Mỹ chống lưng để Nhật phát triển vũ khí hạt nhân?

Thế giớiThứ Hai, 06/05/2013 07:16:00 +07:00

Mỹ sẽ hậu thuẫn cho Nhật Bản từ bỏ 3 nguyên tắc phi hạt nhân để chế tạo vũ khí sát thương hàng loạt này nhằm ngăn chặn Trung Quốc.

Một nghiên cứu của Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie (Carnegie Endowment for International Peace) của Mỹ cho biết, trong tình huống xấu nhất, để bảo vệ địa vị thống trị của mình ở châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ sẽ hậu thuẫn cho Nhật Bản từ bỏ 3 nguyên tắc phi hạt nhân để chế tạo loại vũ khí sát thương hàng loạt này nhằm ngăn chặn Trung Quốc.

Vừa qua, trang Web của Đài truyền hình New Dehli (NDTV) của Ấn Độ đã đăng tải một công trình nghiên cứu của Quỹ đầu tư Hòa bình quốc tế Carnegie của Mỹ.

Bài viết thể hiện, tuy Trung Quốc đã nỗ lực tránh xảy ra xung đột quân sự trực tiếp với Hoa Kỳ, nhưng thực lực kinh tế và quân sự Trung Quốc càng ngày càng mạnh đã đe dọa đến địa vị bá chủ của Mỹ ở khu vực Đông Á.

Mỹ sẽ hậu thuẫn cho Nhật phát triển vũ khí hạt nhân? (Ảnh minh họa) 

Công trình nghiên cứu này cho thấy, trong vòng 20 năm nữa, Trung Quốc sẽ rút ngắn khoảng cách thực lực quân sự với Mỹ, ví dụ như trong công nghiệp chế tạo hàng không mẫu hạm và máy bay không người lái...

Tuy vậy, xét đến mức độ phụ thuộc lẫn nhau trong lĩnh vực kinh tế giữa Mỹ với Trung Quốc và giữa họ với các quốc gia khác ở châu Á, hiện nay Trung Quốc không thể đối đầu trực tiếp về quân sự với Mỹ.

Tuy vậy, sự quật khởi của Trung Quốc khiến cho sự thống trị lâu dài của Mỹ ở châu Á bị lung lay. Một chuyên gia về chính sách quốc phòng Trung Quốc của Mỹ, trực tiếp tham gia công trình nghiên cứu là ông Michael D. Swaine lo lắng: “Chúng ta muốn biết, liệu Hoa Kỳ sẽ đối phó thế nào với tình hình mới ở khu vực Đông Á trong tương lai. Đến lúc đó liệu người Mỹ có còn tung hoành ở tây Thái Bình Dương như hiện nay hay không? Hoa Kỳ cần phải nhanh chóng xem xét một chiến lược thay thế”.

Đối với hình thái khu vực Đông Á trong tương lai, công trình nghiên cứu này nhận định: “Viễn cảnh dễ xảy ra nhất là sự "cân bằng có tính xói mòn"”.

Trong tương lai, tranh chấp Senkaku sẽ ngày càng quyết liệt? 

Cụ thể là, tuy Mỹ vẫn giữ địa vị bá chủ trong vài chục năm nữa, nhưng thực lực kinh tế và quân sự Trung Quốc càng ngày càng mạnh, sẽ dần dần làm suy yếu địa vị chủ đạo của Mỹ tại khu vực này, tình thế này sẽ diễn ra trong thời gian rất dài.

Ngoài ra, một thách thức mà Đông Á có thể sẽ phải đối mặt trong tương lai là sự tích tụ các mâu thuẫn nhỏ sẽ dẫn đến các mâu thuẫn lớn, ví dụ như tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ càng ngày càng căng thẳng.

Công trình nghiên cứu trên cho biết, có thể nhận thấy là trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ không đi theo vết xe đổ của Liên Xô cũ để biến mình thành địch thủ lớn nhất của Mỹ trên phạm vi toàn cầu.

Nguyên nhân cơ bản nằm ở chỗ, trong vài chục năm tới Trung Quốc sẽ chỉ quan tâm giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia lân bang và thu hồi Đài Loan, thống nhất đất nước, tiến tới xây dựng địa vị bá chủ của họ trong khu vực nên họ sẽ tránh đối đầu trực diện với Mỹ.

Tuy vậy, trong tương lai xa hơn, sau khi đã hoàn tất các mục tiêu trước mắt về tranh đoạt lãnh thổ và thống nhất đất nước, chắc chắn là Trung Quốc sẽ quay sang bành trướng thế lực và coi Mỹ là đối thủ lớn nhất trên toàn cầu. Nếu Mỹ không ra tay sớm, lúc đó có thể đã quá muộn.

Vì vậy, hiện nay Mỹ vẫn xem sự quật khởi của Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng. Trong tình hình phải cắt giảm dự toán ngân sách, Chính phủ Mỹ vẫn tăng cường chi tiêu quân sự cho lực lượng Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Á, kiên quyết duy trì địa vị bá chủ về quân sự tại khu vực này.

Công trình nghiên cứu này còn khẳng định, trong tình huống xấu nhất, để bảo vệ địa vị thống trị của mình ở châu Á - Thái Bình Dương, Washington sẽ hậu thuẫn cho Tokyo tiến hành các hành động quyết liệt hơn, ví dụ như cố ý gây khó dễ cho Bắc Kinh, thậm chí là từ bỏ 3 nguyên tắc phi hạt nhân để chế tạo loại vũ khí kinh khủng này nhằm áp chế Trung Quốc.

Theo Nguyễn Ngọc/An ninh thủ đô
Bình luận
vtcnews.vn