Thế giới 24h: Lính Mỹ dùng ‘lửa địa ngục’ trên chiến trường

Thế giớiThứ Sáu, 27/12/2013 05:29:00 +07:00

(VTC News) - Mỹ bí mật đưa tên lửa, máy bay sang Iraq, truyền thông Trung Quốc đòi trả đũa Nhật Bản là những tin đáng chú ý ngày 27/12.

(VTC News) - Mỹ bí mật đưa tên lửa, máy bay sang Iraq, truyền thông Trung Quốc đòi trả đũa Nhật Bản là những tin đáng chú ý ngày 27/12.

Mỹ bí mật đưa tên lửa, máy bay sang Iraq

Mỹ đang chuyển hàng chục tên lửa Hellfire (lửa địa ngục) và máy bay do thám không người lái tới Iraq, với nỗ lực đánh bại sự lớn mạnh của quân nổi dậy liên quan tới Al Qaeda. 

Theo báo The New York Times, quyết định trên được đưa ra sau khi thủ tướng Iraq Nuri Kamal al-Maliki đề nghị Tổng thống Obama giúp đỡ trong một cuộc gặp ở Washington hồi tháng trước.
tên lửa hellfire
Hellfire là tên lửa đắt nhất thế giới 
Hai nhân viên tình báo và một sĩ quan quân đội Iraq cho biết, 75 tên lửa Hellfires đã đến Iraq vào ngày 19/12. Những tên lửa tiếp theo sẽ sớm được chuyển đến nước này. 
Một quan chức tình báo nói rằng, các tên lửa đã được chứng minh thành công và được sử dụng để tiêu diệt 4 trại quân sự.

Hiện nay, Hellfire được liệt vào danh sách những loại tên lửa đắt nhất thế giới với giá bán 68.000USD. Đây là tên lửa đa nhiệm vụ, đa mục tiêu, dẫn đường bằng laser, chủ yếu được trang bị trên các trực thăng Mỹ. Hellfire có thể chống lại xe tăng và các xe bọc thép. Loại tên lửa này được quân đội Mỹ sử dụng từ năm 1974.

Truyền thông Trung Quốc đòi trả đũa Nhật


Ngày 27/12, truyền thông Trung Quốc kêu gọi chính quyền nước này thực hiện các biện pháp trả đũa vụ Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến thăm đền Yasukuni gây tranh cãi.

“Mọi người đã ngán ngẩm với những tuyên bố vô ích như phản đối mạnh mẽ - Thời báo Hoàn Cầu lớn tiếng - Trung Quốc cần thực hiện những biện pháp trả đũa phù hợp, thậm chí hơi quá mức cũng được, nếu không sẽ bị xem là hổ giấy”.
đền Yasukuni
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại đền Yasukuni 
Tờ báo này đề xuất chính quyền Bắc Kinh cấm các quan chức cấp cao của Nhật từng đến đền Yasukuni thăm Trung Quốc trong vòng 5 năm. Trung Quốc nhật báo cho rằng việc ông Abe đến đền Yasukuni là “lời phỉ báng không thể tha thứ” đối với Trung Quốc và “đã đóng chặt cánh cửa đối thoại”.

Tờ Quân đội nhân dân giải phóng chỉ trích ông Abe “gây bất ổn trong khu vực” và cảnh báo “Trung Quốc có đủ năng lực để chấm dứt mọi hành vi khiêu khích quân sự”. Một khảo sát trên mạng xã hộiSina Weibo của Trung Quốc cho thấy 70% số người được hỏi ủng hộ việc tẩy chay hàng hóa của Nhật.

Putin: Nga đưa tổ hợp tên lửa thế hệ mới vào trực chiến


Phát biểu tại phiên họp chính phủ ngày 26/12, Tổng thống Nga Vladimir Putincho biết cách đây không lâu, Nga một lần nữa lại phóng thành công tên lửa thế hệ mới từ tàu ngầm hạt nhân và hiện đã đưa loại tên lửa này vào trực chiến.

Theo ông Putin, đây là một sự kiện lớn vì việc đưa tổ hợp tên lửa thế hệ mới này vào trực chiến sẽ nâng cao khả năng phòng thủ của Nga. Điều này cho thấy sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan chức năng hữu quan, đặc biệt trong việc bảo đảm đủ nguồn tài chính cho tổ hợp quốc phòng hoàn thành nhiệm vụ của mình.
tên lửa Yars
Bệ phóng tên lửa Yars được Nga triển khai hôm 23/12 tại Archangelsk  
Trước đó, Tư lệnh Binh chủng tên lửa chiến lược (RVSN) Nga Sergei Karakeyev cũng khẳng định nước này đang tiếp tục tái vũ trang cho RVSN tổ hợp tên lửa mới Yars, trong đó có loại đặt trên bệ phóng di động cho các sư đoàn Novosibirsk và Tagil, và loại phóng từ bệ phóng dưới hầm ngầm cho sư đoàn Kozel.

Tính đến cuối năm 2013, tổng cộng các sư đoàn này được trang bị 15 tổ hợp tên lửa xuyên lục địa hiện đại. Nếu phát huy được hiệu quả, năm tới Nga sẽ tiếp tục trang bị nhiều tổ hợp tên lửa mới cho lực lượng vũ trang.

Theo ông Karakeyev, năm 2014, Nga sẽ hoàn tất việc thử nghiệm loại tên lửa xuyên lục địa mới RS-26 có bệ phóng sử dụng năng lượng rắn, được thiết kế dựa trên nền tảng RS-24 Yars và dự kiến sẽ đưa vào trực chiến năm 2015.

Obama ký dự luật ngân sách 2.000 tỷ USD


Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua ký dự luật ngân sách liên bang hai năm sắp tới, tránh nguy cơ chính phủ phải đóng cửa trong tháng 1/2014.  Đây là kết quả của nhiều cuộc đàm phán giữa hai đảng Dân chủ, Cộng hòa, sau đó được cả Hạ viện cũng như Thượng viện thông qua hồi đầu tháng này.
 Barack Obama
Tổng thống Mỹ Barack Obama 
Theo đó, dự toán ngân sách của chính phủ Mỹ là hơn 1.000 tỷ USD cho mỗi năm 2014 và 2015, bù đắp số tiền 63 tỷ USD cắt giảm tự động trong ngân sách quân sự và chi tiêu nội địa. Việc dự luật ngân sách trên được thông qua đã giúp tránh nguy cơ tái diễn việc đóng cửa chính phủ Mỹ.

Tổng thống Obama hôm 25/12 cũng ký duyệt dự luật ủy quyền quốc phòng năm tài khóa 2014, với mức dự toán ngân sách đạt hơn 600 tỷ USD, bao gồm các khoản chi tiêu cơ bản và các hoạt động quân sự chống khủng bố. Ngân sách mới cũng bao gồm các khoản chi tiêu của bộ Năng lượng và các cơ quan khác, với những chương trình liên quan đến an ninh quốc gia.

Bán vũ khí cho Trung Quốc, quan chức Israel mất ghế


Tờ Evening News của Israel cho biết, sau khi Mỹ cực lực phản đối việc Israel bán các thiết bị quân sự trái phép cho Trung Quốc, Cục trưởng cục giám sát xuất khẩu vũ khí M.Shalita của Bộ Quốc phòng Israel đã phải tuyên bố từ chức.

Tuy Israel nói rằng các loại thiết bị này đã bán cho các công ty ở châu Âu, nhưng Mỹ thì cho rằng việc Israel bán các thiết bị nhạy cảm cho Trung Quốc là vi phạm cam kết của Israel đối với Mỹ.
UAV trinh sát Harpy Israel bán cho Trung Quốc 
Bài báo cũng cho biết, sau khi từ chức, ông Shalita đã sang Mỹ và gửi lời xin lỗi đến Washington về vụ việc này. Mỹ lo ngại rằng việc bán các trang bị quân sự và thiết bị điện tử tiên tiến cho Trung Quốc là rất nguy hiểm, chúng hoàn toàn có thể lọt vào tay Iran.

Các quan chức Mỹ đã yêu cầu phía Israel phải giải thích rõ tại sao lại bán các loại trang thiết bị vũ khí , kể cả tên lửa cho Trung Quốc.

Người phụ trách Bộ Quốc phòng Israel-Amos Yaron, cũng phải từ chức vì Mỹ phát hiện ra Israel đã lén bán các trang thiết bị để sản xuất máy bay không người lái cỡ nhỏ cho Trung Quốc.

Hàn Quốc lên án Triều Tiên “mê muội và thô lỗ"

Ngày 27/12, phản ứng lại lời lẽ thông điệp của Bình Nhưỡng gửi tổng thống Hàn Quốc một ngày trước đó,  Seoul lên án chính quyền Triều Tiên "mê muội và thô lỗ" khi lãnh đạo Triều Tiên hỏi thẳng Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye muốn "hòa bình hay xung đột?".

Hôm 25/12, thông qua KCNA, Ủy ban đặc trách quan hệ liên Triều của Bình Nhưỡng gọi đích danh Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye và hỏi thẳng bà muốn gì, muốn hòa bình hay xung đột? Theo phân tích của bộ Thống nhất Hàn Quốc thì Bình Nhưỡng sử dụng lời lẽ "thô lỗ" như trên để đánh lạc hướng công luận quốc tế hầu che dấu tình trạng "rối ren trong nội bộ" sau vụ hành quyết chú dượng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhân vật số hai của chế độ Triều Tiên vào ngày 12/.12 vừa qua.
park geun hye
Chính quyền tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị chỉ trích  
Cùng ngày 27.12, một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho hay trước đó một ngày, Triều Tiên đã gửi danh sách 5 quan chức của mình cho phía Hàn Quốc để tham gia thiết lập một ban xử lý các tranh chấp trong khu công nghiệp chung liên Triều Kaesong.

Được biết, hiện Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn duy trì hoạt động tại khu công nghiệp chung Kaesong - biểu tượng hợp tác kinh tế duy nhất hiện nay giữa hai miền. Có hơn 44.000 lao động Triều Tiên làm việc cho 120 công ty Hàn Quốc hoạt động tại khu công nghiệp này. Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng giữa Seoul và Bình Nhưỡng từng khiến khu công nghiệp này bị đóng cửa trong khoảng 5 tháng kể từ tháng 4.2013.

Trung Quốc tuyên bố theo dõi hiệu quả ADIZ


Hôm 26/12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố theo dõi rất chặt chẽ và hiệu quả vùng nhận diện phòng không (ADIZ) do nước này thiết lập trên biển Hoa Đông.
tiền lợi hoa
Chủ nhiệm văn phòng ngoại giao thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc
- tướng Tiền Lợi Hoa
 
Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cho biết Bắc Kinh đã ngăn chặn khoảng 800 máy bay chiến đấu bay vào vùng ADIZ từ ngày 23/11 đến ngày 22/12. Cùng thời gian này, đã có 56 hãng hàng không ở 23 quốc gia thông báo cho Trung Quốc khoảng 21.475 chuyến bay có lịch trình bay ngang khu ADIZ này. Bắc Kinh cũng đã triển khai tổng cộng 87 chuyến bay, bao gồm máy bay tuần tra, máy bay cảnh báo và máy bay chiến đấu đến tuần tra ở khu vực trên.

Ông Cảnh Nhạn Sinh cáo buộc những căng thẳng hiện nay trên biển Hoa Đông là do Nhật Bản gây nên. “Nhật Bản sẽ chịu mọi hậu quả về việc này” - Tân Hoa xã dẫn lời ông Cảnh.

Mỹ sắp di dời căn cứ quân sự ở Okinawa


Truyền thông Nhật Bản hôm nay cho biết, Thống đốc Okinawa, ông Hirokazu Nakaima đã có văn bản cho phép quân đội Mỹ xây dựng căn cứ mới ở phía bắc Okinawa, tại khu vực mới gọi là trại Schwab-Henoko bên bờ vịnh Henoko, rộng 160 ha. Căn cứ này sẽ thay thế căn cứ Thủy quân Lục chiến cũ của Mỹ ở Futenma, Okinawa.
Một máy bay cất cánh ở căn cứ quân sự Mỹ trên Okinawa 
Việc di dời căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa là chủ đề tranh cãi hàng chục năm nay. Dân cư trên đảo thường xuyên biểu tình phản đối lính Mỹ gây bất ổn trên đảo.

Tùy Phong (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn