót nhanh chóng được tiến hành. Trong suốt 7 ngày, họ đã nỗ lực làm việc cùng sự viện trợ của nhiều kĩ sư và chuyên viên nước ngoài.

Qua điều tra gắt gao, các chuyên viên phát hiện ra sai lầm trầm trọng ngay trong bản thiết kế của tòa nhà. Những công trình được xây đã vượt quá sức chứa và sức nặng có thể chịu được của tòa nhà. Nhưng nó vẫn được tiến hành thi công và sử dụng.

Cao ốc Rio, Brazil

26/1/2012, cao ốc 20 tầng ở Rio De Janeiro, Brazil đột nhiên sập xuống. Tòa cao tầng chọc trời ngã nhào vào một tòa nhà 10 tầng, một khu nhà 3 tầng và trở thành một đống gạch vụn khổng lồ. Bụi khói mịt mờ khắp cả khu phố của quảng trường, cướp sinh mạng của ít nhất 17 người.
 
Nếu như sự cố kinh hoàng này xảy ra sớm hơn một hai tiếng, nó chắc chắn sẽ trở thành đại thảm họa. Nhưng cũng may mắn, nhà dân và một số công trình kiến trúc quan trọng khác đã được di dời trước đó.

Chính quyền thành phố cho rằng, chính sự thi công bát nháo đã khiến cao ốc 22 tầng yếu đi và kéo theo sự đổ sụp của hai tòa nhà bên cạnh. Vì sự việc này, chính quyền Brazil đã phải có một cuộc cải tổ lại bộ máy giám sát việc xây dựng thi công, ngay trước thềm World Cup 2014.

Cửa hàng bách hóa Sampoong, Seoul, Hàn Quốc


29/6/1995, trong chớp mắt, cửa hàng bách hóa tổng hợp Sampoong lật nhào xuống đất, giết chết 502 người dân vô tội, làm 937 người bị thương. Trong lịch sử Hàn Quốc chưa bao giờ có vụ thảm kịch nào dữ dội như thế!

Sự làm ngơ và cẩu thả trong các công trình đại chúng của chính quyền chính là tội đồ lớn nhất cho thảm họa này. Đáng lẽ ra, những hiểm họa này phải được tính toán trừ trước. Chủ tòa nhà, ông Lee Joon đã biến tòa nhà này thành cửa hàng bách hóa, khi đang xây dở nó giống như một cơ quan.
 

Để lắp đặt cầu thang máy, một số cột trụ quan trọng đã bị gỡ ra. Khi các đối tác phản đối việc xây dựng lại tòa nhà giống như cửa hàng bách hóa, Lee Joon đã đuổi việc họ và tự cho thuê công ty của mình. Joon cũng tự thêm tầng 15 cho tòa nhà và tiếp tục cho thuê.

Sức nặng của hàng loạt điều hòa được lắp thêm trên mái cũng góp phần kết liễu tòa nhà này. Tồi tệ hơn, cao ốc vốn dĩ được xây chỉ toàn bằng bê tông kém chất lượng, và chỉ có 8 trên 16 cột sắt cần thiết.

Tháng 4 năm 1995, đã phát hiện nhiều lỗ hổng lớn, nhưng không có ai đứng ra giải quyết. Các vết nứt ngày càng banh rộng theo cấp số nhân, nhất là trong ngày thảm họa xảy ra. Đáng tiếc, những người có chức trách vì không muốn chi tiền, đã gạt bỏ việc sơ tán mọi người ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong khi chính họ đã thoát trước để phòng thân.

7 phút trước khi đổ sập, tòa nhà bắt đầu rung chuyển và nứt dần mòn. Nhiều nhân viên cũng nhận thấy điều gì đó không ổn. Nhưng tất cả đã quá trễ, 1.500 người đã bị mắc kẹt.

Tòa tháp đôi, thành phố New York, Mỹ

Chắc chắn vết đen khủng khiếp nhất trong lịch sử ngành xây dựng thuộc về vụ 2 phi cơ Boeing đâm vào làm sập Trung tâm thương mại thế giới, 11/9/2001. Tòa tháp đôi được xây dựng cùng rất nhiều sắt dạng nhẹ bọc quanh lõi trung tâm, theo hình vỏ trứng. Nói cách khác, nếu như một cột đổ, các cột còn lại sẽ đổ theo.

Mỗi tòa nhà trong tháp được thiết kế với trọng tải 500.000 tấn. Sức nặng của động cơ phản lực còn gần như tương đương với chu vi của cột tháp. Vấn đề thực sự nằm ở chỗ, 90.000 ga lông của nhiên liệu bị cháy đã tạo nên một đám cháy đen khổng lồ một góc trời New York. Chỉ mỗi đám cháy không thể phá hủy các trụ đỡ đắt của tòa nhà, nhưng cũng đã làm chúng yếu đi.
 
Mặc dù bị suy giảm đến 50% sức nặng bởi đám cháy quái ác, các cột tháp vẫn làm tốt được nhiệm vụ của mình. Vấn đề thực sự nằm ở chỗ, nhiệt độ bất thường của đám cháy đã khiến sắp thép một góc của tòa tháp bị hao mòn. Áp lực dồn vào quá nhiều, từng tầng một oằn lại, rồi lại bắt đầu hiệu ứng đổ sập, từng tầng một từng chỗ một đè lên nhau rồi đổ.

Mỗi tháp nặng đến 500.000 tấn. Nhưng cũng chỉ mất 10 giây để tòa tháp đôi cao nhất thế giới đổ quỵ. Mặc dù không có lỗi kĩ thuật nào trong thiết kế của tòa tháp đôi nổi tiếng, các kiến trúc sư vẫn luôn cố gắng nghiên cứu tỉ mẩn vụ sập đổ này.

Pơng Ng

Bình luận
vtcnews.vn