Tàu ngầm Kilo Hà Nội phải đương đầu với điều gì?

Thế giớiThứ Ba, 31/12/2013 09:21:00 +07:00

(VTC News) - Thuyền trưởng tàu ngầm đầu tiên Việt Nam đưa ra nhận định về những khó khăn mà tàu Kilo gặp phải trong những cuộc đối đầu trên biển.

(VTC News) - Đại tá Phạm Tân - thuyền trưởng tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Việt Nam đã đưa ra nhận định về những khó khăn mà tàu Kilo gặp phải trong những cuộc đối đầu trên biển.

Nhân sự kiện Việt Nam chuẩn bị đón nhận tàu ngầm đầu tiên, Đại tá Phạm Tân trả lời phỏng vấn độc quyền của VTC News về khả năng hiệp đồng tác chiến với các lực lượng tàu nổi, máy bay của tàu ngầm Kilo, cũng như những khó khăn mà tàu sẽ gặp phải trong những cuộc đối đầu trên biển.

- Quá trình huấn luyện thủy thủ tàu ngầm của Nga và một số cường quốc Hải quân khác có gì đặc biệt, thưa ông?

Trước khi nhà nước quyết định mua tàu ngầm Nga cũng đã có tham khảo một số tàu của các nước khác. Tôi may mắn có mặt trong đoàn sang làm việc với các công ty tàu ngầm Đức, trong đó giáo trình và quy trình huấn luyện của họ cũng tương đương Nga.

đại tá phạm tân
Đại tá Phạm Tân - Ảnh: Tùng Đinh
Các nguyên tắc cơ bản vẫn là cách di chuyển tàu ngầm thuận theo điều kiện dòng nước và giữ cân bằng trong quá trình di chuyển.

Các phương thức phòng thủ, do thám hay tấn công gần như tương tự nhau, có khác thì chỉ là cách điều khiển các thiết bị trên tàu.
Nói về tác chiến tàu ngầm, gần như khi đối mặt dưới nước mà cả 2 bên đã thuộc bài nhau, vũ khí cũng gần như tương đương thì chiến trận khó nói trước kết quả.

Khi đó, thắng thua phụ thuộc vào kinh nghiệm, đầu óc và sự khéo léo của người thuyền trưởng cũng như kỷ luật, sự tinh nhuệ của kíp lái. 
Sức mạnh của thuyền trưởng và kíp lái sẽ giúp đưa tàu vào những vị trí đắc địa, vừa đảm bảo được khả năng tấn công, vừa có thể ẩn nấp, phòng thủ trước đối phương.

Vì vậy, gần như quá trình đào tạo chỉ là căn bản, sức mạnh tàu ngầm khi tác chiến phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người.
-  Xin ông cho biết khả năng hiệp đồng tác chiến giữa Kilo với các lực lượng tàu nổi, máy bay của ta sẽ như thế nào?
Do tính chất do thám và hoạt động độc lập nên quá trình hiệp đồng tác chiến giữa Kilo với các lực lượng khác sẽ do Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ huy. Khi đó, các lực lượng như tàu nổi, tên lửa trên bờ, không quân đánh biển và tàu ngầm sẽ được phân chia vào từng khu vực thích hợp đã chia từ trước.
Điều này sẽ tránh hiện tượng chồng chéo các lực lượng cũng như tránh trường hợp nhầm lẫn tàu. Sở dĩ có khả năng đó vì các tàu ngầm khi tác chiến chỉ quan sát tàu nổi qua các cảm biến, chứ không có hình ảnh rõ ràng. Nếu không phân chia cụ thể thì vẫn có thể xảy ra tình trạng ‘quân ta đánh quân mình’.
tàu ngầm kilo
Tàu ngầm Kilo đang trên đường về để gia nhập Hải quân Việt Nam 
Ngoài ra, do khả năng lặn sâu, lặn xa, các tàu ngầm có thể thoải mái tiếp cận, tấn công các nhóm tàu nổi của đối phương. Vì vậy, khi hiệp đồng tác chiến, cùng với tên lửa trên bờ, tàu ngầm Kilo sẽ đảm nhận nhiệm vụ đánh chặn từ xa.
- Ông đánh giá gì về ý kiến nói đến ‘sức mạnh Nga’ trên biển của Việt Nam khi Kilo kết hợp với một số tàu chiến, tàu tên lửa của Nga ta đã có hiện nay?
Không những Việt Nam, Trung Quốc cũng sử dụng rất nhiều trang thiết bị của Nga. Lý do là vì các tàu chiến Nga từ tàu nổi, tàu ngầm hay tàu sân bay đều có khả năng chiến đấu vượt trội mà trên thế giới chỉ có Mỹ mới có thể so sánh.
 

Khi hiệp đồng tác chiến, cùng với tên lửa trên bờ, tàu ngầm Kilo sẽ đảm nhận nhiệm vụ đánh chặn từ xa.
 
Sức mạnh Nga ở đây không chỉ là sức mạnh đơn thuần của vũ khí vì cơ bản, các tàu chiến hiện đại đều có cơ chế hoạt động tương tự nhau.

Sức mạnh ở đây chính là những thiết bị hỗ trợ như cầu cảng, xe hỗ trợ… đều có sự đồng nhất từ trước đến nay. 
Điều này sẽ giúp quân đội ta tiết kiệm rất nhiều chi phí trong quá trình sử dụng, bảo dưỡng hoặc nâng cấp sau này.
Đơn giản như thiết bị tiếp dầu cho các tàu chiến, nếu của Nga sản xuất thì cả tàu nổi và tàu ngầm đều cùng một kích thước, sử dụng hỗ trợ lẫn nhau được. Nhưng chỉ cần mua một loại tàu của nước khác sẽ kéo theo một loạt thiết bị hỗ trợ khác, sẽ rất tốn kém.
Một lý do nữa để Việt Nam tin dùng các sản phẩm của Nga là họ có khả năng làm chủ công nghệ của mình. Trong một con tàu, máy bay hay mọi thiết bị đều là tự sản xuất nên quá trình sửa chữa cũng đơn giản hơn.
Giả sử nếu mua tàu của Đức, có những bộ phận họ nhập khẩu chứ không sản xuất được, nếu có xảy ra hỏng hóc, cần thay thế thì quy trình sẽ phải liên quan đến nước thứ 3, sẽ phức tạp hơn rất nhiều.
Có thể ‘sức mạnh Nga’ được nhắc đến là để chỉ điều này.
tàu ngầm kilo
Tàu mẹ Rolldock Sea chở theo tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam 
- Khi tác chiến trên biển sự cố nào có khả năng uy hiếp tàu ngầm?
Có 2 khả năng sự cố có thể xảy ra với tàu ngầm, đó là khách quan và chủ quan. Về khách quan, khi tham chiến, các tàu nổi của đối phương sẽ tiếp cận, thả các loại mìn cảm biến cực nhạy, cả chìm và lơ lửng. 
Chỉ cần âm thanh, từ trường hay nhiệt độ thay đổi chút ít cũng có thể kích nổ, đây là mối nguy hiểm rất lớn của tàu ngầm.
Do đặc thù di chuyển, các tàu ngầm chỉ được bật cảm biến trong 1 khoảnh khắc để dò đường đi. Nếu thuyền trưởng và kíp lái không tỉnh táo thì sẽ trở thành mồi ngon cho các loại mìn này. 
Ngoài ra, để đối phó với các ‘thần chết im lặng’ này, tàu ngầm cũng cần đến sự hỗ trợ của các tàu quét mìn nổi.
Còn về tai nạn do chủ quan thì thường liên quan đến việc mất cân bằng của tàu. Như tôi đã nói, việc duy trì cân bằng dọc, ngang của tàu phải rất nghiêm ngặt, chỉ cần lơ là, xảy ra hiện tượng mất cân bằng xảy ra thì việc tàu cắm thẳng xuống đáy biển là điều dễ hiểu.
Ngoài các nguyên nhân trên thì khi di chuyển gần như tàu ngầm không có yếu tố nguy hiểm nào khác. Việc vỡ vỏ, nước xâm nhập là gần như không thể vì lớp vỏ của các tàu ngầm hiện nay rất vững chắc.

 

Khi gặp quá nhiều đối thủ, tàu ngầm sẽ phải di chuyển để tìm các bãi nằm, độ sâu ít để ‘án binh bất động’ chờ đội hình săn ngầm đi qua.
 
- Đối thủ lớn nhất của Kilo trên biển là gì, thưa ông?
Ngoài các cuộc đối đầu trực tiếp dưới biển phụ thuộc lớn vào tài năng của thuyền trưởng, còn lại tàu ngầm rất sợ các thiết bị săn ngầm của đối phương.
Đó có thể là tàu nổi mang tên lửa chống ngầm hay các loại máy bay do thám, trực thăng chống ngầm hiện đại của đối phương. 
Với tàu nổi thì dễ đối phó, còn không quân chống ngầm thực sự là đối thủ khó đối phó vì gần như rất khó để quan sát được chúng.
Trong quá trình đào tạo, các thuyền trưởng sẽ học được các di chuyển làm sao để lọt vào kẽ hở cảm biến của đội hình tàu nổi diệt ngầm.
Ngoài ra, khi gặp quá nhiều đối thủ, tàu ngầm sẽ phải di chuyển để tìm các bãi nằm, độ sâu ít để ‘án binh bất động’ chờ đội hình săn ngầm đi qua. 
Khi tác chiến trên biển, muốn tàu nổi để nạp ac-quy hay trao đổi không khí cho kíp lái, thường tàu ngầm phải lợi dụng đêm tối hoặc những hôm biển động mạnh, tàu nổi và không quân đối phương không hoạt động được.
Đối với tàu ngầm, ngoài các đối thủ trong quá trình hoạt động còn có 2 thời điểm rất nguy hiểm là khi ra khỏi hầm và trở về. 
Đây chính là lúc tàu chưa thể lặn sâu và rất dễ bị tấn công. Chính vì vậy, những thời điểm đó, tàu ngầm cần có sự hỗ trợ lớn từ mặt nước. 
Các tàu nổi sẽ do thám, cảnh giới cho tàu ngầm, tàu quét mìn sẽ rà soát để mở 'đường sạch' cho tàu ngầm di chuyển.

- Xin cảm ơn ông!

Vân Tuyền - Tùng Đinh (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn