Hồ sơ Panama: Nhân viên ngân hàng Anh mở công ty giúp Triều Tiên buôn vũ khí

Thế giớiThứ Ba, 05/04/2016 11:28:00 +07:00

Tài liệu của Hồ sơ Panama đang tiếp tục gây chấn động với các thông tin liên quan tới các lĩnh vực bí ẩn nhất thế giới như quá trình buôn vũ khí của Triều Tiên.

(VTC News) - Tài liệu của Hồ sơ Panama đang tiếp tục gây chấn động với những thông tin liên quan tới các lĩnh vực bí ẩn nhất thế giới như quá trình buôn vũ khí của Triều Tiên.

Theo tài liệu trong Hồ sơ Panama, công ty của Nigel Cowie, một nhân viên ngân hàng Anh được cho là lập ra với mục đích mở rộng chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Nhân viên ngân hàng này đã sinh sống ở Triều Tiên 20 năm và thành lập công ty tài chính ở nước ngoài giúp Bình Nhưỡng bán vũ khí cũng như mở rộng chương trình hạt nhân của mình, The Guardian cho biết.
Nigel Cowie, người được cho là thành lập công ty hải ngoại giúp Triều Tiên buôn vũ khí
Nigel Cowie, người được cho là thành lập công ty hải ngoại giúp Triều Tiên buôn vũ khí 
Nigel Cowie, thông thạo cả tiếng Hàn lẫn tiếng Trung, được đào tạo ở Đại học Edinburgh được cho là đứng sau công ty tài chính DCB của Bình Nhưỡng, đăng ký kinh doanh tại quần đảo Virgin, thuộc Anh.

Sau khi những thông tin trên được tung ra trong bê bối Hồ sơ Panama, Cowie nói công ty của mình chỉ thực hiện những giao dịch hợp pháp và không vi phạm luật.

Cowie đến Triều Tiên năm 1995, khi đó người lãnh đạo là cố Chủ tịch Kim Jong-il và anh ta trở thành người chủ ngân hàng nước ngoài đầu tiên ở quốc gia bí ẩn này - Daedong Credit Bank.

Ban đầu, ngân hàng này có trụ sở bên trong một khách sạn cũ ở Bình Nhưỡng, nhân viên chỉ vỏn vẹn 3 người, đến năm 2006, Cowie đã trở thành một tập đoàn lớn ở Triều Tiên.
Ông Kim Jong-il, người lãnh đạo Triều Tiên cho đến năm 2001
Ông Kim Jong-il, người lãnh đạo Triều Tiên cho đến năm 2001 
Năm 2006, Triều Tiên thách thức các lệnh cấm vận bằng việc bắn 7 tên lửa đạn đạo trong tháng 7, đến tháng 10 cùng năm, nước này tổ chức thử nghiệm hạt nhân có kiểm soát.

Sau những động thái trên, Liên Hợp Quốc đã có hình thức trừng phạt với quốc gia này bằng cách đóng băng tài sản, cấm du lịch và trao đổi thương mại.

Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng cáo buộc 'từ năm 2006, Daedong và DCB đã làm nhiệm vụ thực hiện các giao dịch tài chính quốc tế và tránh sự giám sát của các tổ chức khi trao đổi thương mại với Triều Tiên'.

Video lật tẩy mánh khóe tài chính sau bê bối Hồ sơ Panama

Mãi đến năm 2010 chính quyền quần đảo British Virgin mới liên hệ với Mossack Fonseca, đặt câu hỏi về một công ty khác mà hãng luật này lập ra với các giám đốc là người Triều Tiên và Mossack Fonseca ngừng làm đại diện cho DCB Finance vào tháng 8/2010.

Năm 2013, các công ty của Cowie là Daedong và DCB bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt kèm cáo buộc cung cấp dịch vụ tài chính liên quan đến hoạt động vũ khí của Triều Tiên.

Tùng Đinh (theo The Guardian)
Bình luận
vtcnews.vn