10 năm ròng nhịn ăn để tuyên chiến với ung thư phổi

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 22/05/2015 06:40:00 +07:00

Tôi cứ thấy nóng nảy lan khắp toàn thân như rôm đốt, nước mũi tràn lan, hơi thở hôi thối, nổi mẩn ngứa ngoài da… Sau 4 ngày cơ thể tự dưng lại cảm thấy dễ chịu

(VTC News) - Tôi thấy nóng toàn thân như rôm đốt, nước mũi tràn ra, hơi thở hôi thối, nhức xương và các khớp, lúc nào cũng có cảm giác buồn nôn…


Kỳ 6: Chiến thắng ung thư phổi bằng phương pháp thực dưỡng

Nhắc lại thời điểm 3 ngày không ăn không uống, ông Vũ Văn Đãng (Khu 8, thị trấn Thanh Thủy, Phú Thọ) tưởng như mình đã cầm chắc cái chết trong tay, thì bỗng dưng lại ngồi dậy được và biết vẫn còn sống. Ông Đãng bảo, lúc đó có lẽ vì đói quá, những cơn đau trong người lại giảm bớt, nên mới tỉnh.

Ngồi trên giường ú ớ được một lúc, người nhà cầm tô cháo đút vội, ông Đãng ăn liền 2 bát, uống thêm 1 cốc sữa và cảm thấy cực kỳ khoan khoái trong người. Ông bảo anh con trai đỡ dậy ra trước cửa ngắm ánh bình minh. Tuy nhiên, cũng chỉ được hơn tiếng đồng hồ, cơn đau lại ập đến, đầu óc choáng váng, ông quằn quại nôn thốc nôn tháo tất cả những gì vừa mới nạp vào cơ thể. 

Lần này, cơn đau có vẻ nhân lên gấp bội, nên mãi đến chiều ông Đãng mới dám uống một ngụm nước nhỏ cho đỡ cơn khát cháy trong cổ họng, rồi lại kiệt sức thiếp đi.

Gần sáng hôm sau, khi mọi người trong nhà đã quá mệt mỏi và ngủ thiếp đi, ông lại tỉnh dậy. Tự nhiên, tâm trí linh động khi nghĩ đến tình trạng mới trải qua, ông Đãng chợt nhớ lại, trước cũng đã từng có một bác sĩ khuyên ông nên điều trị bằng phương pháp thực dưỡng, nói ngắn gọn là nhịn ăn đến mức tối thiểu. Lúc đó, ông còn buồn cười, bởi nghĩ không ăn thì làm sao để mà sống, cơ thể lấy đâu ra sức chống chọi bệnh tật. Nhưng mới trải qua lần chết đi sống lại, ông Đãng thấy rằng, hình như mình không ăn, dù đói lả nhưng cơ thể lại bớt đi đau đớn.

Ông Vũ Văn Đãng: "Trong lần chết đi sống lại đó, tôi mới phát hiện ra phương pháp nhịn ăn để chữa ung thư rất phù hợp với mình" 

Lúc trời sáng hẳn, cô con dâu tiếp tục bê lên một bát cháo, tuy nhiên, mới ăn chưa được nửa bát, trong bụng ông đã cảm thấy rấm rứt khó chịu.

“Tôi sợ quá lại nhịn tiếp, chỉ dám uống tý nước lọc gọi là cầm hơi. Đêm nằm được chừng 3,4 tiếng là lại tỉnh, còn ban ngày không sao ngủ nổi. Đồng thời, tôi cứ thấy nóng nảy lan khắp toàn thân như rôm đốt, nước mũi tràn lan, hơi thở hôi thối, nổi mẩn ngứa ngoài da, nhức xương và các khớp, lúc nào cũng có cảm giác buồn nôn… Sau 4 ngày cơ thể tự dưng lại cảm thấy dễ chịu. Về sau đọc sách tôi mới hiểu đó là quá trình đào thải các độc tố trong cơ thể”, ông Đãng kể lại. 

Sau lần đó, ông ăn một nhúm cơm nhỏ, rồi lại tiếp tục nhịn. 3 ngày tiếp theo ông ăn tiếp một ít. Cứ lần lượt như vậy mặc cho cơ thể đói lả và cứ quắt queo dần.

Trong những ngày nằm trên giường bệnh, ông Đãng bảo con cháu đi khắp nơi, tìm bằng được những sách báo, tài liệu nói về cách nhịn ăn. Càng đọc, ông càng cảm thấy những lý giải của phương pháp này hoàn toàn phù hợp với tình trạng hiện tại, và bắt đầu có niềm tin rằng mình sẽ vượt qua được căn bệnh ung thư phổi.

Video 2 người Việt đầu tiên khỏi ung thư


Phương pháp thực dưỡng mà ông Đãng thực hành tên là Ohsawa (tên người sáng lập). Theo đó, nhịn ăn là hình thức giải phẫu không cần dao mổ. Những tế bào bệnh sẽ bị phân hủy trước tiên để lấy năng lượng cung cấp cho tế bào lành.

Các nhà sinh học đều thống nhất nhận định rằng, sự sinh trưởng bất thường của các u nhọt, ung bướu… là không cần thiết cho cơ thể, nên chúng không có đầy đủ cơ cấu tổ chức về thần kinh, khí huyết như các mô bình thường, chúng dễ bị phân hủy khi cần (kể cả các virus, vi khuẩn, ký sinh trùng). Do vậy, nhịn ăn có thể phân giải các khối u, ung bướu, cho nên nó là hình thức giải phẫu không cần dao mổ mà lại có nhiều ưu điểm hơn việc giải phẫu.

“Để theo đuổi phương pháp này, cần có lòng tin tuyệt đối và phải hiểu được cơ chế khoa học của nó. Qua sách báo, tôi đọc thấy nhiều người trên thế giới đã thực hiện thành công, đã tự chữa khỏi những bệnh nan y mà không cần dùng thuốc. Nếu không có lòng tin thì tốt nhất không nên thử thực hành nhịn ăn mà phí công vô ích, không mang lại kết quả”, ông Đãng khẳng định.

Ông bảo, để có thể theo đuổi phương pháp thực dưỡng này, cần kiên trì và tỉ mỉ đến mức tối đa 

Tầm 2 tháng sau, đến lúc cơ thể quen với việc thiếu đói triền miên, cũng là lúc ông Đãng có thể đi lại được. Ông ngồi lên bàn cân thì thấy mình nặng chỉ còn 39kg, cơ thể tưởng chừng như gió thổi bay. Bù lại, những cơn đau gần như mất hẳn, tinh thần lại sảng khoái hơn gấp nhiều lần.

Theo chỉ dẫn, thời điểm đó ông đã có thể bắt đầu tập ăn chay trở lại, nhưng cũng ăn cực ít, mỗi ngày chỉ chừng 2 nhúm gạo. Bên cạnh đó, chế độ ăn, ngủ, nghỉ cũng như vệ sinh thân thể được ông thực hiện một cách cẩn trọng, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Mỗi tháng, ông lại dành ra một vài ngày để nhịn ăn. Đã 10 năm rồi, ông chưa hề biết đến thịt cá, sữa.

Ông Đãng bảo, chính nhờ chế độ ăn uống cộng với tinh thần sống lạc quan mà sau lần bị viện K trả về chờ chết, ông vẫn sống sót cho đến tận hôm nay. Năm 2014, ông Đãng lên viện K Hà Nội kiểm tra lại, kết quả cho thấy khối u trong phổi đã co mất 50%. Khối u không thể phát triển cũng như không di căn được sang những bộ phận khác của cơ thể như trước nữa.
 
Kết quả lần khám lại năm 2014 cho thấy, khối u đã không còn di căn 

Nhìn vào chiếc cân tiểu ly dùng để đong thức ăn hàng ngày, tôi mới thấy được sự kiên trì hiếm có để chiến đấu với bệnh tật của ông giáo già. Với những trường hợp mắc bệnh ung thư tương tự, tôi nghĩ sẽ không có mấy người thực hiện được.

Tuy nhiên theo các chuyên gia ung bướu, để khẳng định thực dưỡng có thực sự chữa khỏi ung thư hay không cần phải có đánh giá cụ thể về nhiều mặt. Ví dụ như, trước đó bệnh nhân từng trải qua hóa trị, xạ trị, rồi sau đó mới sử dụng phương pháp này, hay là bệnh nhân chưa từng làm bất cứ điều gì mà chỉ áp dụng phương pháp thực dưỡng Ohsawa.

Một bác sĩ đầu ngành còn khẳng định: Thực tế, nhiều người mắc bệnh ung thư phổi vẫn chữa khỏi được. Nhiều người sau khi xạ trị vẫn sống được 10 năm hay lâu hơn nữa. Ngoài ra, việc người bệnh luôn có niềm tin, có quyết tâm sống, tinh thần lạc quan cũng là yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân có sức chiến đấu với bệnh tật và kéo dài tuổi thọ.

Còn tiếp…


Hải Minh
Bình luận
vtcnews.vn