10 điều đừng nên nói với con trẻ

Giáo dụcThứ Hai, 30/01/2012 06:01:00 +07:00

(VTC News) - Các bậc làm cha mẹ thường thốt ra những lời độc địa, thiếu tế nhị, thậm chí gây tổn thương con trẻ.

(VTC News) - Các bậc làm cha mẹ thường thốt ra những lời độc địa, thiếu tế nhị, thậm chí gây tổn thương con trẻ mà vẫn nghĩ con còn trẻ, chưa hiểu và vô hại.

Nhưng có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi khám phá ra rằng một số câu nói bề ngoài có vẻ như vô hại nhưng lại khiến con trẻ oán giận, bị tổn thương lòng tự trọng hoặc mang đến những cảm xúc trái ngược với mong muốn của trẻ. Đây là 10 câu nói bạn nên uốn lưỡi hai lần trước khi nói với con mình.

1. Thử cố thêm một lần nữa xem sao

Ảnh minh họa 

“Mẹ biết con có thể cố gắng hơn nữa”. Bạn thường tỏ vẻ bực bội như vậy vì biết khả năng về âm nhạc, thể thao… của con mình tốt hơn nhiều so với những gì bé thể hiện.

Tất cả các nhận xét biểu lộ sự không hài lòng của bạn với nỗ lực của con mình không những không thể giúp động viên trẻ cố gắng hơn mà còn mang đến những tác động ngược lại.

Khi bé làm chưa đạt yêu cầu, thay vì nói: "Con phải cố gắng hơn nữa" bạn hãy nói một cách rõ ràng hơn mong muốn của mình: “Dọn dẹp phòng xong, con có thể ra ngoài chơi."

2. Liên quan đến chuyện ăn uống

Con có chắc muốn ăn một chiếc bánh nhỏ nữa không? Tốt hơn hết bạn nên tránh xa những cuộc đối thoại có xu hướng cổ vũ cho việc ăn uống không điều độ của con mình. Bạn cũng không nên nói với con mình rằng chúng ăn rất giỏi.

Cũng không nên nói kiểu như: Thằng bé nhà tôi rất khảnh ăn bởi vì chắc chắn là bạn cũng không muốn biến chuyện ăn uống trở thành một cách thể hiện quyền lực. Thay vào đó, hãy đưa ra những nhận xét thật cụ thể và tích cực như: "Ồ, mẹ thấy con nên thử món súp bí!"

3. Con đã sai hoàn toàn rồi

Những câu nói như: “Sao con luôn… hoặc con không bao giờ… " sẽ ám ảnh con bạn đến tận cuối đời. Ví dụ nếu bạn bảo con mình rằng: Sao “lúc nào” con cũng quên gọi điện về thế? – thì có thể sẽ khiến cho con bạn càng đãng trí hơn nữa.

Thay vào đó hãy hỏi con bạn xem bạn phải làm thế nào để giúp con thay đổi: “Mẹ thấy hình như con rất hay quên mang sách giáo khoa về nhà. Bố mẹ có thể làm gì để giúp con không còn quên nữa?"

4. Chẳng vì một lí do gì hết

Mẹ bảo thì phải nghe. Câu nói kiểu này cho thấy quyền lực tập trung hết trong tay bạn và đồng thời bạn đang kìm hãm ý thức tự chủ đang phát triển và khả năng tự giải quyết khó khăn của con bạn.

Phải nói sao khi vào một ngày nắng đẹp con bạn không muốn đi thăm bà cô mà muốn ở nhà chơi hơn. Thay vì nói là “Mẹ bảo đi thì phải đi” hãy thử nói: “Mẹ biết con thích tập đi xe đạp hơn nhưng cô Clara thật sự rất muốn được gặp con và chúng ta hãy cố gắng hết sức để thể hiện sự tôn trọng của gia đình ta dành cho bà cô nhé."

5. Mẹ đã bảo con thế nào hả?

Đã nhiều lần bạn nói với con bạn rằng nếu cậu bé chơi điện tử cả buổi chiều thì sẽ không còn nhiều thời gian cho bài kiểm tra toán. Thử đoán xem chuyện gì sẽ xảy ra? Vì không chuẩn bị chu đáo, cậu bé đã làm bài kiểm tra không được tốt. Nhưng nếu bạn cứ đay nghiến: “Mẹ đã bảo rồi còn gì” khiến cho con bạn thấy bạn luôn luôn đúng và ngược lại con bạn luôn sai.

Thay vào đó hãy chỉ ra những kết quả tích cực cậu bé sẽ nhận được nếu biết nghe lời bạn. Khi cậu bé nghe lời bạn và dọn sạch phòng bạn hãy nói: "Dọn phòng gọn gàng ngăn nắp thì dễ dàng tìm đồ đạc hơn đúng không”. Cách nói này khiến cậu bé cảm thấy mình có quyền tự chủ và được khen ngợi hơn.

6. Con thật là giỏi

Con là cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất. Nếu bạn luôn ca ngợi con mình thông minh tài giỏi sẽ khiến con bạn sợ phải thử nghiệm những thứ mới mẻ, những công việc chứa đựng nhiều thách thức hơn vì sợ rằng mình sẽ không còn là người “thông minh, tài giỏi” như trước nữa nếu chỉ đạt điểm B thay vì điểm A.

Nếu con bạn đang nỗ lực đương đầu với công việc mà bạn lại nói: “Con rất thông minh” thì bạn sẽ nhận lại những kết quả ngược lại với sự mong đợi. Con bạn sẽ cảm thấy tồi tệ hơn vì mình đã không thể xuất sắc như bạn vẫn hằng tin tưởng.

Thay vì cứ ca ngợi sự tài giỏi của con mình bạn hãy tập trung nói vào công việc con bạn đang làm: “Hãy thể hiện hết những gì con đã tập luyện và cố gắng hết sức mình” hoặc “ Con đã làm dự án khoa học này rất tốt!"

7. Vỗ về

Con đừng lo- ngày đầu tiên đi học sẽ ổn thôi. Vỗ về động viên một đứa trẻ đang lo lắng để nó an tâm thì có gì sai? Nếu bạn bảo con mình đừng quá lo lắng vậy thì vô tình bạn đã chặn đứng cảm xúc của bé. Chính vì những lời vỗ về đó của bạn mà cho đến tận bây giờ cô bé vẫn đang lo lắng về ngày đầu tiên đi học, cô bé cũng sẽ thấy sợ vì bạn cứ phải quá lo lắng hoặc bối rối vì mình.

Những câu kiểu như "Đừng khóc" và "Đừng giận dữ" cũng vậy. Thay vào đó bạn hãy nói "Mẹ thấy con đang lo lắng. Con có thể nói cho mẹ nghe điều gì khiến con lo lắng nhất không, chúng ta sẽ cùng trò chuyện và tìm ra cách giải quyết nhé?"

8. Bạn bè xung quanh

Mẹ ước gì con đừng có chơi với Jack; Mẹ không thích cậu bé đó. Đúng vậy, nhiều bậc cha mẹ không thích bạn của con mình vì rất nhiều lí do nhưng khi bạn nói thẳng ra suy nghĩ đó của mình thì con bạn lại càng thấy người bạn đó hấp dẫn hơn.

Hãy giữ cho mối quan hệ giữa hai mẹ con thật cởi mở nhờ đó có thể thảo luận một cách thoải mái và hiệu quả hơn về các vấn đề như giá trị của cuộc sống hoặc những điều đúng, sai… Hãy hỏi con bạn những câu hỏi đầy gợi mở kiểu như "Chơi với bạn Jack có gì thú vị hả con, các con thường chơi trò gì?”

9. Đừng tự làm theo cách của mình

Không phải làm như thế, nhìn đây này. Bạn nhờ con bạn làm giúp việc gì đó nhưng con bạn làm không tốt lắm. Sẽ là không hay nếu bạn lại giành lấy tự mình làm công việc đó. Làm như vậy thật sai lầm vì con bạn sẽ không bao giờ học được cách làm thế nào cho đúng và có thể sẽ không muốn cố gắng làm việc gì khác nếu bạn nhờ.

Bạn hãy bước đến thể hiện một thái độ đầy hợp tác hơn là bác bỏ thẳng thừng cách làm của con bạn: “Đây để mẹ bày cho con mẹo gấp khăn tắm sao cho thật gọn mà bà đã dậy mẹ nhé!"

10. So sánh

Sao con không được như anh/hoặc chị con nhỉ? Sự đố kỵ và tình cảm anh em ruột thịt luôn song hành với nhau. Nếu bạn đưa ra bất cứ sự so sánh nào giữa những đứa con của mình thì chẳng khác nào thắp lên ngọn lửa đố kỵ vẫn luôn tiềm ẩn trong chúng.

So sánh anh chị em ruột với nhau chẳng khuyến khích trẻ cố gắng để giỏi được như anh chị em của chúng thêm chút nào. Thay vào đó cố gắng khuyến khích những đứa trẻ hãy cố gắng phát huy năng khiếu vốn có của mình và tránh việc so sánh chúng với anh/chị/em của mình.

Nguyễn Thúy Vinh (Theo Glo.msn)

 

Bình luận
vtcnews.vn