Nhân viên chính phủ Mỹ cũng bị chậm lương

Thế giớiThứ Ba, 01/10/2013 03:49:00 +07:00

(VTC News) – Việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa cách đây vài giờ đã gây ra nhiều tác động tiêu cực tới tình hình kinh tễ, xã hội nước này.

(VTC News) – Việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa khi Nhà Trắng và các nghị sĩ đảng Cộng hòa không thể đi đến thỏa thuận ngân sách đã gây ra nhiều tác động tiêu cực tới tình hình kinh tễ, xã hội nước này.

Chính phủ Mỹ đã chính thức đóng cửa lúc 0h01 ngày 1/10 (theo giờ Washington) sau khi Hạ viện không thông qua ngân sách hoạt động cho năm tới.

Theo đó, cuộc sống, công việc của hàng trăm ngàn người sẽ bị ảnh hưởng, cùng với nhiều vấn đề khác liên quan đến kinh tế, xã hội khác, có thể kể đến:

Các nhân viên liên bang sẽ được phân thành hai loại, "cần thiết" hoặc "không cần thiết”, khoảng 800 ngàn công chức, trong đó một nửa là nhân viên Bộ Quốc phòng sẽ phải nghỉ việc không lương.

chính phủ Mỹ đóng cửa
Chính phủ Mỹ tuyên bố đóng cửa lúc 0h01 ngày 1/10 (giờ địa phương) 
Các nhân viên được vào loại “cần thiết” sẽ tiếp tục làm việc nhưng có thể bị chậm phát lương. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA sẽ cho nghỉ việc gần như toàn bộ nhân viên.

Việc duyệt thị thực và hộ chiếu sẽ bị ngừng lại, giống như lần đóng cửa năm 1995, ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành du lịch và vận tải của nền kinh tế.Trong khi chính phủ ngừng hoạt động, tất cả các công viên quốc gia, bảo tàng, công trình kỷ niệm sẽ phải đóng cửa.

Đồng thời, theo dự đoán của hãng nghiên cứu IHS, nền kinh tế số một thế giới sẽ bị thiệt hại ít nhất 300 triệu USD mỗi ngày do sản lượng kinh tế sụt giảm.

Thực chất, đây cũng chỉ là một phần nhỏ với nền kinh tế 15.700 tỷ USD. Tuy nhiên, ảnh hưởng này sẽ gia tăng nếu tình trạng đóng cửa kéo dài, khiến niềm tin và chi tiêu của các doanh nghiệp, người tiêu dùng suy giảm.
Obama
Tổng thống Mỹ Obama 
Trước đó vài giờ, Tổng thống Obama vẫn khẳng định nguy cơ các cơ quan chính phủ phải đóng cửa là ‘hoàn toàn có thể tránh được’. Ông Obama đã chỉ trích những người đảng Cộng hòa là muốn lặp lại kỳ bầu cử trước khi họ tìm cách gắn kết ngân sách với chính sách y tế của ông.

Chính sách y tế của Tổng thống Barack Obama (Obamacare) là một trong những điểm tranh cãi chủ chốt giữa hai Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.

Tổng thống Obama và các nghị sỹ Dân chủ trong Thượng viện đã cam kết sẽ bác bất cứ dự luật nào đụng đến Obamacare mà Hạ viện do phe Cộng hòa chi phối đưa ra.

Trong khi đó, các dân biểu Cộng hòa ở Hạ viện cũng như ở Thượng viện đã yêu cầu rút lại đạo luật này hoặc bãi bỏ điều khoản về ngân sách. Khi đó họ mới thông qua ngân sách cho hoạt động của chính phủ.
chính phủ Mỹ đóng cửa
Lịch sử Mỹ chứng kiến 17 lần Chính phủ phải tạm ngưng hoạt động 
Khi đối diện với nguy cơ sắp sửa đóng cửa Chính phủ, ông Obama nói rằng điều này sẽ gây tác hại cho sự phục hồi kinh tế của Mỹ, ‘có tác động kinh tế thật sự lên người dân ngay tức thì’. Tổng thống Mỹ lên án: “Việc đe dọa những tiến bộ mà phải khó khăn lắm người dân Mỹ mới đạt được là đỉnh cao của sự vô trách nhiệm,” ông lên án.

Các cuộc thăm dò cho thấy người Mỹ có những quan ngại sâu sắc về chương trình Obamacare, nhưng họ không ủng hộ việc đóng cửa chính phủ.

Lịch sử nước Mỹ đã 17 chứng kiến sự ngừng hoạt động của Chính phủ, bắt đầu từ năm 1976. Hai lần đóng cửa gần đây nhất là vào tháng 11/1995 (kéo dài 6 ngày) và tháng 12/1995 (kéo dài 21 ngày).

Các nghị sĩ đảng Cộng hòa dự đoán, lần này việc chính phủ ngừng hoạt động sẽ kéo dài ít nhất một tuần.

Tùy Phong(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn