Trung Nam Hải, Mig Liên Xô và chiến tranh Triều Tiên

Thế giớiThứ Hai, 23/09/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Những mật lệnh được ban ra từ Trung Nam Hải cùng sự góp mặt của chiến đấu cơ Mig Liên Xô góp phần thay đổi cục diện chiến tranh Triều Tiên.

(VTC News) - Những mật lệnh được ban ra từ Trung Nam Hải cùng sự góp mặt của chiến đấu cơ Mig Liên Xô góp phần thay đổi cục diện chiến tranh Triều Tiên.

Trong phòng làm việc của Mao Trạch Đông tại Trung Nam Hải, tình báo không quân chuyển đến tập tài liệu tổng kết tình hình tham chiến tại Triều Tiên. Ít ngày sau, một mệnh lệnh tối cao được đích thân Mao Trạch Đông gửi tới Chí nguyện quân.

Mật lệnh


Trước sự thắng thế của không quân Trung Quốc dựa trên sự chi viện đắc lực đến từ những máy bay Mig huyền thoại Liên Xô, Mao Trạch Đông đích thân chỉ thị Chí nguyện quân: “Chiến tranh Triều Tiên không còn diễn ra lâu nữa. Trong thời gian còn lại, không quân Trung Quốc nhất định phải tận dụng tối đa cơ hội thực chiến để rèn luyện bản lĩnh chiến đấu, tích lũy kinh nghiệm”.

chiến tranh triều tiên
Bức ảnh tái hiện cuộc giao chiến khốc liệt giữa các bên trong chiến tranh Triều Tiên 

Điều này được coi là mật lệnh của Mao Trạch Đông với Chí nguyện quân. Nhân dân nhật báo Trung Quốc cho biết, thực hiện lệnh được ban ra từ Trung Nam Hải, nước này chi tới 5,31% ngân sách toàn quốc để mua máy bay Mig-15.

Trong khi đó, trên chiến trường, các phi công và chiến đấu cơ Trung Quốc liên tục được huy động tham gia chiến đấu với những đối thủ đến từ Mỹ và liên quân.

"Không trung ma nữ"

Năm 1952, cuộc chiến Triều Tiên trở nên ác liệt hơn bao giờ hết khi quân đội hai bên giành giật từng tấc đất quanh khu vực vĩ tuyến 38, nơi sau này là biên giới phân định Triều Tiên - Hàn Quốc.
không quân Trung Quốc
Không quân Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên 

Binh lính Triều Tiên và Chí nguyện quân Trung Quốc gần như không thể đẩy lui đối phương ra xa vĩ tuyến 38 trước sức kháng cự quá mạnh và ưu thế vũ khí nghiêng về liên quân Mỹ.

Nhân dân nhật báo cho biết, trước tình hình đó, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành gửi thư cho Chủ tịch Mao Trạch Đông, đề nghị không quân Trung Quốc oanh tạc Seoul – lúc đó là căn cứ có hỏa lực đáng kể nhất của liên quân Mỹ - Hàn.

Từ phòng làm việc tại Trung Nam Hải, mật lệnh được Mao Trạch Đông gửi đến Chí nguyện quân: Bí mật oanh kích Seoul, an toàn trở về.

Nhận được lệnh từ Chủ tịch Mao và Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Chí nguyện quân cùng quân đội Triều Tiên họp bàn và quyết định đưa ra phương án được cho là cực mạo hiểm: Dùng nữ phi công lái máy bay Po-2 oanh tạc Seoul.

Po-2 là máy bay cánh quạt với trần bay thấp, cánh gỗ nên sẽ gần như “tàng hình” trước hệ thống radar tân tiến nhất của liên quân Mỹ thời đó. Còn nếu sử dụng các máy bay hiện đại như Mig thì liên quân Trung - Triều gần như không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ do lưới lửa phòng không dày đặc cùng số lượng máy bay chiến đấu lớn hơn nhiều của phía đối phương.

Nữ phi công Kim Thuận Tử (tên theo tiếng Trung Quốc) mới 18 tuổi người Triều Tiên được lựa chọn cho nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Kim sau này được báo chí Trung Quốc và Triều Tiên gọi là “không trung ma nữ”, giống như nữ phi công Liên Xô trong thời thế chiến thứ 2.

Để bảo vệ Kim trở về căn cứ an toàn, hai chiếc Mig do những phi công tinh nhuệ nhất Trung Quốc bay cảnh giới bên ngoài, sẵn sàng bắn hạ máy bay Mỹ - Hàn đuổi theo.

Một chiều muộn những ngày cuối năm 1953, Kim Thuận Tử lái chiếc Po-2 cánh gỗ bay dọc theo các hẻm núi tới không phận Seoul. Theo đúng kế hoạch, Kim cắt hai quả bom trúng văn phòng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.
Trung Nam Hải
Nhiều quyết sách chiến lược trong chiến tranh Triều Tiên xuất phát từ Trung Nam Hải 

Trong màn khói lửa dày đặc, Kim bay trở lại căn cứ ở Triều Tiên với sự hộ tống của những phi công lái Mig người Trung Quốc.

Tài liệu của tình báo Trung Quốc nói Tư lệnh không quân Mỹ ở chiến tranh Triều Tiên khi đó đã đập bàn quát tháo bộ phận phụ trách radar và máy bay chiến đấu: “Seoul bị oanh tạc là nỗi nhục của không quân Mỹ”.

Nhận định đây là kế dụ địch của không quân Trung – Triều, chỉ huy quân đội Mỹ cấm máy bay chiến đấu xuất kích trong vòng 1 tuần nếu không có lệnh từ chỉ huy cấp Tư lệnh.

Hành lang Mig Liên Xô

Nhận định tầm quan trọng của không quân trong chiến tranh Triều Tiên, lãnh đạo Bắc Kinh và Bình Nhưỡng nhiều lần điện đàm bàn cách phối hợp không chiến.

Ngày 16/11/1950, sau những cuộc điện đàm giữa Mao Trạch Đông từ Trung Nam Hải và Stalin ở điện Kremlin và lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành, một quyết định mang tính chiến lược được đưa ra: Chu Ân Lai sẽ là chỉ huy toàn bộ lực lượng không quân Trung Quốc, Triều Tiên và Liên Xô trong cuộc chiến liên Triều.
chiến tranh Triều Tiên
Cuộc chiến tranh liên Triều năm 1950 - 1953 diễn ra khốc liệt 

Năm 1952, khi Mỹ quyết định mở chiến dịch nhằm “bóp nghẹt” đường vận chuyển vũ khí đạn dược từ Trung Quốc sang Triều Tiên bằng cách sử dụng chiến đấu cơ oanh tạc bất kể đêm ngày.

Báo chí Trung Quốc nói Chu Ân Lai đã nhiều lần đích thân chỉ huy không quân với sự tham chiến chủ yếu của Trung Quốc lập ra “hành lang Mig” để bảo vệ đường vận chuyển chiến lược. Những chiếc Mig Liên Xô với ưu thế vượt trội thời đó được coi là nỗi khiếp đảm của không quân Mỹ.

Theo thống kê, Trung Quốc đã điều động 5 sư đoàn không quân, giao chiến ác liệt với các chiến đấu cơ Mỹ để bảo vệ đường giao thông của Triều Tiên.

Các số liệu của Mỹ sau này nói Mig-15 do Liên Xô sản xuất là một trong những vũ khí đáng gờm nhất trong chiến tranh Triều Tiên. Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, nó vượt trội hơn tất cả các máy bay tiêm kích cánh thẳng khác của Mỹ.

Thương vong

Cuộc chiến Triều Tiên được đánh dấu bằng những bước ngoặt bất ngờ của lịch sử và số thương vong khổng lồ.

Theo các số liệu còn chưa thống nhất trong giới sử gia phương Tây, ít nhất 2 triệu dân thường và 1,5 triệu lính Triều Tiên thiệt mạng; số lính Mỹ chết trong trận chiến là 30.000, còn quân đội Hàn Quốc mất 400.000 người. Những số liệu khác, từ tài liệu của Triều Tiên, cho rằng có 405.490 quân Mỹ chết.
liên quân Mỹ Hàn
Binh lính Hàn Quốc và liên quân Mỹ đối đầu lính Triều Tiên và Chí nguyện quân Trung Quốc 

Trong phần lớn thời gian chiến tranh diễn ra, hai bên từng tìm cách đàm phán hòa bình vài lần. Khi thỏa thuận ngừng bắn được ký vào ngày 27/7/1953, không ai có thể tưởng tượng được rằng tròn 60 năm sau đó, bán đảo Triều Tiên, về danh nghĩa, vẫn ở trong tình trạng chiến tranh. Hai miền không đạt được hiệp ước hòa bình và khu vực biên giới vẫn dày đặc mìn, pháo và binh sĩ.

Huyền Lê (Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn